Làng Quần Tín xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa được biết đến như một “Thủ đô văn hóa kháng chiến”, nơi hội tụ của các cây đại thụ về văn hóa, văn nghệ cả nước trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1947-1954). Nơi ra đời của nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật sống cùng năm tháng và cũng là nơi khai sinh “Đoàn Văn nghệ kháng chiến Liên khu 4” tiền thân của các Hội VHNT các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế.

Huyền tích làng Quần Tín

Ngày xửa, ngày xưa làng Quần Tín có tên là làng Cò Soi. Cạnh làng là hồ Cò rộng bát ngát mênh mông nước trong xanh đêm ngày đàn cò trắng soi bóng. Huyền tích của làng kể rằng: một hôm tiên cô giáng trần, nàng gánh một đầu là núi Nữa, một đầu là núi Ngọc, đi qua làng Cò Soi nàng ngẩn ngơ nhìn đàn cò mà sảy chân. Chỗ nàng sảy chân thành cái giếng khơi. Lòng giếng in hình bàn chân năm ngón nên dân làng đặt tên giếng là giếng Cô Tiên. Giếng nay vẫn còn, nước trong xanh, mát ngọt.

Vào thế kỷ XIV, sau khi mở hội thề Lũng Nhai, Lê Lợi đã về làng Cò Soi mộ thêm quân, sung thêm lương thảo. Lê Lợi được dân làng đón tiếp trọng thể. Đêm ngủ tại đình làng, Lê Lợi được Thành hoàng làng báo mộng: sáng sớm mai, ngài ra giếng Cô Tiên thấy làn khói bốc lên từ lòng giếng bay về hướng nào thì tiến quân về hướng ấy ắt toàn thắng. Tin lời, mờ sáng Lê Lợi ra giếng Cô Tiên thấy một cuộn khói trắng cuộn tròn bay về phương Nam. Tin lời thần linh, Lê Lợi kéo quân vào Hoan Diễn làm nên “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật, Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay” tạo nên thế mới, lực mới cho nghĩa quân Lam Sơn. Bình Ngô đại cáo, ngày 10 tháng Giêng 1429, Lê Lợi về lại làng Cò Soi làm lễ tạ ơn tiên nữ, ban chiếu xây cất đình làng, miếu Thành hoàng, giếng Cô Tiên và cho phép đổi tên làng là làng Quần Tín – nơi tụ hội, gặp gỡ điều tín nghĩa.

Và cũng từ đó, ngày 10 tháng Giêng hàng năm đã trở thành ngày hội làng Quần Tín. Con cháu dẫu đi xa, làm gì ngày ấy cũng trở về quê nhà để cùng nhau ôn lại truyền thống quê hương, nhắc nhau giữ gìn xây đắp điều tín nghĩa.

Thủ đô văn hóa kháng chiến

Tháng 12/1947, Bác Hồ về thăm Thanh Hóa. Chuyến đi của Bác Hồ là bước chuẩn bị tư tưởng, tổ chức và lực lượng để vùng tự do, an toàn khu Thanh Hóa hoàn thành nhiệm vụ nặng nề hậu phương trực tiếp cho các chiến trường trong kháng chiến chống Pháp xâm lược.

Sau chuyến đi lịch sử này của Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ về lại Tân Trào để lãnh đạo toàn dân kháng chiến. Thanh Hóa được nhiều cơ quan Trung ương chọn làm nơi tản cư theo lời gọi “tản cư lúc này là yêu nước” của Hồ Chủ tịch. Làng Quần Tín xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã trở thành nơi hội tụ của những văn nghệ sỹ trong cả nước, nơi đặt trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Ngày ấy làng Quần Tín có 70 nóc nhà thì có hơn 35 hộ gia đình đã nhường nhà mình cho anh chị em văn nghệ sỹ tá túc. Đình, đền, trường đồng ấu của làng Quần Tín đã trở thành nơi ở, nơi làm việc, lớp học của các nhà văn, nhà thơ, học giả, chính trị gia. 35 gia đình đã tự nguyện nhường nhà mình cho gia đình các văn nghệ sỹ ở. Trong hồi ký “Tầm xuân và những ký ức muộn” (NXB phụ nữ -1998), “Hoài niệm và mộng du” (NXB Phụ nữ -2000), GS, TS Đặng Anh Đào (con gái GS Đặng Thai Mai) đã ghi lại những mẩu chuyện cảm động về sự “nhường cơm sẻ áo” của nhân dân Quần Tín với các gia đình văn nghệ sỹ Vũ Ngọc Phan, Việt Thường, Mạnh Phú Tử, Trương Tửu, Nguyễn Đình Quýnh, Đặng Thai Mai…

Để bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sỹ phụng sự kháng chiến, trường Đại học Văn hóa – trường bồi dưỡng kỹ năng sáng tác văn hóa, văn nghệ đầu tiên được mở tại Quần Tín do GS Đặng Thai Mai làm Hiệu trưởng với sự tham gia giảng dạy của nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Đào Duy Anh, Tôn Quang Phiệt, nhà lý luận phê bình Hải Triều, nhà văn Nguyễn Tuân, Vũ Ngọc Phan, nhà thơ Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Xuân Sanh. Nhiều nhà chính trị như Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh, Hồ Tùng Mậu, Phạm Ngọc Thạch… cũng đã tham gia lên lớp, giảng bài. Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Liên khu 4 đóng ở làng Tân Ninh (cách Quần Tín chưa đầy 500m) nên Tướng Nguyễn Sơn là khách thường xuyên, những buổi thuyết trình về Truyện Kiều, tình hình chiến sự của Tướng Nguyễn Sơn luôn luôn cuốn hút học viên.

Từ Quần Tín nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng đã ra đời ghi dấu ấn đậm nét trên văn đàn như “Đêm nay Bác không ngủ” của Minh Huệ, “Bài ca vỡ đất” của Hoàng Trung Thông, “Phá đường” Tố Hữu, “Tình chiến dịch” của Nguyễn Tuân, “Nằm vạ” của Bùi Hiển. Tập thơ “Chiến sỹ” của Hồ Khải Đại, “Làng tôi” của Hồ Phú Khang, “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan… theo gợi ý của Tướng Nguyễn Sơn, Xưởng Mỹ thuật Liên khu 4 được thành lập do họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ phụ trách với sự tham gia giảng dạy của nhiều họa sỹ nổi tiếng như Nguyễn Sỹ Ngọc, Nguyễn Văn Đôn, Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Như Hoành. Nhiều tác phẩm mỹ thuật đi cùng năm tháng như “Tình quân dân” của Nguyễn Sĩ Ngọc, “Du kích Cảnh Dương” của Nguyễn Văn Tỵ, Phạm Văn Đôn, “Hạnh phúc” của Nguyễn Thị Kim. Ngoài bồi dưỡng tài năng trẻ, Xưởng Mỹ thuật Liên khu 4 còn tổ chức nhiều cuộc triển lãm phục vụ các Đại đoàn 304, 308, bộ đội Liên khu 4 đại hội, mở các lớp dạy vẽ, cắt kẻ khẩu hiệu cho bộ đội.

Các đoàn văn nghệ ca kịch múa, tuồng, kèn đồng được thành lập tổ chức lưu diễn kết hợp với tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách kháng chiến, kiến quốc của Đảng và Nhà nước.

Để phát huy kết quả các khóa đào tạo, tháng 9/1949 Đoàn Văn nghệ kháng chiến Liên khu 4 được thành lập, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh được giao nhiệm vụ là Đoàn trưởng. Đội viên của đoàn là những văn nghệ sỹ quê các tỉnh trong Liên khu 4: nhà thơ Minh Hiệu, nhà biên kịch Hà Khang (Thanh Hóa), các nhà thơ Trần Hữu Thung, Hồ Khải Đại, Lê Bá Súy, Minh Huệ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Loan (Nghệ An), các nhà thơ Vũ Hoàng (Thái Kim Đỉnh), Thanh Minh (Nguyễn Hưu), nhà văn Bùi Hiển, họa sỹ Phạm Lê Khang (Hà Tĩnh), nhà thơ Xuân Hoàng (Quảng Bình) nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương, họa sỹ Nguyễn Đức Nùng (Thừa Thiên – Huế) là những đội viên đầu tiên. Được sự giúp đỡ của Bộ Tư lệnh Liên khu 4 mà trực tiếp là Thiếu tướng Nguyễn Sơn, Đoàn Văn nghệ kháng chiến Liên khu 4 đã tổ chức nhiều chuyến đi thực tế dài ngày ở chiến trường Bình – Trị – Thiên và chiến trường Lào. Nhiều tác phẩm có giá trị cao đã ra đời từ các chuyến đi này, tiêu biểu là ca khúc “Bình – Trị – Thiên khói lửa” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương. Từ thủ đô văn hóa kháng chiến Quần Tín đội ngũ văn nghệ sỹ của các tỉnh trong Liên khu trưởng thành và trở thành hạt nhân, nòng cốt cho việc thành lập các Hội Văn học Nghệ thuật các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa – Thiên- Huế sau này.

Chỉ tồn tại từ 1947 đến 1954 nhưng trường Đại học văn hóa kháng chiến đã để lại một dấu ấn sâu nặng trong lịch sử phát triển nền văn học nước nhà và sự hình thành phát triển của các hội văn học nghệ thuật các địa phương ở Khu 4. Từ mái trường kháng chiến này nhiều học viên đã trở thành những cán bộ tiêu biểu nhiều lĩnh vực như đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (khóa 7, 8); Phạm Diễn – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư (kháo 8, 9), nhà văn Vũ Tú Nam – nguyên Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hoàng Trung Thông (nguyên Viện trưởng Viện Văn học), nhà báo Thanh Hương (Tổng Biên tập đầu tiên Báo Phụ nữ), GS, VS Vũ Tuyên Hoàng, GS Trần Văn Giàu, nhà thơ Minh Hiệu (Chủ tịch đầu tiên Hội VHNT Thanh Hóa), nhà thơ Trần Hữu Thung (Chủ tịch Hội VHNT Nghệ An), nhà thơ Thanh Minh (Chủ tịch đầu tiên Hội VHNT Hà Tĩnh), nhà thơ Xuân Hoàng (Chủ tịch đầu tiên Hội VHNT Quảng Bình), các nhà thơ tên tuổi Vũ Huyền Sao, Hồng Chương, Hữu Loan, Phan Văn Vịnh, Cẩm Lai, nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh, họa sỹ Phạm Lê Khang…

Quần Tín đã trở thành địa chỉ về nguồn cho các thế hệ văn nghệ sỹ Việt Nam.

Nguyễn Khắc Thuần

(*). Hồ sơ: QK4 văn hóa kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Lưu tại Ban Lịch sử công tác Đảng, công tác chính trị QK4