Mít thích nhất là những dịp Tết đến được mẹ cho về bà. Cô nhóc thường đếm ngược từng ngày từ khoảng rằm tháng Chạp cho tới những ngày giáp Tết, được theo mẹ về quê với một niềm háo hức khó tả.

  Dọc đường về, Mít luôn hồ hởi khi đi ngang qua dòng kênh nhà Lê uốn lượn bên đường gắn với chuyện những đoàn quân của Lê Lợi, Lê Lai đi đánh giặc, đền Cuông – nơi gắn với truyền thuyết An Dương Vương, núi Bạc Đầu, gắn với câu chuyện vị tướng oai hùng… Hầu hết tên núi tên sông ở quê Mít đều gắn với những câu chuyện truyền thuyết, lịch sử hấp dẫn. Lần về quê nào ngồi trên xe ô tô, Mít cũng đòi mẹ kể đi kể lại những câu chuyện ấy nhưng chưa bao giờ thấy chán.

   Đường về quê ngang qua một vùng cò trắng đậu chi chít trên những ngọn tre bao quanh một hồ nước đầy. Hồ nước mùa xuân trong xanh in bóng cò, bóng tre lấp loáng. Dễ mà đến cả nghìn con, lốm đốm trắng mờ ảo trong sương sớm. Chúng đua nhau bay, nhảy, chòng ghẹo nhau trên những cành tre mảnh cong. Mít thường ngắm mê mải cảnh tượng ấy và liên tưởng tới một bức tranh thủy mặc thật đẹp.

   Người đầu tiên đón Mít luôn là ông ngoại. Tầm này như mọi bận, ông đang ngâm mình dưới ao trước nhà bắt cá. Trời lạnh run nhưng ông lại quen với công việc ấy. Ông còn khẳng định xuống nước ấm hơn trên bờ. Nhìn vẻ mặt hồ hởi của ông Mít tin luôn điều ấy dù bây giờ, có cho một nắm kẹo Mít cũng chẳng dám thò chân xuống nước.

   Cậu Sáu đã đi chặt đào trên Tân Kỳ về. Cậu nhóm đống lửa nhỏ trước sân, kêu Mít ngồi hơ cuống đào phụ cậu:

 – Sao phải hơ lửa thế cậu?

 – Hơ lửa giúp đào giữ nhựa sống lâu hơn, tươi lâu hơn.

 – Con nghĩ, hẳn cây đào mẹ phải đau đớn lắm khi cậu chặt cành nó đi.

   Cậu Sáu ngước gương mặt chữ điền, nheo cặp mắt một mí nhìn cháu gái tỏ ý ngạc nhiên. Mít nói tiếp:

 – Cả cành đào này nữa. Cậu xem kìa, nhựa nó vẫn chảy rỉ ra, y như chảy máu. Con nghĩ cũng như là con với mẹ, nếu phải xa nhau sẽ buồn kinh khủng.

   Cậu gật đầu tỏ vẻ đồng tình. Đúng là khi hơ lửa, nhựa từ gốc đào đổi màu nâu đỏ trông tựa máu khô khiến con nhỏ có cảm giác hẳn cành đào đau đớn lắm. Tiếng nhựa đào, vỏ cây gặp lửa cháy tí tách khiến Mít còn cảm giác như thể cành đào đang khóc vì xa mẹ. Nhìn gương mặt rầu rĩ của Mít, cậu an ủi:

 – Con còn nhớ cây đào kia không?

   Mít còn nhớ cây đào ấy. Cùng giống, cùng nơi với gốc đào này. Năm nào cậu Sáu cũng không ngại đường xa, vượt hàng chục cây số lên núi để chọn được gốc đào chưng tết. Hết tết, cậu đưa gốc đào sắp tàn ra khoảng vườn trước sân nhà trồng xuống. Gốc đào ra rễ, bám vào đất mới thành một gốc đào mới. Cây đào cũ đang khoe áo mới, điểm những bông hoa phớt hồng, những nụ hoa chúm chím tuyệt đẹp.

 – Đúng là cây đào rất đau khi người ta chặt cành của nó đi. Con nói đúng, cũng như con sẽ buồn kinh khủng khi phải xa mẹ. Nhưng đào mẹ biết rằng con nó sẽ đem niềm vui xuân đến mọi nhà, rồi sẽ thành một cây đào mẹ làm đẹp cho đời như thế này thì niềm vui của nó lớn hơn nỗi đau nhiều. Cành đào này, dù nó có buồn khi xa mẹ nhưng nó sẽ buồn hơn thế nhiều nếu suốt đời bên mẹ mà không thể tự lập, trưởng thành. Cậu tin là thế.

   Những lời cậu Sáu nói khiến Mít nghĩ ngợi mông lung lắm. Mít nghĩ tới ngày mình lớn, chắc rồi cũng xa mẹ như cành đào này xa cây. Ngày đấy thực ra còn rất xa với một cô nhỏ mười tuổi. Nhưng điều ấy không quan trọng bằng lần đầu tiên có người nói với Mít về tự lập và sự trưởng thành.

   Nhựa cây đào cháy tí tách. Lúc nãy Mít tưởng đó là tiếng khóc nhưng lạ thay, bây giờ, khi nghe kĩ thì hóa ra lại là tiếng cười. Trong những đóa hoa tươi tắn, bất chợt, cậu Sáu chỉ cho Mít thấy một đoá hoa sáu cánh thật lạ so với hết thảy những đoá đào năm cánh:

 – Xem này, năm nay nhà mình có hoa đào sáu cánh. Nhất định sẽ đem đến nhiều may mắn, niềm vui.

   Chẳng biết có thật thế không mà ngay lập tức Mít thấy lòng mình vui râm ran. Lúc cùng cậu Sáu đưa cành đào mới vào giữa nhà, Mít hít sâu vào lồng ngực mùi hương thật nhẹ của những bông đào vừa nở. Cả mùi bánh chưng ông ngoại vừa vớt ra, mùi nước lá mùi, lá sả mẹ vừa đun để cả nhà tắm tẩy trần cuối năm, mùi hương bưởi tít ngoài vườn cũng ham vui theo tận vào nhà… hết thảy xen vào nhau làm thành thứ mùi hương thật đặc biệt: Hương xuân.

Võ Thu Hương

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 20, phát hành tháng 2/2022)