23.6 C
Vinh
Thứ hai, 7 Tháng mười, 2024

Đọc “Những đứa con của rồng” của Hữu Vi

Liên tiếp sau những tập thơ, truyện thiếu nhi, bút ký, mới đây Hữu Vi – cây bút xông xáo người dân tộc Thái ở Nghệ An trình làng tập du ký có tên gọi “Những đứa con của rồng” (Book Hunter liên kết NXB Văn học ấn hành, 2024).

Đó là kết quả của những chuyến “khoác ba lô lên và tha thẩn trên những nẻo đường miền Tây Nghệ An” (trang 108), những lần cuốc bộ qua đèo, qua suối đến nỗi “đầu gối muốn long ra” (trang 27); nghe tiếng gà, tưởng điểm đến đã rất gần nhưng hỏi ra thì còn phải đi hết một ngọn đồi nữa; những lần đi xe win leo dốc cao “chiếc xe khựng lại, bánh sau xoay tít” để rồi “nhìn xuống chiếc máy ảnh đeo trước ngực, ống kính đã nham nhở bụi đất” (trang 131); hay ngồi xe lên xuống dốc đèo quanh năm đủ để “tổng kết” rằng: “Lên dốc muốn ngồi gần nhau đã khó còn lúc xuống dốc muốn ngồi xa ra lại càng khó hơn” (trang 38)… Và để viết được những trang du ký mang giàu tính thực tiễn, đậm chất khám phá, phát hiện, tạo ra những trang văn hấp dẫn, thu hút, tác giả đã phải “Đi đến sơn cùng thủy tận, phía trước chỉ còn rừng rậm núi non điệp trùng chẳng thể tiến bước nữa thì dừng.” như đoạn viết về tộc người Đan Lai ở Con Cuông (trang 136).

Đọc 28 bài viết trong “Những đứa con của rồng”, có thể thấy Hữu Vi tập trung tìm hiểu, khai thác để phản ánh những nét chung truyền thống, những nét mới, hiện đại về phong tục, tập quán, đời sống kinh tế – văn hóa gắn liền với các di tích, phong cảnh nổi bật của đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Khơ-mú và Đan Lai ở miền Tây Nghệ An. Không chỉ ghi lại, kể lại một cách khéo léo, hấp dẫn kết quả từ những chuyến đi xuyên rừng, xuyên suối nói trên, Hữu Vi còn biết vận dụng kiến thức từ học tập, nghiên cứu, từ sách vở người đi trước và đương thời để lại để làm phong phú nội dung câu chuyện, đồng thời so sánh, đánh giá, bày tỏ quan điểm, cách nhìn trong một số trường hợp cụ thể, tạo nên dấu ấn riêng khá rõ về phong cách, về lịch sử vấn đề, câu chuyện…

Về tổng thể, có thể xem tập sách được hình thành trên cơ sở các bài viết về dân tộc Khơ-mú, dân tộc Thái, dân tộc Mông và một bài về tộc người Đan Lai. Tác giả thể hiện bằng cách ghi lại lời kể của những già làng, trưởng bản, người cao tuổi, các nghệ nhân, thầy mo…, kết hợp với việc trích dẫn từ sách vở sao cho câu chuyện đầy đủ hơn, chi tiết và sinh động hơn. Trong đó, các truyền thuyết về rồng, những câu chuyện tình giữa người với hổ, người với rồng… để lại dấu ấn rất đặc biệt, dường như để giải thích các sự vật, hiện tượng theo quan niệm cổ truyền của đồng bào các dân tộc miền Tây Nghệ An. Các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh như lễ tế trâu, cúng bản, cúng rẫy, ma bếp… của người Khơ-mú, tiếng khèn trong đời sống người Mông, cúng lễ ở các ngôi đền của người Thái… được tác giả công phu sưu tầm, khắc họa rõ nét, thông qua những câu chuyện, ghi chép công phu, chọn lọc.

Tác giả Hữu Vi khá tinh tế, tìm tòi khi phản ánh những nét mới, những đặc sắc riêng có của đồng bào dân tộc miền núi phía tây Nghệ An. Chẳng hạn, lễ cúng rẫy của người Khơ-mú có đoạn các thần linh “được mời nhận những lễ vật như váy, khăn, quần áo…” Thầy mo “cũng nhắc nhở các thần linh rằng riêng khoản thuốc phiện mà các vị vẫn hút khi đang ở dương thế thì không đáp ứng được vì trồng thuốc phiện là vi phạm pháp luật, nhà nước nghiêm cấm…” (trang30). Hay căn nhà của một người Mông hiện nay “Cột kèo, phên vách mài trơn láng bóng. Nền nhà đổ bê-tông kiên cố..” (trang 43), người Thái Khăng ở Na Loi (Kỳ Sơn) “từ ngày về lập bản đã biết đào mương dẫn nước về ruộng bậc thang. Những tên bản như Na Loi, Na Khướng, Na Nhu… nói lên rằng đây là vùng dân cư biết canh tác lúa nước từ lâu đời…” (trang 78). Cũng ở Na Loi, bà con lâu nay đã “không cho phép bất cứ ai đánh cá ở khúc suối chảy qua bản” và việc làm này đã là luật tục mới, được đưa vào hương ước thôn bản. Bên cạnh đó còn là những điều cấm mới như chỉ được khai thác măng cho gia đình, không được đem bán. Chỉ được khai thác gỗ ở rừng cộng đồng về làm nhà khi được kiểm lâm và chính quyền cho phép. Cấm vận chuyển gỗ ra ngoài địa bàn…(trang 85-86). Trong lễ hội Xăng Khan nức tiếng gần xa của người Thái, chủ và khách đều “từ chối uống rượu vì hiện lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông và xử phạt nặng” (trang 144). Câu chuyện “Đi tìm thuyền liền chèo” của người Đan Lai từng được nhiều người kể, nhưng qua cách của Hữu Vi mở ra cách nghĩ mới, mang nhiều hy vọng: “Người Đan Lai ở thượng nguồn sông Giăng ngày nay lại đang đi trên con đường tìm “thuyền liền chèo” của họ. Đó là một thứ khác, một lối đi để thoát cảnh nghèo khó” (trang 139).

Trong tập sách này, bên cạnh lối kể chuyện giản dị, dễ hiểu khi nói về phong tục tập quán, tác giả lại tỏ ra thăng hoa, bay bổng khi viết về những đặc sắc của tiếng khèn Mông, sáo tơm của người Khơ-mú hay lễ hội Xăng Khan của người Thái. Những trang viết về truyền thuyết của người miền núi đầy vẻ bí ẩn, linh thiêng, những nhân vật kiệt xuất như Đốc Thiết, như Trạng nguyên người Thái, những câu chuyện tình của người trai nghèo với cô gái đẹp mang lốt hổ, của Tạo Hiền và nàng Đỏn ở xứ Mường Quàng, về ngã ba sông Lam tại Cửa Rào, những món ăn đặc sản miền sông suối như rêu đá… tạo nên những bức tranh nhiều màu sắc, đầy mê dụ. Đó chính là cách tác giả đưa người đọc vào một thế giới với những điều tưởng như đã biết, đã nghe nhưng thực ra chưa dễ gì biết được “Chúng tôi nhìn lên chờ đợi nhưng chưa vội, thầy mo huơ tay ra trước mặt như đang gọi một đấng linh thiêng nào đó trở về. Lúc này gương mặt xương xương của ông như bao phủ một màn sương hư ảo.” (trang 22-23).

Miền Tây Nghệ An bao la, rộng lớn đã và từng được rất nhiều người tìm hiểu, khám phá, trong đó có nhiều sách vở ghi lại, như sách của Bùi Dương Lịch hồi thế kỷ 19, sách của Barthelemy, Lejeune (người Pháp), ông Phó Đức Thành hồi đầu thế kỷ 20 và nhất là sách, tài liệu nghiên cứu của các nhà văn hóa Ninh Viết Giao, La Quán Miên… Đó là nguồn tư liệu quý nhưng đồng thời cũng là khó khăn cho người đi sau như Hữu Vi để viết được một cuốn sách du ký hấp dẫn và mới mẻ.

Thật đáng mừng là qua tập sách quý “Những đứa con của rồng”, tác giả Hữu Vi tạo được dấu ấn riêng sau rất nhiều công sức, tâm huyết. Mong rằng, những khó khăn tạm thời không làm nguôi chí chàng trai bản lĩnh, biết vươn lên trong mọi hoàn cảnh, thời cuộc, biết tìm một lối đi riêng để cầm bút, để khẳng định mình.

Bùi Sỹ Hoa