Trong kho tàng dân ca xứ Nghệ, cùng với ví, giặm, hò vè, lẩy Kiều… ca trù có một vị trí độc đáo cả về giai điệu, ca từ, múa, không gian diễn xướng. Nhiều địa phương ở xứ Nghệ và miền Bắc có phường hát ca trù nhưng làng Cổ Đạm dưới chân núi Hồng Lĩnh thuộc huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh được xác định là nơi phát tích, là đất tổ ca trù.

Mỗi độ xuân về người Cổ Đạm, đất Cổ Đạm lại rộn ràng ngày giỗ tổ ca trù. Duyên nợ ngày xuân với câu ca trù đã trở thành lời hẹn của các giáo phường ca trù trong Nam ngoài Bắc về với vùng đất nước biếc, non xanh này.

Truyền ngôn làng Cổ Đạm kể rằng: ngày xửa, ngày xưa, dưới chân núi Hồng Lĩnh có chàng trai trẻ tên Đinh Dự học rộng, tài cao ghi danh bảng vàng nhưng không ra làm quan mà chỉ ngao du thiên hạ làm bạn cùng cây đàn, tiếng ca. Một ngày xuân Đinh Dự vào Ngàn Hống (Hồng Lĩnh) du xuân, chàng gặp hai tiên ông là Lã Đồng Tân và Lý Thiết Quái đang chơi cờ. Chàng hát hầu hai tiên ông. Mến mộ giọng ca huyền hoặc của Đinh Dự, hai tiên ông đã tặng chàng một phiến gỗ ngô đồng và chỉ bảo cho chàng cách làm cây đàn từ phiến gỗ này. Về nhà Đinh Dự đã chế tác mảnh gỗ thành một cây đàn và đặt tên cho nó là đàn đáy.

Kỳ lạ thay, mỗi khi Đinh Dự chạm tay vào cây đàn, dây đàn ngân lên một giai điệu lạ kỳ không lảnh lót, réo rắt mà nhẹ nhàng khoan thai, trầm ấm làm cánh chim ngừng bay, con cá ngừng lội, đất trời như thể xuân sang.

Với cây đàn đó, chàng đi khắp nơi dạy cho nhân gian những bài ca với giai điệu mê đắm lòng người. Đó là ca trù. Trong một chuyến du sơn, ngoạn thủy chàng đến xứ Mường ở Thường Xuân, Thanh Hóa. Quan châu ở đây là Bạch Đình Sa vốn mê đàn hát đã lưu chàng lại tư gia. Yến tiệc được mở, tiếng đàn của Đinh Dự được cất lên! Lạ kỳ thay khi nghe tiếng đàn của Đinh Dự, cô con gái độc nhất xinh đẹp như bông hoa rừng của Bạch Đình Sa là Bạch Hoa, đang tuổi trăng tròn lẻ bị câm từ ngày lọt lòng bỗng cất lời ca theo nhịp tiếng đàn. Quan châu và gia tộc mừng rỡ lưu Đinh Dự lại nhà, tối tối mở yến tiệc đàn hát. Và từ đó Bạch Hoa không chỉ nói được, hát được mà còn hát rất hay, chất giọng trong trẻo như suối ngàn. Cho rằng đây là số trời, Bạch Đình Sa đã tác hợp cho hai người nên duyên. Cưới vợ xong, Đinh Dự đưa Bạch Hoa về Cổ Đạm cùng nhau dạy đàn, hát cho nam thanh, nữ tú trong vùng. Từ đó đến nay vùng đất này hưng thịnh lối hát ca trù. Khi Đinh Dự và Bạch Hoa qua đời, dân làng thương nhớ khôn nguôi, tạc tượng lập đền thờ hai người. Đền thờ ấy được gọi là đền Tổ Ca trù. Qua bao năm tháng bể dâu, đền và bức tượng của người sáng tạo ra ca trù vẫn còn. Ngày 11 tháng Chạp hàng năm là ngày giỗ tổ ca trù cũng là ngày hội của các giáo phường ca trù trong Nam ngoài Bắc về mở hội thi đàn hát. Hội thi kéo dài từ ba đến năm ngày, là nơi gặp gỡ của các giai nhân, điểm hẹn mùa xuân của các tao nhân mặc khách, tài tử, giai nhân trong Nam ngoài Bắc. Vì thế Cổ Đạm là đất bén duyên, sinh cơ lập nghiệp của bao người. Cái duyên câu ca trù đã làm cho Cổ Đạm trở thành một miền quê trù phú, nơi hợp cư của nhiều danh gia cự tộc.

Hát ca trù Cổ Đạm

Nguồn gốc huyền ảo của ca trù Cổ Đạm đã làm cho câu hát ca trù vừa linh thiêng vừa gần gũi, cao sang mà không xa lạ với đời thường.

Gia phả họ Phan ở Cổ Đạm kể rằng: Viễn tổ của họ Phan ở làng Tiên Câu (nay là xã Xuân Giang, Nghi Xuân). Con trai, con gái họ Phan trời phú cho giọng hát ngọt ngào nhưng tiếc thay con gái họ Phan nhan sắc kém người nên có duyên mà chẳng có tình! Trưởng tộc họ hàng đã cậy nhờ thầy địa lý Tả Ao xem xét lại phong thủy, mồ mả cha ông. Tả Ao đã nhìn thấy thiên cơ nên lấy cho họ Phan huyệt đất ở Cổ Đạm và khuyên gia tộc họ Phan cải táng mộ tổ về đó và chuyển cư về đây. Theo Tả Ao “dễ gì mà có duyên được với câu hát ca trù, mà có duyên thì phải về đây mà trả nghiệp”. Nghe lời Tả Ao, họ Phan đã dời mộ tổ về Cổ Đạm, chuyển cư về đây. Hợp phong thủy nên con cháu họ Phan phát đinh, phát lộc, phát tài, con gái họ Phan đẹp người, đẹp nết, giỏi ca cầm nức tiếng xa gần.

Gia phả họ Phạm, họ Dương, họ Nguyễn ở Cổ Đạm đều ghi: Nhiều đào, kép có thanh sắc nổi trội ở Cổ Đạm đã nhiều lần được triều đình mời ra Thăng Long hay vào Huế phục vụ cho các hoạt động ca hát cung đình. Những đào, kép này được vua ban danh thơm Kép Ngự, Đào Ngự. Thời Nguyễn ở Cổ Đạm có ông Phan Phú Giai đóng các vai hề, diễn các trò trào lộng rất hay nhiều lần được vào cung diễn cho Vua Gia Long xem. Mến mộ tài năng của Phan Phú Giai, Vua Gia Long đã phong ông là: “Cai ty giáo phường ca trù Cổ Đạm”, thu nhận con trai ông là Phan Phú Truyền vào cung sung chức “Thị xướng” (hát trong nội điện). Các nghiên cứu về nhã nhạc Triều Nguyễn đã ghi công Phan Phú Giai là người đã đưa ca trù Cổ Đạm vào nhã nhạc Huế, tạo nên một sức sống mới cho nhã nhạc cung đình Huế.

Trải qua bao biến động của lịch sử, đền tổ ca trù Cổ Đạm và pho tượng tổ ca trù vẫn còn vẹn nguyên. Huyền tích ngôi đền cổ và tuyên ngôn Thánh địa lý Tả Ao khuyên họ Phan chuyển cư về Cổ Đạm cho các nhà nghiên cứu khẳng định: ca trù Cổ Đạm đã ra đời từ trước thế kỷ XV, được biểu diễn trong không gian văn hóa ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau và được chuyển giao từ thế hệ này qua thế hệ khác một cách chặt chẽ, nghiêm cẩn, trang trọng thông qua các quy lệ chặt chẽ gắn với tâm linh của các giáo phường.

Theo nhà Hà Tĩnh học Thái Kim Đỉnh, ca trù Cổ Đạm có hơn 120 làn điệu nhưng trong thực tế biểu diễn tùy theo nội dung và ca từ, các phường ca trù chỉ sử dụng khoảng 70 – 80 làn điệu. Sự phong phú phương thức thể hiện làm cho các chương trình biểu diễn ca trù luôn luôn được đổi mới.

Khác với các loại hình dân ca khác, câu thơ bao nhiêu chữ cũng có thể phổ thành hát ca trù. Đây là đóng góp của người con quê hương Nghi Xuân mến yêu ca trù Cổ Đạm: Uy Viễn Tướng quân Nguyễn Công Trứ.

Năm tháng đi qua nhưng những giai thoại văn hóa về Tướng quân Nguyễn Công Trứ với ca trù Cổ Đạm vẫn là mạch nguồn tuôn chảy truyền bao cảm hứng sáng tạo cho các đào, kép và người nghe: “Giang sơn một gánh giữa đồng/ Thuyền quyên ứ hự, anh hùng nhớ chăng?”. Tướng công không chỉ đam mê nghe hát mà là một nghệ nhân ca trù thực thụ, ông dày công luyện ngắt câu, nhả chữ, luyến láy… cho các chú kép, cô đào. Ông đam mê đến mức dân Cổ Đạm có câu “Ăn cơm nhà vác tù và Cổ Đạm”.

Đóng góp lớn nhất của Nguyễn Công Trứ với ca trù là phá cách “ca” thành “hát nói”, nói mà như hát, hát mà như nói thành một nghệ thuật điêu luyện. Lối hát nói của ông không chỉ phù hợp với người bình dân mà rất bác học làm cho ca từ Cổ Đạm được mở rộng số chữ trong câu, người hát không phụ thuộc vào vần bằng, trắc trong ca từ. Vì thế sau này một số nhà thơ lớn như Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh… đã học tập và phát triển hát nói vào dân ca Bắc Bộ.

Phát sinh, phát triển trên vùng đất, địa linh nhân kiệt nơi có “Văn phái Hồng Sơn” với nhiều nhà khoa bảng tên tuổi, sự nghiệp văn chương lẫy lừng gắn cùng lịch sử văn hóa dân tộc như Nguyễn Khản, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Thiếp, Phan Kính, Nguyễn Bật Lượng, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ… ca trù Cổ Đạm có sự tiếp sức của các nhà nho học vấn uyên thâm. Đó là điều làm cho ca từ của ca trù Cổ Đạm vừa có tính dân dã vừa có tính hàn lâm, bác học.

Trong ca từ của ca trù Cổ Đạm có nhiều điển tích trong văn hóa phương Đông nhưng những điển tích này khi đi vào ca từ ca trù đã được “Việt hóa” lối nghĩ, cách cảm thụ để trở thành những hình ảnh gần gũi thể hiện nội tâm sâu sắc, tình cảm dào dạt và tư chất của con người xứ Nghệ:

– “Anh say em như bướm say hoa

Như Lưu Linh say rượu, Bá Nha say đàn”.

– “Em đang giấc mộng Hoàng Lương

Ông tơ hồng thức dậy, khách văn chương tới nhà”.

Các điển tích “chén rượu Lưu Linh”, “tiếng đàn Bá Nha”, “giấc mộng Hoàng Lương” trong văn học cổ điển Trung Hoa được các nhà nho vận vào tinh tế, phù hợp với tâm lý Việt. Nhiều ý thơ, câu thơ chữ Hán được dịch sang Tiếng Việt một cách nhuần nhuyễn.

“Thảnh thơi vui thú tình duyên

Gió kêu dương liễu, trăng lên ngô đồng”.

Câu 8 được dịch từ câu “Nguyệt đáo ngô đồng thượng/ Phong lai dương liễu biên”.

Câu chữ trong ca trù Cổ Đạm có sự “chơi chữ” rất hàn lâm mà cũng rất dân gian. Phải là một nho sỹ rất thông tuệ mới viết được: Lương duyên chỉ Tấn, tơ Tần/ Liễu Đường, Định Sở, Châu Trần, Tùy Cơ”. Có 6/14 chữ của câu ca là tên các vương triều phong kiến Trung Hoa. Không chỉ “chơi chữ” kiểu Hán – Việt mà rất nhiều câu ca “chơi chữ” thuần Việt cũng hết sức tinh tế, độc đáo đậm chất đồ Nghệ:

“Chưa chi mới gọi là tình

Có chi chi đã kêu mình bằng chi!”

Hoặc:

“Anh tưởng giếng sâu thả sợi dây dài

Ai ngờ giếng cạn, tiếc hoài sợi dây!”

Ca từ trong ca trù Cổ Đạm khác ca trù dân ca ngoài Bắc. Phần lớn lời của dân ca quan họ Bắc Ninh hay dân ca Bắc Bộ là thơ lục bát hay lục bát biến thể hoặc song thất lục bát còn ca trù Cổ Đạm thì ngoài các loại cổ điển đó còn có nhiều thể thức rất khoáng đạt, phóng túng. Sự sáng tạo này thể hiện đặc trưng tính cách Nghệ một cách rõ nét.

Về âm nhạc, ca trù Cổ Đạm khác các loại bình dân ca khác như chèo, cải lương, tuồng và cũng khác lạ với ca trù của các địa phương khác. Ca trù Cổ Đạm có tiết tấu nhanh, đanh, rõ, không nhiều luyến láy ngưng nghỉ như ca trù ngoài Bắc. Phần nhạc điệu trong ca trù Cổ Đạm cũng có yêu cầu riêng. Phách ca trù Cổ đạm đánh chìm, đánh lửng trong lúc đó phách ca trù ngoài Bắc đánh nổi, đánh giòn. Róc ca trù Cổ Đạm đánh ngắn nên cách xòe đàn, rung, nhấn cũng hoàn toàn khác. Vì lẽ đó kép Bắc vào đánh đàn, đánh trống, gõ phách cho đào Cổ Đạm, đào Cổ Đạm khó hát thậm chí hát không được.

Trong ca trù Cổ Đạm khí nhạc rất quan trọng, người biểu diễn nhịp nhàng tay cầm phách cái, phách con, tay đưa lên cao, tay đưa xuống thấp uyển chuyển như múa. Đàn đáy là linh hồn bộ nhạc trong ca trù Cổ Đạm. Thường đàn hình chữ nhật hay hình thang, mặt đàn bằng gỗ ngô đồng, không có đáy. Cần đàn dài gắn 10 hay 11 phím bằng tre rất cao, phím đầu ở ngay giữa chiều dài dây đàn. Đàn mắc 3 dây bằng tơ, nghệ nhân có cách nhấn vê, vẫy, lia lúc chân phương, lúc dìu dặt neo đậu lòng người nghe. Nhạc cụ trong ca trù chỉ có đàn đáy, cổ phách và trống chầu nhưng đa thanh, đa biểu cảm. Cổ phách chỉ là một thanh tre gọi là “bản phách” và hai dùi gỗ gọi là “phách cái”, “phách con”. Đơn giản vậy nhưng qua tài năng của người nghệ nhân gõ vào hai dùi cổ phách tạo nên tiếng khoan, tiếng nhặt, tiếng bổng, tiếng trầm thánh thót, ngân nga, dìu dặt đến mê hoặc. Trống chầu trong ca trù Cổ Đạm khác với trống chầu các địa phương khác cả kích thước lẫn cách đánh. Dùi trống gọi là “roi chầu”, người gõ dùi trống gọi là “quan viên”, phải là người rất rành âm luật để hòa âm các loại nhạc cụ tạo nên trầm – bổng, mạnh – nhẹ, thấp – cao, đục – trong, âm – dương… tùy theo nội dung ca từ và ngữ cảnh biểu diễn. Hát trong cung đình trong các lễ lớn trang trọng thì dùng “bát âm”, hát tế lễ ở đền, miếu… thì dùng “lục âm”. Hát trong lễ rước, múa hát ở tư gia, ngày vui thì có thể biến hóa tùy theo không gian lĩnh xướng.

Nhịp múa trong ca trù Cổ Đạm chậm rãi, khoan thai, không đòi hỏi chuyển động hình thể cầu kỳ mà nhẹ nhàng nhưng rất uyển chuyển. Đây chính là thế mạnh để tạo nên sự mộc mạc mà rất tinh túy của nghệ thuật ca trù làm cho từ người dân quê bình dị đến các bậc thức giả học rộng, biết nhiều hay các bậc vua chúa quyền quý đều mê ca trù Cổ Đạm.

Dặm dài lịch sử dân tộc với nhiều biến động dữ dội, làm cho ca trù Cổ Đạm cũng “bảy nổi ba chìm” với những biến cố, có thời thịnh thời suy. Sử sách ghi lại thời Hậu Lê và thời Nguyễn là thời thịnh nhất của ca trù, thời ấy làng Cổ Đạm ca trù đã nức tiếng xa gần.

Thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, theo PGS Vũ Ngọc Khánh “ca trù đã trở thành vũ khí để dân ta đánh giặc”. Những khúc ca trù Cổ Đạm đã chuyển chiếu Cần Vương của các bậc sĩ phu yêu nước đến tận từng người dân bằng cách truyền đi 2 bài thơ của Vua Thành Thái động viên các chí sĩ và Nhân dân đứng lên cứu nước. Chuyển tư tưởng duy tân có nội dung cách mạng của Phan Bội Châu, Hồ Trọng Mậu đến với nhiều địa phương. Sau tiếng bom Sa Điện vang dội của Phạm Hồng Thái, được sự hỗ trợ của chủ tiệm vàng Phú Nguyên, sự cổ vũ của giới trí thức thị xã Vinh, giáo phường Cổ Đạm đã xây dựng Nhà hát ca trù ở Trường Thi (thị xã Vinh, Nghệ An). Vở diễn Trần Quốc Toản ra quân được diễn trong nhiều đêm mà sân khấu vẫn đông nghịt người xem. Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, ca trù Cổ Đạm đã chuyển tải thành công nhiều thơ ca cách mạng của các chiến sĩ tiên phong lên sàn diễn. Những vở ca trù của tiền bối Phan Trọng Bình viết trước lúc đi đày đã neo đậu, thổn thức trong lòng người xem:

“Đã chung vai xốc gánh giang sơn

Chốn hiểm nguy gian nan đâu có nệ.

Đã làm người trong bốn bể

Côn Lôn, Lao Bảo thấm gì!”

Sau năm 1945, ca trù Cổ Đạm gặp không ít khó khăn. Nạn đói khiến nhiều gia đình bị xóa sổ. Năm 1946 tiêu thổ kháng chiến ở Vinh, Nhà hát ca trù bị phá bỏ, nghệ nhân không còn nơi biểu diễn, kế sinh nhai. Cũng từ đó ca trù Cổ Đạm mai một dần, phần vì chiến tranh đào, kép lên đường đi cứu nước, phần vì trong cuộc chiến với “tàn dư phong kiến ca trù bị xem là loại hát ả đào, phạm thuần phong mỹ tục… Khoảng lặng trong ca trù kéo dài hàng chục năm trên sân khấu, trong các lễ hội nhưng mạch nguồn ca trù vẫn âm thầm tuôn chảy trong dân gian. Ở Cổ Đạm, các đào, kép xưa như Phạm Thị Khánh, Phan Thị Mơn, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Thị Gia… vẫn âm thầm lặng lẽ truyền lại cho con cháu thuật hát ca trù. Còn duyên còn nợ câu ca trù. Tháng 6/1976, theo yêu cầu của ông Alain Danniélou (Tổng Biên tập đĩa hát UNESCO), GS Trần Văn Khê từ Paris đã trở về Việt Nam để thu thanh một chương trình dân ca phía Bắc. Cái duyên câu ca trù đã đưa ông đến với các nghệ nhân ca trù còn sót lại trên đất Hà Thành. Được sự giúp đỡ của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các nghệ nhân ca trù Hà Nội là Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc, Đinh Khắc Nam… việc sưu tầm những đĩa hát về ca trù Việt Nam đã thành công ngoài mong đợi. Qua hệ thống truyền thông của UNESCO, ca trù Việt Nam đã trở thành hiện tượng âm nhạc dân gian độc đáo gây sửng sốt, ngỡ ngàng cho giới nghiên cứu âm nhạc, văn hoá dân gian trên thế giới. Hàng chục nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian ở Pháp, Anh, Ý, Nhật Bản… đã đến Việt Nam để nghiên cứu về ca trù. Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo về ca trù Việt Nam của UNESCO tại Paris năm 1980, GS.TS Yues Denence (Chủ tịch Hiệp hội Dân tộc học Cộng hòa Pháp) đã viết: “… Nếu ta so sánh tách bạch từng thành tố trong âm nhạc ca trù với một số thể loại âm nhạc truyền thống khác trên thế giới chúng ta có cảm giác dường như chẳng có gì đặc biệt cả. Tuy nhiên, khi tất cả các thành tố ấy trong ca trù hợp lại cùng lúc với nhau khi trình diễn thì nó lại tạo nên tính căn nguyên độc đáo của ca trù, làm cho ca trù trở thành một hiện tượng âm nhạc đặc sắc trên thế giới”.

Sự đánh giá cao của UNESCO về đóng góp âm nhạc của ca trù đã truyền một cảm hứng mới cho đời sống âm nhạc Việt Nam. Khoảng lặng về ca trù đã sang trang. Trên đất tổ ca trù Cổ Đạm, việc phục dựng lại ca trù đã được ngành văn hóa tỉnh Hà Tĩnh và huyện Nghi Xuân đặc biệt quan tâm. Trung tâm văn hóa Nghi Xuân đã thành lập tổ phục dựng lại ca trù gồm những anh chị em am hiểu âm nhạc như Võ Thanh Tuấn, Trần Thị Cảnh, Đặng Thị Vân, Lê Xuân Hải, Lê Quốc Dũng… về Cổ Đạm gặp gỡ các nghệ nhân sưu tầm các làn điệu ca trù, áp dụng các công nghệ mới ghi âm, ghi hình lại các làn điệu, cách diễn xướng ca trù xưa. Tuy tuổi cao, sức yếu các nghệ nhân Phan Thị Khánh, Phan Thị Mơn, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Thị Gia… đã hết lòng với câu hát quê hương. Nhiều làn điệu như hát nói, hát chúc bội, hát tứ quý, vọng thạch đài, xẩm xoan, xẩm huê tình… đã được các nghệ nhân truyền lại khá đầy đủ. Trên cơ sở đó, Phòng Văn hóa huyện mở nhiều lớp bồi dưỡng kỹ thuật hát ca trù. UBND huyện Nghi Xuân đã chỉ đạo các trường học tổ chức các buổi ngoại khóa về hát ca trù. Xã Cổ Đạm thành lập Câu lạc bộ Ca trù Cổ Đạm với 30 thành viên. Huyện ra mắt Câu lạc bộ Ca trù Nguyễn Công Trứ sinh hoạt vào chiều thứ 3, thứ 5 tại Khu lưu niệm Uy Viễn Tướng quân Nguyễn Công Trứ… Các hội diễn về hát ca trù được tổ chức… Câu ca trù đã đi vào trường học thổn thức, truyền bao cảm xúc cho thế hệ trẻ Nghi Xuân.

Ngày 1/10/2009, ca trù đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Đây là động lực để trên đất tổ ca trù Cổ Đạm chính quyền và người dân càng hiểu rõ hơn chiều sâu văn hóa, chiều sâu tâm hồn của con người xứ Nghệ của Việt Nam, sự hội tụ của tinh hoa văn hóa dân tộc trong loại hình nghệ thuật độc đáo, đặc sắc này của quê hương. Nhận thức rõ hơn lợi ích, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người và cộng đồng trong bảo vệ tài sản văn hóa quý báu mà ông cha ta đã để lại.

Sau ba mùa xuân vì covid nên lễ hội ca trù trên đất tổ Cổ Đạm phải tạm dừng, mùa xuân nay Cổ Đạm lại âm vang, dìu dặt câu ca trù, vui ngày giỗ tổ. Duyên nợ câu ca trù mùa xuân vẫn luôn thổn thức trong lòng người Cổ Đạm.