Ngày xửa, ngày xưa…

Tôi chợt nhận ra mình thật ngơ ngẩn khi cố đi tìm dấu tích của những con đường xưa cũ chạy dưới tán phi lao đi từ chợ Mai Trang tới bãi tắm Cửa Lò. Ừ nhỉ, mới ngỡ chỉ cách đây một quãng thời gian ngắn ngủi, vậy mà đã vèo trôi hơn 20 năm. Hơn 20 năm, kể từ lần đầu tiên tôi chạm mặt xứ Nghệ, cũng là chạm mặt với bãi biển “đẹp nhất miền Trung”  – như lời giới thiệu của người trai xứ Nghệ tôi yêu. Tôi biết, với anh, hay bất cứ ai ở xứ này, cũng vì yêu quê, thương quê đến cháy lòng mà luôn thấy biển quê mình là đẹp nhất, tôm cá quê mình là ngon nhất, và, thậm chí, mỗi lần đi đâu xa lại quay quắt nhớ mùi vị nước mắm ở nơi này. Những giọt nước mắm là tinh chất của biển, có vị nắng, vị gió, vị mồ hôi rịn từ đôi bàn tay người đàn bà mộc mạc mỗi tinh sương cùng chồng gỡ lưới, những đêm giông xách cây đèn bão chạy ngược hướng mưa quất, tim nức nở hàng ngàn tiếng gọi lẫn tiếng nguyện cầu mong người đàn ông của mình bình an trở về từ khơi xa thăm thẳm… Và cùng với nắng, gió, với thức quà từ biển, tiếng nguyện cầu mong mỏi, còn có cả niềm biết ơn… Biết ơn trời đất, biết ơn thần biển, biết ơn sự chở che thiêng liêng của cá Ông. Tất cả quyện quánh dưới đôi bàn tay trĩu nặng tần tảo và yêu thương, qua thêm những vòng tuần hoàn mưa – nắng –  thời gian, ủ men trong lòng đất, lòng chum để một ngày kia từng giọt sóng sánh vàng trên mâm cơm ấm khói.

Con đường mà tôi tìm đã thuộc về chuyện kể “ngày xửa ngày xưa” rồi, như cách nói của cô con gái tôi vẫn thường cười trước sự ngơ ngẩn của mẹ. Ừ, có lẽ nào là ngày xửa ngày xưa?

Ngày xửa ngày xưa có một làng chài nghèo với những lò nấu muối được đắp cao rực ánh lửa hồng trong đêm như những ngọn hải đăng cho tàu thuyền biết đường vào lạch sông Cấm, để rồi cái tên Cửa Lò mang ý nghĩa là cửa lò muối như một cách lý giải.

Bãi biển Cửa Lò đón du khách muôn phương. Ảnh: Hồ Chiến

Ngày xửa ngày xưa có vị Thái úy Quận công rộng tấm lòng trung nghĩa, thương dân “mang gươm đi mở cõi” đã dồn hết bao nhiêu công sức để xây dựng một vùng Cửa Xá từ hoang sơ trở thành sầm uất, truyền dạy cho dân nghề nông, nghề ngư, thêm cả nghề đóng tàu thuyền để có một làng Vạn Lộc mang khát vọng ấm no, trù phú.

Ngày xửa ngày xưa, trong chuyến công du thăm đất Nghệ, vị vua cuối cùng của vương triều nhà Nguyễn đã ghé Tòa sứ Cửa Lò nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng để rồi, người ta truyền tụng với nhau rằng loài cúc biển rực rỡ và bền bỉ trong nắng gió khốc liệt kia có công lao của ông mang về tặng lại cho bãi biển điệp trùng cát và sóng trắng này.

Và cũng thành ngày xửa ngày xưa, những con đường ngoằn nghèo dưới tán cây, lác đác những khách sạn ẩn hiện đìu hiu mùa lạnh, làng chài nghèo với những chuyến đi rùng tinh mơ, những trảng cát lô xô thuyền thúng úp, những người cào nghêu ban mai, những đứa trẻ quần áo tả tơi ngạc nhiên nhìn theo đám du khách giỡn nước…? Vậy mà giờ đây bày biện trước mắt chúng ta là những con lộ thênh thang nối Vinh, nối đường quốc lộ 1A, nối Nghi Xuân (Hà Tĩnh) với Cửa Lò. Là quảng trường và sân golf, những khách sạn, nhà hàng ken dày chạy cả ra mép biển. Là những địa điểm check in kéo hàng ngàn bước chân du khách rộn rã với sóng, với hoa. Là những chuyến xe điện dọc ngang phố xá, những chuyến tàu và rồi sẽ là cáp treo nối đất liền với đảo Mắt, đảo Ngư. Là những làng nghề tấp nập với máy móc hiện đại, những phiên chợ náo nhiệt mà tại đây những sản vật từ biển sẽ đi tới muôn phương…

Tưởng chừng như tất cả đã là một Cửa Lò khác, một Cửa Lò ồn ã, phồn hoa, một Cửa Lò đã “rũ cát” mà lớn dậy, đã lãng quên những ánh lửa chài, đã không còn những tấm lưng trần bạc nắng. Nhưng, hóa ra tất cả vẫn còn đây, dù nắng mưa và bao thăng trầm dời đổi. Vẫn còn đó dấu tích kè đá dù đã tróc lở ở Vạn Lộc từ thời Thái úy Quận công Nguyễn Sư Hồi xây dựng tuyến phòng thủ ven biển để không chỉ có tác dụng chắn sóng mà còn là bức tường thành giúp cho sự phối hợp giữa thủy binh và bộ binh được tốt hơn mỗi khi có giặc xâm phạm. Vẫn còn đó và được nhân lên màu cúc biển cháy rực trên cát trắng. Vẫn còn đó, giữa đám đông ồn ã du khách tới ngắm bình minh Cửa Lò, bóng người đàn bà cần mẫn cào nghêu như vẽ trên cát biển những khuông nhạc như không cần biết đến những xa hoa chỉ cách mình vài bước chân. Vẫn còn nguyên tấm lòng mộc mạc, sự nồng hậu chân tình của người quê biển vừa kịp rời tay lưới, tay thuyền đã làm quen với thương trường, với du lịch. Họ tình nguyện hiến đất, tình nguyện nhường nhà để thị xã mở rộng những con đường và bảo quản tốt hơn những di tích. Và giữa trăm ngàn chum sành, vại sứ được người làng nghề nước mắm phát triển hôm nay, vẫn có những cái chum, cái vại có niên đại trăm năm, có từ đời cha ông tới hôm nay, được con cháu giữ lại xem là vật gia bảo, như lời nhắc mình mãi mãi giữ nghề, mãi mãi không bao giờ được lãng quên quá khứ…

Cầu Cửa Hội nối đôi bờ sông Lam. Ảnh: Hồ Chiến

Khát vọng hôm nay

 “Anh sẽ đưa em về bãi biển đẹp nhất miền Trung” – câu nói năm xưa ấy đã luôn trở lại với tâm trí tôi. Từ ngày tôi nghĩ mình là một vị khách cho tới bây giờ tôi đã nghĩ mình là một phần của nơi đây, thuộc về mảnh đất này. Tôi đã luôn tìm về phía biển, mỗi khi buồn vui, và tìm về cả 4 mùa, chứ không còn như một vị khách tò mò chỉ để thỏa mãn một kỳ nghỉ hè ngắn ngủi. Tôi biết, để có thể xứng đáng là một bãi biển đẹp của miền Trung, thì không chỉ biển xanh, cát trắng, khách sạn, quảng trường, nơi check in… đẹp đẽ. Mà Cửa Lò cần làm nhiều hơn, mong mỏi nhiều hơn nữa. Khi chúng tôi tới đây, nói về những mong muốn về môi trường cho du lịch Cửa Lò, thì gặp ngay sự trăn trở của lãnh đạo thị xã. Chẳng hạn như vấn đề rác thải. Trên các tuyến đường vẫn còn nhiều bãi rác. Dọc bờ biển rác vẫn đọng lại rất nhiều. Có nhiều nguồn rác khác nhau: từ rác thải sinh hoạt, rác thải do các hoạt động dịch vụ du lịch đến rác sản xuất. Bí thư Thị ủy Cửa Lò Phạm Thị Hồng Toan, chia sẻ “Chắc chắn thị xã sẽ làm mạnh mẽ, quyết liệt trong việc xử lý vấn đề rác thải để thực sự tạo ra một môi trường xanh, sạch, đẹp cho Cửa Lò”. Hay vấn đề quy hoạch một đô thị chỉn chu cũng đang được chú trọng: sửa sang, củng cố những đoạn đê chắn sóng ven biển, vốn được xây dựng nhiều năm trước, đã bị bào mòn qua thời gian và những trận mưa bão. Những cung đường chính cũng như các đường ngõ ngách ở các khu vực trung tâm đều được sửa chữa, nâng cấp cho đẹp hơn, rộng hơn. Nhiều đoạn vỉa hè được thay thế bằng các loại gạch mới. Quảng trường Bình Minh cũng được chỉnh sửa, tái tạo và xây dựng thêm một số hạng mục. Chính quyền cũng động viên, khuyến khích người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia đóng góp để chỉnh trang đô thị. Việc xã hội hóa công tác xây dựng, sửa aáng phố thị được đẩy mạnh. Các ki ốt, các khách sạn, nhà hàng đều được động viên thay đổi gạch ốp, sơn lại hay đầu tư các đèn đường, trang trí thêm các khu phố, các tuyến đường sao cho bắt mắt hơn, hấp dẫn hơn.

Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất làm thay đổi bộ mặt bên ngoài của đô thị thì việc xây dựng lối sống văn minh đô thị, xây dựng chính quyền điện tử cũng được coi trọng. Nhiều năm nay, việc xây dựng lối sống văn minh đô thị luôn được quan tâm, nhưng kết quả vẫn còn nhiều hạn chế. Ở nhiều nơi, những nét văn hóa đô thị chưa được hình thành một cách rõ nét. Các dịch vụ phục vụ du khách vẫn mạnh ai nấy làm, chưa được vận hành theo một trật tự nhất định dù đã có những quy định được đưa ra. Ta vẫn còn thấy các ki ốt sát cạnh nhau ở bờ biển đang tồn tại những “quán hát ngoài trời” với tần suất âm nhạc rất lớn gây ảnh hưởng đến các du khách ở quán khác khi họ muốn vừa ăn uống vừa trò chuyện hay đơn giản là một khoảng yên tĩnh để ngắm biển. Những quy định về văn minh đô thị có đề cập đến ô nhiễm tiếng ồn nhưng những vẫn đề này chưa được quản lý chặt chẽ và nhiều khi còn gây ra những tranh cãi không chỉ của du khách mà còn của các chủ quán với nhau.

Tôi đã từng hỏi nhiều bạn bè, người quen của tôi vì sao họ lại chọn đến Cửa Lò để nghỉ ngơi. Câu trả lời nhận được na ná giống nhau là đến để tắm biển vì biển đẹp, đến để ăn hải sản vì ngon và tươi, giá cả cũng phù hợp. Và rồi khi rời Cửa Lò, cái gì sẽ đọng lại trong tâm trí của họ? Có lẽ cũng là biển và những thức ăn? Người ta đã dành thời gian và tiền của đến đây rồi rời đi mà tâm trí chỉ đọng lại một vài điều như vậy thì có lẽ chưa xứng đáng lắm! Có lẽ cần phải làm sao để có nhiều hơn vậy. Đó là cảm thức về một nền văn hóa biển, một thứ mà khi đã đi vào tâm trí con người thì nó sẽ còn mãi và trở thành lời mời gọi luôn thúc giục họ quay lại và lưu trú lâu hơn nữa. Vậy, cảm thức văn hóa biển ở Cửa Lò là những gì để có thể đi vào tâm trí du khách?

Một vóc dáng hiện đại của thị xã du lịch hôm nay. Ảnh: Hồ Chiến

Trong những lần trao đổi gần đây với lãnh đạo thị xã Cửa Lò, cũng như tự mình đi tìm hiểu, trải nghiệm các điểm du lịch, các tuyến du lịch, chúng tôi nhận ra rằng, văn hóa biển Cửa Lò vô cùng đa dạng. Đa dạng hơn cả sự hình dung của những nhà nghiên cứu văn hóa trước đó. Và càng ngày, những nét văn hóa đa dạng đó càng hiện thị rõ hơn khi được đặt vào môi trường phát triển du lịch. Nhưng bạn chọn làm một khách du lịch như thế nào? Một du khách hời hợt, đến để check in rồi về, hay một người thực sự muốn khám phá, muốn tận hưởng, muốn mình được giàu có thêm những cảm xúc trong hành trình cuộc đời? Vậy, bạn hãy đi dọc bờ biển, hãy ngắm nhìn mặt biển xa khơi nhưng cũng đừng quên ngắm cả bãi biển ngay dưới chân mình. Cả chiều dọc bờ biển dài tới chục cây số vậy, nhưng lại chỉ có một bãi Ngọc được gọi tên. Vì sao lại là bãi Ngọc nhỉ? Vì sao nó lại được gọi tên riêng giữa cả dải cát dài? Hãy đi dọc các trục đường chính và ngắm nghía những quyến phố phù hoa, nhưng cũng đừng quên tự chất vấn những tên đường. Bởi mỗi con đường, mỗi con phố đều có một tên gọi với những sự tích, những câu chuyện lịch sử và văn hóa. Đi chợ Hôm mua sắm, rồi đến chợ điện tử rong chơi, nhưng cũng trò chuyện để biết thêm về nó, những chứng tích của lịch sử kinh tế vùng biển này. Mỗi đoạn đường, mỗi ngôi nhà hay đơn giản là một chiếc thuyền ở nơi đây cũng luôn gắn với những câu chuyện đẹp, luôn chờ người khám phá. Và khi tìm ra rồi, nó lại sống mãi trong chính mỗi du khách.

Hãy đến với các di tích lịch sử để hiểu về văn hóa nơi này. Từ đền thờ Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí ở phía bắc thị xã đến đền Vạn Lộc ở phường Nghi Tân thờ Thái úy Quận Công Nguyễn Sư Hồi để được nghe những câu chuyện về hai cha con, hai danh nhân lịch sử lớn của dân tộc và chiêm ngưỡng những nét kiến trúc kỳ diệu của những ngôi đền được xây dựng từ thời Lê. Rồi đến đền Mai Bảng ngay giữa phường Nghi Thủy nghe các sự tích về danh nhân Chiêu Trưng Vương Lê Khôi, một công thần giúp Lê Lợi đại phá quân Minh, cùng với những câu chuyện về bà Nguyễn Thị Bích Châu – một quý phi đoan hậu được suy tôn là nữ thần biển. Hay về với đền Làng Hiếu ở phường Nghi Hải, nơi thờ đức Thánh Mẫu, thần Cao Sơn Cao Các, Sát hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn… Và đây còn là đền thờ độc đáo nhất khi có một khu thờ gần 100 ngôi mộ cá Ông. Đền thờ các vị thần là một trong những điểm đến quan trọng của du lịch Cửa Lò. Các đền đều có kiến trúc độc đáo hấp dẫn du khách. Không chỉ vậy, gắn với nó là những sự tích, những câu chuyện liên quan đến lịch sử, văn hóa của vùng biển này. Rồi còn nhiều di tích lịch sử khác, gắn với các nhân vật lịch sử của các thời đại khác nhau. Những di tích lịch sử văn hóa là những kho tư liệu kể chuyện ngàn năm cho du khách khi đến với nơi đây.

Hãy đi vào các làng, các phố để nghe người dân kể chuyện về cuộc đời, về những thân phận của những con người đã gắn với biển từ hàng chục thế hệ đã đi qua. Đó là chuyện về những dòng họ đầu tiên đến đây khai phá vùng biển và lập làng ở Nghi Thủy mà hiện nay còn nhiều nhà thờ và gia phả được lưu giữ lại. Quá trình khai phá vùng biển vô cùng khó khăn, cần sự đoàn kết và chia sẻ nên quan hệ họ hàng trở thành một điểm nhấn bởi tính liên kết chặt chẽ của nó. Vì vậy mà lịch sử dòng họ cũng là một phần vô cùng quan trọng của lịch sử địa phương. Đó là khám phá những chiếc giếng làng đặc biệt và nghe những người già kể về một cuộc chiến gian nan khác: công cuộc tìm kiếm nguồn nước ngọt ở ngay gần bờ biển từ các thế hệ cha ông trước đây đến nay. Vì sự gian truân quá lớn mà nước giếng trở nên thiêng liêng với các gia đình trong làng và họ thường lấy nước để thờ cúng hay phục vụ các nghi lễ thiết yếu cũng như để giặt các đồ dùng quan trọng trong nghề biển.

Mùa hoa cúc biển rực rỡ trên cát trắng như một dấu ấn đặc biệt của Cửa Lò. Ảnh: Võ Khánh

Hãy đi vào làng để hiểu người trong làng hiện nay sinh sống bằng nghề gì và như thế nào. Nếu như ở bãi biển, du khách chỉ thấy các ki ốt với những người chủ từ nhiều nơi khác đến. Họ không phải là chủ nhân của văn hóa biển Cửa Lò. Phải chịu khó vào trong làng, nơi đó, những người chủ thật sự của Cửa Lò đang sinh sống bằng những nghề truyền thống vốn là kế sinh nhai từ bao thế hệ cha ông để lại. Đó là làng nghề sản xuất nước mắm, làng nghề sản xuất ruốc, làng nghề sản xuất mắm tôm hay nghề đánh bắt và chế biến cá thủ công. Sẽ có nhiều mùi lạ và không dễ chịu với nhiều người. Nhưng đừng sợ, mà hãy dừng lại. Đó mà mùi vị của biển. Với người dân nơi đây, mùi nước mắm, mùi mắm tôm, mùi ruốc hay là mùi tanh của cá là mùi biển, mùi cuộc sống, là mùi đặc trưng của chính mình. Đảm bảo khi quen và thích nó rồi, bạn sẽ nghiện nó thay vì khó chịu. Những người dân nơi đây mến khách. Bạn không nhất thiết phải mua, dù lạ hay quen, bạn vẫn được nghe họ chia sẻ những câu chuyện cuộc sống của chính họ. Nếu bạn muốn trải nghiệm một vài công đoạn, người dân sẵn sàng hướng dẫn. Nếu bạn muốn tự nướng những miếng cá để mang về hay để thưởng thức tại chỗ, người dân cũng rất hoan nghênh. Hãy lắng nghe họ kể. Tin rằng khi nghe về chuyện đời của họ, bạn sẽ thay đổi và có nhiều cảm xúc khác khi cầm chai nước mắm hay chấm một mẩu thức ăn vào bát mắm, bát ruốc.

Và còn rất nhiều thứ mà chúng ta “hãy” tiếp. Nhưng không thể nào hết được bởi Cửa Lò đa dạng và sâu sắc lắm. Vậy nên, “hãy” cuối cùng đó là, hãy dành cho mình một khoảng thời gian để chuyến đi du lịch của mình có nhiều giá trị hơn bên cạnh ăn và nghỉ. Đến Cửa Lò thì đương nhiên tắm biển và ăn hải sản là điều đầu tiên. Nhưng để một chuyến du lịch có giá trị thì cần phải nhận được thêm nhiều thứ từ nơi mình đến. Đó là khám phá con người và văn hóa nơi đây. Khi người ta đến một cách hời hợt thì sự trở lại không quá quan trọng. Nhưng khi ta đến rồi biết và hiểu về Cửa Lò, thì tình cảm sẽ lớn dần và trở thành động lực thôi thúc ta quay lại. Bởi tình yêu, dù dành cho thiên nhiên hay văn hóa, nếu xuất phát từ hiểu biết thì sẽ vô cùng lớn mạnh. Và một Cửa Lò đa thanh, đa sắc để được nhiều người yêu mến, là mục đích của ngành du lịch cũng như của con người nơi đây.

Thùy Vinh – Trang Tuệ