Đội ngũ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên văn học, nghệ thuật thuộc các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương lâu nay luôn được coi là lực lượng “đặc thù” trong làng báo. Phần lớn anh chị em vừa là Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, vừa là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và các hội văn học, nghệ thuật các tỉnh, thành, ngành… Các cơ quan báo chí lớn như Báo Nhân Dân, Báo Quân đội Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh… với các ban văn nghệ, các tờ báo văn học, nghệ thuật như báo Văn Nghệ, tạp chí Văn nghệ Quân đội… là những “thương hiệu mạnh” trong làng báo chí lâu nay. Ở địa phương, như tỉnh Nghệ An chẳng hạn, đội ngũ này tập trung ở Tạp chí Sông Lam, các phòng/ban văn nghệ của Báo Nghệ An và Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An. Bạn đọc, bạn viết nhiều nơi từng biết các “tên tuổi” của Tạp chí Sông Lam một thời khói lửa như Quang Huy, Thạch Quỳ, biết và nhớ Văn Chi (dân ca), Phan Văn Từ (thơ), Nguyễn Huy Cận (văn xuôi), Mộng Đài (âm nhạc) là những biên tập viên chuyên trách để lại nhiều dấu ấn thời Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ Tĩnh. Bạn đọc Báo Nghệ An cuối tuần nhiều năm nay cũng khá thân thuộc và quý mến các biên tập viên Nguyễn Văn Hùng, Phạm Thùy Vinh… Nói rằng, đó phần lớn là “các nhà văn làm báo” hay “các nhà báo làm văn” đều đúng với thực tế tác nghiệp cũng như sáng tác của họ.

Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An tổ chức gặp mặt các nhà báo, văn nghệ sĩ các tạp chí văn nghệ Bắc miền Trung, năm 1998. Ảnh: Nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc cung cấp

Trải qua quá trình hoạt động, quá trình tác nghiệp báo chí cũng như sáng tạo văn học, nghệ thuật, đội ngũ này ngày càng được bổ sung, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Theo quan sát, tìm hiểu của chúng tôi, hoạt động của đội ngũ làm báo chí văn học, nghệ thuật có những thuận lợi cơ bản: 1) Luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, của cấp ủy và chính quyền địa phương, sự quan tâm của lãnh đạo cơ quan báo chí, được tạo điều kiện về cơ sở vật chất sinh hoạt, học tập, điều kiện sáng tác, công bố tác phẩm, trao giải thưởng báo chí và văn nghệ…, được kế thừa truyền thống của các thế hệ đi trước, nhất là gương mẫu bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật, bám sát tôn chỉ, mục đích của mỗi cơ quan báo chí, không ngừng đổi mới và sáng tạo để nâng cao chất lượng hoạt động của các phòng ban văn nghệ, các tờ báo/tạp chí văn nghệ. 2) Đội ngũ làm báo văn nghệ ngày càng được đào tạo bài bản, trải qua thực tiễn công tác để vừa nắm bắt sâu sát hiện thực đời sống, thực tiễn phong trào văn hóa. văn nghệ của đất nước và từng địa phương, thực tiễn sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật để phản ánh kịp thời, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho từng cá nhân cũng như tập thể cơ quan, đơn vị, cộng đồng. 3) Chất lượng đội ngũ cộng tác viên văn nghệ ngày càng được nâng cao nhờ việc bồi dưỡng, phát hiện cây bút, kết nạp hội viên, xuất bản, công bố tác phẩm. Thông qua các chương trình văn học – nghệ thuật, các số báo/tạp chí xuất bản định kỳ, các cuộc thi sáng tác, biểu diễn… là dịp để phát hiện, bồi dưỡng lực lượng cộng tác viên. Ở các địa phương, như ở Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An, có các hội viên từ Trường Đại học Vinh, các trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật Nghệ An, từ Quân khu 4 tham gia sinh hoạt đã góp phần nâng cao chất lượng mọi mặt của một hội địa phương, là một truyền thống quý báu đang tiếp tục được phát huy trong tình hình mới. 4) Chất lượng phát sóng, xuất bản về văn họ, nghệ thuật của các cơ quan báo chí trung ương cũng như địa phương ngày càng được nâng cao về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc, bạn nghe xem gần xa. Chương trình “Tiếng thơ” của Đài Tiếng nói Việt Nam luôn thu hút được đông đảo người nghe là ví dụ cụ thể. Nhiều đài phát thanh và truyền hình địa phương đã phủ sóng qua vệ tinh, được phát sóng trên nhiều hạ tầng khác nhau, các cơ quan báo chí in hầu hết đều có báo điện tử lan tỏa rộng rãi, đến với bạn đọc gần xa… là cột mốc phát triển mới của báo chí nói chung và báo chí văn nghệ nói riêng trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Tạp chí Sông Lam tổ chức hội thảo các tạp chí văn nghệ Bắc miền Trung chủ đề “Đổi mới để phát triển”, năm 2022. Ảnh Tất Lành

Tuy vậy, đội ngũ báo chí văn nghệ cũng đang gặp những khó khăn, thách thức không nhỏ: 1) Tình trạng già hóa đội ngũ làm báo văn nghệ, hội viên văn nghệ chưa được khắc phục, nhất là trong lĩnh vực văn học. Số hội viên trẻ chiếm rất ít trong tổng số hội viên toàn quốc, toàn ngành hay toàn tỉnh, hội viên là người dân tộc thiểu số vốn đã ít nay lại càng ít hơn rất nhiều so với trước đây. Nhiều phóng viên, biên tạp viên văn nghệ nhưng chưa/không được kết nạp hội viên các hội văn nghệ. Trong lúc đó, số lượng bạn đọc thủy chung và yêu mến văn học nghệ thuật ngày càng giảm trước sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ, đặc biệt là của mạng xã hội với nhiều ưu việt, tiện lợi chưa từng thấy. 2) Các trang/chương trình báo chí điện tử đều gặp nhiều khó khăn từ kinh phí đến hạ tầng, kinh nghiệm làm báo điện tử… nên hiệu quả hoạt động thấp, không thu hút được bạn đọc, bạn viết. 3)Trong tổng thể, điều kiện hoạt động giữa các cơ quan báo chí nói chung và cơ quan báo chí văn nghệ vẫn khác nhau khi so cùng ngành, địa phương, từ cơ sở vật chất, định mức hoạt động, biên chế, lợi ích…, rất khó thu hút người tài hoặc nhân lực chất lượng cao. Chẳng hạn, cùng là một cơ quan báo chí địa phương nhưng cơ sở vật chất, đội ngũ, kinh phí của Báo Nghệ An, Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An luôn “mạnh” hơn Tạp chí Sông Lam là một ví dụ cụ thể.

Từ những thuận lợi, khó khăn nói trên, xin được kiến nghị: 1) Cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động văn hóa, văn nghệ như Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & Truyền Thông, Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, các Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin – Truyền thông… thường xuyên có chương trình tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, hành động, kinh nghiệm hoạt động, kinh nghiệm làm báo văn học – nghệ thuật, nhất là báo chí điện tử trong xu hướng phát triển mới đối với từng chức danh từ tổng biên tập đến các trưởng ban, biên tập, phóng viên, họa sĩ, kỹ thuật quản trị mạng… cho đội ngũ làm báo văn nghệ ở Trung ương và địa phương. Nên mời những người có kinh nghiệm thực tiễn, vừa làm báo giỏi, viết văn hay phổ biến kinh nghiệm, bài học, thậm chí “cầm tay chỉ việc” trong một số trường hợp giúp các cơ quan báo chí văn nghệ đi sau, đi chậm có cơ hội đi tắt, đón đầu vượt lên theo kịp các cơ quan, địa phương khác. 2) Quan tâm, tạo điều kiện để các hội viện từ trung ương tới địa phương được tham gia hội thảo, dự trại viết, đi công tác trong và ngoài nước, giới thiệu/quảng bá tác phẩm trên các tờ báo lớn, uy tín, chấm giải các cuộc thi/hội diễn báo chí, văn nghệ… nhằm khuyến khích, cổ vũ, xây dựng đội ngũ báo chí văn nghệ Trung ương và địa phương, làm nòng cốt, nâng tầm để trở thành địa chỉ phấn đấu cho phong trào văn hóa – văn nghệ cả nước cũng như từng địa phương. 3) Quan tâm tạo điều kiện về mọi mặt từ cơ sở vật chất đến nhuận bút, các hoạt động thường xuyên, đột xuất…cho cơ quan báo chí văn nghệ, nhất là ở địa phương, không để thấp thua với các cơ quan báo chí khác, để báo chí văn nghệ thực sự là một cơ quan báo chí về lĩnh vực đặc thù văn học – nghệ thuật. 4) Tổ chức các hoạt động phối hợp, liên kết, thi đua giữa các địa bàn, khu vực nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau như cách tổ chức bài vở cho một số tạp chí in hay tạp chí điện tử, kinh nghiệm đặt bài cộng tác viên, thu hút cộng tác viên trong và ngoài tỉnh, tổ chức các trại sáng tác chất lượng, các cuộc thi văn học -nghệ thuật, xét chọn các giải thưởng, tôn vinh tác giả, tác phẩm, chăm lo đời sống hội viên. 5) Tạo mối liên hệ bền chặt, khăng khít, thúc đẩy lẫn nhau giữa những nhà báo làm văn nghệ và cơ quan báo chí, cơ quan báo chí văn nghệ, tạo ra một mạng lưới hoạt động chung, tạo sự thống nhất, đa dạng về hoạt động, chất lượng hoạt động văn nghệ từ phong trào đến đỉnh cao, chuyên nghiệp trên từng địa bàn và cả nước, ở nước ngoài. Các phóng viên, biên tập viên văn nghệ ở các báo, đài nên được ưu tiên kết nạp làm hội viên các hội văn học nghệ thuật cũng như tham gia các hoạt động hội. 6) Chăm lo xây dựng đội ngũ nhà báo làm văn nghệ, cộng tác viên văn nghệ, chăm lo đào tạo đội ngũ những người viết trẻ đủ năng lực, lòng yêu nghề, dám dấn thân và cống hiến cho sự nghiệp văn hóa, văn nghệ trong công cuộc chấn hưng văn hóa dân tộc cấp thiết hiện nay.

Bùi Sỹ Hoa