Thơ bao giờ cũng mang cái “tôi” trữ tình vì nghệ thuật chỉ nảy sinh từ cảm xúc chủ quan của người sáng tác. Tuy nhiên, tùy theo cá tính sáng tạo và thi hứng của từng nhà thơ mà cái “tôi” được thể hiện trong thơ với những biểu hiện khác nhau. Để có thể hiểu thêm về giá trị thơ Phan Bội Châu – một nhà thơ mang rõ bản sắc xứ Nghệ, trong bài viết này, chúng tôi muốn làm rõ hơn cái “tôi” trữ tình trong thơ ông, ở cả hai thời kỳ sáng tác trước và sau năm 1925.

Trước hết, so với những nhà thơ đương thời đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu nổi lên trước hết là nhà thơ cách mạng – một nhà cách mạng làm thơ. Một bài thơ đối với Phan là một lời kêu gọi, một bài ca yêu nước. Ngay từ buổi lên đường cứu nước, Phan nhận thức rõ trách nhiệm của đấng nam nhi khi vận mệnh của dân tộc đang chìm đắm trong cảnh nô lệ. Phan đã dám nói và nói trực tiếp cái “tôi” một cách thẳng thắn, với ý thức khẳng định mình một cách mạnh mẽ:

“Làm trai phải lạ ở trên đời

Há để càn khôn tự chuyển dời

Trong khoảng trăm năm cần có tớ

Sau này muôn thuở há không ai?

Non sông đã chết sống thêm nhục

Hiền Thánh còn đâu học cũng hoài

Muốn vượt bể Đông theo cánh gió

Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi”

(Lưu biệt khi xuất dương)

Điểm nổi bật ở đây là một quan niệm mới mẻ của Phan Bội Châu về cái “tôi” với tư cách là cái “tôi” công dân, đặt trách nhiệm công dân trong hoàn cảnh xã hội thời bấy giờ. Cái tôi được xác lập trên các phạm vi: trong quan hệ giữa chủ thể và khách thể (trời đất); trong quan hệ với thời gian (100 năm, một cách nói ước lệ); trong quan hệ với nền Hán học cũ và với tầm nhìn ra thế giới (vượt biển Đông); trong quan hệ với vận mệnh sống còn của dân tộc.

Chí sĩ Phan Bội Châu (ảnh tư liệu)

Đầu thế kỷ XX, cả xã hội Việt Nam như một “Đêm trường Trung cổ”. Dân tộc ta rên xiết dưới ách thực dân. Triều đình nhà Nguyễn quỳ gối trước bọn thực dân, sự phân hóa các giai tầng diễn ra khá phức tạp. Một số nhà nho, trí thức còn chút lương tâm thì tìm cách lánh đục tìm trong, gửi tâm sự vào thiên nhiên cây cỏ. Đối với lớp người có nghĩa khí hơn thì “treo ấn từ quan”, xông pha vào nơi mũi tên hòn đạn để cứu nước. Hoặc có kẻ lại sỉ nhục hơn, đang tâm làm tay sai cho giặc, phản bội Tổ quốc như Hoàng Cao Khải, Nguyễn Thân…

Trước một bối cảnh đầy biến động như thế, Phan đã cất lên tiếng nói mạnh mẽ. Phan tự tuyên chiến với định mệnh, phủ nhận những sách vở của Thánh hiền mà mấy chục năm qua Phan là một đệ tử trung thành, đã tôn thờ và ôm ấp nó dưới mái trường Khổng, Mạnh. Lòng tin vào đạo Nho của Phan giờ đây chuyển thành lòng tin vào chính mình. Phan nhận lấy trách nhiệm “công dân” về mình khi nước nhà đã mất: “Non sông đã chết sống thêm nhục”. Chỉ có “ta”, tự “ta” đứng ra cứu vớt non sông. Phan đã thể hiện một tinh thần gan góc, dám gánh vác trách nhiệm trước vận mệnh lịch sử: “Trong khoảng trăm năm cần có tớ”. Ý thức ấy, niềm tin ấy thật cao cả. Nó nâng tầm con người lên với một khí phách phi thường, là động lực thúc đẩy con người vượt lên trên mọi hiểm nguy để thực hiện được lý tưởng.

Có thể nói, Phan đã dám đặt một niềm tin vào giữa lòng người trong bối cảnh trời đêm “chớp bể mưa nguồn”. Nó vượt lên trên những luân lý tầm thường, trói buộc con người vào bể khổ. Nó chống lại tư tưởng “khắc kỷ phục lễ” của đạo Nho, phủ nhận cái “vô ngã”, “vô thường” của đạo Phật. Nó phá vỡ vòng cương tỏa của Đạo giáo về thuyết “vô vi” quay lưng lại với thời cuộc để đi tìm sự thoát ly nhàn tản. Triết lý của Phan là triết lý tranh đấu vì hạnh phúc con người. Quả thật, trong văn học vào buổi giao thời ấy có lẽ chưa có một nhà thơ nào nói được cái “tôi” đầy quyền uy như Phan:

“Muốn vượt bể Đông theo cánh gió

Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi”.

Một cái “tôi” sôi trào, hùng dũng, cùng với hàng nghìn đợt sóng bạc cùng một lúc bay nhảy, đưa tiễn người anh hùng họ Phan ra đi cứu nước. Đúng là vẻ đẹp của một phong cách thơ rất đỗi hào hùng và độc đáo: “Phan Bội Châu câu thơ dậy sóng” (Tố Hữu).

Trong thơ Phan, cái “tôi” được nhà thơ thể hiện trên nhiều cách nói đa dạng. Có lúc cái “tôi” được nhà thơ sánh ngang tầm với trời đất, vũ trụ:

“Khi ta lên tới đỉnh cao

Non xanh trăm ngọn, ngọn nào bằng ta”.

(Chơi núi Đại Huệ cảm chiếm)

Có lúc cái “tôi” hòa lẫn trong chiều sâu của cảm xúc nhưng lại báo hiệu kích thước của một con người khổng lồ vươn mình đứng dậy mang cốt cách người anh hùng:

“Khi ngâm nga xáo trộn cổ kim đi

Tùa tám cõi ném về trong một túi

… Phùng xuân hội, may ra ừ cũng dễ

Nắm địa cầu vừa một tí con con”.

(Chơi Xuân)

Đọc thơ Phan, ở giai đoạn sáng tác đầu của ông (trước 1925) cái “tôi” có thể xem là những khúc tráng ca với mạch thơ sôi trào của người chiến sĩ tự khẳng định mình trước lúc ra đi cứu nước. Tiếng nói của Phan đầy quyết liệt và tin tưởng. Nhưng bước vào giai đoạn sáng tác thứ hai (1926-1940) cái “tôi” trong thơ Phan chủ yếu là cái “tôi” gắn với tâm trạng. Nó vừa mang những nét chung của trào lưu tư tưởng của thời kỳ văn học đầu thế kỷ XX, đồng thời mang những nét riêng ở nhà thơ Phan Sào Nam: một tâm trạng buồn mang ý nghĩa bi kịch. Cái buồn trong thơ Phan Bội Châu, lúc này là một hiện tượng thẩm mỹ, cho ta ý thức trên hai phương diện: một mặt giá trị cuộc sống đang bị đe dọa và bị mất dần đi; mặt khác là con người cảm thấy bất lực, không có cách gì cứu vãn nổi. Ý thức giá trị càng sâu sắc, sự bất lực của con người bộc lộ càng rõ rệt thì nỗi buồn càng lớn. Chính cái buồn nuôi cho con người một niềm hoài vọng không nguôi về những giá trị không được thực hiện hay đã bị mất. Thơ Phan lúc này có đủ sắc thái sầu, hận, buồn, mà đúng như Trần Đình Sử khẳng định: “Cái thống thiết, cái sầu, hận, cái buồn là những dạng khác nhau của cái bi”(1). “Sầu hận, ai, oán có lẽ là những phạm trù mỹ học chủ yếu để thể hiện ý thức cá tính trong thơ văn xưa. Sầu là ý thức về sự bất lực trước một ước mơ tan vỡ; hận là cái đau đớn cho một khả năng bị phí hoài; oan là ý thức về cái giá trị bị chà đạp vô cớ, còn oán là tiếng kêu của cá tính bị vùi dập” (2).

Cái tôi trữ tình trong thơ Phan, xét cho kỹ, ta thấy có những nét riêng khác các nhà thơ đương thời: hoàn cảnh sống lúc này của Phan khá khó khăn. Phan bị thực dân Pháp giam lỏng ở Huế. Cuộc đời của người chí sĩ bị kẻ thù ngăn cách với đời sống của nhân dân. Hình ảnh của Phan chỉ còn lại là hình ảnh “ông già Bến Ngự”, “con voi già trở về rừng già”. Nhà cách mạng có lúc cảm thấy cuộc đời tẻ nhạt và rơi vào bi kịch. Tất cả những nghịch cảnh và sự buồn đau về cuộc đời được kết lại và thấm dần vào thơ:

“Những ước anh em đầy bốn biển

Ai ngờ trăng gió nhốt ba gian.

Sống xác thừa mà chết cũng thân tàn

Câu tâm sự gởi chim ngàn, cá biển”

(Từ giã bạn bè lần cuối cùng)

Cái “tôi” buồn đau nhất lại là lúc mùa Xuân đến:

“Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng,

Xuân ơi xuân, xuân có biết cho chăng?

Hai mươi năm lẻ đã từng chua với xót”.

(Bài ca chúc tết thanh niên)

Cái “tôi” trong thơ Phan là gì nếu không phải là sự đau xót cho mình? Ngày Phan còn là một tráng sỹ ra đi tìm đường cứu nước với một tư thế hào hùng “đội trời đạp đất đấng làm trai”. Tình thế bây giờ đã đổi khác: kết cục cuộc sống của Phan rơi vào cảnh “cá chậu, chim lồng”. Vì thế tâm trạng Phan luôn mang nhiều nỗi đau: thẹn, buồn, tủi và cả chua lẫn xót. Phan nói đến mùa Xuân là nói đến một nỗi buồn. Hình ảnh mùa Xuân được gợi dậy trong lòng Phan đến 3 lần, như một sự đay nghiến, dằn vặt về cuộc đời mình đang rơi vào một bi kịch tinh thần: muốn cứu nước nhưng không làm được. Phan như người tự thú tội trước lịch sử, nhận tội trước non sông đất nước “hai mươi năm lẻ đã từng chua với xót”. Tâm trạng trong thơ Phan là một tâm trạng đau xót, day dứt. Nó thấm sâu từ đầu lưỡi đến gan ruột nhà thơ, nó ngấm sâu vào mạch máu, huyết quản kết lại thành một nỗi sầu thiên cổ.

Cái tôi trữ tình trong thơ Phan dằng dặc một nỗi buồn vì nước của người anh hùng ở vào tình thế “sa cơ lỡ vận”, tình thế “con hổ trong vườn bách thú”. Phan vốn là con người rất thành thực, thành thực với mình và cả hậu thế. Thơ Phan nói rất thật lòng mình. Cái tôi trong thơ Phan thường được đọng lại thành một nỗi đau và thấm đượm vào tất cả. Vào một hoàn cảnh khác, Phan đã tự phê phán mình một cách nghiêm khắc.

“Chẳng trách gì ai chỉ trách mình

Vì mình nhầm lỗi uổng tài tình”.

(Than thở một mình không ngủ được)

Thơ Phan thường nhắc đến cái sầu bởi nó đã trở thành một thứ “bệnh” trong tâm hồn Phan. Nhiều lúc Phan muốn giải thoát nó, Phan lấy rượu, lấy bóng, mượn thơ để khuây khỏa nỗi sầu:

“Câu thơ đỡ đói vênh vang đọc

Chén rượu khuây buồn võ vẽ chơi”.

(Ai vậy?)

Sầu quá! Muốn giải sầu, nhưng trời ơi, lại đẻ ra sầu:

“Chiếc bóng bên đèn rượu nửa bầu

Muốn tiêu sầu lại đẻ ra sầu”.

(Tức sự)

Nỗi sầu trong lòng Phan đã lên đến cực điểm và chỉ có cách là bán sầu:

“Mua sầu, mua sầu ai đấy tôi xin bán

Chất chứa kho sầu trót mấy năm”.

(Bán sầu)

Những lúc bán sầu không được, nhà thơ định bán luôn cả mình, bởi ông nghĩ đến thân mình nay chỉ trở thành gánh nặng cho nước:

Muốn bán mình đi, bán với ai?

Ai mua ta cũng thể rao chơi?

(Bán mình)

Thật là một tâm trạng đau xót, bi thương!

Từ khóc than đến chán đời rồi tìm phương giải sầu, bán sầu, rồi muốn bán luôn cả mình, Phan Bội Châu có lúc đã rơi vào tâm trạng bế tắc. Có một thời, Phan đã từng hy sinh phấn đấu vì hạnh phúc con người, vì sự nghiệp giải phóng nhân dân thoát khỏi vòng nô lệ. Nay Phan lên án con người. Phan cầu mong nhân loại diệt vong trong đó có cả bản thân mình.

“Loài gì ác nhất? Ấy là người

Vì ác cho nên khổ cực hoài

… Hương sáp khẩn cầu nhân loại diệt

Mình cùng diệt nốt sướng kinh đời”.

(Đêm không ngủ)

Nhưng dù có chán chường, buồn nản, người chí sĩ ấy vẫn quyết giữ trọn niềm tin với dân tộc, với Tổ quốc:

“Danh mà chi, lợi mà chi, quyền vị nữa mà chi?

Mưa nắng mấy nhưng lòng này không chút đổi”.

(Bài hát chữ tín thành)

Niềm tin ấy, ông gửi trọn vào thế hệ trẻ, những người có thể thay ông hoàn thành sự nghiệp cứu nước:

“Thưa các cô, các cậu, lại các anh

Trời đã mới, người càng nên đổi mới.

Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội,

Xúm vai vào xốc vác cựu giang sơn”.

(Bài ca chúc tết thanh niên)

Cái “tôi” trữ tình trong thơ Phan được diễn tả bằng nhiều giọng điệu phong phú. Tiếng nói ấy lúc thì bi tráng đau thương, khi quyết liệt tự tin, lúc băn khoăn, đau xót, có lúc lại ngậm ngùi tê tái, than thân trách phận nhưng không bao giờ là tiếng thở than, ích kỷ theo bất cứ một kiểu thất bại chủ nghĩa nào đã có từ xưa đến nay.

Nghiên cứu cái “tôi” trữ tình trong thơ Phan Bội Châu – một nhà thơ xứ Nghệ – là để hiểu rõ hơn ý chí, tấm lòng, tâm trạng của ông. Tuy chí lớn chưa thành, con đường cách mạng dang dở, nhưng trái tim của nhà đại ái quốc không bao giờ mất đi niềm tin vào tiền đồ tươi sáng của dân tộc.

Chú thích:

  1. Trần Đình Sử, Phương Lựu, Nguyễn Xuân Nam – Lý luận văn học, tập 1, Hà Nội, 1987.

2. Trần Đình Sử – Nghĩ về ý thức cá tính trong văn học Việt Nam, Báo Văn nghệ số 23, 1990.

Nguyễn Hữu Trí

(Bài đăng Tạp chí Sông Lam số 14, tháng 6/2021)