Tôi sinh ra và lớn lên ở miền đất dứa. Từ khi tượng hình trong bụng mẹ, tôi đã ngày ngày cùng mẹ phơi lưng trên những đồi dứa mênh mang của nông trường. Ngoài cánh cò chớp trắng, củ khoai hạt lúa, con trâu cái cày trong tiếng mẹ ru, giấc mơ của anh em chúng tôi ngày thơ bé, còn thoảng thơm mùi mồ hôi nồng mặn trên áo mẹ, vị thơm ngọt đậm nồng của quả dứa ngoài đồi chang chang nắng. Sau hơn ba mươi năm, qua bao nắng gió cuộc đời, tôi vẫn nhớ như in cảm giác lần đầu tiên nghịch ngợm theo mẹ ra lô dứa, gai dứa nhọn hoắt đâm thẳng vào ngón tay, giật mình nhói buốt. Trưởng thành, có công việc riêng, không nối tiếp nghề nông của mẹ, tôi vẫn nặng lòng với quả dứa quê hương.
   Đầu những năm 60 của thế kỉ trước, Nông trường Bến Nghè được thành lập trên vùng đồi núi phía tây bắc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Cây dứa được đưa lên đây trồng thử nghiệm và sớm trở thành loại cây trồng chủ lực của nông trường. Do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, quả dứa nơi đây có hương vị đặc biệt, thơm và ngọt đậm đà hơn hẳn ở các nơi khác. Khi nông trường giải thể, người nông dân quê tôi vẫn tiếp tục gắn bó với cây dứa. Và cây đã chẳng phụ người.

Ảnh: Thanh Yên

Trong kí ức ấu thơ tôi, những kỉ niệm xưa cũ nhất vẫn còn lưu lại được chính là những lần theo mẹ đi canh dứa. Lô dứa thường chín rắc rải cả tháng trời, nên từ khi quả dứa mở mắt, những mắt dứa đầu tiên chớm ngả vàng, mẹ đã phải làm một cái chòi nhỏ bên bờ lô để canh giữ. Với một cái đèn pin, một bi đông nước, một cái liềm nhỏ, nếu trời không mưa mẹ sẽ ở lại trong chòi xuyên đêm, một mình. Cũng có ngày mẹ bận quá, chị em tôi được giao nhiệm vụ chơi quanh quẩn ở trong chòi “cho có tiếng người”. Dưới cái nắng chói chang tháng Năm tháng Sáu, chúng tôi ngồi trong chòi nhìn ra lô dứa thẫm xanh đầy những quả, xa xa là mấy dãy núi cao và những cánh rừng xanh bí ẩn. Xuyên qua những tán lá, tôi thả hồn lên bầu trời trong xanh cao vời vợi với những cuộn mây xốp trắng bồng bềnh, tưởng tượng ra đủ thứ hình thù, này là con lợn béo tròn, là con voi có cái vòi dài, là con gà trống vươn cổ lên gáy sáng, rồi kia là một cô công chúa mặc chiếc váy trắng muốt như bông sắp đi lễ hội… Tiếng gà rừng cục tác đâu đó trong lùm cây cạnh con suối nhỏ, tiếng chim hót, tiếng ve kêu, cả tiếng mõ trâu bò vẳng đến phía bên kia đồi. Cũng có những buổi chiều, trong không gian yên ắng, lòng tôi thấp thỏm lo sợ khi nghe thấy tiếng hú vang rừng của mấy bác thợ săn người Thái, thầm mong chú nai con tội nghiệp chạy thoát.
Trong những buổi ngồi trầm ngâm bên lô dứa ấy, tôi thích thú hít hà cái mùi nồng nàn của những bông hoa dẻ, mùi dịu ngọt của dứa chín quyện với mùi ngai ngái của lá rừng mà mẹ lót dưới chòi đang khô dần trong nắng. Nằm vắt vẻo trong cái chòi nhỏ giữa lùm cây dại, tôi thấy mình là cô chủ nhỏ của đồi dứa thơm mát và của cả bầu trời biếc xanh hôm ấy.
Ngày ấy, quê tôi vẫn chỉ trồng loại dứa có gai ken kín cả hai mép lá. Có vùng còn gọi tắt là quả gai, người miền Nam lại gọi theo mùi hương của nó quả thơm. Mãi sau này, tôi mới biết quả dứa gai thân quen ấy còn có một tên gọi khác, rất quý tộc, dứa Queen – Nữ hoàng. Ngẫm kĩ, mới thấy cái tên sang chảnh ấy hóa ra lại rất hợp với loài cây mộc mạc bình dị của quê hương tôi. Cây dứa bén rễ trên đồi đất khô cằn sỏi đá, chắt chiu từng giọt sương mai, từng chút dưỡng chất từ lòng đất, bền bỉ vươn lên trong gió rét ngày đông, lặng lẽ ra hoa, kết trái. Cái nắng chói chang ngày hạ và những đợt gió Lào rát bỏng dường như chỉ càng làm quả dứa kiêu hãnh đứng thẳng, thêm ngọt, thêm thơm. Nó thực sự là nữ hoàng của vương quốc trái cây với những hàng mắt ngay ngắn, nhô lên, sáng bóng, màu vàng lịm, mùi hương dịu ngọt, nồng nàn, vị đậm đà không trộn lẫn và đặc biệt là cái vương miện mướt xanh như ngọc trên đầu.
Tôi hồn nhiên đi qua những năm tháng ấu thơ cùng cây dứa Nữ hoàng. Lớn thêm một chút, khi đã biết chăn trâu chăn bò, tôi dần nhận ra quả dứa lớn lên từ giọt mồ hôi của mẹ. Trong ngôi nhà nhỏ của chúng tôi cũng có một nữ hoàng. Nữ hoàng của tôi gầy và nhỏ, chưa bao giờ nặng hơn 40 cân, vương miện trên đầu là cái nón mà thời gian và mưa nắng cứ bóc dần từng vành lá, quần áo của người luôn bạc thếch mồ hôi, các thớ vải bị chà xát đến xơ xác vì hàng hàng lớp lớp gai dứa, tay chân người sần sùi chi chít đủ thứ sẹo. Gai dứa cào, da rớm máu, khi nắng đổ mồ hôi, rồi phấn dứa bay vào, chỗ vết xước sẽ tấy lên, vừa rát vừa xót. Nếu chẳng may cái gai đầu lá đâm thẳng vào da rồi bị gãy, đầu gai nhọn hoắt và bé xíu sẽ nằm lại trong da, nhói buốt, chờ khi bưng mủ mới có thể dùng kim chích, nặn ra. Mười tám tháng trời ròng rã, từ lấy giống, dọn đất, trồng, chăm bón, làm cỏ nhiều lần, đến canh coi, thu hoạch, mẹ lặng lẽ cần mẫn làm một mình. Nghĩ đến dáng hình bé nhỏ của mẹ lầm lụi cuốc xới trên đồi dứa mênh mông từ mùa này sang mùa khác, năm này sang năm khác, suốt cả đời người, tôi lại nghẹn ngào!
Nữ hoàng áo vải của tôi vốn là một trong những công nhân trồng dứa xuất sắc nhất của Nông trường Bến Nghè ngày ấy. Hầu như năm nào mẹ cũng được bình chọn là công nhân tiêu biểu, được cơ quan cho đi nghỉ mát ở Cửa Lò. Thế nhưng trăm công nghìn việc níu chân mẹ, hình như chưa bao giờ mẹ tự thưởng cho mình một vài ngày nghỉ ngơi như thế. Đến bây giờ, khi đã gần bảy mươi tuổi, không còn đủ dẻo dai để làm những đồi dứa xa, mẹ vẫn trồng dứa trong vườn nhà. Vừa để có thêm đồng ra đồng vào thuốc thang khi trở trời trái gió, vừa để tay chân khỏi bồn chồn nỗi nhớ cái cuốc, cái liềm. Dòng thời gian của mẹ là một chuỗi những vụ dứa nối tiếp nhau, mẹ nhớ nằm lòng những con số liên quan đến cây dứa trong cuộc đời mình. Những lúc mẹ con hàn huyên chuyện cũ, mẹ thường kể: “Năm ấy mẹ trồng hai nghìn dứa ở lô Đất Đỏ”, “Đợt đó mẹ bán lô dứa ba vạn ở gần khu rừng Cấm”…
Quả dứa trong bàn tay nữ hoàng tần tảo đã đem đến cho chúng tôi những phép màu. Với những đồng tiền còn thoang thoảng mùi dứa, mẹ đã nuôi các con ăn học thành người. Mang theo năm sào dứa của mẹ, con bước vào cổng trường đại học. Một năm chị em tôi miệt mài nơi giảng đường lại thêm một năm mẹ cui cút rỏ những giọt mồ hôi mặn chát trên đồi dứa trong tháng hạ ngày đông. Các con ra trường, đi làm, những mong bù đắp phần nào nỗi nhọc nhằn của mẹ. Nhưng rồi chúng tôi không những không đỡ đần được phần nào cho mẹ, mà mỗi dịp mua đất, làm nhà, mua xe… lại về bấu vào đồng tiền bán dứa mẹ dành dụm tháng ngày. Thật là tội lỗi!
   Tháng Năm về, cũng là lúc trên đồng dứa, người nông dân quê tôi hối hả cắt những quả dứa đã lên hương lên mật chở đi khắp mọi nẻo đường đất nước. Nắng vàng rực rỡ cũng gợi nhắc những người con đang tất bật mưu sinh nơi đất khách quê người hãy lắng lòng mình lại để nhớ về màu dứa, hương dứa, vị dứa quê hương. May mắn thay, anh trai cả của gia đình tôi đã nối gót mẹ, đem màu xanh cây dứa phủ lên các triền đồi. Nhờ có máy móc và kĩ thuật canh tác hiện đại hơn, giao thông thuận tiện, thị trường ngày càng rộng mở, người nông dân trồng dứa như anh tôi đã có thể vững vàng làm giàu từ cây dứa. Quả dứa Nữ hoàng là tấm lòng thơm thảo mà mảnh đất Quỳnh Lưu khô cằn sỏi đá, dãi dầu mưa nắng nhưng sâu tình nặng nghĩa dành tặng cho xứ sở, quê hương.

Nguyễn Thị Hà

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 13/2021)