Họ Trần Khắc đã trải qua 23 đời, khoảng gần 600 năm lập nghiệp tại xã Công Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, là dòng họ lớn có nhiều công lao với quê hương, đất nước. Thủy tổ là Thiêm Tổng tri Trần Văn Trai đã có công khai hoang, lập ấp, xây dựng nên một làng quê trù phú. Các con cháu hậu duệ các đời đều đã noi theo ông tổ và phát huy được truyền thống tốt đẹp yêu nước, thương nòi và hiếu học, khoa bảng. Nhà thờ họ được xây dựng từ cuối Triều Nguyễn vào năm Tân Hợi, niên hiệu Duy Tân thứ 5 (1911) tại xóm Ngọc Long Hạ, xã Vân Tụ, huyện Yên Thành. Năm 1968, do chiến tranh chống Mỹ ác liệt, vị trí nhà thờ gần các mục tiêu trọng điểm ném bom, bắn phá của máy bay Mỹ (Cầu Cao, đường quốc lộ 7 giao với đường chiến lược cho bộ đội hành quân vào chiến trường miền Nam), cho nên họ tộc đã họp bàn và cử các vị cao niên có hiểu biết về địa lý quyết định chọn nơi đất tốt, an toàn khác di dời vào xóm Bùi Bùi như hiện nay. Theo tài liệu sắc phong Triều Lê Cảnh Hưng và Tây Sơn cho Trần Khắc Dẫn, thì vùng đất nơi họ Trần phát tích có tên (địa danh) là xã Vân Tụ, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, đạo Nghệ An (tức cả 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay), nay là xã Công Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Nhà thờ Trần Văn làng Bùi Bùi, xã Công Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An

Di tích nhà thờ tọa lạc trên nền đất cao ráo, đẹp, có diện tích khoảng 500m2. Các công trình kiến trúc như nghi môn (cổng tàu voi, ngựa), bái đường 03 gian 02 hồi, vì kèo đôi; hậu đường 03 gian 02 hồi, vì kèo kiểu giá chiêng kẻ chuyền, cả hai nhà đều bằng gỗ, lợp ngói âm dương cổ kính, nền lát gạch đất nung và đều nằm trong khuôn viên có tường rào xây bao quanh.

Tại nhà thờ còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ như: 01 hương án, 03 giường thờ, 01 linh tọa, 02 bộ long ngai – bài vị, 01 khám thờ, 01 giá gương, 01 mũ quan bằng gỗ, 01 mâm chè chân quỳ, mâm bồng, đài trản, 03 mộc phả, 01 bức hoành phi, 02 đôi câu đối; đặc biệt ở đây còn lưu giữ 18 đạo sắc phong, lệnh chỉ của triều đình các triều vua Lê, Tây Sơn và Nguyễn ban tặng cho các nhân vật họ Trần Khắc. Các nhân vật tiêu biểu được thờ tại nhà thờ cùng với thủy tổ Trần Văn Trai còn có:

  1. Thái thủy tổ Trần Khắc Liệu là Tham tán huân thần, Phụ quốc Thượng trụ Đại tướng quân, có công giúp triều đình đánh Chiêm Thành.
  2. Trần Khắc Quỹ thi Hương đậu Hiệu sinh (Triều Nguyễn gọi là Tú tài).
  3. Trần Khắc Phục, đậu Hiệu sinh khoa Quý Sửu, niên hiệu Dương Đức 2 (1673).
  4. Trần Khắc Đường, đậu Hiệu sinh khoa Mậu Ngọ – Vĩnh Trị 3 (1678).
  5. Trần Khắc Kế, đậu Hiệu sinh khoa Giáp Tý – Chính Hòa 5 (1684).
  6. Trần Khắc Dẫn, làm quan võ hai triều vua Lê Cảnh Hưng và Tây Sơn là Hùng liệt tướng quân, Quản quân sứ, tước Hiến Thành hầu.
  7. Trần Khắc Diệu, được ban chức Bách hộ, Phấn lực tướng quân…
Sắc của vua Thái Đức năm thứ 11

Trong các nhân vật họ Trần Khắc Công Thành thì ông Trần Khắc Dẫn là người có nhiều công lao với đất nước, trải qua hai triều vua là Lê Cảnh Hưng (1740-1786) và Tây Sơn (1778-1802). Hiện nhà thờ còn lưu giữ được 01 lệnh chỉ (ngày 12/3/năm Cảnh Hưng thứ 32 – 1771); 02 đạo sắc phong (ngày 10/11/năm Thái Đức thứ 11 – 1788) và ngày 2/10/năm Cảnh Thịnh thứ 4 (1796). Chúng tôi xin ghi lại nguyên văn chữ Hán, phiên âm và dịch một số tài liệu này để làm rõ công tích của ông Trần Khắc Dẫn như sau:

Nguyên văn chữ Hán lệnh chỉ năm Cảnh Hưng thứ 32 (1771):

元師統國政師上尚父睿斷文功武德清王令旨東城縣雲岫社陳克引前素奇優兵係隨統嶺官端郡公政討乂安道頗有功勞應許隊長本身仍留本奇應務玆令 景興三十二年三月十二日

Phiên âm:

Nguyên sư Thống quốc chính Sư thượng Thượng phụ Duệ đoạn Văn công Võ đức Thanh Vương lệnh chỉ Đông Thành huyện, Vân Tụ xã Trần Khắc Dẫn tiền tố kỳ ưu binh hệ tùy Thống lĩnh quan Đoan Quận công chính thảo Nghệ An đạo. Phả hữu công lao ứng hứa Đội trưởng. Bản thân nhưng lưu bản kỳ ứng vụ tư lệnh.

Cảnh Hưng tam thập nhị niên tam nguyệt thập nhị nhật.

Tạm dịch nghĩa:

Lệnh chỉ của Nguyên sư Thống quốc chính Sư thượng Thượng phụ Duệ đoạn Văn công Võ đức Thanh Vương cho Trần Khắc Dẫn tiền tố kỳ ưu binh ở xã Vân Tụ, huyện Đông Thành đi theo Thống lĩnh quan Đoan Quận công (Bùi Thế Đạt) đánh giặc ở đạo Nghệ An. Lập được công lao lớn, ứng hứa Đội trưởng. Bản thân giữ được trước sau chăm chỉ đúng kỳ tăng thêm (chức) theo lệnh.

Ngày 12 tháng 3 năm Cảnh Hưng thứ 32 (1771).

Lệnh chỉ của vua Cảnh Hưng năm thứ 32

Cùng ngày tháng năm (12/3/Cảnh Hưng 32) còn có một đạo lệnh chỉ khác, nhưng bị rách mất mấy chữ ở hàng đầu, đọc được: Nguyên sư… (?) đoạn Văn công Võ đức Thanh Vương lệnh chỉ Đông Thành huyện, Vân Tụ xã Trần Khắc Dẫn tiền Ninh kỳ Ưu binh tố tùy Thống lĩnh quan Đoan Quận công chính thảo Nghệ An đạo. Phả hữu công lao ứng hứa Đội trưởng bản thân nhưng lưu bản kỳ ứng vụ tư lệnh.

Lệnh chỉ này có khác với lệnh chỉ trên vì có thêm hai chữ Ninh kỳ (là ông Trần Khắc Dẫn còn tham gia cả trận đánh giặc ở trấn Ninh).

Nguyên văn chữ Hán sắc năm Thái Đức 11 (1788):

演州府東城縣雲岫社左弼支該隊陳克引素有膽略歷從戰陣頗有勤勞可加為中尉憲才侯率本分軍應從差撥諸務若逗遛恇怯懈怠不勤有軍憲在欽哉故敕泰德十一年十一月初十日

Phiên âm:

Diễn Châu phủ, Đông Thành huyện, Vân Tụ xã, Tả bật chi Cai đội Trần Khắc Dẫn tố hữu đảm lược lịch tòng chiến trận, phả hữu cần lao, khả gia vi Trung úy Hiến Tài hầu. Suất bản phân quân ứng tòng sai bát, chư vụ nhược đậu lưu khuông khiếp giải đãi bất cần hữu quân hiến tại. Khâm tai! Cố sắc.

Thái Đức thập nhất niên thập nhất nguyệt sơ thập nhật.

Tạm dịch nghĩa:

Sắc cho Tả bật đạo chi Cai đội Trần Khắc Dẫn ở xã Vân Tụ, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu đã từng đảm lược công việc khi theo chiến trận, có công lao lớn, đáng được khen tặng chức Trung úy, tước Hiến Tài hầu. Nay hãy làm tròn bổn phận cầm quân để sai phái, nếu làm trễ nải mọi việc, khiếp sợ, lười biếng không chăm thì phải chịu theo phép quân. Vậy thay! Ban sắc.

Ngày 10 tháng 11 năm Thái Đức thứ 11 (1788).

Lệnh chỉ của vua Cảnh Hưng năm thứ 32

Ngoài sắc trên còn có sắc phong cho Trần Khắc Dẫn vào năm Cảnh Thịnh thứ 4 (1797), ngày 02 tháng 10. Sắc này cũng bị rách nát và mất nhiều chữ. Sắc này còn đọc được chức tước: Tướng quân phủ quân sứ Hiến Thành hầu. Quản sai bát thượng kỳ xu sự phó công lâm địch cổ tĩnh tiên chi dũng hiệu trung tuyên lực thâu báo thượng chi thành. Khâm tai! Cố sắc.

Đoạn văn còn lại đọc rõ chữ như trên xin tạm dịch nghĩa:… Tướng quân phủ quân sứ Hiến Thành hầu. Nay cho quản quân cũ để sai phái, theo kỳ sai bảo của cấp trên, nhanh chóng đi mà đánh địch, tranh công trước, tỏ rõ cái dũng, học hỏi cái trung, truyền trí lực, lo báo đáp với trên mà thành công.

Sắc thời Cảnh Thịnh này thì tước ban cho Trần Khắc Dẫn được đổi là Hiến Thành hầu, còn sắc của vua Thái Đức ban (xem ở trên) có tước là Hiến Tài hầu. Có thể do ông lập được nhiều công lao trong thời Vua Thái Đức và Vua Quang Trung, nên đến Triều Cảnh Thịnh thì Vua mong ông còn thành công nhiều nên đổi tước là Hiến Thành hầu.

Theo tài liệu lưu giữ ở nhà thờ họ Trần Khắc thì riêng Trần Khắc Dẫn có 5 sắc, thì có 2 sắc còn giữ được vẹn toàn, số còn lại đã bị rách, mất chữ nên chúng tôi cố gắng dịch các phần chữ đó để biết thêm về công tích. Hậu duệ về sau còn có 4 nhân vật được ban 5 sắc phong nữa, tiếc là chúng tôi chưa được tiếp cận số sắc phong này.

Sắc của vua Cảnh Thịnh năm thứ 4

Nhà thờ họ Trần Khắc những năm (1930-1931) và trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, là nơi nuôi giấu cán bộ như bà Tôn Thị Quế – cán bộ Xứ ủy Trung Kỳ về chỉ đạo cơ sở đảng tại Yên Thành và là nơi hội họp của các tổ chức Đảng, tổ chức Hội bảo vệ cán bộ của Đảng (trong Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh). Trong thời kỳ Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 cũng là nơi tập họp con cháu trong dòng họ và Nhân dân trong vùng để đấu tranh cướp chính quyền của thực dân Pháp và phong kiến tay sai, lập nên chính quyền cách mạng. Dòng họ có đóng góp lớn cho phong trào cách mạng ở địa phương, có tới 6 lão thành cách mạng. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhà thờ là nơi đóng quân của trạm giao liên để trung chuyển quân vào miền Nam, góp phần cùng toàn dân tộc đấu tranh đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước… Từ nhà thờ họ, hàng trăm con cháu đã tình nguyện ra đi tham gia kháng chiến để bảo vệ Tổ quốc, đã có những người trong số đó anh dũng hy sinh cho đất nước với 14 liệt sĩ và có 2 bà mẹ được Nhà nước công nhận là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Nhà thờ họ Trần Khắc xứng đáng được Nhà nước công nhận xếp hạng để bảo vệ và phục vụ cho việc giáo dục truyền thống ở địa phương. Tiếc thay, một bộ phận con cháu trong dòng họ đã cho di chuyển nhà thượng điện đến một vùng đất khác, làm sai lệch vị trí tọa lạc của nhà thờ tiên tổ, nên chưa được Nhà nước xét công nhận di tích. Thiết nghĩ, mong con cháu đồng lòng và có thể như một số dòng họ khác cũng có tình trạng di dời nhà thờ đi nơi khác đã cho chuyển lại nơi cũ, đúng với nơi cát địa, long mạch mà tổ tiên và các thế hệ đi trước đã dày công lựa chọn với mong muốn con cháu di duệ được hưởng phúc ấm và phát thịnh mãi mãi. Ngoài việc nhà thờ họ được xếp hạng là các vị tổ như tướng quân thời Cảnh Hưng và Tây Sơn Trần Khắc Dẫn xứng đáng được công nhận là danh nhân của quê hương, đất nước, xứng đáng được tôn vinh như đặt tên cho các địa danh, đường phố, trường học…

Đào Tam Tỉnh

(Bài đã đăng trên tạp chí Sông Lam, số 25, phát hành tháng 7/2022)