Đan võng gai là một nghề thủ công truyền thống của dân tộc Thổ được nhiều người biết đến. Ngày nay, người Thổ ở nhiều nơi còn lưu giữ được nghề này và phát triển mạnh tại  cộng đồng người Thổ ở huyện Tân Kỳ, trong đó nhóm Thổ ở xã Giai Xuân là tiêu biểu nhất.

Trước đây, người Thổ trồng cây gai trên nương, giờ họ chủ yếu trồng ở vườn. Sau khi thu hoạch cây gai, họ lấy thân xe thành sợi làm nguyên liệu chính để đan võng. Lá gai được sử dụng để làm bánh gai, cũng là một đặc sản được nhiều người biết đến. Võng gai của người Thổ bền và đẹp nhờ vào sự khéo léo của người phụ nữ với những kỹ năng được truyền thụ qua các thế hệ.

Nghề đan võng gai gắn liền với phụ nữ Thổ,  từ nhỏ họ đã được học từ mẹ.

Theo những người giàu kinh nghiệm về đan võng gai ở xã Giai Xuân cho biết thì kỹ thuật đan võng gai truyền thống của người Thổ chia làm ba loại. Loại kỹ thuật phổ thông nhất là đan tính theo long. Thường người dân đan võng gai theo long tư, long năm để sử dụng phổ biến hàng ngày. Và hiện nay, kỹ thuật này là phổ biến nhất trong nghề đan võng gai của người Thổ. Bên cạnh đó có hai kỹ thuật đan võng gai phức tạp hơn, nhưng hiện ít sử dụng. Loại thứ nhất là đan bông thang, sử dụng để đan võng chủ yếu cho người giàu sử dụng nên đan cầu kỳ, phức tạp hơn và võng cũng rộng, dày và đẹp hơn. Loại thứ hai là đan võng tên hay còn gọi là đan võng cáng quan. Ngày trước, kỹ thuật này dùng để đan những chiếc võng cáng quan lại đi xa hay để cho gia đình các quan dùng. Kỹ thuật này khó nhất, tốn nhiều thời gian, công sức và những người thợ giỏi mới làm được.

Tụ họp để vừa đan võng, vừa trò chuyện như là một sinh hoạt văn hóa của người Thổ.

Người Thổ đan võng gai trong gia đình hoặc tập hợp thành nhóm lại để cùng sản xuất. Đan võng gai là công việc của người phụ nữ. Họ đi trồng gai, thu hoạch gai và xe sợi gai, sau đó cũng là người tiến hành đan võng. Trước đây, hầu hết phụ nữ Thổ ở khu vực Tân Kỳ đều biết đan võng gai. Nhưng hiện nay chỉ những người lớn tuổi còn giữ nghề. Lớp trẻ thì chỉ một vài người ở lại quê nhà còn học các bà, các mẹ để biết đan. Xóm Kẻ Mui, xã Giai Xuân, nơi võng gai của người Thổ được biết đến nhiều nhất và cũng tập trung nhiều người biết đan võng nhất thì đa số cũng là người già, trong đó có người 82 tuổi. Tổ hợp tác đan võng gai Kẻ Mui có hơn 30 người tham gia thì chỉ 7 người dưới 40 tuổi, trẻ nhất cũng 30 tuổi. Độ tuổi từ 50 đến 70 chiếm tỷ lệ cao nhất. Theo bà Nguyễn Thị Huyền, Chi hội trưởng Hội người cao tuổi xóm Kẻ Mui cho biết: “Ngày trước, vào gia đình người Thổ nào ở đây cũng gặp cảnh người phụ nữ ngồi đan võng. Chủ yếu là đan để sử dụng hoặc trao đổi nên họ cũng làm rủ rải, tranh thủ lúc rỗi việc. Có lúc, chị em tập trung lại thành các nhóm để đan võng và trò chuyện cho vui. Thậm chí thỉnh thoảng tập trung đông đan xong lại nổi cồng chiêng nhảy múa. Phụ nữ Thổ rất coi trọng nghề truyền thống này, nhưng để giữ gìn nó hiện nay cũng khó. Phần vì sản phẩm làm ra nhiều cũng không bán được. Phần khác, những người trẻ tuổi chủ yếu rời quê hương đi làm ăn xa. Họ cũng không mấy hứng thú với công việc đan võng vì thu nhập quá thấp. Chính quyền xã cũng như những người già trong xóm đều mong muốn các thế hệ trẻ tiếp nối và lưu giữ nghề của cha ông để lại, nhưng làm thế nào cho hiệu quả thì thật là khó”.

Truyền nghề đan võng gai cho thế hệ trẻ là một trong những khó khăn mà người Thổ ở Tân Kỳ đang đối diện.

Để gìn giữ và phát triển nghề đan võng gai truyền thống, người dân tộc Thổ trong các xóm của xã Giai Xuân và các xã lân cận: Tân Xuân, Tân Hợp đã tập hợp nhau lại thành lập các câu lạc bộ hoặc các tổ hợp tác. Vì thế hiện nay, tại các địa phương này, những xóm đông người Thổ đều có câu lạc bộ hoặc tổ hợp tác đan võng gai truyền thống. Phát triển mạnh mẽ phải kể đến Tổ hợp tác đan võng gai xóm Kẻ Mui, tập trung hơn 30 người phụ nữ Thổ cùng hợp tác làm việc. Thời gian rỗi hàng ngày họ tập trung tại nhà văn hóa xóm cùng đan võng gai. Tại đây, người ta làm một cái giá dài bằng tre hoặc gỗ, có thể treo lên để đan được 4-5 võng một lúc. Đặt hai dãy ghế hai bên để cho người đan võng ngồi. Mỗi chiếc võng thường tập trung ít thì hai người, nhiều thì ba, bốn người ngồi xung quanh đan và trò chuyện. Sau đó, gặp thời tiết đẹp thì họ nổi cồng chiêng mời gọi những người khác đến cùng múa hát. Khi có khách ghé thăm, họ mặc trang phục cổ truyền đến giao lưu văn nghệ và giới thiệu nghề đan võng. Chính vì vậy mà không khí ở nhà văn hóa luôn sôi động, náo nhiệt.

Trước đây, người Thổ đan võng trong nhà, giờ nhiều người tập trung lại nhà văn hóa để vừa đan võng, vừa trò chuyện và tham gia các sinh hoạt khác.

Hiện nay, số người người lành nghề còn khá nhiều và sản phẩm võng gai của người Thổ cũng đạt chất lượng cao nên có thể sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, việc tiếp cận thị trường lại là thách thức không nhỏ đối với người dân địa phương. Họ thụ động trong việc tìm kiếm khách hàng, chủ yếu khi có ai giới thiệu thì mang đến bán. Việc tiếp cận thị trường hạn chế cũng làm cho mức độ sản xuất chậm lại vì không tìm được nguồn cầu. Trước chủ yếu họ sản xuất và bán trong vùng, đưa đi các hội chợ do chính quyền tổ chức hoặc đi tham gia một số cuộc triển lãm qua đó bán được một vài cái võng. Gần đây, nhiều người trong tổ hợp tác đã biết sử dụng mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm võng gai truyền thống người Thổ đến với nhiều người và bước đầu đã bán được một số sản phẩm và nhận được một số đơn hàng nhỏ. Giá cả võng gai thường được tính theo cân, mỗi cái võng thường có trọng lượng từ 2,6 – 3kg, và được bán với giá từ 800-900.000đ/kg. “Số lượng võng bán được đã tăng so với trước, nhưng nhìn chung vẫn còn ít, chưa được như một số sản phẩm thủ công nghiệp ở các cộng đồng phát triển du lịch. Vậy nên bà con đến tập trung đan võng mang tính giải trí nhiều hơn là hoạt động kinh tế. Họ gặp gỡ nhau, cùng đan võng, cùng trò chuyện, rồi giao lưu văn nghệ như là một nhu cầu văn hóa. Tuy nhiên, khi có đơn hàng nhiều, cần gấp thì người dân vẫn đáp ứng được. Tiếc là việc tiếp cận thị trường để mở rộng buôn bán võng gai của người dân vẫn còn khó lắm”. Bà Nguyễn Thị Quê, tổ trưởng tổ hợp tác đan võng gai chia sẻ.

Sau những buổi tập trung đan võng, người Thổ thường tổ chức cồng chiêng và giao lưu văn nghệ

Nghề đan võng gai truyền thống của người Thổ là một nét văn hóa đặc sắc, vừa thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ, vừa thể hiện được bản sắc văn hóa cộng đồng. Nhưng làm sao để bảo tồn và phát huy được giá trị của nghề truyền thống này đang còn là bài toán khó với người dân và chính quyền địa phương. Như ông Trần Khắc Hải, Phó Chủ tịch xã Giai Xuân cho biết: “Địa phương cũng luôn mong muốn bà con có thể kiếm thêm được thu nhập từ nghề truyền thống của mình. Nhưng để phát huy các giá trị văn hóa vào phát triển kinh tế hiện nay vẫn còn gặp khó. Xã cũng cố gắng giúp đỡ các câu lạc bộ, tổ hợp tác mỗi khi có cơ hội, như đưa đi giới thiệu ở các hội chợ, tham gia các triển lãm. Nhưng để có một thị trường ổn định hơn thì thật sự vượt quá khả năng của địa phương. Có lẽ phải phát triển đồng bộ, trong đó thu hút được đầu tư phát triển du lịch thì may ra mới mở rộng thị trường cho các sản phẩm thủ công truyền thống như võng gai của đồng bào Thổ được”.

Bài và ảnh: Trang Tuệ