Bản vẫn vậy, chỉ một vài thay đổi

Nhóm dân cư Khe Nóng, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, mùa thu năm 2024.

Lần đầu tôi đến Khe Nóng năm 2008 khi đang là gã sinh viên trường văn đi viết báo. Mưu sinh bằng nghề báo là cái nghiệp cứ đeo đẳng tôi gần 20 năm nay. Khi đó Khe Nóng có điểm trường tiểu học, mầm non và tổ công tác của Đồn biên phòng Châu Khê, huyện Con Cuông. Gã bạn cùng làng vừa ra ttrường đang chờ việc nói để tao chở đi. Ngày đó tôi chưa cầm đến chiếc xe máy nào cũng chẳng biết chân phanh, chân số cái nào bên phải. Khi ở Hà Nội, tôi di chuyển chủ yếu bằng xe buýt, xe đạp.

Khe Nóng thôi thúc tôi đi. Gã trai 25 tuổi lớn lên học trường huyện xong về ở rẫy rồi ra thẳng Hà Nội học chưa biết đến thành phố Vinh tỉnh lị quê nhà. Khe Nóng chỉ cách làng tôi chừng ba chục cây số mà nghe tên thấy xa vời vợi. Tôi chỉ biết ở đó có một cộng đồng thiểu số mà cư dân bản địa thường gọi họ bằng cái tên gợi lên một nỗi buồn xa vắng, hiu hắt. Sau này, tôi biết đó là cộng đồng Đan Lai sinh sống ở các xã Châu Khê, Môn Sơn. Về sau, họ còn chuyển đến xã Thạch Ngàn theo dự án di dân của Chính phủ Việt Nam thời đó.

Trước chuyến đi đó, tôi có đạp xe đến cộng đồng người Đan Lai ở bản Khe Bu, xã Châu Khê. Chiếc xe Thống Nhất từ thời học sinh về sau cứ mỗi dịp nghỉ hè lại cõng tôi đi khắp huyện Con Cuông viết báo. Chuyến đó tôi viết về cuộc sống ở Khe Bu, bản nhiều người Đan Lai sinh sống nhất ở Con Cuông. Dân bản lạ lẫm với một gã trai đạp xe mang theo chiếc máy ảnh. Nhưng rồi họ cũng cho tôi hay Khe Bu vẫn có nhà giàu, hộ khá, Khe Nóng mới là nơi khó khăn nhất ở xã biên giới Châu Khê.

Không lâu sau chuyến đi đầu tiên đó, tôi trở lại Châu Khê, vào Khe Nóng. Lần này, ngoài gã bạn nhiệt thành còn một người chuyên chạy xe ôm tình nguyện dẫn đường. Tôi lội khe, tắm suối, theo những sơn tràng lên núi hái măng và ngủ lại căn chòi cạnh ruộng lúa của ông La Văn Linh già nhất bản nay đã là người thiên cổ. Cũng như bao chuyến đi núi khác, tôi viết về cuộc sống dạy học của các thầy cô cắm bản. Thêm chuyện thiếu phụ 17 tuổi bụng bầu vượt mặt vẫn lên núi hái măng. Ông lão Linh khi đó ngoài 70 nước da đỏ au, dáng bước chắc nịch, lội khe phăm phắm. Khi khách lạ vào nhà, một thiếu nữ trong bản cũng rót nước mời, mở đài cassette cho nghe rồi vào gian trong ôm cột nhà tụt xuống sàn trốn sang hàng xóm để mặc hai gã trai trong căn nhà sàn.

Những kỷ niệm đầu của tôi với Khe Nóng, một nhóm dân cư người Đan Lai giữa đại ngàn Con Cuông thật đẹp, dẫu còn đó một điều tréo ngoe. Họ sinh sống ổn định từ những năm 1960 nhưng đến giờ vẫn chưa được gọi là bản. Từ năm 2012, tôi trở lại Khe Nóng nhiều hơn nhưng cuộc sống vẫn vậy. Đó là một vài điểm dân cư hẻo lánh nhất ở Con Cuông mà đến giờ, đại bộ phận người dân vẫn chủ yếu hái lượm rau măng, lâm sản phụ.

Tên gọi của ngôi làng có 50 hộ dân này lấy theo tên con suối chảy ngang qua đây. Người Thái là cộng đồng đông đúc nhất ở địa phương gọi là Huồi Noòng hoặc Huồi Noóng tùy cách phát âm của các nhóm người Thái địa phương. Noòng là tên một loài cây rừng cũng khá phổ biến trong văn hóa người Thái. Nhựa cây từng được người xưa dùng để chế mũi tên độc. Cái tên Khe Nóng là cách gọi cho dễ phát âm đã trở nên phổ biến với người địa phương. Dù dễ gọi hơn nhưng nghĩa của nó lại trở nên xa lạ. Người miền xuôi cũng gọi thế. Huồi là suối, khe; nóng trái với lạnh thế nên có bà lão giải thích rằng ở đây gọi là nóng nhưng quanh năm lạnh. Lạnh lẽo, lạnh nhạt, lạnh lùng. Cuộc đời đại đa số người dân cũng lạnh lùng, lạnh lẽo, lạnh nhạt như thế. Bao đời nay người ta vẫn hái măng, săn thú, đốn gỗ, chỉ có vậy thôi.

***

Những thửa ruộng ít ỏi của người dân Khe Nóng

Một trận mưa rừng kéo đến khi chúng tôi vừa vượt qua khúc suối đầu tiên để vào Khe Nóng. Tôi còn đang tính xem sẽ tìm chỗ trú ở đâu thì trời tạnh ráo. Một người thợ rừng mặc áo màu xanh lá xuất hiện. Tôi nhận ra màu áo của công nhân lâm trường. Anh ta nhìn thoáng qua hai người lạ rồi lủi đi cũng chóng vánh như khi xuất hiện. Lúc này nắng đã trở lại vàng vọt và điềm nhiên như những khoảng rừng. Tôi biết mình còn phải qua hai quãng suối nữa khá vất vả nên chỉ lầm lũi đẩy xe đi. Qua quãng suối thứ hai, chiếc xe Win – một thương hiệu đến từ Indonensia khựng lại rồi đổ kềnh. Tôi đâm hoảng cho số phận máy móc nhiếp ảnh của người bạn đồng hành – một anh chàng phóng viên báo tỉnh. May thay, chiếc ba lô chống nước đã cứu được một mớ máy ảnh, ống kính, micro, đèn đóm, sạc pin mà anh ta mang theo. Tôi thở ra nhẹ nhõm khi biết đã qua được đoạn đường khó khăn nhất. Một con đường bê tông hiện ra. Đây là dấu hiệu mới trên còn đường vào Khe Nóng. Chỉ sau vài phút chạy xe, ngôi nhà đầu tiên đã hiện ra. Trên những thửa ruộng ven lối vào bản xuất hiện vài người làm cỏ. Có chiếc xe máy chở theo một thanh niên nhuộm tóc vàng hoe chạy như bay theo hướng ngược chiều. Tôi lấy làm thú vị bởi cảnh này vì chỉ ba năm về trước quãng đường này vẫn ngập ngụa bùn đất, giờ người ta có thể phóng xe máy với tốc độ như vậy.

Ngoài con đường bê tông trong bản xuất hiện thêm vài ngôi nhà gỗ bề thế lợp tôn đỏ xanh, lợp lá cọ, những ngôi nhà của người kinh doanh nhỏ lẻ, buôn keo, buôn măng và lâm sản phụ, chủ yếu từ nơi khác đến rồi ở lại lâu dài. Điện lưới quốc gia cũng đã đến nơi. Có hai hiệu tạp hóa của dân bản. Tôi tìm đến nhà của cụm trưởng nhưng ông đi vắng. Không chỉ cụm trưởng đi vắng mà hầu hết người còn sức lao động giờ ấy đều đang trên rừng ngoài ruộng.

Đang mùa măng mà. Một người phụ nữ dáng thấp bé nói với qua hàng rào tre khi tôi cất tiếng chào và hỏi thăm nhà cụm trưởng. Chị Lai không chịu nói họ gì nhưng vẫn hồn nhiên nói rằng các chú cứ việc chụp ảnh, đăng báo đăng đang mạng xã hội tùy thích. Chị kể dù là bản vắng nhưng là mùa vui, mùa dân bản có nhiều tiền nhất trong năm rồi cười lộ rõ niềm vui. Từ điểm nhìn của của tôi, chị nom như một bức ảnh tĩnh lặng. Người đàn bà 48 tuổi thẹn thùng cười dưới tán cây táo dại xù xì, phía sau cách một khoảng sân rộng là một giàn phơi măng đang bốc khói. Cạnh đó là chiếc nồi lớn bắc trên bếp củi cũng nghi ngút khói. Anh nhà cũng đang trên rừng à? Tôi mở lời hỏi thăm. Chị Lai gật. Giờ không trên rừng thì còn ở đâu nữa. Hôm qua ông ấy mới cõng về mấy gùi măng cho chị luộc đem phơi. Sáng nay lại đi tiếp. Mầm măng cũng là mầm hi vọng về thu nhập của cư dân Khe Nóng. Tôi đã biết điều này 16 năm về trước.

Chiếc xe máy không giúp chúng tôi tiến thêm trên những quãng lầy nơi bản vắng. Anh bạn đi cùng quyết định gửi lại chỗ chị Lai và tìm đến căn nhà nhiều người nhất. Cánh đàn ông đang tán gẫu, kẻ ngồi chiếu người nằm võng. Những phụ nữ mặc váy áo Thái nom chỉnh tề, tươm tất. Hỏi ra mới biết đây là đoàn nhà trai đến nhà gái ở ngay cạnh đó để làm thủ tục đám hỏi. Trong khi thông gia đang chuẩn bị đón khách, họ trai đành ngồi chờ bên hàng xóm. Có chú trai thức trọn đêm qua để chuẩn bị cho đám hỏi người bạn thân tranh thủ nằm võng đánh một giấc cho lại sức.

Người Đan Lai ở Khe Nóng trước kia là cư dân bản Châu Sơn, xã Châu Khê gần quốc lộ 7 cu trú xen kẽ với người Thái. Từ những năm 1960, một nhóm người Đan Lai bản Châu Sơn vào Khe Nóng làm rẫy rồi ở lại cho đến nay. Lúc này địa bàn Khe Nóng phần lớn thuộc sở hữu của Công ty Lâm nghiệp huyện Con Cuông. Về sau doanh nghiệp và chính quyền địa phương quản lý chặt đất rừng, dân bản không còn được làm rẫy. Họ đành sống nhờ hái măng. Hết mùa măng thì chặt nứa, hái nấm, bắt ong, săn thú, làm thuê cho công ty lâm nghiệp. Cứ vậy đời sống hái lượm đeo đẳng hàng trăm con người nơi đây suốt nửa thế kỷ. Trước kia khi còn điểm lẻ mầm non, tiểu học, việc học hành của trẻ em Khe Nóng có phần dễ bề. Vài năm này điểm lẻ bị xóa bỏ, trẻ em Khe Nóng phải ra học ở điểm chính ở Khe Bu cách đó 6km. Trẻ em tiểu học thì ở bán trú, đầu tuần ra trường, cuối tuần về bản. Cha mẹ  các cháu đưa đón. Trẻ mầm non thì bữa đến bữa không. Những ngày mưa lũ mà đưa đón bọn trẻ trên quãng đường này cũng tiềm ẩn nguy hiểm.

Cư trú đã dài lâu nhưng Khe Nóng vẫn là một đội sản xuất của bản Châu Sơn. Tréo ngoe là vậy đó. Đội sản xuất cách bản chính gần hai chục cây số. Hơn mười năm về trước, chính quyền địa phương có chủ trương di dân vào thêm để lập bản mới. Mương máng, ruộng bậc thang đã có nhưng rồi vẫn chỉ dừng lại ở chủ trương.

Chị Lai bên giàn phơi măng

Cộng đồng Đan Lai nói chung chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Thái. Họ dùng trang phục Thái và cũng ở nhà sàn. Khe Nóng không ngoại lệ, nhìn chẳng khác là bao so với làng bản truyền thống của người Thái địa phương. Người dân nơi đây vẫn dùng ngôn ngữ Đan Lai và nghề đan lát nhưng khá thô sơ. Về đây, tôi không nghe nói về tập tục nhúng trẻ sơ sinh xuống suối hay ngủ ngồi như báo chí vẫn truyền tụng về người Đan Lai ở Con Cuông.

***

Cách nhà chị Lai một quãng ngắn, phía triền đồi có một bầy trẻ đang hái trái bồ quân. Tán cây che rợp mảnh sân gồ ghề trước ngôi nhà gỗ. Hai đứa gái lớn trèo lên cây hái quả ném xuống cho mấy đứa nhỏ dưới đất. Hái quả cũng là trò chơi ngày hè của bầy trẻ. Kỳ nghỉ hè đang dần ngắn lại. Chỉ ít ngày nữa thôi, những đứa trẻ nơi đây sẽ tựu trường. Các con đã có sách vở chưa? Anh bạn phóng viên cất tiếng hỏi. Bầy trẻ chẳng trả lời. Chúng hè nhau chạy trốn khi thấy chiếc máy ảnh giơ lên. Tôi nhớ lại những chuyến đi trước đây, vất vả lắm mới có được một bức ảnh về bầy trẻ khi vào Khe Nóng.

Bà La Thị Hoa là một quả phụ sống một mình trong căn nhà lắp ghép ở cuối bản. Tôi nhớ trong lần đến Khe Nóng vào năm 2020 thì cách vị trí này không xa là trụ sở tổ công tác của Đồn Biên phòng Châu Khê. Nay đơn vị đã rút đi, căn nhà của bà Hoa giờ chơ vơ một mình khiến cảnh cô độc của người phụ nữ đã ngoài tuổi năm mươi thêm phần hiu hắt. Bà có vẻ đang bệnh, ngồi thu lu quấn chăn trong góc nhà. Căn nhà lâu ngày không quét dọn nom bừa bộn với mùi mồ hôi hòa lẫn mùi thức ăn thừa từ chỗ nấu ăn. Bà kể chồng đã bỏ về trời từ nhiều năm nay. Con cái đều ở xa nên cảnh sống thật cô quạnh. Bà ốm đã khá lâu ngày. Không đi khám nên cũng chẳng rõ bệnh gì.

Một cơn mưa nữa ập đến khi chúng tôi vừa rời ngôi nhà của người quả phụ. Những người buôn keo trong căn nhà gỗ bên đường cảnh báo nếu chúng tôi không rời đi sớm sẽ rất khó trở ra trung tâm xã. Dạo này thường có mưa chiều. Hễ mưa là nước suối dâng, điểm dân cư có thể sẽ bị cô lập, lâu lau mau còn tùy thuộc vào ông trời.

Người quả phụ nơi căn nhà lắp ghép cuối bản

Tôi nhìn về phía những rặng núi chập chùng giăng mắc bởi màn mưa như quây lấy điểm dân cư hiu hắt. Vẻ lo lắng cũng lộ rõ nơi gương mặt người bạn đường. Anh phóng viên lo cho một đống máy móc mang theo. Còn những lái buôn đến từ huyện Anh Sơn vẫn thản nhiên nhìn ra bầu trời xám nghét. Cũng như cư dân nơi đây, họ đã quen với những ẩm ương của tiết trời nơi biên viễn.

***

Ông Kha Văn Thương, Chủ tịch xã Châu Khê vẫn kiên nhẫn chờ chúng tôi ở phòng làm việc nơi trụ sở ủy ban. Vào được Khe Nóng cũng là đã cố gắng rồi, ông cười lớn và chìa tay cho tôi. Cuộc chuyện trò ngắn ngủi sau đó như đã hẹn trước, ông Thương thông tin thêm về cuộc sống của những hộ dân Đan Lai ở Khe Nóng và chung quy trong từ “vất vả”. Vất vả về mưu sinh, học hành của trẻ. Con đến lớp cha mẹ cũng phải đi theo. Trường tiểu học trên địa bàn hiện vẫn chưa có chế độ bán trú. Trẻ mầm non Khe Nóng cũng bữa đến bữa không. Mỗi ngày đến trường là một cuộc hành trình trèo đèo lội suối thực sự.

Có một vài điểm mới ở Khe Bu đến từ xây dựng cơ bản và giao đất giao rừng. Con đường bê tông trong bản dài hơn cây số rưỡi đã hoàn thành từ một năm nay. Hiện tại, tất cả các hộ dân ở Khe Nóng đã được giao đất sản xuất và bà con đã trồng keo trên phần đất này. Mỗi hộ được hơn một hecta. Vấn đề còn lại là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn chưa thể thực hiện vì thiếu kinh phí. Nhưng có thể nói sau nhiều thập kỷ, người dân Khe Nóng đã có trong tay một tư liệu sản xuất quan trọng để nghĩ đến một tương lai gần sẽ thoát khỏi cảnh sống dựa vào hái lượm như bao năm qua.

Kỳ vọng về một tương lai sáng sủa hơn với người Đan Lai ở Khe Nóng. Có lẽ vậy.

Nội dung: Hữu Vi
Ảnh: Hưng Châu