(Đọc Chuyện tình Truông Bồn của Hoàng Cẩm Thạch)
Chuyện tình Truông Bồn, Nhà xuất bản Trẻ, 2018, của Hoàng Cẩm Thạch là một trong số ít tập thơ dựng lại đầy đủ, chân thực, xúc động chân dung những anh hùng liệt sĩ tiểu đội 2, Đại đội 317 Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An đã hi sinh tại Truông Bồn sáng ngày 31 tháng 10 năm 1968. Cuộc sống chiến đấu, nét đẹp tâm hồn và nỗi đau khi các anh chị hy sinh được nhà thơ Hoàng Cẩm Thạch gợi lên thật xúc động. Tập thơ thay lời tri ân của thế hệ sau đối với những hy sinh cao cả của các anh chị, những người đã đánh đổi khát vọng lứa đôi, mơ ước tương lai và thanh xuân cho độc lập dân tộc, tự do của Tổ quốc.
Truông Bồn thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Trong những năm chống Mỹ, Truông Bồn đươc ví là “túi bom” là “tọa độ chết” bởi đây là huyết mạch giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam. Đế quốc Mỹ đã không tiếc đạn bom cày xới nơi này. Truông Bồn cùng các chiến sĩ TNXP oằn mình chống đỡ cho những chuyến xe qua. Hơn 1.200 cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh nơi đây. Đặc biệt, sự hy sinh của 13 chiến sĩ TNXP tiểu đội 2, đại đội 317 sáng ngày 31/11 năm 1968 đã để lại nỗi đau khôn nguôi.
Truông Bồn là địa danh đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước không chỉ của quân dân Nghệ An, mà còn là biểu tượng bi hùng của lịch sử kháng chiến của dân tộc Việt Nam. Qua Truông Bồn ta thấy được sự tàn bạo của chiến tranh. Chiến tranh là tội ác, là phi nhân tính. Truông Bồn còn là bản hùng ca bất diệt về ngưới chiến sĩ TNXP xứ Nghệ, người thanh niên Việt Nam thế kỷ XX.
Những gương mặt tuổi đôi mươi
Những gương mặt, dáng hình và nét đẹp tâm hồn những chiến sĩ TNXP tiểu đội 2, đại đội 317 lần lượt hiện lên thật xúc động qua ngòi bút của Hoàng Cẩm Thạch. Họ là những chàng trai, cô gái đang rạo rực xuân thì. Họ đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hiểm nguy để sống và chiến đấu bảo vệ quê hương xứ sở: “Các anh chị độ tuổi đôi mươi/ Bữa cơm độn, rau lang, khoai sắn/ Trên đầu đội đạn bom pháo sáng/ Gánh trên vai cả những cung đường” (Nhân cách người cao cả). Chấp nhận làm hàng cọc tiêu sống, các anh chị vẫn yêu đời:
“Cô thanh niên xung phong
Tiễn đoàn xe ra trận
Trên cung đường bom đạn
Hàng cọc tiêu khúc khích cười”
(Tiểu đội cọc tiêu sống)
Trong số 13 chiến sĩ hy sinh có 06 chị đã hết thời hạn làm nhiệm vụ. Đơn vị đã liên hoan chia tay, nhiều người chuẩn bị đi học các trường chuyên nghiệp như chị Trần Thị Doãn, Hà Thị Đang, Nguyễn Thị Phúc, Phan Thị Dung, Vũ Thị Hiên, Đàm Thị Bốn. Anh Cao Ngọc Hòa và chị Nguyễn Thị Tâm đã đăng ký kết hôn, được đơn vị cho về tổ chức đám cưới. Vì thời gian gấp gáp, hai bên nội ngoại đã chuẩn bị sẵn sàng, chỉ đợi anh chị về đúng giờ đón dâu vào sáng sớm hôm sau… Thế nhưng, vì nhiệm vụ cấp bách, để kịp thông đường cho xe quân sự của ta qua vào sáng 31/10, các anh chị đã tự nguyện ở lại một hôm làm nhiệm vụ. 6 giờ 10 phút sáng 31/10/1968, máy bay Mỹ đã tập trung oanh tạc nhằm hủy diệt Truông Bồn liên tiếp 3 đợt. 170 quả bom tấn rải xuống quãng đường chỉ 120m. Thế là các anh chị đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ với “Mái tóc nâu, áo nâu màu đất”. Bao dự định vẫn còn dang dở bởi “Tiếng bom rơi cắt cứa tiếng cười” khiến nhà thơ cũng bàng hoàng thảng thốt: “Truông Bồn ơi bom cháy ngang trời/ Em ở đâu hòa sâu lòng đất” (Bước chân không kịp phía hòa bình).
Chỉ mấy tiếng đồng hồ nữa thôi (0 giờ ngày 01/11/1968) là Mỹ ngừng ném bom trên toàn miền Bắc, thế nhưng “Bước chân không kịp phía hòa bình”.
Hoàng Cẩm Thạch đã lấy nước mắt của người đọc khi đụng đến những nỗi đau lớn nhất của đời người. Chị đặc tả từng gương mặt, từng nỗi đau qua từng dáng hình, từng số phận: chị Nguyễn Thị Tâm “Lớn lên trên vựa lúa Yên Thành/ Nhà đông con học hành dang dở” (Nguyễn Thị Tâm). Chị và anh Cao Ngọc Hòa chỉ cách hạnh phúc lứa đôi mấy tiếng đồng hồ. Đám cưới mà gia đình đang nóng lòng chờ đợi bỗng thành đám tang: “Cả quê hương hai họ đợi con về/ Mang lễ rượu, trầu cau dạm hỏi/ Bạn bè chờ cô dâu ngày cưới” (Chuyện tình Truông Bồn). Bỗng đâu “Mặt đất chuyển rung bom nổ xới cày/ Mang theo cả mối tình trong vắt/ Em thành khói tan vào lòng đất/ Hai họ chờ em mặc áo cô dâu” (Nguyễn Thị Tâm)…
Chị Hoàng Thị Nhung vẫn chưa kịp may áo từ tấm lụa chị dâu tặng: “Em cầm chiếc áo dệt kim/ Xã viên hai giỏi con tim nghẹn ngào/ Kiện tướng thủy lợi chị trao/ Phần thưởng tấm lụa em nào dám mang?” (Hoàng Thị Nhung). Chị Trần Thị Doãn với cuộc đời “Chung chiêng đòn gánh đè vai/ Chợ Bộng, chợ Vẹo, chợ mai, chợ chiều” đang đứng trước tương lai tươi sáng, chị sắp được vào đại học, thì bom Mỹ đã cướp đi ước mơ của chị: “Trên tay cầm giấy nhập trường/ Niềm vui chưa trọn… khói hương trắng nhòa” (Trần Thị Doãn).
Chị Đinh Thị Vinh là “Gái đầu lòng thay mẹ lo toan”. Mới “Mười bốn tuổi chăn trâu, cắt cỏ/ Cảnh đói rách cuộc đời đi ở/ Em khát khao cắp sách tới trường” (Đinh Thị Vinh). Chị Nguyễn Thị Hoài ra đi để lại người mẹ bơ phờ vì “Thương con mắt ướt sương mù/ Khói hương bay, ngọn gió thu nghẹn ngào” (Nguyễn Thị Hoài). Chị Nguyễn Thị Văn “Cả tuổi mụ con vừa mười bảy” cũng xung phong đi làm nhiệm vụ rồi hy sinh khi “Chưa biết vị nồng những nụ hôn” (Con chưa về thương lắm Văn ơi). Anh Trần Văn Hạp “Đám cưới vội vàng trước lúc ra đi”, anh chỉ ở nhà với vợ được đúng một đêm: “Hạnh phúc hôm nay cả một đời người/ Sao ngắn ngủi chỉ một đêm chồng vợ”; 19 ngày sau thì chị nhận tin dữ, anh đã hy sinh (Một đêm chồng vợ).
Chị Vũ Thị Hiên khi hy sinh thân thể đã hòa vào lòng đất. Đồng đội chỉ tìm thấy một cánh tay của chị. Chị cũng mang hoài bão đẹp tuổi xanh: “Mai em là sinh viên/ Vui bạn bè lần cuối” nhưng rồi chị cũng đã ra đi: “Nắng vương làn tóc rối/ Bóng em nhòa hơi sương” (Chỉ còn một cánh tay). Chị Đàm Thị Bốn tuổi thơ “Mò cua bắt ốc tiện tằn/ Bữa khoai bữa cháo nhọc nhằn tuổi thơ” (Chiến tranh bạo tàn). Anh trai chị mới hi sinh, nỗi đau chưa nguôi, gia đình lại gánh thêm nỗi đau mất chị. Chị Phan Thị Dung hy sinh cũng không tìm được thân thể, người ta chỉ nhận ra vành nón thường ngày chị vẫn đội. Trong vô thường, chỉ còn lại “Trái tim đau vành nón – vành trăng” (Vành nón vành trăng). Chị Hà Thị Đang thì hoãn việc cưới xin, tình nguyện ở lại làm nhiệm kỳ 2. Trước lúc hy sinh chị cũng nhận được giấy báo nhập học. Nhưng rồi chị cũng đành mãi ở lại “Căn hầm dưới lòng đất sâu/ Ủ thơm đôi lứa mái đầu tóc xanh” (Lời thương chưa ngỏ).
Thật xúc động khi tác giả gợi lại bữa cơm cuối cùng của các anh chị. Cuộc vui hôm nay đang nồng nàn trên đôi môi tuổi trẻ. Nào ngờ… cuộc chia tay tạm biệt bỗng thành vĩnh biệt:
“Ngày mai
Phúc, Doãn, Đang, Hiên Dung
Các bạn đến trường nhập học
Tâm, Hòa về xây hạnh phúc
Hai họ mỏi mắt chờ”
(Bữa cơm cuối cùng)
Mọi người háo hức “Đợi ngày mai trời sáng”. Ai hay “Bữa cơm cuối cùng tiến bạn/ Truông Bồn thành nỗi đau” (Bữa cơm cuối cùng).
Kết thúc những trận bom, đồng đội tìm các anh chị trong tuyệt vọng. Tiếng kêu bi thương, thê thiết mang một chút hy vọng và rất nhiều thảng thốt vẫn vang đến hôm nay. Tiếng kêu như xé nát bầu trời Truông Bồn. Đáp lại là sự lặng im ghê rợn:
“Có ai còn sống không
Tiếng kêu tuyệt vọng rơi vào thinh không
Im lặng
Có ai còn sống không?
Tiếng kêu găm vào lòng người nỗi đau”
(Có ai còn sống không?)
Các anh chị đã vĩnh viễn ra đi, họ là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, những người dám sống và dám chết vì lý tưởng, vì Tổ quốc như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:
“Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng
Lòng khoẻ nhẹ anh dân quê sung sướng
Ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành
Và trong mơ thơm ngát lúa đồng xanh
Vui nhẹ đến trên môi cười hy vọng”.
Nỗi đau còn đến mai sau
50 năm sau ngày các anh chị ra đi, nỗi đau vẫn còn nguyên trong lòng mắt mẹ. Mẹ già nay đã lưng còng, tóc bạc, bàn chân yếu vẫn cố đến thăm nơi con nằm lại. Mẹ đã nuốt nỗi đau vào sâu thẳm tim mình suốt bấy nhiêu năm, đến đây mẹ vẫn không thể nào khóc được. Chỉ thấy trong mắt mẹ nghẹn ngào, đắng đót:
“Nỗi đau còn nguyên vẹn yêu thương
Mẹ đến đây Truông Bồn nghẹn đắng
Nấm mồ chung đất trời yên lặng
Nước mắt trào lặn chảy vào tim”
(Nỗi đau nào bằng mẹ mất con)
Hoàng Cẩm Thạch hiểu lắm nỗi lòng, trái tim người mẹ. Hơn một lần hình ảnh người mẹ hiện lên trong nước mắt: “Tiếng ve ru khản trời chiều/ Mẹ tôi đi giữa liêu xiêu gió lào” (Lời ru Truông Bồn). Xót xa hơn khi trên đầu mẹ già chít vành khăn trắng để tang con: “Mẹ ơi khăn trắng đội đầu/ Lá xanh rụng xuống đớn đau lòng người” (Chiến tranh bạo tàn).
Nỗi đau bật ra thành tiếng gọi. Nỗi đau loang ra cả không gian đất trời Truông Bồn, đất trời xứ Nghệ, nỗi đau vượt thời gian đến tận hôm nay và mai sau:
“Gọi em sao chẳng thành lời
Vội vàng chi để đất trời quặn đau
Nỗi buồn cho đến mai sau
Mình tôi ở lại nát nhàu tâm can”
(Không kịp nói lời chia tay)
Nỗi đau cứ ám ảnh nhà thơ, câu hỏi cứ day dứt, không chỉ vì các anh chị đã hy sinh mà hy sinh khi còn rất trẻ:
“Có người chưa một lẫn trao gửi nụ hôn
Không có một tấm hình di ảnh
Có ai còn sống không?”
(Có ai còn sống không)
Qua chốn linh thiêng, Hoàng Cẩm Thạch bước đi nhẹ nhàng hơn vì không muốn làm mất đi giấc ngủ của các anh chị. Chị hiểu rằng “Dưới lòng đất, có bao người yên nghỉ”/ “Họ vừa xong từng ca trực thông đường” (Đã ai kịp tắm đâu). Với Hoàng Cẩm Thạch, các anh chị như vẫn còn đó, những chàng trai cô gái tuổi xuân, chị nâng niu trong từng cử chỉ, chị như đang trò chuyện với mọi người:
“Đừng đánh thức tuổi đương thì ăn ngủ
San đường về đã ai kịp tắm đâu
Đầu tóc bết mồ hôi và bụi đỏ
Trong giấc mơ thơm hương sả gội đầu…”
(Đã ai kịp tắm đâu)
Trong sâu thẳm nỗi đau, bao người dân đã tề tựu về Truông Bồn thành kính dâng hương, có những “Lời hứa với Truông Bồn” của các anh chị phóng viên miền Nam đã được thực hiện. Có “Mỗi loài cây “uống nước nhớ nguồn”/ Từ khắp mọi miền quê yêu dấu” về đây với “Tán lá xanh nỗi niềm đau đáu” (Màu xanh thắm lại Truông Bồn). Có muôn loài “Chim bay về hót vang bình minh”. Có những người kể chuyện Truông Bồn “Mỗi câu chữ vắt ra/ Từ con tim nhỏ máu/ Một tấm lòng đau đáu/ Lời tri âm Truông Bồn” (Người viết lời thuyết minh). 50 năm sau, “Những câu thơ rưng rưng miền nhớ” lại ngân lên “Trong không gian tĩnh lặng như tờ” (Người kể chuyện Truông Bồn).
Tập thơ Chuyện tình Truông Bồn đậm chất tự sự – trữ tình. Chính vì vậy một số bài thơ như là lời thủ thỉ, tác giả không cố dụng chữ nên câu chữ mộc mạc, nhiều khi là con số, sự kiện khô khan. Tuy nhiên tập thơ vẫn có nhiều điểm sáng với câu thơ nhói lòng. Tập thơ vừa khơi dậy không khí hào hùng, bi tráng của một địa danh đã đi vào lịch sử vừa tái hiện những bức chân dung dung dị với vẻ đẹp đời thường của những anh hùng liệt sĩ. Cùng với đó là nỗi đau xé lòng trước sự hy sinh cao cả của những chàng trai cô gái tuổi mười tám đôi mươi. “Hàng vạn người về đây thành kính” Trong “Đêm Truông Bồn lung linh ánh điện” tất cả cùng chung một nỗi đau.
Thanh Châu