Được biết đến là đạo diễn có nhiều phim về chiến tranh nhất, đến nay đạo diễn Trần Vịnh đã sở hữu hơn 500 tập phim về mảng đề tài đầy khó khăn nhưng cũng đầy hấp dẫn này. Ở tuổi 80, ông vẫn tiếp tục làm phim chiến tranh và vẫn ấp ủ nhiều ý tưởng cho những vùng đất mới. Chúng tôi gặp đạo diễn Trần Vịnh khi ông cùng biên kịch đi thực tế cho dự án phim mới về vùng đất Hà Nam, gắn với sự hy sinh anh dũng của 10 nữ dân quân phòng không Lam Hạ.

Đạo diễn Trần Vịnh tại buổi ra mắt phim

Thưa đạo diễn Trần Vịnh, lý do gì khiến ông vẫn say mê với việc làm phim, nhất là về đề tài chiến tranh, khi mà ở tuổi này, người ta chỉ nghĩ đến việc nghỉ ngơi?

Đầu tiên là do tính cách tôi vậy. Tôi không chịu được cảnh ngồi yên một chỗ. Đi làm phim, mình phải tính toán, phải suy nghĩ, vì thế bộ não phải hoạt động liên tục, sẽ không bị lẫn. Trời cho tôi thể lực tốt. Tôi ăn rất ít, nhưng vẫn đủ sức đi liên tục. Thật ra nhiều người muốn nghỉ ngơi là do thể trạng không cho phép, chứ anh thử nghĩ xem, ngồi yên một chỗ mãi cũng chán chứ. Nói một cách thành thực nhất, tôi chỉ muốn một ngày nào đó, tôi gục xuống và đi vào chuyến viễn du dài nhất của đời người ngay trên trường quay. Đó là viễn cảnh hạnh phúc nhất với tôi.

Còn vì sao tôi vẫn say mê với đề tài chiến tranh, thì do tôi là một người lính, rồi là diễn viên của đoàn kịch Quân đội. Trước khi làm phim, tôi đã từng là diễn viên chính của rất nhiều vở kịch về đề tài chiến tranh. Thôi, điều này tôi cũng không muốn kể nhiều, bởi bây giờ trên mạng có hết mà.

Để có thể thực hiện vài chục đầu phim truyền hình với hơn 500 tập phim, chắc chắn đạo diễn phải có cách thực hiện của riêng mình? Bởi vì, nếu chỉ để minh họa lại chiến tranh, thì cho phép chúng tôi được nói thẳng, thà làm phim tài liệu còn hay hơn, bởi độ chân thực của nó.

Tất nhiên là vậy. Tôi làm phim về chiến tranh là để nói về sự tử tế. Nói hình ảnh hơn, là nói về văn hóa chiến đấu, chứ không hẳn là minh họa chiến đấu. Chuyện bộ đội và Nhân dân ta anh dũng thế nào, tinh thần quả cảm không sợ hy sinh ra sao thì ai cũng biết rồi, không cần phải minh họa lại nữa, vì đó là điều đương nhiên. Không anh dũng, không thể có những chiến công lẫy lừng như thế, không có một Việt Nam như ngày hôm nay. Nhưng tôi tự hỏi, nếu bây giờ cứ ca ngợi như thế, liệu khán giả, nhất là khán giả sinh ra trong hòa bình, có thấy hấp dẫn không? Mà khi không thấy hấp dẫn, thì họ không xem. Cho nên, điều tôi muốn đề cập đến trong các bộ phim chính là sự tử tế. Trong những thời điểm, thậm chí những khoảnh khắc khốc liệt ấy, con người ta gắn bó với nhau, yêu thương nhau lắm, những người xa lạ mà thân hơn cả ruột thịt. Con người ngày đó sống với nhau đơn giản, mộc mạc, nhưng cũng đầy tinh tế. Chính những nét đó tạo ra văn hóa chiến đấu, đấy là theo quan niệm của tôi. Khi đã hình thành văn hóa chiến đấu, rõ ràng việc xuất hiện những anh hùng là đương nhiên. Hay nói một cách hình ảnh, mảnh đất văn hóa chiến đấu là nguồn nuôi dưỡng quả ngọt là những anh hùng.

Ở tuổi 80, đạo diễn Trần Vịnh vẫn hăng say với công việc

Chắc hẳn ông cũng có những câu chuyện riêng của mình về sự tử tế trong thời chinh chiến, cho nên ông mới ấn tượng mạnh đến thế?

­– Tất nhiên chứ! Nhiều điều tới bây giờ tôi vẫn ấp ủ là bởi đến tuổi này, người ta đương nhiên nhớ về quá khứ nhiều lắm. Ngày trước, tôi có quen một cô gái Hà Nội. Tôi đến nhà chơi, qua lại nhiều lần. Ngày ấy chỉ đơn giản thế thôi, chứ cũng chưa kịp nói điều gì. Rồi sau đó tôi đi bộ đội. Đêm lên tàu, cô ấy đến tận nơi đưa tiễn, đưa cho tôi một chiếc khăn, mở ra thì có ảnh cô ấy và những loại thuốc phòng bệnh khác nhau. Ngày ấy, chỉ đơn giản vậy, mà tôi hiểu cô ấy quan tâm đến mình thế nào. Ảnh là để ngắm cho đỡ nhớ, thuốc thang là đề phòng cho tôi những căn bệnh quái ác mà những người lính ngày đó hay mắc phải. Cũng may là thể trạng tôi khỏe, ít khi phải dùng đến thuốc. Tuy nhiên, kể lại để anh thấy, thời đó người ta ý nhị đến thế nào. Sau này thì chúng tôi không nên duyên nợ, nhưng kỷ niệm về một thời trong sáng ấy luôn mãi trong tôi. Và đó là kỷ niệm về sự tử tế.

Nhưng rõ ràng, nếu chỉ kể những chuyện ấy, thì chiến tranh êm đềm quá. Rõ ràng không khí chiến tranh vẫn phải được tái hiện lại chứ, thưa ông?

Đúng vậy. Tôi luôn luôn hào hứng với những đại cảnh. Có lần, một nhà biên kịch nói với tôi rằng, tôi viết thế này vẫn ra không khí mà tránh cho ông những đại cảnh, đỡ tốn tiền. Tôi trả lời rằng, ông cứ viết đi, Trần Vịnh chưa bao giờ ngại những đại cảnh, bởi vì không có những cái ấy, khác gì kể lại bằng lời. Điện ảnh là hình, hình và hình. Tôi không ngại tốn kém, vì nói thật, tôi có cách phải chi ít tiền mà hiệu quả vẫn cao. Trong nghề, người ta gọi tôi là Vịnh “Nổ”, vì cứ phim của tôi là phải có cảnh cháy nổ. Nói đến cảnh cháy nổ, thì rõ ràng anh hiểu ngay rằng, đó là những cảnh quay nguy hiểm. Nhưng tôi luôn nghĩ đến sinh mạng con người. Làm những cảnh này, nếu để xảy ra chuyện gì, trách nhiệm của tôi không nhỏ đâu.

Khi tôi làm đạo diễn phim  “Vùng ven một thời con gái”, có cảnh lính đối phương bị hạ gục. Lúc đó, bộ đội ở Bình Dương đóng giả lính đối phương sợ nguy hiểm, không dám thực hiện. Tôi bảo, không sao đâu, và tôi xông vào làm trước. Họ thấy tôi chẳng mất sợi tóc nào trong khi khói lửa tiếng nổ ầm trời, lúc đó họ mới hào hứng thực hiện. Để làm sao thực hiện được những cảnh này thì tôi không ngại kể, nhưng hơi dài dòng nên để dịp khác nếu có cơ hội.

Hay là khi cần cảnh trận địa ta bị máy bay B52 quần cho tơi tả, tôi cho mua 50 cái cây đường kính 30-40 cm về trồng. Rồi dùng 30 kg thuốc nổ đánh tung mấy chục cái cây ấy lên, làm như thật, để bãi đất ấy xơ xác, ám vàng như thật. NSND Huy Thành đến xem bảo tôi, giống quá, tài đến thế là cùng!

Tóm lại là tôi không ngại gì những đại cảnh, miễn là phục vụ cho ý đồ phim. Ngoài ra, vì biết tôi làm thật, nên các cấp, các ngành cũng rất ủng hộ và giúp đỡ.

Phim “Vùng ven một thời con gái” của đạo diễn Trần Vịnh

Nghe ông nói, thì có vẻ như ông vẫn còn đầy ắp những ý tưởng mới ?

­- Tôi còn muốn làm phim chục năm nữa. Bởi không làm phim, không đi, tôi không chịu được. Ấp ủ của tôi là phải làm phim về tất cả các tỉnh thành. Hiện giờ, còn chừng mười tỉnh thành là tôi chưa có phim, đơn giản là vì chưa có kịch bản. Vùng đất nào cũng có chuyện hay để kể, miễn là mình biết cách kể. Tôi có ý tưởng, có cách thực hiện, chỉ viết là chịu.

Chúc đạo diễn Trần Vịnh sức khỏe và sớm thực hiện được những dự án của mình.

Nguyễn Toàn Thắng (thực hiện)
(Ảnh trong bài do nhân vật cung cấp)