Trên chiến trường, tìm mọi cách tiêu diệt địch và giành chiến thắng để bảo vệ tổ quốc là điều tất yếu trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Nhưng cũng trên chiến trường, sẵn sàng băng bó vết thương cho chính những kẻ thù của mình ở bên kia chiến tuyến thì có lẽ chỉ có những bác sĩ chân chính với tấm lòng nhân ái bao la mới làm được. Và đó cũng là câu chuyện có thật của GS Nguyễn Thúc Tùng, một người con của quê hương xứ Nghệ, một cây đại thụ của nền y học nước nhà thế kỷ XX.
Chuyện là sau khi tốt nghiệp đại học Y tại Hà Nội vào năm 1945, bác sĩ Nguyễn Thúc Tùng tham gia cách mạng. Tháng 6/1946, ông được Cục trưởng Cục Quân y lúc đó là bác sĩ Vũ Văn Cẩn cử vào công tác tại mặt trận Nam Trung Bộ. Tại đây, ông phụ trách một trạm mổ để cứu chữa cho thương bệnh binh và phục vụ kháng chiến. Vào vùng đất lạ nóng cháy chưa lâu, ông và các đồng đội, đồng nghiệp đã phải tham gia nhiều chiến dịch. Trong bối cảnh lúc đó, mọi thứ thuốc thang đều thiếu thốn, nhất là các loại kháng sinh. Các thương binh đáng lo nhất là vết thương thường bị ung mủ, nhiễm trùng vì thiếu thuốc thang và không được băng bó cẩn thận. Các trạm quân y dù phục vụ trực tiếp chiến trường nhưng vẫn phải đóng ở vùng tự do mới có điều kiện an toàn để điều trị, chăm sóc cho thương bệnh binh. Có những trận đánh, để đảm bảo cho thương binh sẽ được băng bó ngay tại mặt trận thì các y bác sĩ sẽ đi cùng với các đơn vị tác chiến và phải xông vào khu vực chiến trận cứu chữa bệnh nhân dưới làn bom đạn.
Đầu tháng 7/1949, ông cùng các đồng đội, đồng nghiệp tham gia trận đánh Ninh Mã ở Phú Yên. Ở Ninh Mã lúc đó có một quân đồn của Pháp đóng ở đỉnh đèo Cả nhằm kiểm soát các tuyến đường đi ra thành phố Khánh Hòa. Một tháng hai lần, quân Pháp cho một đoàn xe vận tải lương thực, thuốc men và vũ khí lên trên đồn ở đỉnh đèo Cả. Đoàn xe thường có một xe tăng đi đầu và một xe tăng đi sau bảo vệ các xe vận tải đi giữa. Phía quân ta lúc đó có một trung đoàn đóng quân ở Phú Yên, gần với đường di chuyển của đoàn xe vận tải của Pháp.
Sau khi nghiên cứu kỹ về lực lượng, lịch trình và hoả lực của địch, chỉ huy trung đoàn quyết định đánh trận Ninh Mã để phục kích đoàn vận tải của địch nhằm cướp lấy đạn dược, vũ khí và tiêu hao lực lượng của địch. Để phục vụ chiến dịch và đảm bảo công tác quân y được thuận lợi, Nguyễn Thúc Tùng đã cùng với một số y bác sĩ khác trong trạm mổ quyết tâm đi cùng các chiến sĩ ra mặt trận để có thể kịp thời chữa trị cho các thương binh. Đó là một nguồn động viên rất lớn cho các chiến sĩ có thêm động lực và yên tâm chiến đấu hơn.
Trận Ninh Mã thắng lớn, tiêu diệt gần hết hỏa lực của địch và cướp được nhiều vũ khí, đạn dược. Sau khi kết thúc trận đánh, ông cùng các đồng đội được phép lút lui dần để đảm bảo an toàn. Trên đường rút lui, Nguyễn Thúc Tùng và một vài đồng chí đã gặp một trường hợp vô cùng khó xử: gặp một lính Pháp bị thương đang nằm bên đường. Sau phút do dự, ông đã lấy dụng cụ y tế ra băng bó vết thương cho người lính Pháp trong sự ngỡ ngàng của cả người lính lẫn người đồng chí của mình. Xong xuôi, ông bảo với người lính Pháp rằng: “Người Pháp sang xâm lược nước chúng tôi là có tội, nhưng vì lòng nhân đạo, chúng tôi không giết các anh đâu. Tôi đã băng bó các vết thương, anh cứ yên tâm nằm đây, lát nữa quân lính của các anh ở trên đồn sẽ đưa anh về…”. Lúc ông băng bó cho người lính Pháp thì có một chiến sĩ đi cùng đã chụp được một bức ảnh về câu chuyện này. Bức ảnh này được chính GS Nguyễn Thúc Tùng lưu giữ và sau này tặng cho một trung tâm bảo tồn di sản các nhà khoa học. Câu chuyện của GS Tùng băng bó cho chính kẻ địch của mình cũng được nhiều người biết đến nhưng không phải ai cũng hiểu được nội tâm của người bác sĩ, người chiến sĩ khi đối xứ với chính kẻ địch của mình như vậy.
Trở lại thời kỳ chiến tranh, câu chuyện bác sĩ và việc điều trị cho những người bên kia chiến tuyến bị thương thực ra không phải là quá xa lạ hay hiếm thấy. Tiếp xúc với nhiều người tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng được nghe họ kể về việc họ được điều trị sau khi bị giặc bắt làm tù nhân như thế nào. Nhiều người vẫn đồng ý rằng, dù là tù nhân bị địch bắt nhưng khi vào trong trại vẫn được các bác sĩ cứu chữa. Và cũng có những bác sĩ họ thể hiện tinh thần đạo đức y nhân như GS Nguyễn Thúc Tùng đã làm khi họ cho rằng việc đánh đập, tra tấn là hành vi của quân đội, còn họ là bác sĩ thì việc của họ là cứu chữa cho bệnh nhân tận tình nhất có thể.
Còn với GS Nguyễn Thúc Tùng, cũng không có gì khó hiểu khi ông có những hành vi cao cả và trái tim nhân hậu như vậy khi ông xuất thân trong một gia đình trí thức lớn ở vùng đất danh nhân huyện Nam Đàn, Nghệ An. Ông nội ông là Cử nhân Nguyễn Thúc Kiều, thầy dạy học của chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu. Cha của ông là Phó bảng Nguyễn Thúc Dinh, làm đến quan Thượng thư Bộ Lại dưới triều Nguyễn. Hay anh trai ông là GS Nguyễn Thúc Hào, một nhà toán học xuất sắc và là một người thầy được giới toán học Việt Nam nửa sau thế kỷ XX vô cùng kính trọng. Bản thân GS Nguyễn Thúc Tùng cũng là một cây đại thụ của ngành Quân y với nhiều đóng góp trong việc xây dựng nền y học quân đội. Ông là người có công lớn trong việc xây dựng hệ thống quy chuẩn, quy định trong bệnh viện quân y. Trong con người ông không chỉ là một con người có tấm lòng yêu nước, phục vụ qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, mà còn là một con người có tinh thần nhân ái, một bác sĩ mẫu mực với tấm lòng vị tha, yêu thương con người. Ông là một tấm gương sáng cho các thế hệ bác sĩ sau này noi theo.
Năm 2011, khi đưa một nhà nghiên cứu người Mỹ đến khu tập thể Trung Tự (Đống Đa, Hà Nội) gặp GS Nguyễn Thúc Tùng thì tiếp tục được nghe ông kể lại câu chuyện này. Chẳng là nhà nghiên cứu người Mỹ rất quan tâm đến sự phát triển của nền y học thời kháng chiến chống Pháp ở Việt Nam nên ông muốn phỏng vấn GS Nguyễn Thúc Tùng nên nhờ tôi liên hệ và dẫn đi gặp. Trong câu chuyện, học giả người Mỹ có hỏi rằng sau khi ông băng bó cho lính Pháp thì về đơn vị có ý kiến gì không và trong tâm lý của ông có trăn trở gì không? GS Nguyễn Thúc Tùng đã chia sẻ rằng: Sau khi rời khỏi chiến trường thì ông cùng các đồng đội lại phải tập trung vào công tác khác. Vừa điều trị cho thương binh, vừa chuẩn bị cho các trận đánh tiếp theo nên chuyện băng bó cho người lính Pháp cũng lãng quên dần. Tấm ảnh sau này mới được người chụp biếu lại.
Ông cũng tâm sự thêm: “Lúc gặp người lính Pháp bị thương, tôi hơi phân vân. Chỉ mấy phút trước, hai bên đang cố gắng nã đạn vào nhau để tiêu diệt đối phương. Ai cũng muốn đánh bại kẻ thù. Hơn nữa, với tôi đó còn là kẻ xâm lược, đến cướp nước tôi. Nhưng rồi lại nghĩ, sau khi dừng tiếng súng, người trước mặt tôi lại là một bệnh nhân, một con người đang bị thương. Tôi là một bác sĩ. Khi học ở trường Y, các thầy tôi, trong đó có những thầy người Pháp dạy về đạo đức của người bác sĩ. Là bác sĩ thì phải cứu người bị bệnh. Nếu làm trái với điều đó thì không xứng đáng với đạo đức người bác sĩ. Trong chiến trận thì có ta với địch còn trong y học thì có bác sĩ và bệnh nhân. Bác sĩ gặp bệnh nhân thì phải giúp đỡ, cho dù đó là kẻ thù”. Sự chia sẻ của GS Nguyễn Thúc Tùng đã làm cho học giả người Mỹ rất xúc động. Ông đã nắm chặt lấy hai tay GS Tùng và nói bằng tiếng Việt hơi bập bõm rằng: “Ông là một bác sĩ chân chính và tốt bụng, một con người vĩ đại”.
Trang Tuệ