Đoàn văn nghệ sĩ (VNS) do Hội LHVHNT tỉnh Nghệ An tổ chức gồm 25 thành viên khởi hành ngày 11/11/2022 đi thực tế các điểm di tích – danh thắng – du lịch và các trang trại mới nổi của vùng đất Diễn Châu – Thái Hòa. Các VNS tham gia trại viết văn năm nay có mục tiêu viết cởi mở hơn các năm trước, tức là không gò bó viết về một huyện nào đã định, nhưng cuộc khảo sát tham quan thực tế đa phần diễn ra trên đất thị xã Thái Hòa (thuộc huyện Nghĩa Đàn trước đây). Do vậy, tôi cảm nhận được là phải viết sao để trả được ơn nghĩa cho người dân nơi đây – nơi vùng đất có các di sản văn hóa – lịch sử đã hơn hai nghìn năm – di sản văn hóa Đông Sơn Làng Vạc.
Điểm dừng chân thứ nhất: Khu Du lịch sinh thái Hòn Mát
Từ ngã ba thị trấn Diễn Châu tại đường 1A, đoàn đi theo phía bắc đến ngã ba Yên Lý (Diễn Châu), rẽ trái đường 48 đi tiếp qua Truông Vên, qua Tuần (Quỳnh Lưu) là sang đất thị xã Thái Hòa. Hai bên truông có rừng cây xanh đẹp, xưa khó đi lắm vì độ dốc cao và dài, rồi được mở rộng và hạ độ dốc dần như ngày nay. Có thành viên thắc mắc: “Sao cũng là dốc, mà đây gọi là truông?” Nghe giải thích mới hiểu thì ra, dốc, hai bên có vách núi dựng thì gọi là truông. Đúng “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” là vậy!
Đến ngã tư nơi đường 48 gặp đường mòn Hồ Chí Minh, xe rẽ trái là xã Nghĩa Lộc, khoảng hơn chục cây số đến xóm Sơn Hải, nơi có Khu Du lịch sinh thái Hòn Mát, cũng là đích đến của đoàn. Cảm nhận đầu tiên của tôi cũng như các thành viên khi đến đây là rất vui và ấn tượng với hàng rào vàng hoa dã quỳ rực rỡ, chân quê. Chị em trong đoàn xuống xe liền vội vàng chạy đến tạo dáng bên những bông hoa đẹp. Đoàn ăn trưa tại đây, trên nhà hàng nổi có hình các thuyền được ghép ván gỗ chắc chắn. Thuyền nổi liên kết cái dọc, cái ngang bồng bềnh trên mặt hồ đập Mát đầy nước, trong xanh, in bóng những hàng cây xanh mát. Nhà hàng thủy tạ này được thiết kế, xây dựng theo ý tưởng nhà nổi sống chung với lũ của bà con ở đồng bằng sông Cửu Long. Các bộ khung vòm, lan can nhà được làm bằng gỗ, tre trúc, mái lợp lá cọ chồng trên mái nhựa cao cấp, màu sắc hòa hợp, mát về mùa hè, ấm về mùa đông; bàn ghế ngồi dành cho khách cũng được làm bằng tre trúc, song mây giản dị. Du khách thoải mái tận hưởng khi các nghệ sĩ kèn sáo hòa đồng cảm hứng với những bản tình ca, dân ca từ quyến rũ đến sôi động. Mặt hồ Mát rộng mênh mông, xa xa, chung quanh thung lũng là những ngọn núi nhấp nhô, rừng xanh trông như tranh vẽ. Nhất là lúc hoàng hôn hay sáng sớm hừng đông, cảnh non nước trong mờ hơi sương, nhìn đắm mắt, thật thơ mộng. Dọc theo ven hồ là những rặng hoa hồng, hoa râm bụt, hoa mẫu đơn… cuốn hút chị em trong đoàn. Về đêm, đèn hoa kết dãy, xen vào cây, vào lán trại, kết thành cầu vồng trên mặt hồ nước lung linh, huyền ảo như cõi tiên bồng. Từ chiều tối thứ 6 và thứ 7, Chủ nhật hàng tuần, người từ khắp nơi trong huyện, trong tỉnh lại kéo nhau về đây họp lớp, giao lưu, tiếng đàn sáo, tiếng hát thật vui vẻ, sinh động…
Cài tên Hòn Mát gợi cho ta cảm giác tên một hòn đảo nơi vùng biển thì đúng hơn? Khi tôi giới thiệu địa danh này trên mạng thì nhà văn, nhà báo, cựu chiến binh Cao Khoa có ngay thắc mắc này. May trước khi rời Hòn Mát, được gặp GĐ Đặng Trọng Tấn, tôi đã kịp hỏi rõ về xuất xứ của địa danh này. Thì ra, nguyên ở xóm Sơn Hải, xã Nghĩa Lộc có núi tên là Hòn Mác (núi có nhiều cây mác). Dân vùng biển Diễn Châu di cư lên đây xây dựng đời sống mới theo chính sách di dân khai hoang của Chính phủ và tỉnh Nghệ An từ những năm bao cấp, đã khai hoang, lập nghiệp, lập làng mới ở hai cơ sở, đặt tên xóm là Sơn Hải: Sơn (núi) và Hải (biển) đủ ghi nhớ cho con cháu về gốc gác của xóm mình ở. Dân di cư ở nơi mới luôn nhớ về cố hương, thấy núi Mác đẹp và mát mẻ, nhất là từ khi có đập nước, vậy là, núi Mác được dân biển di cư đọc chệch đi thành ra núi Mát, hòn Mát, đập Mát, hồ Mát, vừa lưu giữ được âm tên gọi cũ, vừa gợi nhớ được về quê hương miền biển của mình. Người dân xung phong lên đây lập nghiệp, thường ngày lao động hăng say, làm nương, làm rẫy, cấy lúa, trồng khoai, ngô, sắn, trồng rừng, tự túc đủ cái ăn, cái mặc, cái học cho gia đình. Những nam thanh, nữ tú thường rủ nhau lên hòn Mát và bờ hồ Mát để hội họp, hát hò, tâm sự, rồi tình yêu nảy nở, ghép đôi, sinh con, đẻ cái, lập nên nhiều gia đình mới, cùng chung lưng đấu cật xây dựng nên một làng quê giàu đẹp, thịnh vượng. Thị xã Thái Hòa và tỉnh đã cho lập dự án xây dựng Khu Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hòn Mát và nhà hàng thủy tạ được xây dựng cũng được đặt tên theo tên gọi Hòn Mát là vậy. Người khởi nghiệp dự án Khu Du lịch sinh thái này là thầy giáo trẻ Đặng Trọng Tấn. Anh đã mạnh dạn bỏ nghề “gõ đầu trẻ” và đau đáu ước mơ xây dựng được một cơ ngơi khang trang để phục vụ việc nghỉ ngơi, an dưỡng cho cộng đồng và du khách; đồng thời giải quyết được ít nhiều công ăn việc làm cho các thanh niên của quê hương. Nơi đây đã thật sự là một điểm đến đẹp và hấp dẫn du khách, đánh dấu một sự khởi nghiệp thành công của sức trẻ.
Điểm dừng chân thứ hai: Làng Vạc
Từ Hòn Mát, xe đưa đoàn đi thăm Làng Vạc (cách khoảng 17km), nơi chứa đựng cả một khối di sản hiện vật văn hóa Đông Sơn vào loại rực rỡ bậc nhất ở nước ta, cách ngày nay khoảng 2000-2500 năm.
Làng Vạc thuộc xóm 2 và 3 Hợp tác xã Đại Châu, xã Nghĩa Hòa, huyện Nghĩa Đàn, nay thuộc thị xã Thái Hòa. Làng cách trung tâm thị xã 8km về phía Đông Nam, cách sông Hiếu 500m về phía Tây, cách Tp. Vinh 90km về phía Tây Bắc.
Xe vừa dừng bánh ngoài cổng đền Làng Vạc thì trời có mưa nhỏ. Mọi người cứ đội mưa đi vào khu vực đền thờ, nhà bia và nhà truyền thống (Bảo tàng) với vẻ mặt kính cẩn. Hướng dẫn viên của Ban quản lý Di tích hướng dẫn đoàn thắp hương cho các vị thần tại đền chính. Bên tả (trái) đền là khu biểu tượng ghi dấu ấn cột bia đá của nền đất thung lũng Làng Vạc với song long (2 rồng) chầu hai bên, phía trước có lư hương đá to lớn. Bên trái nền này là đền thờ vị thần khai cơ, lập ấp và cai quản vùng đất Làng Vạc. Phía trên bàn thờ là bức hoành phi đại tự:
萬古英靈
(Vạn cổ anh linh).
Hai bên có đôi câu đối chữ Hán:
開基立邑留大德
扶王平賊顯英靈
(Khai cơ lập ấp lưu đại đức;
Phù Vương bình tặc hiển anh linh).
Dịch nghĩa là:
Khai cơ lập ấp lưu đại đức;
Phò vua dẹp giặc hiển anh linh.
Cái tên Làng Vạc có cách đây hơn 2000 năm, là nơi cư trú của người Việt cổ. Họ quần tụ trên một vùng đồi rộng lớn. Phía trước làng là một cánh đồng trũng, có suối nước chảy qua, là nơi trồng lúa và bắt tôm cá để sinh sống. Cái tên Làng Vạc xuất xứ từ cổ xưa, khi người dân nơi đây đã biết làm nghề đúc đồng. Làng nghề đã đúc được những công cụ nổi tiếng để lao động sản xuất nhằm tăng năng suất, thu hoạch mùa màng hiệu quả hơn. Đặc biệt, họ đã đúc được những vật dụng lớn như vạc 8 quai, có thể luộc nguyên cả một con trâu. Nó là một sự kiện được người Việt cổ ở đây truyền miệng từ đời này qua đời khác như một truyền thuyết. Chuyện kể rằng:
“Năm ấy mưa thuận gió hòa, thiên thời địa lợi, cuộc sống Nhân dân ấm no, mùa màng bội thu, cả làng rậm rịch cho lễ mừng cơm mới. Đêm hôm trước chuẩn bị cho lễ tế thì vị trưởng làng nằm mơ thấy (vào giờ nọ vào sáng mai ra đầm thần sẽ giúp…).
Ngày hôm sau đúng giờ thần dặn, trưởng làng cùng các bô lão sắm lễ vật ra đầm thắp hương khấn vái. Quả nhiên dưới đầm nổi lên một chiếc vạc đồng to lớn, có 8 quai, luộc được cả con trâu, bên trong có vô số nồi niêu, bát đĩa và các vật dụng khác phục vụ cho một buổi lễ.
Thần dặn “xong rồi đem về chỗ cũ trả cho ta…”
Dân làng vui sướng ăn mừng nhảy múa mấy ngày đêm liền. Nhớ lời thần dặn, xong việc cả làng lại khiêng vạc 8 quai và các vật trả lại cho thần.
Rồi những năm sau, cứ đến ngày lễ, dân làng lại ra cầu xin và được linh ứng. Từ đó đầm này có tên là đầm Vạc và tên Làng Vạc cũng có từ đó”.
Bia đá dựng bên trái cổng chính ra vào khu đền thờ cho ta biết về vị trí, địa điểm, các đợt khai quật khảo cổ học, cùng số liệu hiện vật tìm được. Bia có nội dung như sau:
“Di tích lịch sử Khảo cổ học Làng Vạc:
Làng Vạc thuộc xã Nghĩa Hòa, thị xã Thái Hòa, cách thành phố Vinh 90km về phía Tây Bắc. Di chỉ khảo cổ học Làng Vạc thuộc nền văn hóa Đông Sơn, được khai quật vào các năm 1973, 1980, 1981, 1990, 1991, 1999 đã phát hiện 374 ngôi mộ cổ, 1228 hiện vật, công cụ sản xuất, vũ khí, nhạc khí, tượng, đồ dùng sinh hoạt, đồ trang sức bằng đồng, đá, gốm, thủy tinh của người Việt cổ cách đây khoảng 2000 – 2500 năm. Với số lượng lớn về mộ cổ và hiện vật phong phú, đa dạng về thể loại và những nét tinh xảo độc đáo của các hoa văn trên hiện vật cho thấy giá trị to lớn của Làng Vạc được các nhà nghiên cứu khảo cổ đánh giá nhất nhì khu vực Đông Nam Á, được Bộ Văn hóa, Thông tin xếp hạng Di chỉ cấp Quốc gia theo Quyết định số 61 QĐ-BVHTT ngày 13/9/1999.
Từ đó đến nay Làng Vạc trở thành điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng vùng đất Phủ Quỳ, là địa chí hấp dẫn về du lịch – sinh thái – tâm linh”.
Bên hữu (phải) đền là Bảo tàng trưng bày hiện vật Làng Vạc, chủ yếu là hình ảnh chụp lại các hiện vật tiêu biểu, vì những hiện vật chính qua các đợt khai quật đã được đưa về lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nghệ An. Ngoài 4 cái chiêng theo bộ và trống hội được đặt ở đây, thì các hiện vật được trưng bày trong tủ kính là đồ sưu tập của một số dân chơi cổ vật cung tiến, như: bộ đồ gốm Hán Việt; bộ rìu bằng đá, bằng đồng; bộ dọi xe chỉ bằng gốm đất nung; một số vũ khí bằng đồng Đông Sơn và muộn hơn; cùng một số loại hình công cụ sản xuất khác… Đáng chú ý là bộ trang sức Đông Sơn gồm một số bao tay bằng đồng, các vòng đeo tay, khuyên tai bằng đá ngọc và thủy tinh tự nhiên… Đó là các hiện vật một phần biểu trưng cho khối lớn hiện vật thuộc văn hóa Đông Sơn đã khai quật, tìm thấy ở Khu Di chỉ Làng Vạc.
Di chỉ Làng Vạc được phát hiện một cách ngẫu nhiên. Khoảng trước năm 1960, một nhóm ít người dân tộc thiểu số ở huyện Nghĩa Đàn và dân miền xuôi của huyện Hưng Nguyên, Diễn Châu lên đây khai hoang và sống thành làng, bản ở trên khu di chỉ thành 2 xóm Long Châu và Đại Vạn. Đến khoảng giữa năm 1972, trong khi khởi công xây dựng hồ chứa nước Đại Vạn, Nhân dân đã phát hiện được một số hiện vật bằng đồng, như dao găm, thạp, rìu, kiếm và nhiều mảnh gốm. Sau đó các nhà nghiên cứu Khảo cổ học trong tỉnh và chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản) tập trung khai quật đã phát hiện được nhiều hiện vật có giá trị của người Việt cổ.
Thực tế, qua ba đợt khảo cổ: đợt 1 năm 1973; đợt 2 năm 1980; đợt 3 năm 1999 đã phát hiện hàng ngàn ngôi mộ táng và hiện vật đồ đồng, gốm, đá, thủy tinh, với các loại hình vật dụng phong phú. Đồ đồng tiêu biểu như: hàng trăm lưỡi giáo, dao găm; 80 chiếc rìu; 67 lưỡi xẻng có họng tra cán; 13 thuổng; đặc biệt là phát hiện về lưỡi cày đồng là minh chứng cho người Việt cổ đã biết canh tác lúa nước; lại có hiện vật hiếm gặp là chiếc cuốc chim có hai đầu (khai quật năm 1999) đã làm sửng sốt giới nghiên cứu KCH… Đáng chú ý nhất trong các hiện vật bằng đồng có 5 chiếc trống Đông Sơn: cái lớn nhất cao 48,5cm, đường kính mặt 56cm. Tiêu biểu về độ tinh xảo hoa văn và kỹ thuật đúc trống là trống (số I) cao 27,5cm, đường kính mặt 37,7cm, giữa mặt là ngôi sao 12 cánh và có 8 vành hoa văn các dải băng chấm, vòng tròn đồng tâm, răng cưa, có hình 4 chiếc thuyền; lưng trống có các băng hoa văn là các hình học thẳng đứng chia ra 8 ô, mỗi ô có hình 1 con bò thuộc nhóm A…
Hai hiện vật: chiếc dao găm đồng Đông Sơn, cán có hình tượng hai con rắn quấn, miệng ngậm 4 chân con voi và chiếc môi đồng Đông Sơn có cán hình tượng con voi hiện được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nghệ An được Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia và cũng là 2/3 bảo vật Quốc gia của Nghệ An (hiện vật thứ ba là hộp đựng Xá lị bằng vàng phát hiện KCH Nhạn Tháp ở Hồng Long, Nam Đàn).
Lễ hội Làng Vạc được tổ chức hàng năm, từ 7-9/2 (âm lịch). Tối ngày mồng 7/2 âm lịch là lễ yết cáo tại Đầm Vạc; sáng 8/2 là lễ rước Vạc về nhà Bia (đại tế tại nhà Bia); lễ khai hội tại khu Khai hội của Làng Vạc; trưa 9/2 là lễ bế mạc. Phần hội có dựng trại, thi đấu một số môn thể thao, thi văn nghệ, thi ẩm thực với các món ăn quê hương, chung kết giọng hát hay và nét đẹp Làng Vạc.
Lễ tế chính được khai mạc ở sân khấu lớn tại một khu đồi rộng, thoáng mát, cách nhà bia 2km và tổ chức đoàn rước Vạc về tại nhà bia (khu nhà truyền thống). Phông màn, cờ Tổ quốc, cở hội, băng rôn được cắm, treo khắp làng xã và đường đi; sân khấu có trang trí biểu tượng chiếc Vạc lớn 8 quai, trống đồng và dàn cồng chiêng tạo không khí thật linh thiêng, trang trọng, vui vẻ.
Đoàn rước Vạc, đi đầu là cờ hội, cờ Tổ quốc; đội múa lân của học sinh; kiệu do người khiêng; Vạc 8 quai khiêng đòn 4 người, có 4 nữ đồng bào dân tộc nối dải lụa màu đi trước và sau Vạc; một trống đại; dàn chiêng; trống đồng; đội tế; đến đại biểu và khách mời, các đoàn và khách thập phương. Lễ hội Làng Vạc tổ chức với quy mô khá lớn, linh thiêng, sinh động, nên đã cuốn hút hàng ngàn người dân và khách du lịch tham gia.
Điểm dừng chân thứ ba: Vườn nho nhà kính Nghĩa Thuận
Rời Làng Vạc, đoàn VNS được xe đưa đến vườn nho trồng trong nhà kính thuộc loại lớn của Đông Nam Á (theo giới thiệu của hướng dẫn viên) ở xóm 5, xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa. Vườn nho do Công ty TNHH Hùng Cường đầu tư xây dựng trên khu đất rộng 10 ha, kinh phí xây dựng tới 30 tỉ đồng. Ngoài vườn nho, công ty còn đầu tư khu trang trại trồng rau, dưa sạch và nuôi gà, lợn… Các mặt hàng thu hoạch hàng ngày ở đây được tiêu thụ tại chỗ và phân phối tại các cửa hàng ở thành phố Vinh. Các thành viên của đoàn ngạc nhiên với sự bề thế của trang trại; được dịp trải nghiệm mua rau sạch và thưởng thức hoa quả sạch. Đúng là một sự kết thúc ngọt ngào cho chuyến đi thực tế của VNS dự trại viết văn của Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An vào cuối mùa thu năm 2022.
Đào Tam Tỉnh