Ngày 5/9, gần 23 triệu học sinh cả nước phấn khởi bước vào năm học mới 2022 – 2023. Có lẽ, lễ khai giảng năm nay để lại nhiều cảm xúc hơn cho học sinh, giáo viên bởi trong 2 năm qua, vì đại dịch Covid -19, thầy cô và các em không được tham gia lễ khai giảng trực tiếp. Có lẽ, sau rất nhiều lần lắng nghe những ý kiến phàn nàn về lễ khai giảng là hình thức, gây mỏi mệt cho học sinh thì đến nay, phần nào ta đã tìm lại được cảm xúc cho ngày tựu trường với một lễ khai giảng triển khai theo hướng “gọn nhẹ”. Tuy nhiên, những háo hức, vui mừng dường như vẫn không che lấp được bao bộn bề, trăn trở trước thềm năm học mới.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh trống khai giảng tại Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội. Ảnh: Phi Hùng, nguồn: Plo.vn

    Năm học 2022 – 2023, ngành giáo dục xây dựng chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Trả lời với báo chí, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã khẳng định trọng tâm của năm học này là triển khai đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông. Suốt nhiều năm qua, chúng ta đã nghe rất nhiều về cải cách, đổi mới trong giáo dục nhưng đáng tiếc chưa thấy được những thay đổi tích cực. Ngược lại, cải cách, đổi mới đang khiến phụ huynh, học sinh, giáo viên phải chóng mặt để chạy theo và rút cục vẫn không trả lời được thay đổi đó mang lại lợi ích gì!

    Chủ đề năm học 2022 – 2023 đặt vào chúng ta niềm hy vọng khi mục tiêu “đổi mới, sáng tạo” được nhấn mạnh. Đó thực sự là những gì nền giáo dục Việt Nam đang rất cần bởi bất cập là có, vướng mắc là có song để xóa bỏ những trì trệ tồn tại bao lâu nay thì không có cách nào khác là phải thay đổi. Tuy nhiên, điều chúng ta cần là một thay đổi mang tính hệ thống chứ không phải là việc mỗi năm lại thay chương trình, đổi sách giáo khoa như hiện nay. Điều chúng ta cần là phải xác định đúng mục tiêu của giáo dục, là làm sao để khơi dậy tư duy sáng tạo của học sinh.

    Bao lâu nay, mọi người vẫn luôn đặt câu hỏi tại sao học sinh Việt Nam có rất nhiều giải thưởng trong các cuộc thi quốc tế nhưng đến bây giờ chúng ta vẫn không có nhiều phát minh khoa học, không có những tác phẩm văn học để đời, không có những tác phẩm nghệ thuật giá trị cao, có sức ảnh hưởng trên thế giới,…? Có lẽ câu hỏi ấy không khó để trả lời và không ít người cũng nhận ra căn nguyên của nó. Làm sao có thể có những phát minh, những tác phẩm văn học nghệ thuật đồ sộ khi mà chúng ta vẫn giáo dục theo hướng phục vụ cho thi cử, không chú trọng tính sáng tạo!

Cuốn sách “So that I will roar you gently” tập hợp các bài viết của học sinh trường Vinschool.

    “Trường học Việt Nam có giết chết sự sáng tạo?” (Nguyên văn: “Do Vietnamese schools kill creativity?”) Đó là câu hỏi em Nguyễn Duy Quân – một học sinh trung học cơ sở đã đặt ra trong bài viết đăng trên cuốn sách “So that I will roar you gently” (Tạm dịch: Bởi thế, tôi sẽ gầm lên một cách dịu dàng). Câu hỏi ấy đã xoáy sâu vào tôi từ khi đọc đến tận hôm nay với niềm vui và cả nỗi buồn. Vui khi học sinh đã nhận ra và khao khát sự sáng tạo. Buồn khi chúng ta chưa làm được gì nhiều để thỏa mãn sự khát khao đó, buồn vì cho đến nay trong các nhà trường, sau rất nhiều lần cải cách, đổi mới phương pháp giảng dạy thì mọi thứ vẫn không có nhiều thay đổi. Không chỉ chương trình, phương pháp dạy và học thiếu sáng tạo, nặng kiến thức sách vở mà ngay cả những chương trình ngoại khóa, những môn học đòi hỏi sự sáng tạo như mỹ thuật, những lớp đào tạo kỹ năng mềm cũng được dạy theo công thức. Điều đó biến trẻ trở thành những chú robot, chỉ biết bắt chước, làm theo điều người lớn bảo. Hãy cứ nhìn vào cách một em học sinh kể chuyện, thuyết trình, dẫn chương trình, thậm chí là khiêu vũ,… sẽ thấy hầu hết đều giống nhau trong cử chỉ, điệu bộ, cách nhấn nhá câu chữ, lên xuống giọng,… Các lớp vẽ thì không khuyến khích sự sáng tạo, tưởng tượng mà dạy các em vẽ giống với những hình mẫu được giáo viên đưa. Thậm chí, tại các trung tâm Anh ngữ, học sinh cũng được dạy cách giao tiếp, trả lời trước giáo viên nước ngoài rất giống nhau, làm sao cho giống bộ điệu, tác phong của người Tây phương. Tại sao chúng ta không dạy các em sự tự tin, làm chủ giọng nói, diễn đạt các vấn đề theo cách của mình? Tại sao không hướng dẫn các em lắng nghe cảm xúc, phát huy tối đa sức tưởng tượng, khả năng của bản thân và tìm cho mình cách diễn đạt những điều muốn nói một cách thuyết phục và hấp dẫn nhất? Tác phong, ngôn ngữ hình thể phải phù hợp với cảm xúc, với nội dung truyền đạt thì nó mới không trở nên kệch cỡm, không gây khó chịu với người nghe, người xem. Vì thế, hãy giáo dục để các em được là chính mình, được phát huy sự sáng tạo và phong cách riêng. Đừng tiếp tục bắt chúng phải mô phỏng hình ảnh của bất cứ ai, đừng bắt chúng làm những thứ mà bản thân nó cũng thấy không phù hợp.

    Để phát huy sự sáng tạo, chúng ta cũng cần nghiêm túc nhìn lại và đặt câu hỏi: Mục đích của giáo dục hiện nay là gì? Phải chăng, chỉ để phục vụ những kỳ thi, lấy những tấm bằng nhằm có một công việc, một vị trí nào đó trong xã hội?! Thực trạng đó đang biến những ngôi trường trở thành lò luyện thi, mỗi học sinh trở thành những cỗ máy chỉ biết nhồi nhét kiến thức và làm đề. Trong một bài viết cách đây 18 năm, GS. Hoàng Tụy đã chỉ ra ba khối u dị dạng trên cơ thể giáo dục cần được cắt bỏ để hiện đại hóa giáo dục. Ông viết: “Một là, thi cử có vẻ chặt chẽ lại nặng nề, tưởng như bằng cấp phải có giá trị lắm, nhưng không phải, học giả, bằng giả, cử nhân và tiến sĩ rởm đầy rẫy; Hai là, khắp nơi lao vào dạy thêm và học thêm với một cường độ và quy mô hiếm thấy, tưởng như chất lượng đào tạo phải cao lắm, nhưng không phải, chất lượng lại thấp kém đáng kinh ngạc; Ba là, sách giáo khoa thường xuyên được chỉnh lý hay biên soạn mới, huy động những nguồn tài chính khổng lồ, năm nào cũng in với số lượng lớn, tưởng chừng phải thúc đẩy giáo dục phát triển hết cỡ, nhưng không phải, chất lượng sách vẫn gần như dậm chân tại chỗ mà giá sách cứ cao ngất ngưởng(1).

    Sau gần 20 năm nhìn lại, thật đáng tiếc khi những khối u ấy chưa thực sự được cắt bỏ. Tình trạng học thêm, dạy thêm ngày càng nặng nề. Thầy cô, học sinh cũng gồng mình với đủ loại thành tích; chỉ chăm chăm mục tiêu vượt qua các kỳ thi với điểm số cao nhất. Với cách giáo dục này, chúng ta đang tạo ra những thế hệ phát triển thiếu toàn diện, những bộ óc thiếu sáng tạo, mất phương hướng, những trái tim thiếu nhiệt huyết. Đã đến lúc cần phải thay đổi, nói đúng hơn là cần một cuộc cách mạng trong tư duy giáo dục. Chúng ta cần xác định rõ mục đích của sự học không thể chỉ dừng lại ở việc phục vụ thi cử. Một khi còn suy nghĩ đó thì các vấn nạn về bệnh thành tích; chạy trường, chạy điểm,… khó lòng khắc phục. Chỉ khi xác định rõ điều này chúng ta mới có thể dạy và học theo hướng sáng tạo, chú trọng khơi dậy ở trẻ khát khao chiếm lĩnh tri thức và sự hiểu biết. Thế hệ trẻ có quyền được quan tâm, khám phá nhiều điều hơn là chỉ ngồi luyện đề thi. Chúng cần được hiểu rõ về cơ thể và cảm xúc của mình. Chúng có quyền tìm hiểu về chính trị, tôn giáo hay một trường phái hội họa nào đó mà chúng thích. Chúng có thể nuôi ước mơ trở thành những chính trị gia, những nhà hoạt động vì môi trường hay đấu tranh cho người yếu thế ngay từ khi rất nhỏ. Chúng có quyền lên tiếng, phản biện trước những điều chưa hợp lý… Đừng dập tắt sự sáng tạo và ước mơ của con trẻ bằng việc áp đặt lối suy nghĩ thực dụng, thiển cận và sai lầm của người lớn lên chúng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ Khai giảng năm học 2022-2023. Ảnh VGP/Nhật Bắc; nguồn: xaydungchinhsach.chinhphu.vn

    Phát biểu tại lễ khai giảng năm học 2022 – 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chúng ta đừng vì bệnh thành tích, áp đặt mà làm tổn thương con trẻ. Chúng ta dạy các cháu hình thành nhân cách về tình yêu thương, trung thực, lòng nhân ái, sự nỗ lực, sống có lý tưởng, học cách vươn lên từ khó khăn, gian khổ, tự lực, tự cường… trên nguyên tắc tôn trọng sự khác biệt của mỗi cháu, khuyến khích sự sáng tạo, tìm hiểu, tiếp thu tri thức dân tộc và nhân loại, tư duy phản biện, khát vọng cống hiến…”. Đó là điều mỗi nhà trường, mỗi giáo viên, mỗi phụ huynh và những người làm công tác giáo dục cần lắng nghe, thực hiện hơn bao giờ hết. Đó là tín hiệu vui, cho chúng ta quyền hy vọng vào những thay đổi tích cực sẽ đến trong năm học này cũng như trong thời gian tới.

    Trẻ em không phải là nơi để chúng ta thí nghiệm những sáng kiến bất chợt của mình. Trẻ em không phải là nơi để chúng ta thỏa mãn những khao khát dở dang, những điều chưa từng được làm khi còn trẻ hay là nơi để trút bỏ cảm xúc nhất thời. Mỗi đứa trẻ cần được lắng nghe, thấu hiểu và cần được chuẩn bị chu đáo để bước vào đời. Vì thế, chúng cần được tôn trọng cảm xúc, cá tính; cần được hưởng một nền giáo dục chất lượng, nhân văn hơn. Hãy khơi lên trong các em tình yêu thương, sự tử tế, khát khao sáng tạo và cống hiến. Đó mới là điều mà nền giáo dục cần hướng đến để trong tương lai chúng ta có một thế hệ công dân phát triển toàn diện, sẵn sàng hội nhập quốc tế. Để một ngày nào đó Việt Nam tự hào đóng góp cho thế giới những phát minh giá trị, những tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc.

  1. GS. Hoàng Tụy, Cắt bỏ ba khối u dị dạng trên cơ thể giáo dục, Sách “Xin được nói thẳng”, NXB Thế giới, tái bản lần thứ 4, 2019, tr. 115.

Trang Đoan

(Bài đã đăng trên tạp chí Sông Lam số 27, phát hành tháng 9/2022)