Tôi biết ông trong một sự tình cờ giữa hàng trăm hội viên yêu văn học nghệ thuật tại quê nhà. Dáng ông nhỏ thó, hiền lành, kiệm lời, nói năng nhỏ nhẹ có phần khép nép, rụt rè giữa đám đông. Ai chào, hỏi câu gì ông trả lời câu ấy, rất thực tế, rồi lặng lẽ lắng nghe lời nói của người xung quanh. Hầu như ông không bao giờ khơi gợi chuyện để tranh diễn đàn hay thể hiện bản thân như nhiều người khác. Hình ảnh ông thường lặng lẽ chìm đi giữa bao người ồn ào và náo nhiệt của cuộc sống đời thường.

Chân dung ông Lại Đăng Thiện.

Một ngày cách đây đã lâu, tôi tình cờ thấy tên ông Lại Đăng Thiện gửi thơ tặng và góp bài in ở tạp chí của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nhà. Từ đó về sau, tôi và ông chuyện trò thường xuyên; biết, hiểu và chia sẻ nhiều nỗi niềm. Ông là một thương binh hạng nặng 3/4, từng là người chiến sĩ cảm tử quân chuyên phá bom từ trường trong chiến tranh, đã được đồng đội làm lễ truy điệu sống hai lần trước khi bắt tay vào nhiệm vụ ác liệt của người lính trên sông. Ông nhớ mãi những lúc dòng sông cuộn trào sôi sùng sục, bom rơi nhiều như trong ác mộng, với ý chí kiên cường ông đã vượt qua. “Tôi cũng không hiểu vì sao mình lại sống được trong giờ phút kinh hoàng, khủng khiếp dưới trận mưa bom”. Ông nhắc lại, đôi mắt đỏ hoe, tưởng nhớ giờ phút đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại dòng sông. Ông không bao giờ quên những người tốt đã giúp đỡ ở đường đời, luôn nhớ mãi bạn bè và đồng đội đã cùng đi qua chiến tranh, qua những thời khắc sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc.

Ông Lại Đăng Thiện thăm Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 414, QK4

Ông sinh năm 1947, tại Làng Ga xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình có tình yêu quê hương nồng nàn. Nhà ông có 4 anh em. Anh trai Lại Đình Hưng nhập ngũ quân đội thời chống Pháp, Lại Bá Trường nhập ngũ 1962 – 1975, chị gái Lại Thị Liên nhập ngũ năm 1964 tại xưởng may quân đội ở Hà Nội, Lại Đăng Thiện tình nguyện xung phong nhập ngũ tháng 3 năm 1965 khi tròn 18 tuổi, vừa tốt nghiệp cấp 3 tại quê nhà. Cả 4 anh em phục viên đều là thương binh, trên cơ thể còn dấu tích của chiến tranh không bao giờ phai.

Ngày ấy, ông Lại Đăng Thiện nhập ngũ, được phân vào Tiểu đoàn 27 – Công binh Quân khu 4, với nhiệm vụ rà phá bom từ trường ở những bến phà, cầu, đảm bảo con đường chi viện vào miền Nam luôn thông suốt. Đời quân ngũ của ông gắn liền với tay lái của những chiếc ca nô và trận địa bom mìn trên sông.

Ông Lại Đăng Thiện cùng đồng đội cũ.

Từ giai đoạn năm 1965 đến 1973, ông đã cùng đồng đội vào sinh ra tử ở những trọng điểm ác liệt tại cầu Hoàng Mai, phà Bến Thủy (Nghệ An); phà Linh Cảm, cầu Nghèn (Hà Tĩnh); phà sông Gianh, phà Long Đại (Quảng Bình)… Ông đã hàng trăm lần lái ca nô kéo phà, rà phá bom từ trường trên các bến sông. Ông cùng đồng đội đã rà phá bom từ trường kỹ càng cho chuyến xe chở Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tướng Đồng Sỹ Nguyên đi thị sát chiến trường miền Trung, hay xe chở Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm Vĩnh Linh dịp Tết 1972,… qua sông được an toàn.

Sau năm 1968, nhờ đóng góp những chiến công hiển hách, ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, bằng khen Dũng sĩ phá bom Ưu tú, chiến sĩ thi đua.

Chiếc phao cứu sinh của “Cảm tử quân” đã được đưa vào Bảo tàng Quân khu 4.

Năm 1975, đất nước được giải phóng, ông xuất ngũ trở về quê nhà với thương tích đầy người. Nhìn quê xơ xác nghèo, tan hoang vì chiến tranh, ông xót xa trước khó khăn đủ điều. Dưới những mảnh đất cằn cỗi, không lường trước được đang có bom nằm im lìm đâu đó. Ý chí, bản lĩnh của người lính trỗi dậy, ông lại hạ quyết tâm chiến thắng “giặc dốt”, “giặc nghèo”. Ông nỗ lực học lại, thu gom vốn kiến thức đã bị rơi rụng nhiều. Đất trời, quê hương đã không phụ lòng của một cựu chiến binh nhiệt huyết, sống có lý tưởng, trách nhiệm với nơi chôn rau cắt rốn. Ông trúng tuyển vào lớp Chuyên khoa sản của trường Trung cấp Y tế Nghệ Tĩnh. Xách ba lô lại đi, ông lên đường chiến đấu với con chữ, bổ sung kiến thức, trí tuệ trong hành trình cũng gian nan không kém chiến tranh. Hai năm trời đằng đẵng mang cơm đùm khoai sắn từ miền Tây tỉnh Nghệ đi về thành phố Vinh để học hành không đơn giản, có lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc vì vết thương khi trái gió trở trời nhức nhối, tai điếc đặc, kèm theo cái nghèo đói túng thiếu đeo bám sau lưng. Nhưng rồi, cuối cùng, lần nữa, ông đã chiến thắng với tấm bằng chuyên môn Y khoa, làm “bà đỡ”, phục vụ nhân dân tại quê nhà.

Sau chiến tranh, cơ sở vật chất thiếu thốn, Trạm Y tế của xã sơ sài, bệnh nhân và khách khứa thường phải tiếp đón ở nhà riêng. Nhất là khoa sản thời ấy chưa có máy móc, thiết bị phục vụ khám chữa bệnh chuẩn, nên việc chẩn đoán ngôi, thế của trẻ trong bụng mẹ là cực kỳ phức tạp. Ông làm việc bằng những gì tự học hỏi và kinh nghiệm đã trải qua, đón các em bé sơ sinh chào đời bằng cái tâm của người thầy thuốc. Trong thời gian 13 năm làm “bà mụ”, hơn 400 em bé đã ra đời trên bàn tay của ông. Mỗi lần giúp đỡ một người mẹ vượt cạn thành công, ông lại có thêm một niềm vui vô bờ bến, niềm hạnh phúc không gì sánh bằng.

Năm 1991, ông nghỉ hưu nhưng vẫn không bao giờ quên những ngày tháng băng rừng, vượt núi, lội khe đi cứu giúp người dân thoát khỏi cơn bạo bệnh. Có lẽ, ấn tượng nhất là những lần ông động viên, giúp không ít người phụ nữ đã cận kề cửa tử lúc sinh nở, giành lại sự sống cho mẹ tròn con vuông…

Ông Lại Đăng Thiện là em út trong một gia đình có bốn anh em, đều là thương binh. Ngày chiến tranh, anh em phải xa nhau. Sau nhiều năm chiến đấu, trở về từ các chiến trường, anh em lại đều mang trên mình những vết thương. Thời bao cấp còn nhiều khó khăn, nhưng họ vẫn luôn đùm bọc nhau mỗi khi trái gió trở trời, hay những lúc vết thương trên cơ thể tái phát. Họ chăm sóc, động viên, nhường nhau từng viên thuốc, chiếc áo, tấm chăn. Bốn gia đình nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của bản thân, thể hiện tình cảm, bản lĩnh của người lính Cụ Hồ. Bà con lối xóm ai cũng cảm phục đại gia đình luôn đùm bọc, chia sẻ nhau với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”.

Đã có hàng chục bài báo, ký, phim nhân chứng sự kiện về ông. Từ người lính dũng cảm “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, một “bà đỡ” tận tụy yêu thương con người, yêu đồng ruộng, thiên nhiên, ông đã làm thơ mà không chờ đợi danh vọng hay màng đến vật chất. Văn chương là người bạn không thể thiếu, là “thầy thuốc” chữa bệnh tinh thần cho ông cả cuộc đời. Nhiều bài thơ của tác giả Lại Đăng Thiện tái hiện một thời khói lửa:

Vết thương thuở ấy nỗi đau bây giờ 

Thuở ấy
Mẹ cúng cơm con hai lần
Khi đài Hà Nội trần thuật trận phá bom thứ nhất
Tay Mẹ chưa kịp thắp nhang đã gục dưới chân bàn
Tóc Mẹ bạc mỗi lần chúng con ra trận…

Mắt mù lòa còm cõi trông con
Máu chảy ruột mềm Mẹ hiểu con hơn
Mảnh kim khí lặn chìm máu thịt
Bốn mươi năm im tiếng bom rơi
Chiến tranh trong cơ thể con chưa chấm dứt…

Tiếng nổ đinh tai chập chờn giấc ngủ
Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến
Lạnh lùng vợ con hay biết
Vì bát cơm manh áo
Cứ day dứt đồng tiền
Vật vờ thương đồng đội
Lưu lạc vong linh!

Hạnh phúc lớn của con
Truy điệu sống hai lần
Mở đường thắng lợi!
Lại cải tử hoàn sinh…

Mẹ ơi
Lịch sử không phán xét cho con
Chỉ có Mẹ hiểu con
Đồng đội hiểu con
Được – Mất”

Đêm Linh Cảm 

Mỹ oanh kích bến phà ác liệt
Giữa thời khắc tôi nhận ra cái chết
Tổ quốc cần không phút nghĩ suy
rẽ sóng phá bom
Đêm nay trên bến
Mỗi chuyến xe qua
Có máu tim ta.

Tôi đọc một mạch hết tập “Lặng lẽ miền thơ” mới nhất của ông và ngỡ ngàng trước tâm hồn thánh thiện, ý chí kiên cường, lý tưởng và trách nhiệm cao với cộng đồng trong chiến tranh cũng như hòa bình:

Bạc tiền
Bạc tiền là bạc như vôi
Chữ “Tâm” mới thực xanh tươi nghĩa tình
Nghèo hèn quý trọng mới vinh
Còn hơn bạc mặt phụ tình vứt đi.

Những vần thơ của ông lắng đọng, với ngôn từ bình dị, chân chất. Ngôi nhà nhỏ của ông trở thành chỗ lui tới của nhiều bạn thơ. Ông chơi với bạn bè không à uôm, mà có sự lựa chọn, và có trách nhiệm. Ông luôn lắng, nghe thông cảm và sẻ chia với bạn bè rất thật lòng:

Sạn
Li ti từng hạt li ti
Thơ ca nhạc họa còn chi mượt mà
Sạn nào có ở đâu xa
Trong ta và bạn hóa ra rất gần
Sạn từng lấn lướt người thân
Lợi từng ê kíp lăn tăn hợp thành
Lạnh lùng luồn lách chính mình
Chung chiêng rạn vỡ công trình dựng xây…?

Đang còn sức khỏe ngày nào ông làm việc ngày ấy. Ông yêu quê, chăm sóc cây cối trong vườn, làm thơ, tự động viên mình và con cháu. Ông đã có 3 tập thơ: “Cung trầm”, “Thì thầm lời quê”, “Lặng lẽ miền thơ” và nhiều tác phẩm được in chung với các tác giả khác, trong các tập như: “Thơ Quảng Nam 1000 năm Thăng Long”, “Hương sen quê Bác”, “Hương thơ xứ Huế”, “Sông Lam”, “Tao đàn mùa xuân”. Ngoài ra, ông cũng viết nhiều bản tin, truyện ngắn và thơ cho Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi ở huyện nhà.

Ông đã sống một cuộc đời thật thà, ngay thẳng, dũng cảm và chân thành với chính mình và xã hội. Cuộc đời của ông thật đáng sống và có ý nghĩa với con cháu, với xã hội hiện tại và cả mai sau. Với tôi, ông xứng đáng là người hùng của thời chiến tranh cũng như hòa bình vậy.

Đàm Quỳnh Ngọc
(Ảnh trong bài do nhân vật cung cấp)