Nhân dịp nhà đấu giá tư nhân Linda Trouvé vừa giới thiệu phiên đấu giá Đông Dương – Chương 15, Indochine – Chapitre 15(*), tôi chợt có đôi chút suy nghĩ với tư cách của một chuyên viên di sản văn hóa về những di sản đang lưu lạc ở bên ngoài lãnh thổ.

Di sản tái tạo bằng kỹ thuật 3D của bảo tàng kỹ thuật số Looty do Adaobi Tricia Nwaubani sáng lập

Nhà đấu giá Linda Trouvé là một chuyên gia trong lĩnh vực di sản Đông Dương, đặc biệt là những hiện vật có xuất xứ An Nam. Hàng năm họ tổ chức một phiên đấu giá dành riêng cho chủ đề “Đông Dương”. Phiên đấu giá lần này là phiên thứ 15, tức là trước đó đã có 14 phiên với hàng nghìn các di vật khác nhau. Rất nhiều trong số đó đã tìm được chủ mới và bắt đầu một hành trình phiêu lưu mới, chỉ rất ít con số được hồi hương trở về vị trí ban đầu. Phiên đấu giá lần này, theo thông tin trên trang điện tử của nhà đấu giá Linda Trouvé, sẽ có 339 di vật, chủ yếu là các ấn phẩm tranh, ảnh và các cổ vật đến từ An Nam trong đó có không ít những ấn phẩm liên quan đến Khải Định và Bảo Đại, những triều đại cuối cùng của Việt Nam. Con số khởi điểm cho mỗi di vật đấu giá chỉ từ một triệu đến vài chục triệu đồng, một con số không hề đắt. Vậy nên khả năng những di sản này sẽ được sang tay là rất cao. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có rất nhiều di sản sẽ được cá nhân hóa và không ai biết chúng sẽ đi đâu về đâu. Việc các di sản tự do trôi nổi bên ngoài lãnh thổ và không có sự liên hệ mật thiết với mảnh đất sản sinh ra chúng sẽ là một sự mất mát to lớn không chỉ dưới góc độ tài sản của đất nước mà còn là sự thất lạc của những yếu tố lịch sử của dân tộc. Một sự mất mát không có gì có thể bù đắp.

Hồi hương di sản dân tộc, một thách thức lớn

Bộ ẩm trả của vua Minh Mạng được rao đấu giá

Trong một bài phỏng vấn gần đây, nhà báo Phùng Nguyên đã đặt cho tôi một câu hỏi khá thú vị về việc hồi hương di sản văn hóa Việt Nam. Câu trả lời của tôi khi đó là “Di sản chính là tài sản của quốc gia, một tài sản vô giá có giá trị mạnh về tinh thần cũng như vật chất. Vì nhiều lý do mà tài sản quốc gia đôi khi bị “thất lạc” ở một nơi nào đó ở bên ngoài biên giới của đất nước nên cần được hồi hương để bảo toàn tài sản của đất nước”. Cũng trong câu trả lời đó, tôi đã đưa một ví dụ rất thú vị về câu chuyện hồi hương di sản đã làm chấn động giới di sản văn hóa mới diễn ra cách đây không lâu. Đó câu chuyện hồi hương di sản diễn ra năm 2019 từ vương quốc Anh về nước Ethiopia. Câu chuyện bắt đầu từ 150 năm trước, 13.000 lính Anh đã bao vây pháo đài Maqdala ở Ethiopia trong trận chiến năm 1868. Chiến lợi phẩm của họ thu được chính là sợi tóc của Hoàng đế Tewodros II vừa tự sát. 150 năm sau, sau khi Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch Ethiopia đã gửi yêu cầu chính thức về việc hoàn trả những lọn tóc của hoàng đế, bây giờ được xếp vào di sản, về cho đất nước, Bảo tàng Quân đội Quốc gia của vương quốc Anh tuyên bố trả lại những lọn tóc cho Ethiopia. Tuy nhiên, câu chuyện hồi hương chấn động này cũng như việc hồi hương các di sản thường rất hiếm khi xảy ra vì rất nhiều lý do. Lý do đầu tiên đó là những người mê di sản sẽ tìm cách mua chúng với mục đích sở hữu cá nhân. Trong hoàn cảnh đó, sự hồi hương di sản cũng rất mong manh trừ khi người sưu tập hảo tâm sẵn sàng trao trả di sản về vị trí ban đầu. Lý do thứ hai mà theo tôi quan trọng và khó khăn hơn đó là vì nó không chỉ liên quan tới di sản mà còn liên đới tới ngoại giao giữa các dân tộc. Không một nước nào muốn trao lại tài sản mà mình đang có trong tay về một đất nước khác mà không có những điều kiện kinh tế kèm theo thậm chí nhiều quốc gia, nhiều tổ chức hay cá nhân còn thẳng thừng từ chối việc trao trả di sản.

Thách thức đặt ra cho chúng ta, làm thế nào để đông đảo người dân tiếp cận được với những di sản dân tộc, chắp ghép những mảnh thiếu của lịch sử một cách tương đối nhất có thể?

Giải pháp cứu vãn những di sản nằm bên ngoài lãnh thổ

Thực ra trước khi viết những dòng này, tôi cũng đã có hơn 15 năm làm việc trong lĩnh vực di sản tại nước Pháp nên cũng tích lũy được không ít những cách thức từ đơn giản đến phức tạp mà nội trong một bài viết ngắn, tôi chỉ có thể diễn đạt một cách khái quát.

Cách dễ nhất mà ai cũng có thể nhìn thấy đó là nhân dịp các nhà đấu giá tư nhân rao bán di sản, quốc gia có di sản được rao bán có thể đứng ra mua tất cả với giá mà nhà đấu giá mong muốn. Tuy nhiên giải pháp này dù đơn giản nhưng khó có thể trở thành hiện thực vì lý do ngân sách của mỗi quốc gia dành cho di sản là có mức hạn định. Nếu chỉ để dành ngân sách để mua các di sản mà bỏ rơi việc trùng tu hay bảo toàn những di sản trong nước thì đó là một tính toán sai lầm. Và do đó không một dân tộc nào mua hết được những di sản lưu lạc.

Trang web của nhà đấu giá L. Trouvé Đông Dương – Chương 15

Bù lại sự “không thể” đó, rất nhiều nước đã tổ chức các cuộc triển lãm di sản “đi mượn” hay “trao đổi”. Chỉ cần lướt qua một vòng các bảo tàng hay thư viện của các quốc gia sẽ thấy, bất cứ tổ chức nào cũng có một bộ phận “cho mượn” di sản với yêu cầu “bảo toàn” và “hoàn trả” (dĩ nhiên là phải thế!). Lấy ví dụ như Thư viện quốc gia Pháp (BNF) có hẳn một trang điện tử dành cho các bộ sưu tập sẵn sàng cho mượn. Thậm chí các đơn vị triển lãm có thể mượn cả kịch bản triển lãm cùng với hiện vật. Nói tóm lại, BNF tạo điều kiện cho các đơn vị triển lãm (kể cả những đơn vị triển lãm nước ngoài nếu đáp ứng yêu cầu) có được một cuộc triển lãm mà không cần nhọc công suy nghĩ. Việc “cho mượn” đôi khi là miễn phí nhưng vẫn phải có sự trả phí vận chuyển bởi giá vận chuyển di sản thường rất đắt. Cho dù có phải trả giá đắt cho việc vận chuyển thì giải pháp “đi mượn” vẫn là giải pháp tối ưu đáp ứng nhu cầu “chứng kiến tận mắt” di sản của người dân.

Tuy nhiên việc “đi mượn” di sản không phải lúc nào cũng có thể bởi không phải di sản nào cũng là đồ “cho mượn”. Trong trường hợp không thể “mượn”, chúng ta vẫn có thể tìm được cách khác giúp hồi hương di sản. Một trong những cách đó có cách “hồi hương di sản gián tiếp”. Thuật ngữ này chỉ định việc hồi hương di sản bằng hình ảnh. Vài năm trước đây khi chưa tồn tại kỹ thuật số, rất nhiều quốc gia đã chọn việc chụp ảnh các di sản để làm chứng cho sự tồn tại của nó. Một vài năm trở lại đây, giới di sản đã có một cuộc cách mạng lớn với kỹ thuật số, thuật ngữ “hồi hương di sản bằng kỹ thuật số” ra đời từ đây. Tôi lấy một ví dụ rất đặc biệt của một dự án nổi tiếng trên khắp thế giới mới được hoàn thiện tại Niger. Trước tiên để nói về đất nước Niger, thì đây là một quốc gia có chung một giai đoạn lịch sử với Việt Nam, đó cùng là những thuộc địa của thực dân Pháp và do đó có rất nhiều di sản của Niger đang lưu lạc tại Pháp và không phải bất kỳ người dân Niger nào cũng có thể bay đến Pháp để tận mắt chiêm ngưỡng các di sản đó. Adaobi Tricia Nwaubani, một công dân Niger đã nghĩ ra một cách làm rất hay manh tính cách mạng. Thay vì đột nhập lấy lại tài sản, Adaobi Tricia Nwaubani đã chọn cách hồi hương di sản bằng kỹ thuật số. Trong vòng vài tháng, anh ta đã xây dựng và hoàn thành một bảo tàng kỹ thuật số dành cho các di sản đang “thất lạc” tại nước ngoài giúp cho tất cả người dân Niger có thể lên mạng và chiêm ngưỡng. Thậm chí để đáp ứng sự tò mò của một số các cá nhân mê di vật, Adaobi Tricia Nwaubani còn tạo ra một loại hình thương mại rất thú vị cho phép người xem có thể mua để sở hữu một mô hình 3D của di vật. Với cách làm trên Adaobi Tricia Nwaubani đã đạt được con số doanh thu lên tới 3 triệu đô la Mỹ trong vòng chưa đầy một năm tồn tại. Có thể nói đó là một câu chuyện hết sức tuyệt vời trong bối cảnh tồn tại quá nhiều hạn chế để người dân tiếp xúc trực tiếp được với di sản thì di sản kỹ thuật số chính là giải pháp tối ưu cho Niger để hồi hương di sản. Đương nhiên nếu Niger làm được thì tại sao những quốc gia khác trong đó có Việt Nam lại không thể làm được?

Sau tất cả, sẽ rất nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi tại sao phải hồi hương di sản? Bởi di sản chính là phần lịch sử được thể hiện qua vật chất, chúng giúp lan tỏa niềm tự hào dân tộc, gắn kết sự đoàn kết và nhất là chúng cho phép những người trẻ hiểu rõ hơn về nguồn gốc cũng như văn hóa của quốc gia nơi họ sinh ra. Một quốc gia không có văn hóa thì đất nước cũng sớm bị lụi tàn bởi văn hóa chính là hồn cốt của quốc gia đó.

Quyên Gavoye

(*) Phiên đấu giá Đông Dương – Chương 15 sẽ diễn ra tại địa chỉ phòng số 6, khách sạn Drouot nằm tại số 9 đường Drouot, 75009 vào thứ 6 ngày 17 tháng 3 năm 2023

(Bài đã đăng trên tạp chí Sông Lam, số 31, tháng 3/2023)