Triết gia Bernard Williams có câu nói rằng “Ngày mà thượng đế tạo ra hy vọng chắc hẳn cùng ngày ngài tạo ra mùa xuân” (The day the Lord created hope was probably the same day he created Spring). Mùa xuân, bằng một cách nào đó, luôn mang đến cho người ta khát khao sống, khát khao yêu thương và niềm hy vọng vào những điều tốt đẹp. Có lẽ, cũng bởi thế mà ta luôn yêu và chờ đợi mùa xuân trong niềm rạo rực, hân hoan.

   Cũng dễ hiểu thôi khi xuân đến đồng nghĩa với một năm mới bắt đầu; khi năm cũ đã khép lại cùng giá rét để chào đón những lộc biếc, hoa tươi, nắng ấm và nhựa sống căng tràn. Như chồi non cựa mình thức dậy trên nhánh cây khô cằn sau bao ngày đông giá, năm mới đến là lúc ta có quyền hy vọng vào những đổi thay, hy vọng vào điều tốt đẹp sau một năm đã qua với đủ thăng trầm.

Ảnh minh họa: Trang Đoan

   Năm 2023 sẽ là một năm đầy sóng gió với quốc tế cũng như trong nước khi chúng ta tiếp tục đối mặt với nhiều vấn đề nan giải. Đó là những xung đột và căng thẳng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở nhiều khu vực trên thế giới; là nguy cơ đối diện với gia tăng nạn đói và khủng hoảng lương thực toàn cầu; là khủng hoảng năng lượng, là lạm phát và giá cả tăng cao đẩy thế giới đứng trước bờ vực suy thoái kinh tế; là những thảm họa khó lường từ biến đổi khí hậu… Trong nước sẽ ngày càng thấy rõ hơn tác động của những bất ổn trên thế giới mang lại, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, chính trong khó khăn chúng ta sẽ càng thấy rõ khả năng, sức mạnh của mình; như trong bóng tối mới thấy vẻ đẹp lung linh của những vì sao, mới nhận ra sự diệu kỳ của ánh sáng. Hơn lúc nào hết, đây là lúc Đảng, Nhà nước chứng tỏ sự sáng suốt, bản lĩnh trong lãnh đạo, quản lý, phát triển đất nước. Với những gì đã đạt được trong năm 2022, chúng ta có đủ niềm tin và hy vọng sẽ vượt qua mọi thách thức trước mắt.

   Mùa xuân cũng là thời điểm nhắc ta nhớ về một sự kiện có ý nghĩa to lớn – ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Suốt 93 năm qua, trong những thời khắc quan trọng và có tính quyết định, chúng ta đã thấy được vai trò của Đảng. Và, hôm nay, ta có quyền đặt niềm tin vào công cuộc chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên. Ta tin và mong Đảng sẽ có những bứt phá trong công cuộc phòng chống tham nhũng để lấy lại niềm tin nơi Nhân dân. Lịch sử đã chứng minh niềm tin của dân quyết định tới vận mệnh, sự hưng vong của mỗi triều đại. Nếu chúng ta không chăm lo chỉnh đốn Đảng để giữ vững niềm tin ấy thì khó có thể nói trước được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai bởi một khi mất đi niềm tin là mất tất cả. Để những mùa xuân lại rạng ngời trên non sông, để Đảng tiếp tục sứ mệnh của mình thì chắc chắn phải giữ cho được niềm tin của nhân dân. Lịch sử dạy rằng, chúng ta chỉ đạt được điều đó khi ý Đảng hợp với lòng Dân, khi nói đi đôi với làm; khi lợi ích của Nhân dân, của Tổ quốc được đặt lên trên hết; khi dân được bảo vệ và được tôn trọng!

   Năm 2023, dẫu sẽ có nhiều khó khăn trước mắt nhưng Việt Nam vẫn đặt ra những chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội khá ấn tượng. Có thể kể đến như: tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6.5%, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1-1,5%, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị dưới 4%,… Hy vọng, bằng quyết tâm và nỗ lực, chúng ta sẽ hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, hy vọng không có nghĩa là ngồi yên mơ về tương lai. Để đi đến mục đích cuối cùng luôn cần phải hành động, bởi, như nhà văn Ray Bradbury đã từng nói “hành động là hy vọng” (action is hope). Tất cả những thay đổi, những mong chờ trong tương lai bắt đầu từ chính điều ta quyết định làm hôm nay.

Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam năm 2023. Nguồn ảnh: TTXVN

   Muốn hoàn thành những mục tiêu đề ra, tất nhiên, ngoài cần sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước còn cần niềm tin, nỗ lực và thay đổi của mỗi người dân. Trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau và cạnh tranh gay gắt như ngày hôm nay, nếu mỗi cá nhân không thay đổi để thích nghi, không sáng tạo và bản lĩnh thì chắc chắn sẽ bị bỏ lại phía sau. Khó khăn, thách thức đòi hỏi chúng ta không chỉ biết dùng kinh nghiệm của mình và các quốc gia khác để giải quyết mà còn cần phải sáng tạo để chủ động ứng phó. Trong cuốn sách “Tầm nhìn thay đổi quốc gia”, Quốc vương Mohammed bin Rashid Al Maktoum đã viết “Chúng tôi tin rằng con đường ngắn nhất tiến đến tương lai tươi sáng mà chúng tôi đang tìm kiếm nằm ở phương pháp tiếp cận sáng tạo và tiên phong.” Đất nước Dubai của ông đã vượt qua được giai đoạn khó khăn, làm nên nhiều kỳ tích như hôm nay chính là nhờ sự sáng tạo và tầm nhìn chiến lược ấy. Họ là minh chứng cho sự cần thiết phải đổi mới, sáng tạo, dám bứt phá vươn lên để phát triển, để không bị bỏ lại phía sau.

   Và, có lẽ, sẽ không có gì hợp hơn khi mùa xuân đến, khi một năm bắt đầu chúng ta lại nói về đổi mới và sáng tạo. Bất cứ lĩnh vực nào cũng cần sự sáng tạo nhưng với văn học nghệ thuật thì nó mang ý nghĩa sống còn. Không có sự sáng tạo, không dấn thân và đổi mới thì chúng ta sẽ không có những tác phẩm giá trị. Tại Hội thảo khoa học toàn quốc “Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” do Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức vào ngày 19/12/2022, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đã đề nghị cải thiện môi trường sáng tạo, môi trường làm nghề của văn nghệ sĩ, trong đó vấn đề tự do sáng tạo cần phải được thể chế hóa, góp phần giải phóng tư tưởng, phát huy tiềm năng, kích thích năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ. Điều đó cho thấy chúng ta đã nhận thức được tầm quan trọng của sáng tạo đối với văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là chính mỗi văn nghệ sĩ phải dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn và những nỗi sợ của chính mình; tích cực tìm tòi, học hỏi, khám phá để sáng tạo. Nếu mỗi văn nghệ sĩ tự mình không có khát khao sáng tạo, không đổi mới tư duy làm nghề thì không có phương cách nào giúp ích được. Năm 2022 vừa qua, những lùm xùm xung quanh một số bức tranh, triển lãm đã dấy lên câu hỏi “Thế nào là sáng tạo?” “Đâu là giới hạn của sáng tạo?” “Có phải cái mới nào cũng là sáng tạo?” Thiết nghĩ, đó là những câu hỏi mà văn nghệ sĩ phải nghiêm túc nhìn nhận. Sáng tạo, dù thế nào đi chăng nữa, muốn đạt được chiều sâu và có giá trị thì luôn đòi hỏi sự tìm tòi, nghiên cứu công phu, có hệ thống, có đầu tư.

   Cải thiện môi trường sáng tạo cho trí thức, văn nghệ sĩ như Trưởng Ban Tuyên giáo Nguyễn Trọng Nghĩa đã đề cập là hết sức cần thiết nhưng quan trọng không kém là chính các trí thức, văn nghệ sĩ cũng cần cải thiện lại “môi trường” bên trong mình. Đó là thay đổi tư duy, là chăm sóc trái tim. Họ phải vượt thoát ra khỏi quan niệm cũ kỹ, phải mở rộng tầm nhìn của mình ra với thế giới và phải biết hòa vào nhịp sống, hơi thở của thời đại. Chỉ khi làm được điều đó thì mới có thể sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị. Osho đã từng nói “Sáng tạo có nghĩa là yêu cuộc sống. Bạn có thể sáng tạo chỉ khi bạn yêu cuộc sống đủ để muốn tôn lên vẻ đẹp của nó, bạn muốn mang thêm một chút âm nhạc cho nó, một ít thơ cho nó, và một chút vũ điệu đến cùng nó.” (To be creative means to be in love with life. You can be creative only if you love life enough that you want to enhance its beauty, you want to bring a little more music to it, a little more poetry to it, a little more dance to it.) Khi trí thức, văn nghệ sĩ đủ niềm yêu tha thiết với cuộc sống, với đất nước, với Nhân dân; khi họ biết rung cảm và trăn trở trước mỗi biến chuyển của thời đại thì chắc chắn cảm hứng sáng tạo sẽ đến với họ.

“Sáng tạo có nghĩa là yêu cuộc sống. Bạn có thể sáng tạo chỉ khi bạn yêu cuộc sống đủ để muốn tôn lên vẻ đẹp của nó, bạn muốn mang thêm một chút âm nhạc cho nó, một ít thơ cho nó, và một chút vũ điệu đến cùng nó.”  (Osho) Nguồn ảnh: quotefancy.com

   Đổi mới, sáng tạo tưởng chừng chỉ là chủ đề được khơi nguồn cảm hứng từ mùa xuân như một câu chuyện đầu năm nhưng kỳ thực đó lại là vấn đề mang tính sống còn cho hôm nay và cho tương lai. Chúng ta đã trải qua và chứng kiến sự bảo thủ, lỗi thời trong tư duy cản trở quá trình phát triển như thế nào. Chúng ta đã thấy chất lượng của nền văn học nghệ thuật nước nhà ra sao khi vắng bóng sự sáng tạo. Và, không có cách nào khác, để không lạc hậu, không tụt lại phía sau thì ngay từ hôm nay chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận về sự thay đổi mang tính đột phá.

   Quốc vương Mohammed bin Rashid Al Maktoum đã viết trong cuốn sách “Tầm nhìn thay đổi quốc gia” rằng: “Ở châu Phi, mỗi ngày mới, linh dương thức dậy và hiểu rằng hoặc nó phải chạy nhanh hơn con sư tử nhanh nhất, hoặc là nó sẽ bị ăn thịt. Cũng lúc đó, con sư tử tỉnh giấc, duỗi thân mình và biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con linh dương nhanh nhất, hoặc nó sẽ chết đói. Điều này không khác với cuộc đua tranh của con người. Cho dù bạn nghĩ mình là linh dương hay sư tử, đơn giản bạn phải “chạy” nhanh hơn những người khác để tồn tại”. Trong thế giới ngày nay, mọi thay đổi diễn ra rất nhanh chóng và nếu không ý thức được điều đó, không nắm bắt xu thế, không nỗ lực và tìm ra phương cách để trở thành người “đủ nhanh” trong cuộc đua, chúng ta sẽ thất bại, sẽ tụt hậu. Có thể, những người hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, kinh doanh sẽ cảm nhận rõ hơn điều này còn với văn học nghệ thuật, phần lớn chúng ta chưa thấy rõ điều đó. Nói cách khác, văn nghệ sĩ, đặc biệt là văn nghệ sĩ ở địa phương chưa nhận thức hết được sự cần thiết phải đổi mới tư duy và phát huy sáng tạo; chưa nhạy cảm với những thay đổi của thời cuộc.

   Bởi vậy, để mùa Xuân sẽ tới cùng những điều tốt đẹp thì ngay từ hôm nay chúng ta phải dám rũ bỏ những cũ kỹ trên mình để bước sang một chương mới như cái cách mầm cây xé toạc những lớp vỏ xù xì và vươn lên kiêu hãnh. Ta có quyền tin mùa xuân cùng với mạch nguồn sức sống căng tràn của nó sẽ thức dậy và thắp lên ngọn lửa đam mê, khát khao thay đổi trong mỗi người để họ đủ can đảm vượt thoát khỏi những cũ mòn lâu nay vẫn bao phủ trên mình. Và, bằng cách đó, chúng ta sẽ cùng nhau thắp lên hy vọng về một năm 2023 tươi sáng cho nền kinh tế cũng như văn hóa – xã hội, văn học nghệ thuật nước nhà.

Trang Đoan

(Bài đã đăng trên tạp chí Sông Lam số 30, 1+2/2023)