Ông Cao Viết Hạnh, sinh năm 1952, quê xã Hưng Thái, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, nguyên là Chủ tịch Hội Chiến sĩ bị địch bắt tù đày huyện Hưng Nguyên. Ông nhập ngũ năm 1970, đơn vị: Đại đội 16, Trung đoàn 270, mặt trận B5 – Quảng Trị, là chiến sĩ bị địch bắt, tù đày tại nhà lao Phú Quốc. Trải qua nhiều trận đánh, ông nhớ lại đời lính với bao kỉ niệm vừa đáng quên vừa đáng nhớ.
Một lần chết hụt
Sau thời gian ở Quảng Trị, chúng tôi hành quân vào Quảng Nam. Tôi được biên chế vào đơn vị F711 trực thuộc Quân khu V. Địa hình chiến trường Quảng Nam, nơi chúng tôi đóng quân, là những dãy đá vôi với rất nhiều hang động tự nhiên có nguồn nước chảy qua. Hôm ấy, sau một trận bắn pháo DKZ 75mm lên đỉnh Đồng Mông – Đá Hàm chi viện cho D5 đánh chiếm mục tiêu, tôi được lệnh đưa trung đội rút về nghỉ ngơi tại một hang dưới chân dãy Đồng Mông. Tôi cho anh em vào trong hang mắc võng ngủ, còn mình ra cửa hang mắc võng nằm để tiện bề cảnh giới. Cửa hang có cây to che kín nên mát mẻ, phía trước có hai dãy đá chắn hai bên tạo thành một hào giao thông che gần lút đầu người. Tôi gác khẩu AK và ba lô lên giá (được các đơn vị trước làm sẵn) thiu thiu ngủ. Nằm một lúc thì đột nhiên bụng đau cồn cào và muốn đi ngoài, tôi men theo giao thông hào tìm chỗ đi vệ sinh, một lúc sau bỗng nghe từ phía Quế Sơn mấy tiếng đề-pa nổ, ngay sau đó là tiếng đạn pháo chát chúa, khói bụi mù mịt. Đá vôi bị đạn pháo nung lên ở nhiệt độ hàng trăm độ C nên đá nóng thành vôi, bụi sặc sụa. Nhưng đây là pháo chuyển làn của địch nên được một lúc thì chúng bắn sang điểm khác.
Đợi cho hết lượt đạn, tôi chạy về hang, cửa hang vẫn còn mù mịt khói pháo, mùi bụi vôi nồng nặc. Nhìn quanh không thấy ba lô và khẩu AK của mình đâu cả, tôi lo lắng khẽ gọi tên đồng đội: Thanh ơi, Mao ơi… tất cả im ắng… Sốt ruột, tôi chửi ỏm lên thì nghe thằng Thanh lên tiếng: “mi đang sống à”. Hoá ra mọi người tưởng tôi đã chết nên vẫn nấp trong hang tối, không ai dám trả lời vì nghĩ tôi là ma. Thế rồi tôi và đồng đội vui mừng khôn xiết vì không ai hề hấn gì. Anh em ôm nhau, đấm vào nhau thật mạnh mà không hề thấy đau. Tôi quay ra tìm ba lô và súng thì thấy chiếc võng bị hất ngược lên, vướng vào một cành cây gãy bởi pháo 105mm – loại pháo chuyên phá hầm. Chiếc võng bị một lỗ thủng lớn bằng miệng bát do bị đạn pháo xuyên qua ngay vùng bụng võng. Ba lô và súng thì bị hất ra một quãng chừng 5 mét. Bấy giờ tôi mới hiểu, tại sao anh em tưởng mình là ma. Lúc ấy nếu không “may mắn” đau bụng thì giờ này tôi đã không còn được gặp lại anh em nữa.
Bị bắt sau trận đánh
Đêm 30 tháng 7 năm 1972, tôi chỉ huy trung đội pháo DKZ 82mm đánh vào điểm cao Đá Tịnh (Duy Xuyên – Quảng Nam). Sau khi chiếm được điểm cao, trung đội chúng tôi cùng với một trung đội bộ binh được phân công ở lại chốt giữ. Đá Tịnh là điểm cao tuy nhỏ nhưng là cửa ngõ để ta đặt đài quan sát vào Đà Nẵng, ta và địch giằng co nhau rất ác liệt. Khi hai đơn vị bộ binh, pháo binh đang lên phương án tác chiến thì địch tập trung hỏa lực mạnh bắn vào, anh em không kịp trở tay, hai khẩu pháo của ta bị trúng đạn nên bị vô hiệu hóa. Nhờ hệ thống hầm hào khá tốt nên ban đầu ta hạn chế được thương vong nhưng càng về sau tổn thất càng lớn. Khoảng 11 giờ trưa, bộ binh địch bao vây điểm cao, lúc ấy tôi đã bị thương nặng, cổ tay phải bị dập, tay trái cũng bị thương nặng, anh em chuyển tôi vào trong băng bó sơ cứu. Tôi báo cáo với trung đoàn, anh em bị thương và hy sinh nhiều, ta tổn thất nặng… Trung đoàn ra lệnh rút khi phù hợp. Chúng tôi cầm cự đến chiều, hai bên im ắng… Thấy địch không dám lên, tôi quyết định cho anh em mở đường máu để thoát vì không thể trụ lại lâu hơn. Tôi yêu cầu đồng đội không đưa tôi ra vì đưa ra rất khó và nguy hiểm cho anh em. Tôi quyết định ở lại vừa tử thủ, vừa tìm cách rút lui. Các chiến sĩ ta hầu hết là lính trẻ, gan dạ nhưng chưa có kinh nghiệm chiến đấu. Địch nghe điểm xạ thì phát hiện ra tân binh nên chúng dễ dàng bắn hạ (theo kinh nghiệm thì lính cũ bắn 3 viên một, cầm chừng và biết cách tránh nấp, còn tân binh thì đứng thẳng, quạt cả băng nên nhanh hết đạn và dễ trúng đạn).
Tôi tìm một đường để xuống phía sau điểm cao. Có lẽ địch phát hiện ra, chúng bắn một loạt, tôi bị thương vào đùi phải, quỵ xuống nhưng địch vần không dám lên. Lúc này đã chập tối, tôi bò xuống một khe dưới chân đồi. Khát quá, tôi vục đầu uống nước, dẫu vẫn ý thức được nếu uống nhiều nước, máu sẽ loãng ra có thể mất máu dẫn đến tử thương. Đến khuya, tôi lần theo một con đường vào làng, vượt qua một trạm gác của địch và hai quãng đồng, tôi lê về phía đường 105 (hướng Đà Nẵng). Nhìn thấy trên một quả đồi là đồn địch, tôi rúc vào một chỗ trũng có cây cỏ không cao lắm nằm thiếp đi vì kiệt sức, trong người vẫn còn một quả lựu đạn, một con dao găm. Tôi tỉnh dậy khi trời mờ sáng, nghe tiếng lính ngụy trên đỉnh đồi, nhìn quanh thấy một nhà dân cách chừng hai trăm mét, tôi chờ thời điểm thích hợp thì lê đến nhờ cứu giúp. Nhưng rồi tôi mê đi lúc nào không biết. Đến trưa khi còn nửa tỉnh nửa mê, tôi nghe tiếng hét lớn của một tên chỉ huy lần theo vết máu dẫn lính đến bắt. Bọn lính có vẻ sợ nên không dám tiếp cận ngay vì lúc ấy tôi bận một chiếc quần đùi rằn ri của đặc công (hôm trước trận đánh, anh chính trị viên cho tôi lúc hai anh em tắm). Viên chỉ huy bực mình quát: “một thằng què mà chúng mày cũng sợ à?”.
Cảnh tù đày và giấy báo tử
Bọn lính đẩy tôi lên một chiếc xe tải GMC, lúc vẫn nửa tỉnh nửa mê. Họ đưa tôi vào bệnh viện Duy Tân (Đà Nẵng), nơi chữa trị cho binh lính Việt Nam Cộng hòa. Họ đặt tôi dưới một cầu thang, để cho tôi một hộp sữa, một người lính gác đút sữa cho tôi. Sau đó, họ đưa tôi lên tầng trên. Khi mở mắt ra, tôi thấy xung quanh rất nhiều bản đồ, tôi biết mình bị bắt và đoán đây là cơ quan tham mưu cấp khá cao của địch. Cũng từ đây, tôi thực sự không nói được và quên hết: tên tuổi, đơn vị, quê quán…
Sở dĩ bọn địch tận tình cứu chữa cho tôi vì chúng muốn khai thác thông tin về quân số của ta, ta chuẩn bị đánh ở đâu nên đưa tôi về bộ tham mưu trung đoàn tra khảo. Sau này, khi bắt được nhiều tù binh thì chúng đưa tôi ra nhà lao Phú Quốc. Tôi bị mất trí nhớ, cũng không nói được nên cũng không nhớ địch hỏi những gì, bao nhiêu câu.
Ngày 25 tháng 12 năm 1972, tôi bị đưa từ Đà Nẵng qua Sài Gòn rồi ra đảo Phú Quốc bằng máy bay C123 cùng với vài chục người. Khoảng 4-5 giờ chiều, máy bay lượn trên đảo, nhìn những ngôi nhà mái tôn mới thấy được số lượng tù nhân ở đây rất đông (khoảng 40.000 người). Tôi ở đảo Phú Quốc cho đến ngày Hiệp định Pari được kí kết thì được trao trả vào ngày 16 tháng 3 năm 1973.
Trong khi tôi bị bắt và tù đày thì người nhà nhận được giấy báo tử. Người nhận được tin đầu tiên là chú tôi đang làm chủ nhiệm HTX. Chú tôi chưa đồng ý để Ủy ban xã làm lễ truy điệu vì cần thời gian làm công tác tâm lý cho mẹ tôi. Cũng may, chỉ khoảng hơn 3 tháng sau khi ra tù, thì tôi viết thư về. Cả nhà vui mừng khôn xiết khi biết tôi còn sống.
Sau khi được trao trả, ông Cao Viết Hạnh được đưa về an dưỡng tại Đoàn 172 – Quân khu Tả Ngạn (Hải Phòng) rồi về chế độ thương bệnh binh năm 1978. Ông Hạnh vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Ba (năm 1972); Huân chương Chiến công hạng Ba (năm 1972).
Thanh Châu
(Ảnh do nhân vật cung cấp)