Một sáng mùa Xuân năm 1973. Người đàn ông dong dỏng cao gầy, người làng Đậu Vinh (Diễn Phong, Diễn Châu) dáng vẻ bồn chồn lặng lẽ rời làng ra ga Sy để bắt chuyến tàu sớm. Vài người làng đi chợ gặp ông, chào: “Ông Giá đi mô sớm rứa?”. “À, tôi ra Vinh thăm chú nó chuyến”. Ra đến ga, lên tàu rồi mà ông dường như còn suy nghĩ lung lắm. Hay là mình quay trở về? Nhưng mà thôi, cứ đi. Nếu không thể cất lời thì cũng ra đó gặp mặt em, mặt con.
  Xuống tàu, ông hỏi đường tới nhà em trai. Bữa nay, nhà em trai ông khá đông người. Có đội văn nghệ tuyên truyền của Khu 4 đang tập luyện trong đó. Và giữa bao gương mặt trẻ trung hân hoan ngồi nơi sân nhà, ông nhìn thấy nụ cười tươi rói, cái vẻ khỏe khoắn, điển trai đầy mạnh mẽ nhưng cũng đầy duyên dáng của con trai mình. Thoáng chút ngạc nhiên khi thấy cha xuất hiện, Đậu Dần – con trai ông khẽ hỏi: “Cha mới ra?” Ông gật đầu: “Ừ, biết tin con về Vinh đây luyện quân, cha xuống xem con khỏe mạnh, công tác thế nào.”
Khi nhà đã vãn khách, Đậu Dần thấy vẻ bối rối của cha mình: “Cha còn có việc chi nữa phải không?”. Ông Giá (tên bấy lâu người ta vẫn gọi ông là tên chú em, còn thực tên của ông là Đậu Dụ) thoáng chút giật mình, và ông nói vội, như sợ chỉ chậm vài giây nữa là ông không cất nổi nên lời: “Dần à, cha muốn nhờ con đưa cha lên trên tỉnh xin cái huân chương. Ở quê, ông Ngũ Điểm – người làng Đông Tác cũng vừa được nhận huân chương. Có lẽ cha cũng được”. Cậu con sững lại. Và trong phút chốc, cậu kinh ngạc và giận dữ, như bao uất ức tủi hờn bấy lâu câm nín đã trào ra không gì ngăn cản: “Cha nói gì? Huân chương á? Cha đã làm được gì? Cha có huân chương gì để mà xin?”. Dồn dập là thế, nhưng đó không phải câu hỏi, đó là lời mai mỉa, trách cứ, dai dẳng bao năm xoáy vào tâm can người cha là ông. Đậu Dụ chợt nghẹn lời. Có cảm giác như cả bầu trời đang đổ ập xuống vai mình. Ông thấy sao mà vai ông nặng trĩu đến thế, thấy đôi chân mình như không thể nhấc nổi. Và, ông như một người đang xấu hổ, bỗng cúi đầu. Bao nhiêu năm, ông chờ một lời chất vấn như thế, chờ cái nổ tung vỡ òa như thế để mong mỏi, cậu con trai duy nhất trong 10 người con ông có, một lần được đối diện thẳng thắn với cha, một lần được trút bỏ vơi đi những phiền muộn.
Và, Đậu Dụ đã lặng thinh nhìn con, nhìn cơn giận dữ bất chợt đến trong lòng nó. 2 cha con đứng đó, mà vời vợi cách ngăn. Ông muốn đến ôm lấy con trai mình, như buổi chiều của hơn 10 năm về trước, khi Đậu Dần còn là một cậu bé chừng hơn mươi tuổi, sau nhiều tháng năm cha bỏ đi biệt tăm tích một ngày kia bỗng xuất hiện trước sân nhà. Khi ấy, lần đầu tiên con ông mới biết đến hơi ấm của vòng tay cha bởi những tháng năm ông đi xa, cậu con còn quá nhỏ. Nhưng bây giờ, đứng trước ông là chàng trai cao lớn, vạm vỡ. Một chàng trai đã chịu bao vùi dập mà lớn lên và trưởng thành, được rèn luyện trong quân ngũ và lửa đạn. Đậu Dụ lẳng lặng xếp lại tay nải, và ông nói mình sẽ quay về nhà. Và, lại lặng lẽ như thế, ông ra bắt chuyến tàu chiều về lại ga Sy.
Trên đường về, lòng ông như có dao cắt. Ông hối hận vì mình đã bước chân đi, hối hận vì mình đã thốt ra lời đó. Trong đầu ông, quá khứ, những dấu ấn cuộc đời lộn xộn trở về… Mấy bữa trước, người ta xôn xao chuyện ông Ngũ Điểm ở bên làng Đông Tác được tỉnh tặng huân chương sau một quãng dài bị quy là “thành phần phản động”. Ông thì nghĩ, đây cũng là cơ hội để mình bày tỏ với dân làng, với gia đình, con cái “thân phận” thật của mình. Vì ông với ông Ngũ Điểm cũng đứng chung trong tổ chức những tháng ngày sục sôi cách mạng ngày xưa ấy.
Ông nhớ về những tháng năm tuổi thơ (ông sinh 1908). Ngày ấy, cả quê hương chìm trong tăm tối dưới gót giày thực dân. Lớn lên chút nữa, ông được nghe về cụ Phan Bội Châu, được đọc một số tác phẩm của cụ. Thời ấy, một số tác phẩm được đọc bởi nhóm hội ở một số làng quê, còn có cả bình văn thơ. Thời thanh niên của ông Dụ là giai đoạn phong trào Đông du và Duy tân thất bại, nhưng tư tưởng Đông du, tư tưởng Duy tân vẫn ảnh hưởng mạnh mẽ đến những thanh niên tiến bộ quê ông. Nhờ có sự tuyên truyền của họ, nông dân từng làng đã biết tập hợp nhau thành phe hộ để chống lại phe hào (phe hào gồm hào lý và các quan viên chức sắc trong làng xã, trong đó có cả địa chủ, phú nông, phe hộ là dân hộ, gồm những người phải gánh vác phu phen tạp dịch, phải nộp sưu). Năm 1926 ở làng Hướng Dương (Diễn Phong), 2 phe đã có phen đánh lộn nhau phải lên phân xử ở quan phủ mà vẫn không thành. Cũng những năm này, ông Dụ nghe được uy tín của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội lan rộng, ảnh hưởng đến nước nhà. Ông thấy háo hức lắm, mong sao tổ chức ấy về đến quê hương. Ông muốn làm gì để người dân quê thoát khỏi những lầm than, cơ cực. Muốn đuổi khỏi quê hương bọn thực dân đang ra sức vơ vét, bóc lột thuộc địa. Và cơ hội ấy đã đến. Sau khi đồng chí Võ Mai, quê làng Vạn Phần được tham gia lớp huấn luyện chính trị tại Hoàng Phố (Trung Quốc) trở về, móc nối với những thanh niên tiên tiến ở làng nước mắm Vạn Phần và thành lập được tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí Hội đầu tiên ở Diễn Châu. Nghe được thông tin này, ông Dụ mừng lắm. Ông đã cùng với lứa thanh niên Diễn Phong thời ấy như Ngũ Ban, Trần Sỹ Mại, Nguyễn Khoát, Giao Huệ, Quế Hữu Đương bàn nhau tìm mọi cách liên hệ với tổ chức này. Đó là những năm 1928, 1929.
Ông Quế Hữu Đương móc nối được với đồng chí Trần Tiến (đảng viên Đông Dương cộng sản Đảng, chi bộ công nhân sản xuất nước mắm Vạn Phần) xây dựng được tổ chức ở Đông Câu. Ông Ngũ Ban thì liên hệ được với đồng chí Cao Hoàn ở Mỹ Lộc giác ngộ quần chúng làng Hướng Dương. Ông Trần Sỹ Mại móc nối xây dựng tổ chức cơ sở ở Vĩnh Lại, Nha Nghi. Ông Nguyễn Khoát thì liên hệ với ông Hồ Khương là hội viên Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội hoạt động tại xã Đông Tháp. Còn ông Đậu Dụ thì liên lạc với các tổ chức cách mạng ở Đông Trai, tổng Lý Trai (nay là Diễn Kỷ). Cũng từ đây, ông Dụ đã bị mật thám Pháp theo dõi sát sao. Tuy nhiên, ông vẫn khéo léo hoạt động và cùng với các đồng chí khác vận động được đông đảo quần chúng nhân dân xã Diễn Phong giác ngộ cách mạng. Tất cả các hoạt động của ông và đồng chí đều phải hết sức bí mật, ít người được biết nếu không phải cùng trong một tổ chức.

Minh họa: Trọng Hiệp

Phong trào mạnh mẽ hơn trong những năm 1930. Ông Dụ tham gia rải truyền đơn, dán áp phích, treo cờ búa liềm, tổ chức mít tinh quần chúng. Dấu chân trong đêm tối của ông in trên nhiều nẻo đường, từ nghè Hướng Dương ở giữa Đồng Trài, cồn Chùa Thông, chùa Trọc, chùa Bút… để tuyên truyền người dân đến nghe nói chuyện, tuyên truyền cách mạng. Có nhiều cuộc họp mật cùng tổ chức ở ngã ba Diễn Châu, ông Dụ còn rủ theo người em còn nhỏ trong nhà là Đậu Liêm đi theo để che những con mắt cú vọ mật thám Pháp.
Ông Dụ lại nhớ cái lần mình hút chết trên sông Bùng. Bữa đó, ông nhận nhiệm vụ rải truyền đơn ở mấy làng. Gần đến hết đêm, ông bị bọn Pháp đi tuần phát hiện được, đuổi theo. Không còn cách nào khác, ông nhảy xuống sông. Con sông quê bao lần tắm táp tuổi thơ, giờ đây trong đêm tối đã che chở cho ông bằng dòng nước ấm mềm và cụm bèo tây lờ lững. Ông trôi xuôi theo dòng nước, vẫn nghe tiếng đạn bắn chíu chíu bên trên và tiếng bọn lính gọi nhau tìm người. Ông đội bèo mà bơi, sang tận bên kia sông, tìm vào nhà mẹ vợ để hong quần áo… Thế rồi, lần ông tham gia mít tinh ở Chùa Bốn, Đông Tháp cùng với các ông Trần Sỹ Tụng, Trần Sỹ Mại, Nguyễn Khoát do ông Đào Xấn và bạn học Lý Liêm Sô cùng hoạt động từ phong trào Đông du – Duy tân tổ chức, đã bị Lý trưởng làng Đông Tháp là Chánh Thớu mật báo với quan Pháp. Ông Tụng bị bắt giam tại điếm canh và bị đánh đập dã man với tội danh hoạt động cộng sản. Các ông Mại, ông Khoát phải bán mỗi người 2 sào ruộng để có tiền chạy tội. Riêng ông Dụ có sự che chở, đảm bảo của ông Lê Khắc Triết, Lý trưởng làng Vĩnh Lại bằng cách thay tên trong thẻ tùy thân của ông bằng tên của em trai ông là Đậu Giá (khi đó đang cư trú ở Vinh) làm bằng chứng ngoại phạm. Cũng từ đó, ông Đậu Dụ đã mang một cái tên khác là Đậu Giá.
Ông Dụ đã nhớ về những chuỗi ngày đầy thấp thỏm, lo âu và nhiều nỗi buồn vì bế tắc của ông và những người đồng chí của mình thời gian đó. Ấy là quãng thời gian phong trào cách mạng trên quê hương bị thiệt hại nặng nề. Bọn cường hào, ác bá ra sức vênh vang, hống hách và ra sức lùng sục bắt bớ đảng viên, các cán bộ cách mạng. Nhất là giai đoạn đồng chí Ngũ Ban bị bắt và giam ở Nhà lao Vinh. Cùng với nhiều người đồng chí khác, ông cũng “nằm im chờ thời”, rồi nhen nhóm, móc nối dần các cơ sở cách mạng với nhau. Ông Quế Hữu Đương thì mở cửa hiệu buôn bán lâm sản ở Nghĩa Đàn lấy tên là “Tự Nhiên”, sau khi bị bọn mật thám nhòm ngó đã chuyển sang thành lập Công ty lâm sản Hương Quỳ hoạt động trên phạm vi từ Hương Sơn (Hà Tĩnh) đến Quỳ Châu (Nghệ An). Một số đồng chí cách mạng cũng đã tham gia cổ phần vào công ty để tìm cách hoạt động. Ông Dụ lúc này cũng đã liên hệ được với các ông Nguyễn Khoát, Giao Huệ, Ngũ Dy, Quế Hữu Đương, Trần Sỹ Mại, Đào Xấn, Hồ Khương… Ông Dụ được cử về hoạt động tại vùng chợ Lường – Đô Lương dưới hình thức phường vải.
Những năm 1939-1945, nhiều biến động lớn trong nước và quốc tế đã ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng ở Diễn Châu. Thực dân Pháp ở Đông Dương đầu hàng Nhật. Phong trào đấu tranh cách mạng diễn ra khắp nơi. Kẻ thù điên cuồng đàn áp, thực hành sắc luật của Phủ Toàn quyền Đông Dương “bắt nhầm hơn bỏ sót”. Cuối năm 1940 có tới 13 cán bộ, đảng viên ở Diễn Phong bị bắt. Trong số những tên cuồng điên sục sạo bắt bớ những người yêu nước giác ngộ cách mạng có tên Trần Văn Huân, bang tá phủ phụ trách tổng Vạn Phần và Hoàng Trường. Nhân cơ hội cấp trên đang tín nhiệm, tên bang tá này đã chạy chọt đút lót để mong phụ trách thêm tổng Lý Trai. Lúc này, tổ chức xét thấy, người có thế lực chống đối với bang tá Huân chỉ có thể là ông Đậu Dụ. Và lúc này, ông Đậu Dụ đã ra mặt cùng tranh cử chức vị này với bang tá Huân nhằm một phần hạn chế quyền lực và tội ác của tên tay sai này, mặt khác cũng để né tránh sự truy nã gắt gao của kẻ thù nhằm vào những người cộng sản. Và cuối cùng ông đã thắng cử, trở thanh bang tá phủ phụ trách tổng Lý Trai. Đó là một quãng thời gian ngắn ngủi, và ông nhớ khi mình “sắm vai” phụ trách tổng Lý Trai, đã luôn cố gắng đứng về phía dân nghèo, yêu thương, bảo vệ họ…
Tiếng còi tàu xuống đến ga Sy làm đứt những suy nghĩ miên man của ông Dụ. Những bước chân nặng nề xuống đường quê, ông lại nhớ về vẻ mặt cậu con trai duy nhất của mình. Ông không thể trách con, ông biết. Ông ước như mình có thể gánh hết cho con bao nhiêu uất ức buồn đau dằng dặc mà nó và các chị em phải gánh chịu. Bước chân tấp tểnh trên con đường gập ghềnh về nhà bữa nay như xa xôi thế với ông. Và ông nhớ về những nguồn cơn ấy…
Quãng giữa thập kỷ 50 thế kỷ XX, khắp nơi trên miền Bắc dấy lên phong trào đấu tố địa chủ, cường hào. Làng nhỏ Diễn Phong cũng xôn xao chuyện đấu tố. Bữa ấy, ông Dụ đang ở sân nhà chặt củi thì thấy cô con gái thứ 2 của mình tên Đậu Thị Ba đi xem đấu tố địa chủ, phản động ở Cồn Chùa hớt hải chạy về: “Cha ơi, cha, có người đang bị đấu ở Cồn Chùa họ khai cha là phản động. Họ còn nói cha cũng đã làm bang tá phủ, có nợ máu với nhân dân”. Buông vội con dao trong tay, ông Dụ gọi vợ mình – bà Trương Thị Vỹ vào gian buồng trong và nói vội: “Có lẽ tình hình không ổn, tui phải đi. Bà ở nhà nuôi lấy các con! Khi nào mọi việc xuôi xuôi, tui về”. Bà Vỹ chỉ kịp hiểu, tình thế nguy cấp, ông phải đi. Sắp vội tay nải cho chồng, bà dặn ông cố gắng trở về, còn bà ở nhà sẽ làm tròn bổn phận. Và thế là ông đi… Ông mất dấu từ đó ở làng nhỏ Đậu Vinh. Ông đã mất dấu từ đó trong cái gia đình mà sau khi ông đi bao nhiêu tai ương đã bủa vây lấy vợ con ông. Ông đi đâu, làm gì, không một ai biết cả. Để rồi vài năm sau, ông xuất hiện trước sân nhà thì lúc đó cậu con Đậu Dần đã lớn. Nó ngỡ ngàng nhìn người cha bằng xương bằng thịt xuất hiện đang ôm lấy thân mình và dắt vào trong nhà. Nó chỉ biết, cha đã làm gì đó, khiến cho gia đình bị mất sạch đồ đạc, nhà cửa. Mấy mẹ con phải dắt díu nhau xuống ở gian nhà dưới. Cha đã làm gì đó, khiến người làng sợ hãi và nghi kỵ, rất dè chừng khi tiếp xúc cùng mẹ con nó. Cha đã khiến cho mẹ có hôm ôm lấy nó mà khóc: “Con ơi, đã có lần mẹ đi bắt cáy, mẹ định đi mãi xuống lòng sông Bùng, cho sông cuốn mẹ trôi đi. Mẹ chết đi chắc sẽ trôi đi hết muộn phiền, tủi nhục. Nhưng nghĩ đến các con, mẹ lại gạt nước mắt mà về”… Và giờ đây, người đàn ông trong gia đình ấy đã trở về, lặng lẽ đi cày và bốc thuốc như bao nhiêu người làng. Chỉ có điều cái “án” địa chủ cường hào mãi mãi đóng dấu lên gương mặt và trong lý lịch của các con ông, không có cách nào xóa được. Nó thành nỗi trống hoác lì lợm bám sâu vào không khí gia đình, vào tâm hồn mỗi thành viên, trong từng đêm không ngủ của cậu con Đậu Công Dần…
Vậy nên dù có nhiều nỗ lực và giỏi giang không kém ai, Đậu Công Dần vẫn không được đi học đại học, không được vào bộ đội. Thậm chí không được trở thành đoàn viên như bất cứ người trẻ nào mong muốn. Ngay cả khi trở thành một chàng trai tuấn tú có nhiều tài lẻ, chuyện tình yêu của Dần cũng trắc trở vì cùng một lý do. Đậu Công Dần đã có những đêm lủi thủi bước về từ một cuộc tụ tập bạn bè, hay sau một cuộc họp thanh niên mà chỉ những đoàn viên được ở lại. Cái câu họ nói “Tí họp xong các đoàn viên ở lại” đã trở nên quen thuộc nhưng sao mỗi lần nghe nó, Đậu Công Dần vẫn thấy ngậm ngùi mãi không thôi, buồn tận cùng cái nỗi buồn vốn đã chất chứa từ lâu trong tâm hồn.
Tuy nhiên cuối cùng, sau nhiều lần viết đơn xin vào bộ đội, anh đã được chấp thuận khi có đợt thiếu quân. Với bao nhiêu nỗ lực phấn đấu và quyết tâm dốc lòng cho cách mạng, Đậu Công Dần trở thành một người lính dũng cảm đầy nhiệt huyết, được đồng đội yêu quý. Anh từng chiến đấu trong các đơn vị Đoàn 22 QK4, Tiểu đoàn 40 chiến đấu ở Lào, đơn vị pháo C50 bảo vệ Hòn Ngư, Hòn Mắt… Lúc nào tinh thần chiến đấu kiên cường cũng luôn thường trực trong anh, bởi khao khát bấy lâu được gia nhập quân đội giờ đã thành hiện thực, và anh luôn nghĩ, ngay cả khi trường hợp xấu nhất xảy ra là cái chết, thì sự hy sinh của mình biết đâu có thể xóa đi những định kiến của mọi người về một lý lịch xấu từng ám ảnh gia đình anh bao năm. 21 năm bền bỉ là cảm tình đảng, nhưng vẫn chưa được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Nhiều cán bộ và đồng đội hiểu tình cảnh của Đậu Công Dần, ôm anh mà khóc… Ông Dụ hiểu lắm, cái ánh mắt cậu con khi nhìn mình. Có bao lần ánh mắt ấy muốn hỏi ông, muốn chất vấn ông: Vì sao ông lại có thể trở thành một kẻ phản bội nhân dân? Tại sao ông lại chọn con đường ấy? Ông hèn nhát, mưu lợi chăng? Để rồi cuối cùng cái câu hỏi ấy đã bật ra: “Huân chương á? Cha đã làm được gì? Cha có huân chương gì để mà xin?”
Ông Dụ hiểu, cái gánh nặng mình để lại cho gia đình này, đặc biệt cho con cái là quá lớn, không dễ gì mà xóa bỏ. Nhất là với cậu con tràn đầy nhiệt huyết, tình yêu và khát khao cống hiến, như ông ngày xưa. Ngẫm đi ngẫm lại thì sao mà nó giống ông đến vậy. Khảng khái, quyết đoán, dám dấn thân, dám hy sinh và có khả năng chịu đựng phi thường. Chỉ nghĩ vậy, ông có chút yên tâm một phần. Còn về phần mình, ông đã quyết chọn sự im lặng. Ông đã im lặng được bao năm nay. Sao không thể im lặng đến cuối đời? Hãy cứ để trong lòng thằng Dần mang một nỗi giận ấy, vì vết thương mà ông chẳng may gây ra quá lớn…
VĨ THANH
  Chuyến tàu và người đàn ông bữa ấy lên và xuống ga Sy rồi sẽ chìm trôi, sẽ chẳng có điều gì đáng nói nếu như mãi về sau này, khi sự thật về ông – một người cha – được chính con mình tìm ra và làm hé lộ. Đó là một ngày Hè năm 2009. Lúc này, ông Đậu Dụ đã mất được 32 năm. Trước khi ông mất (tháng 9 âm lịch năm 1977) ông có nhờ cậu con trai chở đi một vòng quanh các nhà thờ họ tộc. Ông gửi lại đó chút tiền và nói với những người trong họ nhưng cũng có nét giận lẩy con trai: Nhờ các bác, các chú sau này thắp giúp tôi nén hương, chứ thằng Dần có lẽ sẽ chẳng thắp hương đâu. Cái ngày ông Dụ mất, trước lúc nhắm mắt, ông Dụ có nhờ con: Con ra mời ông Ký Bình vào đây cho cha! Ông Ký Bình, cũng là một người bị án “thành phần”, còn nặng hơn cả ông Dụ là bị “đày” ra sống trơ trọi giữa cánh đồng làng. Ông Dần gọi ông Ký Bình vào nhà mình, 2 người trò chuyện cả buổi. Sau khi ông Ký Bình về khoảng mấy tiếng sau, ông Dụ trút hơi thở cuối cùng. Ký ức về cha chỉ là thế trong lòng cậu con Đậu Công Dần.
Trở lại với ngày Hè năm 2009, khi ấy Đậu Công Dần đã chạm tuổi 60, đã tạo dựng được cơ nghiệp đáng kể bằng tài năng, nghị lực phi thường. Đậu Công Dần cùng một người bạn đến Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, thành phố Vinh để hỏi thông tin về cha của bạn nguyên là chiến sĩ cộng sản từng bị tù đày tại nhà tù Buôn Mê Thuột. Trong buổi làm việc, ông Dần buột miệng hỏi chị Nguyễn Hương Lam, cán bộ Bảo tàng, xem liệu Bảo tàng có lưu trữ hồ sơ của những người hoạt động cách mạng những năm 30, 31 thế kỷ trước. Khi chị cán bộ bảo tàng hỏi lại ông tìm ai, ông trả lời:
– Tôi tìm cha tôi, ông tên Đậu Dụ, sinh năm 1908, quê Diễn Phong, Diễn Châu. Tôi không rõ ông có hoạt động gì, nhưng có lần nghe mẹ tôi nói: Cha bây đi rải truyền đơn, tham gia cách mạng. Có lần suýt bị Pháp bắn phải nhảy sông chạy về nhà bà ngoại mới thoát thân. Với lại tôi chợt nhớ cách đây chừng 3 năm, quãng năm 2006-2007, một người bạn cùng thời với cha tôi, ông Hoàng Huân, nguyên Trưởng Công an huyện Diễn Châu có nói trong một lần gặp mặt: Bây không biết mô, cha bây ngày xưa là cộng sản hoạt động bí mật mãi tới khi sức khỏe yếu mới xin nghỉ.
Và ngày hôm đó là một ngày định mệnh. Tưởng câu hỏi bâng quơ sẽ chỉ là một sự việc bình thường trôi đi như ngàn vạn sự trôi đi khác, nhưng 4 giờ chiều ngày hôm đó, ông Dần nhận được cuộc điện thoại của cán bộ Bảo tàng, nói đã tìm ra hồ sơ của ông Đậu Dụ và cần xác nhận lại một vài thông tin khác. “Nếu đúng vậy thì cha anh là cộng sản nguy hiểm theo hồ sơ lưu trữ của mật thám Pháp ngày xưa”, người của Bảo tàng nói.
Ông Dần như chết lặng trong một lúc lâu. Đây có lẽ là giây phút đáng nhớ nhất trong đời Đậu Công Dần, khi người đàn ông tóc đã hoa râm, đã trải qua bao sóng gió cam go, vượt qua nhiều chông gai thử thách, từng vào sinh ra tử nơi chiến trận, từng oan ức và đau khổ cùng cực, lại biến thành một đứa trẻ đang khóc. Ông không thể gọi tên cảm giác của mình lúc này. Chỉ biết mọi thứ vỡ òa: mọi băn khoăn nghi hoặc, mọi trách móc ấm ức, mọi buồn tủi khổ đau. Nhưng lúc này, mừng rỡ, hổ thẹn và hối tiếc, tất cả cùng nhức nhối trong ông. Ông lại nhớ đến câu hỏi của mình vào một ngày xa lắc năm 1973, cái câu hỏi ngàn lần không nên có.
Từ hồ sơ của Bảo tàng và những người chép sử quê hương, ông Dần mới biết rằng cha ông Đậu Dụ (sinh năm 1908), tên hoạt động cách mạng là Đậu Giá được ghi trong hồ sơ mật thám Pháp. Cái tên ông được khép lại trong hồ sơ mật thám Pháp với dòng thông tin: 1943 khi ra ứng cử bang tá phủ – bị điều tra, tố giác là cán bộ tài chính của Đảng Cộng sản, bị truy lùng năm 1930-1931.
Là một cộng sản hoạt động bí mật, Đậu Dụ đã nín lặng suốt cuộc đời. Ngay cả người vợ thân yêu của ông, bà Trương Thị Vỹ, cũng không biết gì về công việc của chồng mình, bà chỉ kịp vài ba lần nhắc lại chuyện của ông với con, về việc ông tham gia cách mạng, đi rải truyền đơn, có lần suýt bị Pháp bắn phải nhảy sông chạy trốn. Năm 1973, sau thời gian lâm bệnh nặng, bà Vỹ yếu đi rất nhiều. Nhưng trong những ngày cuối cùng của đời mình, dù chỉ còn chút hơi tàn, bà cố gắng nói hắt ra với cậu con trai duy nhất, hẳn bà đã linh cảm được điều ấy:
– Bằng giá nào con cũng hãy tin, hãy đi theo cách mạng. Không được về.
Lời dặn của bà, cũng là niềm tin, niềm hy vọng lớn nhất và sau cùng, đã được cậu con trai thực hiện. Nhưng chính bà cũng đã một đời nín lặng, giữa bao nhiêu mũi tên dư luận, bao nhiêu ruồng rẫy dập vùi. Chính bà, đến lúc chết, vẫn không biết được sẽ có ngày chồng mình được minh oan, và niềm vui trở lại với gia đình dẫu đã muộn màng nhưng vẫn vô cùng ý nghĩa.
Đến giờ ông Dần vẫn không hiểu cha mình đã vượt qua tất cả bằng cách nào, ngay cả khi vết thương nhói buốt nhất đã được khơi dậy bởi chính những người thân của ông. Chôn vùi câu chuyện của mình trong bóng tối, người chiến sỹ cách mạng kiên trung đã chấp nhận nó bị lãng quên cùng với thời gian, ngay cả khi ông chỉ còn là một nắm tro dưới đất. Những ngọn cỏ đã mọc lên, chúng không mảy may biết phía dưới nấm mồ là một người đã từng quên mình cho cách mạng, đã sống dưới một cái tên khác, thậm chí đã sống dưới một bóng hình khác, một cuộc đời khác. Ông chấp nhận sự im lặng đơn độc của mình, vì một điều cao cả hơn. Và sự nín lặng của ông đã hòa với sự nín lặng của đất, sự nín lặng của thiên thu.
Giờ đây, sau một quãng thời gian dài, người con trai của ông nhận ra trong hối tiếc, rằng chưa một lần ông hỏi cha mình đã làm gì, hỏi một cách nghiêm túc chứ không phải với giọng điệu mỉa mai như ông đã từng hỏi. Tại sao một câu hỏi đơn giản thế, “Cha đã làm gì?”, đã không được ông hỏi một cách đơn giản, thẳng thắn với cha? Tại sao ông lại hỏi câu đó trong một hoàn cảnh trớ trêu như thế? Cha ông, Đậu Dụ, hay còn gọi là Đậu Giá, đã làm được gì ư? Ông ấy đã làm một người cộng sản, sống một cuộc đời cộng sản, và chết như một người cộng sản chân chính. Ông ấy phải đổi tên, phải giấu bản thân, phải làm một nốt lặng trong bản nhạc nhiều âm điệu, phải bí mật và che giấu suốt quãng đời dài, phải im lặng đến hơi thở cuối cùng, từng như một kẻ cường hào nợ máu nhân dân trong con mắt của người khác, phải nuốt từng miếng đòn oan nghiệt của thời cuộc và số phận, nhưng trọn cuộc đời ông, cuộc đời được vây bọc bởi hai từ nín lặng, đã xứng đáng hơn bao giờ hết với hai từ: chính trực. Thật kì lạ, sự che giấu lại đi đôi với sự chính trực, nhưng đó lại là điều bí ẩn khiến cho cuộc sống này có thể trở nên kì diệu. Giờ đây Đậu Công Dần có thể viết những dòng chữ ngay ngắn trên bản lý lịch mới của mình, không phải là một lý lịch viết bằng giấy trắng mực đen thành văn bản, mà là lý lịch của tâm hồn ông. Ông sẽ viết tên cha mình, tên một người cộng sản, với chút ngậm ngùi hối tiếc nhưng cùng với đó là rất nhiều yêu thương và tự hào.

Quỳnh Lâm

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam, số 10/ Chào Xuân Tân sửu 2021)