“Đã từng có một Võ An Ninh làm nên lịch sử bằng tấm ảnh nạn đói năm 1945 ở Thái Bình…thì nay ta có thêm một nhà nhiếp ảnh Quỳnh Sơn, người con của xứ Nghệ đã miệt mài toàn tâm toàn ý phục vụ kháng chiến mà nói theo cách khác đã lãng du với tâm hồn nghệ sỹ để hòa chung thân phận mình cùng số phận dân tộc để giữ lại, để gửi lại cho đời những hình ảnh một đi không trở lại.” (Nhà văn Băng Sơn)

Đã hơn 70 năm trôi qua, kể từ khi những bức ảnh thời sự đầu tiên của nhà nhiếp ảnh Quỳnh Sơn chụp quê hương trong những năm kháng chiến, và cũng đã 47 năm ông đi xa, sự nghiệp ảnh của ông thêm một lần được tôn vinh bằng tấm bằng Kỷ lục Việt Nam cho “Người đầu tiên chụp ảnh phóng sự trong cuộc kháng chiến chống Pháp tại Nghệ An, để lại hàng ngàn tấm phim ảnh có giá trị lịch sử hiện còn được lưu giữ tại bảo tàng tỉnh Nghệ An”.

Nhiếp ảnh gia Quỳnh Sơn ( Ngô Đức Đẩu)

Quê hương giờ đã có bao nhiêu đổi thay. Có bao nhiêu điều đã thuộc về quá khứ. Nhưng, có những con người, những khoảnh khắc, dường như cùng với thời gian, lại càng sống động, lại càng đáng trân trọng, nhớ thương. Với nhà nhiếp ảnh Quỳnh Sơn, thì điều ấy hiển hiên giản dị trong căn nhà của vợ con ông đang ở nơi góc đường Hồ Xuân Hương (Thành phố Vinh) bằng những giọt nước mắt, những hồi ức không ngừng tuôn trào…

Trong ngôi nhà đầy kỷ niệm, bà Trần Thị Hảo, vợ ông cùng với người con trai đã rưng rưng xúc động kể lại những câu chuyện về người chồng, người cha tài hoa. Ảnh: Hải Vương

                “Suốt một đời làm ảnh, ông đã mang theo tên làng mình đi theo, dù ở Giát (Quỳnh Lưu), lên Nghĩa Đàn sơ tán, hay chuyển vào Vinh, thì hiệu ảnh của ông chỉ có độc tên Quỳnh Sơn. Và Quỳnh Sơn cũng trở thành nghệ danh của ông ấy”. Vợ nhà nhiếp ảnh Quỳnh Sơn, bà Trần Thị Hảo (đã 100 tuổi nhưng còn vô cùng minh mẫn) đã bắt đầu câu chuyện với chúng tôi, giải thích cho việc chồng mình vốn tên là Ngô Đức Đẩu lại trở thành Quỳnh Sơn như thế.

Sinh năm 1911 tại làng Quỳnh Sơn (nay thuộc xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu), lớn lên, ông Đẩu rời làng, vào Sài Gòn để học nghề ảnh, làm thuê cho các hiệu ảnh và trở về quê năm 1936 để mở hiệu ảnh đầu tiên của mình tại thị tứ Giát. Đầu tiên, chỉ là một nghề để mưu sinh, nhưng rồi, lịch sử cùng với những bước chuyển mình trên quê hương đã đặt lên vai người thợ ảnh nhiệt huyết mang tâm hồn nhạy cảm một trách nhiệm lớn: Ghi lại một giai đoạn lịch sử đầy hào hùng của dân tộc bằng chính chiếc máy ảnh của mình.

Những bức ảnh lưu dấu bao nhiêu kỷ niệm khó quên của nhiếp ảnh gia Quỳnh Sơn được vợ con ông trân trọng giữ gìn. Ảnh: Hải Vương

  Có thể nói, nhà nhiếp ảnh Quỳnh Sơn đã tự nguyện dấn thân vào cuộc kháng chiến, hòa mình cùng vận mệnh dân tộc với tâm thế của một công dân- một người con đầy trách nhiệm với xứ sở quê hương, và với niềm tin tưởng vào một ngày thắng lợi. Với những chiếc máy ảnh cũ dùng để làm nghề trong tay, có lúc chụp bằng kính, có lúc chụp bằng phim tấm lớn, ông thường đi bộ để đi tới rất nhiều vùng quê.

Thời ấy, Nghệ An ở cùng tự do của Khu 4 cũ, giặc Pháp vẫn dùng máy bay đánh phá, dùng cả tàu thủy đổ quân lên tàn sát cướp bóc. Có những khi, nhà nhiếp ảnh Quỳnh Sơn đã đưa vợ con lên vùng núi sơ tán và ông trở lại vùng chiến sự để kịp ghi những hình ảnh nóng bỏng.

Trong những bức ảnh của ông, có thể thấy những nơi, những sự kiện khốc liệt nhất như năm 1949 giặc Pháp càn quét Quỳnh Lưu với nhìn ảnh: Cầu Giát cháy trong trận càn, Thuyền chở mắm Phú Sơn cháy, Muối Ngọc Long cháy… Cùng bao nhiêu những sự kiện có ý nghĩa đã được ông ghi chép trung thực về những tháng ngày nhân dân ta đồng cam cộng khổ, cùng nhau theo kháng chiến. Đó là một “hội thao quân sự”, là “Lễ tòng quân của thanh niên Hưng Nguyên, Nam Đàn”,  là khoảnh khắc luyện tập của “dân quân tự vệ Quỳnh Giang”, là “đại hội tổng kết phong trào mua công trái”, trong đó có cả bức ảnh ghi “Một gia đình mua công trái giỏi xã Văn Phương”, là “lớp cứu thương Quỳnh Lưu”, là “ngày gây quỹ Liên Việt”, “Lễ tưởng niệm đại nguyên soái Stalin ở vùng căn cứ cách mạng khu Bốn cũ”, “Đắp đường phục vụ kháng chiến”…      

 Xem ảnh của Quỳnh Sơn, mới thực sự thấy rõ điều này, rằng mỗi bức ảnh không chỉ thể hiện được sự chân thật của sự kiện, không chỉ nói lên sự dấn thân, sự can đảm của tác giả, mà còn thấy rất rõ chất “nghệ sỹ” của ông, sự rung cảm với cái đẹp, với hiện thực cuộc sống và đặc biệt là còn nói lên được suy nghĩ, tình cảm, niềm tin yêu của ông với cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Quê hương đã hiện lên với những vẻ đẹp thơ mộng khi “thuyền về trên bến Văn Thanh”, rộn rã những đôi vai sơn nữ gùi măng khi ông “Về với bản làng”, tấp nập hăng say trên “Cánh đồng muối Ngọc Long”, “Thu hoạch nhựa thông” hay “Làm thủy lợi”, “Ngày mùa”. Và niềm tin của ông vào thắng lợi kháng chiến trong “Lễ trao huân chương trong vùng tự do”; “Hoan nghênh chính sách tôn giáo của Hồ Chủ tịch và Chính phủ”; “Bình bầu chiến sỹ thi đua nông nghiệp”; “Chuẩn bị cho lễ duyệt binh”, “Giã gạo cho chiến trường”, “Đưa voi đi phục vụ chiến dịch”..

Bà Hảo và các con kể lại rằng, ông rất có ý thức ghi lại đầy đủ về ngày tháng, sự kiện. Để có được những “ghi chú” trên từng tấm ảnh, ông đã “sáng tạo” ra cách ghi chữ và cạo phim đặc biệt. Ông dùng bút tre, phết mực tàu viết chữ ngược lên phim. Với ảnh nền tối, ông viết mực đen, để khi rửa ra ảnh, chữ nổi lên là màu trắng. Còn với những bức ảnh nền sáng, ông phải dùng bút thủy tinh cạo lớp nhũ tương trên phim để khi ra ảnh, sẽ có chữ màu đen.

Sự tài hoa, lòng nhiệt huyết và tình yêu của nhiếp ảnh gia Quỳnh Sơn còn lại mãi trong nỗi nhớ thương của người vợ. Ảnh: Hải Vương

Mỗi khi rời nhà đi “chụp ảnh kháng chiến”, ông dặn vợ chăm sóc các con, động viên vợ an tâm rồi lặng lẽ lên đường. “Với vợ con, ông ấy là một người cha, người chồng đầy trách nhiệm, giàu thương yêu. Với công việc ông là người vô cùng thận trọng, tỷ mỷ, say mê. Và với việc xã hội, ông ấy không tiếc sức mình, hết lòng vì mọi người…” Rơi nước mắt, bà Hảo kể lại. “Sau này, khi nhà nước có chủ trương thành lập Hợp tác xã nhiếp ảnh Vinh, ông ấy đã trở thành chủ nhiệm HTX những tháng năm đầu tiên ấy. Rồi cả ngàn tấm phim chụp, giữ gìn qua bao tao đoạn, ông ấy xem như máu thịt mình, ông ấy cũng quyết định đem vào tặng lại Bảo tàng Nghệ An để người ta giữ và ông nói, biết đâu cần cho con cháu sau này”.

   Có thể nói, nhà nhiếp ảnh Ngô Đức Đẩu chính là người chép sử bằng ảnh, góp phần giữ lại hình ảnh “một Việt Nam kháng chiến thu nhỏ”. Và những tư liệu quý giá chúng ta còn có được đến ngày hôm nay, đã được làm bằng tài năng, tâm huyết và cả trái tim của người thợ ảnh làng Quỳnh Sơn ấy.

Tạp chí Sông Lam trân trọng giới thiệu một số tác phẩm nhiếp ảnh của của nhà nhiếp ảnh Quỳnh Sơn

Hội tập dân quân toàn Nghệ An, năm 1948
Thuyền chở mắm Phú Sơn bị cháy
Thanh niên chiến đấu.
Lớp huấn luyện nam nữ trật tự Diễn Quỳnh.
Đắp đường quốc lộ Hoàng Mai.

 

Bài: T.V

Ảnh chụp lại: Lê Thắng, Hải Vương