Nghệ An, Cao Bằng – “Giao lưu Hai miền quê Bác”

  • Từ ngày 20 đến 26/7, đoàn Văn nghệ sĩ (VNS) tỉnh Nghệ An do PGS TS Đinh Trí Dũng- Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh dẫn đầu, thăm và làm việc với Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Cao Bằng. Đoàn VNS Nghệ An còn có Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Tiến Dũng – Ủy viên Ban Thường vụ Hội và 12 thành viên thuộc các chuyên ngành Văn, Thơ, Nhạc, Múa, Sân khấu và Lý luận phê bình. Về phía tỉnh Cao Bằng có nhà văn Phạm Thanh Thắng- Phó chủ tịch Hội và đại diện các chuyên ngành thuộc Hội VHNT tỉnh Cao Bằng.
Nghệ An, Cao Bằng - “Giao lưu Hai miền quê Bác
Lãnh đạo Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An tặng ấn phẩm của Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An cho Hội Văn nghệ Cao Bằng.
Nghệ An, Cao Bằng - “Giao lưu Hai miền quê Bác
Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An trao tặng bức tranh “Bác Hồ về thăm quê” cho Bảo tàng Cao Bằng

Tối 21/7, hai bên đã có cuộc trao đổi tình hình hoạt động và tặng ấn phẩm của Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Nghệ An cho Hội VHNT tỉnh Cao Bằng; trao tặng bức tranh “Bác Hồ về thăm quê” cho Bảo tàng Cao Bằng.

Nhà văn Phạm Thanh Thắng – Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Cao Bằng cho rằng Nghệ An và Cao Bằng có mối cơ duyên gắn kết đặc biệt nhất cả nước bởi Nghệ An là quê hương sinh ra Bác Hồ và Cao Bằng là nơi Bác hoạt động cách mạng; chính Người đã mang lại cho Cao Bằng tầm vóc lịch sử lớn lao: là căn cứ địa cách mạng đầu tiên, “đại bản doanh” của cả nước; là “chiếc nôi của cách mạng Việt Nam”, từ đó Cao Bằng trở thành bức “phên dậu” vững chắc nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc. Cũng chính vì thế, cuộc trao đổi giao lưu giữa hai Hội VHNT mang tiêu đề gần gũi, ấm áp rất người nhà: “Giao lưu hai miền quê Bác”.

Nghệ An, Cao Bằng - “Giao lưu Hai miền quê Bác
PGS, TS Đinh Trí Dũng -Phó Chủ tịch Thưởng trực Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An ghi sổ vàng lưu niệm tại Đền thờ Bác Hồ ở Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó.

Nhà văn Đinh Trí Dũng cũng cho rằng, trở lại Cao Bằng lần nào cũng vậy, văn nghệ sĩ Nghệ An như được trở về chính quê hương của mình, được gặp lại những người thân yêu, chan hòa trong tình thân ấm áp không có khoảng cách.
Thành phố Cao Bằng đã nhiều đổi thay, mang tầm vóc của đô thị loại III, thơ mộng ôm trọn con sông Bằng Giang; là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, chính trị của tỉnh Cao Bằng và là một trong những trung tâm kinh tế của vùng Đông Bắc Tổ quốc, có nhiều dân tộc sinh sống như: Kinh, Tày, Nùng, Hán,…

Nghệ An, Cao Bằng - “Giao lưu Hai miền quê Bác
Đoàn tới thăm Đền thờ Bác Hồ.
Nghệ An, Cao Bằng - “Giao lưu Hai miền quê Bác
và dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ.

Đoàn văn nghệ sĩ Nghệ An đến dâng hương Đền thờ Bác Hồ tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng) và ghi sổ vàng lưu niệm bày tỏ lòng thành kính, cảm phục đối với công lao, ý chí, nghị lực của Bác; nguyện đoàn kết phấn đấu đi theo con đường Bác đã chọn, không ngừng phấn đấu, học tập và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, đồng hành cùng chính quyền địa phương, góp phần xây dựng quê hương Nghệ An giàu đẹp, xứng đáng là quê hương của Bác.

Đoàn cũng đến thăm khu di tích Hang Pác Bó, nơi Bác ở và hoạt động cách mạng. Tại đây, từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941, đã diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8. Hội nghị đã nhận định rõ tình hình trong nước và thế giới, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, xây dựng căn cứ địa cách mạng, phát triển chiến tranh du kích, khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong cả nước. Và cũng tại lán Khuổi Nặm II, Bác đã thành lập Báo Việt Nam độc lập. Ngày 22/12/1944, tại rừng Trần Hưng Đạo, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, gồm 34 chiến sĩ, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Trong giai đoạn này, Bác đã biên soạn nhiều tài liệu như: Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, Cách đánh du kích, Điều lệ Đảng, Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Thanh niên cứu quốc và đặc biệt là biên soạn bức thư Kính cáo đồng bào (ngày 06/6/1941), kêu gọi toàn dân đoàn kết đánh kẻ thù chung là thực dân Pháp, phát xít Nhật và Việt gian, giành độc lập, tự do. Ngày 04/5/1945, Bác cùng đoàn cán bộ rời Pác Bó về Tân Trào (Tuyên Quang) để chỉ đạo, tập hợp quốc dân tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 02/9/1945), nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Đoàn văn nghệ sĩ thăm Suối Lê Nin, thời gian ở Pác Bó, Bác thường ngồi câu cá ở suối này, đến nay vẫn giữ được cảnh quan tương đối nguyên vẹn với núi rừng nguyên sơ, u tịch.

Nghệ An, Cao Bằng - “Giao lưu Hai miền quê Bác
Đoàn thăm nơi Bác nghỉ và làm việc trong hang Cốc Bó.
Nghệ An, Cao Bằng - “Giao lưu Hai miền quê Bác
Khu di tích nằm trong quần thể sinh thái nguyên sơ

Hang Cốc Bó (tiếng Nùng có nghĩa là “đầu nguồn”) rộng khoảng 80m2, cửa hang chỉ một người đi vừa. Đây là nơi Bác và các đồng chí cán bộ cách mạng ở từ ngày 08/02/1941 đến trung tuần tháng 3 năm 1941. Trong hang hiện còn lưu giữ tấm phản mà Bác đã từng ngồi làm việc với các cán bộ cách mạng và dịch các tài liệu quan trọng.

Đoàn cũng ghé dâng hương Khu di tích mộ Anh hùng liệt sĩ Kim Đồng nằm trong quần thể Khu Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó (huyện Hà Quảng).

Nghệ An, Cao Bằng - “Giao lưu Hai miền quê Bác
Đoàn văn nghệ sĩ dâng hương tại mộ Anh hùng Liệt sĩ Kim Đồng.

Kim Đồng (tên thật là Nông Văn Dền) sinh năm 1929. Ngày 15/5/1941, đồng chí Đức Thanh là cán bộ cách mạng quyết định thành lập Đội Nhi đồng cứu quốc tại làng Nà Mạ, gồm có 4 đội viên: Kim Đồng, Cao Sơn, Thanh Thủy, Thủy Tiên do Kim Đồng làm Đội trưởng. Tháng 8/1942, Kim Đồng vinh dự được gặp Bác Hồ tại hang Nộc Én ở trên núi sau làng Nà Mạ và được Bác giao nhiệm vụ thông tin liên lạc, bảo vệ cách mạng. Bác khen ngợi Đội trưởng Kim Đồng mưu trí, nhanh nhẹn, dũng cảm. Ngày 15/2/1943, trong khi đang làm nhiệm vụ để bảo toàn bí mật, giúp các đồng chí cán bộ Việt Minh kịp thời tản lên núi, Kim Đồng đã hy sinh khi vừa tròn 14 tuổi. Anh đã được Đảng và Nhà nước phong tặng Anh hùng liệt sĩ năm 1997 và Khu Di tích Kim Đồng được xây dựng ngay trên quê hương anh gồm có mộ anh Kim Đồng và tượng đài khang trang tại chân núi đá cao đồ sộ dưới tán cây nghiến xanh biếc. Bên cạnh đó còn có ngôi mộ của mẹ anh Kim Đồng – Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lân Thị Họ (1890-1972).

Khu di tích sở hữu một quần thể sinh thái có cây cầu và nhiều guồng nước miệt mài dưới con suối hiền hòa xanh ngút ngát, chảy miết nên thơ. Năm 2011, Khu Di tích lịch sử Kim Đồng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia.

(Còn nữa)

Lang Quốc Khánh