Nguyễn Cảnh Bình được ví như ngọn nến cháy hai đầu vì làm rất nhiều việc với một năng lượng lúc nào cũng bùng cháy. Ở tuổi ngũ thập, điểm lại những gì anh đã làm được cũng đáng kể: sáng lập và xây dựng Alphabooks – một công ty sách hàng đầu Việt Nam, cùng các thương hiệu sách khác như Omega+ Books, ETS, Sống, Giám đốc Trung tâm trí tuệ Việt Nam, sáng lập và là Viện trưởng Viện lãnh đạo ABG, phát triển nhiều chương trình đóng góp cho sự phát triển cộng đồng như Hành trình Tri thức, Cùng đọc sách, Đại sứ Văn hóa đọc; tác giả, dịch giả biên soạn cuốn “Hiến pháp Mỹ được làm như thế nào?”. Nguyễn Cảnh Bình vẫn thường làm những điều hơi “trái khoáy”, như đang là cán bộ của Tổng công ty Xăng dầu bỗng một ngày nghỉ việc ra làm sách; sinh ra, lớn lên ở thủ đô nhưng đang là Trưởng ban Khuyến học của Hội Đồng hương Nghệ An; vẫn còn trẻ nhưng viết tự truyện, cuốn “Sinh năm 1972 – Khát vọng sống” vừa mới xuất bản đang được đón đọc.

Thế hệ mất mát

Tôi đã đọc cuốn tự truyện “Sinh năm 1972 – khát vọng sống” của anh. Anh viết về anh và thế hệ của anh – sinh vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước – giai đoạn lịch sử ấy đã ảnh hướng thế nào đến tính cách, nhân sinh quan, văn hóa và cả số phận của những người thuộc thế hệ của anh?

Mọi con người đều chịu tác động bởi hoàn cảnh, bối cảnh lịch sử xã hội, cộng đồng, của gia đình, của thời đại, của thời cuộc và đương nhiên là những chuyện xảy ra đối với chính họ. Vì thế, những người sinh ra và lớn lên trong thời kỳ bao cấp hẳn sẽ có những dấu ấn và chịu tác động riêng. Những khó khăn vất vả về vật chất và tinh thần của thời bao cấp, nhưng cùng với đó là sự yên bình và nhẹ nhàng, của tình cảm giữa con người với con người, của sự gần gũi, thân tình, chân thành giữa những người bạn bè.

Đặc điểm và các yếu tố của hoàn cảnh đó giúp cho hình thành nên những tính cách của con người, thứ nhất là sự bền bỉ và kiên trì, sự chấp nhận những gian khổ để vươn lên (phần nào cũng giống như người xứ Nghệ trên mảnh đất nghèo khó nên bền bỉ, kiên trì, giàu ý chí, nhưng những suy nghĩ có phần đơn điệu, chất phác, thiếu đi những yếu tố nghệ thuật và tự do…)

Lứa chúng tôi bắt đầu bước chân vào cuộc đời khi một hệ thống các giá trị cũ đang thay đổi, chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và chế độ bao cấp ở Việt Nam đang tan vỡ chuyển mình mở ra những giá trị mới và kinh tế thị trường… Những người bạn tôi ở Đông Âu, du học ở Đông Âu là những người giỏi nhất, nhưng họ bước chân sang đó khi không được sự chuẩn bị để đương đầu được với những biến động, nên rất ít người theo đuổi việc nghiên cứu khoa học như kế hoạch ban đầu, và tôi gọi đó là thế hệ mất mát. Chúng tôi ở trong nước có phần yên ổn hơn, nhưng cũng nhìn thấy những biến động diễn ra mạnh mẽ khi cuộc sống và xã hội cởi mở hơn, nhưng cũng phải tranh đấu ở mức độ nào đó với những ràng buộc, hạn chế và những quan niệm cũ kỹ, lạc hậu và có phần chật chội…

Vì sao anh gọi thế hệ mình là thế hệ “mất mát” – thực ra tôi thấy có rất nhiều người thuộc thế hệ anh rất thành công – bản thân anh là một ví dụ – nên hiểu sự “mất mát” ấy như thế nào?

Thế hệ chúng tôi sinh vào giai đoạn đất nước chiến tranh, nhưng trưởng thành khi đất nước thống nhất, đủ lớn để nhớ về thời bao cấp, về xã hội đóng cửa, nhưng khi trưởng thành được chứng kiến sự chuyển biến của xã hội. Chúng tôi vừa chập chững bước ra đời đúng vào thời điểm đất nước thay đổi, kinh tế khủng hoảng, những quan điểm sống cũ thay đổi, những giá trị cũ bị tan vỡ, tất cả chỉ quan tâm đến tiền.

Thế hệ chúng tôi, trớ trêu thay, có những người đi học nước ngoài tử tế, bài bản với mục tiêu trở thành nhà khoa học của đất nước, nhưng hầu hết đều thay đổi, đều trở thành con buôn, sớm tiếp xúc với thị trường. Người ở lại thì bạc nhược, bí bách, mất phương hướng, rồi lại lao vào kiếm tiền. Và theo một cách nào đó, chúng tôi đều đi chệch khỏi những quỹ đạo mong muốn của mình. Lẽ ra, một số người bạn học giỏi, thích nghiên cứu mày mò sẽ trở thành giáo sư, viện sĩ, những người rất nhạy bén, giao tiếp từ nhỏ sẽ phải rẽ sang hướng kinh doanh, thành doanh nhân mới đúng. Nhưng cuộc đời thật buồn cười, những người lẽ ra trở thành nhà khoa học lại thành con buôn, còn những người phù hợp với việc đi buôn lại trở thành nhà khoa học. Tôi không biết đó là may hay rủi, nhưng một điều không thể phủ nhận rằng đó là sự lãng phí. Lãng phí tài năng, lãng phí tố chất, lãng phí đầu tư, công sức của những năm tháng tuổi trẻ.

Đến bây giờ bạn bè tôi đều đã gần 50 tuổi, cũng nhiều người giỏi, đã tự bươn chải, tự lo cho gia đình mình một cuộc sống sung túc, đầy đủ, chẳng phải lo lắng nhiều về vật chất. Nhưng tôi lại nhìn thấy ở rất nhiều người trong số ấy một sự thiếu thốn, họ hầu như chẳng còn mấy khao khát đóng góp cho xã hội, chẳng còn khao khát tranh đấu và hình như đến giờ có những người mới bắt đầu đi tìm ý nghĩa cuộc đời mình. Điều gì đã xô đẩy chúng tôi đi theo con đường mà chẳng ai từng nghĩ mình sẽ đi như thế? Phải chăng là sự thay đổi thời cuộc, sự hoang mang về lý tưởng sống đúng vào thời điểm chúng tôi vừa bước ra đời…

Và tôi gọi thế hệ chúng tôi là thế hệ mất mát. Có thể tôi gọi như vậy không đúng với nhiều người. Nhiều người bạn tôi không nghĩ như vậy. Bạn tôi vẫn nhiều người thành đạt… Nhưng với cá nhân tôi, chúng tôi vẫn là một thế hệ mất mát. Nếu thế hệ trước chúng tôi từng gắn với một niềm tin, gắn bó với một lý tưởng và những thế hệ sau này lại có một niềm tin khác, thì chúng tôi chơi vơi ở giữa…

Việc đọc giúp trí tưởng tượng bay cao

Có thể thấy đời anh gắn liền với sách, cả tuổi thơ đắm chìm trong sách, thời thanh niên viết sách và khởi nghiệp với sách, trung niên thành công với một công ty sách. Anh nghĩ gì về vai trò của sách với anh và vai trò của sách trong thế giới hôm nay vốn bị các phương tiện giải trí nghe, nhìn và Internet lấn lướt?

Trong một không gian khó khăn ngày xưa, rõ ràng sách là nguồn tri thức hầu như duy nhất giúp cho mọi người trưởng thành, giúp cho chúng ta nhìn ra thế giới khác, và tôi hiểu nhiều hơn những gì tôi học trong nhà trường. Dần dần trưởng thành hơn nhờ những tờ tạp chí, nhờ những bản tin tham khảo của cha tôi, nhờ những tờ tạp chí nước ngoài mà tôi mua được, trong bối cảnh chưa có Internet và không gian trí thức như ngày hôm nay thì sách vở rõ ràng là một nguồn tri thức giúp cho tôi trưởng thành nhanh chóng.

Ngày hôm nay, trong thế giới nghe nhìn và Internet thì hiển nhiên sách giấy không còn vị thế quan trọng như những ngày xưa nữa, nhưng có mấy vấn đề cần phải được lưu ý.

Đó là, việc cô đọng tri thức vào trong cuốn sách khó hơn nhiều so với việc nói tràn lan trên mạng và những phương tiện truyền thông khác nên chất lượng những tri thức ở trên sách chắc chắn khác nhiều và có mức độ sâu hơn, tốt hơn so với các kênh thông tin khác. Tri thức ở trong sách về tổng thể tương đối có chất lượng và chiều sâu, được lựa chọn cẩn thận nên sẽ vẫn là một nguồn thông tin vô cùng quan trọng và cơ bản. Các phương tiện nghe nhìn giúp cho việc xử lý thông tin nhanh hơn, lan truyền thông tin nhanh hơn nhưng chiều sâu thì không thể so sánh với sách.

Mặt khác khi đọc sách, chúng ta phải tư duy nhiều hơn so với tiếp nhận thông tin từ phương tiện nghe nhìn. Ngay cả bản thân tôi, khi nghe một cuốn sách nói hoặc là xem một bộ phim thì nhiều khi tư duy không tập trung như đọc sách. Việc đọc sách giúp trí tưởng tượng bay cao, đang đọc có thể dừng đúng lúc để suy ngẫm về những vấn đề mà tác giả đặt ra, là những thứ mà các phương tiện nghe nhìn không thể có được. Vì thế tôi có thể nói rằng mặc dù vị thế của sách không còn giữ vai trò độc tôn như khi chưa có Internet nhưng cho đến tận bây giờ đó vẫn luôn là một nguồn tri thức đáng tin cậy nhất, đáng kể nhất và giúp cho chúng ta trưởng thành.

Anh đã xác định mục đích chính của cuộc đời mình là phát triển tri thức và phát triển con người. Đó là mục đích đầy nhân văn nhưng cũng đầy gian khó, mà thường thì người ta cho rằng nó là việc của Nhà nước. Anh đã có ý thức đi và tìm hiểu nhiều nền văn hóa trên thế giới, đọc Đông Tây kim cổ, cả những cuốn sách của người nước ngoài nói về người Việt Nam như “Xứ Đông Dương”, hay những cuốn sách của người Việt mổ xẻ những vấn đề của người Việt, anh có những đánh giá gì về căn tính, não trạng của người Việt và những điều đó có thuận lợi và cản trở gì đối với sự nghiệp phát triển đất nước hiện nay?

Đây thực sự là một câu hỏi khó, và xa hơn nữa để giải quyết về những vấn đề này cũng là một thách thức lớn nào đối với tất cả những người có trí tuệ, đối với giới học giả và trí thức và đối với cả đất nước. Tôi cũng nghiên cứu nhiều về chủ đề này và chưa nghĩ rằng mình có thể giải đáp hết được mọi câu hỏi được đặt ra, không phải chỉ là câu hỏi của anh, mà còn là câu hỏi của dân tộc, của thời đại và của bao nhiêu người khác đang được đặt ra. Tôi vẫn đang trong hành trình kiếm tìm những câu trả lời đó, kiếm tìm những lời giải đó, tuy nhiên, tôi cũng có thể trả lời một cách sơ bộ những vấn đề này như sau.

Về tổng thể, người Việt là một dân tộc dũng cảm, mạnh mẽ, thậm chí phải dùng từ là một dân tộc kiên cường, như Paul Doumer đã nói trong cuốn Xứ Đông Dương, “Phải rất lâu rất lâu mới có thể tìm thấy một dân tộc như thế, phải đi sang tận Nhật Bản mới thấy một dân tộc có thể tương đồng phần nào đó với dân tộc Việt Nam”. Nói thế để thấy rằng nhiều học giả đồng ý rằng dân tộc Việt Nam là một dân tộc có tố chất, có ý chí, có nghị lực và sự kiên cường. Phải có một sự kiên cường như thế nào đó mới có thể chống lại được những thế lực trong quá khứ như với người Trung Quốc, như với Pháp, Mỹ…

Nhưng dân tộc Việt bị những rào cản, bị hạn chế và chịu ảnh hưởng từ trong quá khứ, khiến cho cả dân tộc vẫn chưa tìm được cách thức vươn mình lên như những khao khát mà nhiều thế hệ đang mong muốn. Trong quá khứ, những rào cản đối với người Việt Nam đây chính là những yếu tố địa chính trị, khi khoa học công nghệ chưa được phát triển, khi chưa có giao thương buôn bán, khi hàng hải và hàng không chưa phát triển, người Việt Nam gần như chỉ có một con đường kết nối duy nhất với thế giới văn minh, đó chính là Trung Hoa và Trung Hoa là nền văn minh thế giới duy nhất khi đó. Các học giả của Việt Nam trưởng thành là nhờ cái cánh cửa kết nối với Trung Quốc, với Nho học và đó là sự độc tôn gần như duy nhất. Trở ngại lớn tiếp theo đối với người Việt đây chính là chữ viết, nếu những người Triều Tiên, người Nhật Bản đã có chữ viết cho riêng mình từ thế kỷ thứ 8 và thế kỷ 12 hay người Thái Lan và người Mã Lai đã có chữ viết cho mình từ thế kỷ 13 thì người Việt Nam vẫn loay hoay kiếm tìm chữ viết riêng, là chữ Nôm nhưng không thành công khi không lan tỏa được và đưa nó trở thành một chữ viết chính thức, đơn giản, phổ cập cho mọi người. Mọi văn bản, ghi chép, tư tưởng của quốc gia/dân tộc cho đến tận thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 vẫn chỉ dựa vào chữ Hán. Việc chậm trễ kiếm tìm được chữ viết cho mình đã làm dân tộc chậm phát triển lên rất nhiều…

Cũng chính do yếu tố địa chính trị quan trọng, là cánh cửa mở thông với phía nam của Trung Quốc, mở thông với vùng Đông Nam Á mà Việt Nam đã trở thành một mảnh đất đầy hứa hẹn cho sự khai thác thuộc địa, để cho người Pháp đặt chân đến đây, và tiếp theo trở thành một cái nơi mà người Mỹ và hệ thống XHCN coi là một mặt trận để tranh giành ảnh hưởng, để rồi bi kịch của đất nước chúng ta là ở yếu tố địa chính trị đó. Nhưng giờ đây, yếu tố địa chính trị đó cũng chính là cơ hội khổng lồ mở ra cho Việt Nam.

Trong khoảng 10 năm qua và đặc biệt là vài năm gần đây chúng ta lại trở thành tiền đồn, một vị trí, một quốc gia có những yếu tố địa chính trị vô cùng quan trọng trong một cuộc xung đột mới đó là cuộc xung đột giữa các giá trị phương Tây với Trung Quốc. Tôi đã nhìn thấy đâu đó những sự tương đồng với quá khứ, nó vừa hấp dẫn, vừa lôi cuốn nhưng cũng đầy bi kịch nếu chúng ta không tự tìm cách thoát ra được tình thế khốn khó này.

Ngày hôm nay, đã 100 năm sau khi chữ Quốc ngữ được phổ cập, tôi hy vọng rằng với trí thức, với kiến thức của người Việt đã vươn lên mạnh mẽ hơn rất nhiều, sự hiểu biết với nền tảng của dân tộc, với những cay đắng của quá khứ, với những bài học, rồi đây có thể hy vọng và trông đợi rằng chúng ta cũng không rơi vào cái bẫy bi kịch.

Sự phát triển của con người không thể tách rời sự phát triển của cộng đồng

Bản thân anh là người xứ Nghệ và anh có mối quan hệ thân thiết với nhiều trí thức xứ Nghệ như ông Nguyễn Trần Bạt, Nguyễn Sĩ Dũng, anh thấy vì sao các trí thức xứ Nghệ từ trước đến nay thường phải rời xa quê hương mới có thể phát triển, thành tài?

Thực ra không phải chỉ là những trí thức của xứ Nghệ mới rời xa quê hương để phát triển và trưởng thành. Hầu hết mọi địa phương đều như vậy, mọi người đều rời khỏi quê hương để rồi về những trung tâm văn hóa lớn nhất của đất nước. Điều này cũng đúng trong những giai đoạn phong kiến, ngay cả Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ cũng rời khỏi xứ Nghệ để ra Hà Nội. Thời hiện đại, ở Nghệ An có Nguyễn Xiển, Hoàng Xuân Hãn và nhiều học giả khác cũng đã ra Hà Nội, đó là chân trời để họ bay.

Bây giờ, khi không gian sống được mở rộng hơn, khi những thế hệ trẻ ngày nay có thể vươn ra với thế giới, chúng ta đang và rồi sẽ còn thấy những người xứ Nghệ xuất hiện ở những trung tâm trí thức của khu vực và thế giới như ở Singapore, ở châu Âu, ở Nhật Bản và cả ở Mỹ. Cái căn bản cuối cùng đó chính là một không gian, đó chính là một mảnh đất màu mỡ nơi mà những hạt cây có thể nảy mầm, có thể phát triển trở thành những cái cây xum xuê cành lá. Họ không thể ở trong quê, nơi phần nào đó rồi cũng chật chội về suy nghĩ, chật chội về không gian.

Mặt khác, giờ đây không gian mạng được mở ra cho tất cả, công nghệ phát triển cùng với sự tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến cho sự tương tác giữa con người với nhau thuận lợi hơn. Nhưng dòng chảy tri thức trên mạng xóa nhòa mọi khoảng cách địa lý. Những trí thức và bạn trẻ ở Nghệ An hôm nay đã rất dễ dàng tiếp cận được những dòng chảy đó, tiếp cận những sự kiện, hội thảo, tọa đàm được tổ chức ở Hà Nội ở Thành phố Hồ Chí Minh và ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Tuy không sinh ra, lớn lên ở Nghệ An nhưng anh là thành viên tích cực của Hội Đồng hương Nghệ An, đã khởi xướng và tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa dành cho quê hương. Động lực nào để anh dành thời gian, công sức đóng góp cho Nghệ An?

Mọi sự gắn bó của con người đều phải bắt đầu từ những điều gần gũi, thân thiết nhất. Mối quan tâm đầu tiên của tất cả chúng ta cũng đều là gia đình, bố mẹ, ông bà và rồi từ đó mới có tình yêu với quê hương và với đất nước. Ban đầu tôi cũng chỉ xuất phát từ việc được về quê rất nhiều lần từ khi còn bé, được đi thăm nhiều di tích, gặp gỡ con người nên thấy quen thuộc và gần gũi với làng xóm và họ hàng… Dần dần khi trưởng thành hơn, qua những chuyến về quê, tôi đã mở rộng tầm mắt, đi thăm những di tích lịch sử của dòng họ, rồi ra các huyện khác… Bắt đầu từ những việc như thế dần dần mối quan tâm của tôi đã mở rộng ra với cộng đồng xung quanh, về xứ Nghệ, dần dần tôi bắt đầu gặp gỡ các trường học, các trường cấp ba ở Vinh, trường Đại học Vinh, các trường phổ thông ở huyện Đô Lương và các huyện khác. Dần dần tôi nhận ra rằng sự phát triển của một dòng họ, sự phát triển của một gia đình không tách biệt khỏi sự phát triển của cộng đồng và địa phương. Không thể phát triển một dòng họ lớn nào bền vững nếu cộng đồng xung quanh đó không được nuôi dưỡng và phát triển.

Một yếu tố khác đó là các hoạt động xuất bản của mình luôn gắn bó chặt chẽ với cộng đồng. Chúng tôi có thể phát triển nếu cộng đồng ủng hộ và ngược lại, chúng tôi có thể đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng. Khi tổ chức hàng trăm những hội sách và những cuộc trò chuyện tôi nhận thấy quê hương chúng ta, tỉnh Nghệ An là một trong những tỉnh dẫn đầu về truyền thống hiếu học, cho đến tận bây giờ. Trong cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc mà tôi là người khởi xướng thì Nghệ An là tỉnh mà có nhiều em học sinh được giải nhất, dù phần nào đó truyền thống bị mai một, mất mát đi. Tôi nghĩ rằng mình sẽ không thể phát triển được nền văn hóa đọc trong quốc gia nếu tôi không phát triển tốt ngay trên quê hương và cộng đồng của mình, vì thế tôi sẵn lòng dành thời gian để phát triển các hoạt động ở Nghệ An và huyện Đô Lương.

Tôi nhận thấy quê hương Nghệ An in đậm trong cuốn tự truyện của anh, ký ức về ông nội, về dòng họ và những người thân ở mảnh đất Đô Lương với bề dày văn hóa có ý nghĩa thế nào với anh?

Có thể suy nghĩ của tôi không hoàn toàn chính xác, nhưng tôi nhận thấy văn hóa rất đặc trưng và góp phần tạo nền nếp gia phong, sự trật tự và ngăn nắp của các gia đình ở Nghệ An những năm tháng đó. Hiện nay, khi các điều kiện vật chất đã phát triển hơn nhiều, nhưng những yếu tố về tinh thần, về văn hóa dường như lại kém hơn trước nhiều.

Đâu đó ở ngoài Hà Nội này những hoạt động văn hóa vẫn được duy trì, bao nhiêu sự kiện văn hóa và hội nhập quốc tế được tổ chức ở đây, nhưng ở nông thôn thì không có gì ngoài việc thương mại, buôn bán, làm ăn. Dòng chảy dân cư đã cho phép nhiều người ở Nghệ An ra Hà Nội, trong đó có rất nhiều người giỏi, có học vấn, có trình độ và điều kiện luôn tìm cách rời xa khỏi quê hương để về sinh sống ở Vinh hoặc ra Hà Nội, hoặc đi các nơi.

Nếu như trước đây ở phố huyện của tôi có một hiệu sách và mặc dù nó cũng nhỏ bé thôi nhưng cũng có nhiều cuốn thật thú vị và rất hữu ích đối với người dân ở quê thì bây giờ không còn nữa. Những người thầy, những nhà nho, tạm gọi là những trí thức và học giả ở xứ Nghệ vẫn còn sống ở thôn quê dù có phần thiệt thòi hơn so với Hà Nội nhưng sự cách biệt đấy không có nhiều. Họ như thể là những hòn đá tảng, như thể là kim chỉ nam để điều chỉnh và định hướng cho những hoạt động văn hóa ở quê tôi. Đâu đó vẫn còn có nhiều thầy đồ mà khi gặp gỡ họ vẫn tiếp tục trò chuyện về những vấn đề của xã hội, của đất nước, về những giá trị văn hóa và lịch sử. Nhưng thật tiếc, ngày nay những buổi trò chuyện như thế thật là ít ỏi và không còn lớp người tạm gọi là thầy đồ ngày xưa. Hậu quả của việc này rất lớn: Nếu như nhiều thập niên trước, Đô Lương có những nhân vật văn hóa, những người giỏi vươn lên thì nay đã ít đi nhiều, không còn những học giả, những nhân vật như Thái Bá Vân, Nguyễn Cảnh Toàn,… nữa, dù có thể có doanh nhân nhiều hơn, nhà cửa giàu có hơn, nhưng cái gốc văn hóa đã mai một đi rất nhiều.

Ôn cố để tri tân, ký ức về những ngày Tết theo cha về xứ Nghệ đón Tết trong anh hẳn vẫn nguyên vẹn, không mai một theo thời gian?

Cái cảm giác thích thú và yên bình thuở bé trước gia cảnh, nếp nhà của ông bà nội ở Đô Lương vẫn in sâu trong tôi. Vì là cháu đích tôn nên suốt những năm tháng ấu thơ, cứ đến Tết bố lại đưa tôi về quê. Chừng 27-28 Tết, bố con tôi ra ga Hàng Cỏ đón chiếc tàu hỏa chạy xình xịch, chầm chậm và chật chội. Có những lần bố con tôi phải ngồi trên sàn, đồ đạc lỉnh kỉnh, lợn gà nhếch nhác, hoặc đi nhờ xe của quân đội về ngã ba Diễn Châu rồi chờ bắt xe tải để trèo lên thùng xe về Đô Lương. Khi về quê, ông nội hay dẫn tôi đi chào hỏi các cụ, thăm nhà người này người kia, đến nhà thờ họ. Dù ngày ấy, tôi không hiểu những truyền thống và phong tục đó, nhưng sau này, tôi thấy được giá trị và ý nghĩa của chúng tác động nhiều đến suy nghĩ và hành động của tôi. Tôi tâm niệm, điều quan trọng của một người là được dạy dỗ và thấm nhuần những giá trị làm người tốt đẹp, khi còn nhỏ biết hiếu kính, lớn lên sống có đạo lý, biết trên dưới, phải trái, trước sau.

Ngồi trên chiếc xe ngựa kéo hoặc trên thùng xe tải chạy theo đường 7 về Đô Lương, tôi nhìn thấy những đám khói bay ra từ nóc nhà, từ những căn bếp tranh, mái rạ thấp lè tè vào lúc trời chạng vạng tối. Tiếng chó sủa inh ỏi vang khắp ngõ quê lúc đêm khuya… Những ấn tượng về quê hương làm tôi thấy thân thuộc với đồng quê. Nhờ thế tôi bắt đầu biết đến những câu chuyện lịch sử và tổ tiên từ khi nào không biết nữa.

Một điều thú vị khác là khi về quê tôi tìm thấy nhiều sách trong nhà ông nội. Ngày ấy sách báo rất ít ỏi, chẳng mấy nhà có, nhưng thật may mắn vì chú ruột tôi là cửa hàng trưởng cửa hàng sách ở phố huyện Đô Lương, nên nhà cũng lưu giữ ít sách để đọc. Cái hiệu sách tuyệt vời đó nhiều năm nay đã trở thành cửa hàng Thế giới Di động và điều khiến tôi rất thất vọng là khi về thăm họ hàng, hầu như tôi không tìm được cuốn sách nào. Những truyền thống văn hóa của cả vùng đất, của dòng họ tôi đã mất mát đi nhiều. Không còn cảnh các cụ già chống gậy đi thăm nhau hoặc bàn những chuyện văn hóa, lịch sử địa phương và cả đất nước nữa. Giờ đây, câu chuyện mỗi lần gặp chỉ là chuyện kiếm tiền, xây nhà… Đó cũng là động lực thúc đẩy tôi phát triển các hoạt động văn hóa, nói chuyện tặng sách cho học sinh các trường cấp II, III Đô Lương nhiều năm nay.

Xin trân trọng cảm ơn anh!

Phùng Nguyên (Thực hiện)

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 20, tháng 1+2/2022)