1. Ông sinh ngày 2 tháng 5 năm 1935 (Ất Hợi), mất ngày 2 tháng 9 năm 2019, tính cả tuổi mụ ông thọ 85 tuổi. Thời thơ ấu của ông, cả đất nước, nhất là nông thôn chìm trong đói rét. Năm 12 tuổi, ông mồ côi cha, khi sau lưng còn cả một đàn em thơ dại và người mẹ già yếu, tảo tần. Là người thông minh, sắc sảo, học giỏi, ông đã phải dừng lại khi vừa học lớp 6 trường trung học Hồ Tùng Mậu. Ông trở thành nông dân, lao động chính, thành thạo cày bừa, trồng trỉa khi tuổi còn niên thiếu. Mùa hạn kéo dài, lúa chết khô trên nhiều cánh đồng nhưng lúa của ông vẫn xanh. Ông nhẫn nại gánh nước chắt từ vũng trâu đằm dưới chân rú Cuồi tưới cho từng gốc lúa. Mùa thu hoạch, đêm đêm nghe tiếng kêu cót két vang ra từ sân nhà ông, ông đang thay trâu trục lúa.

      Ở tuổi 24 ông trở thành cán bộ kỹ thuật lâm nghiệp Con Cuông. Dường như không có cây rừng nào, địa danh nào mà ông không biết. Khi làm những con đường cắt rừng, nối từ bãi gỗ đến bến sông, phục vụ chuyển gỗ, Giám đốc Lâm Trường Con Cuông giao cho cán bộ có bằng trung cấp giao thông thiết kế và thi công. Đường xong, ô tô chở gỗ không đi được. Giám đốc liền giao cho ông. Chẳng học ngày nào về kỹ thuật làm đường nhất là đường rừng, vậy mà chỉ mấy ngày sau con đường ông làm bò theo đường đồng mức, ô tô xuôi ngược nhẹ nhàng. Từ đó, ông trở thành một cán bộ kỹ thuật khó có người thay thế. .

Vừa nghỉ hưu, ông vào Bà Rịa – Vũng Tàu rồi chuyển cả nhà vào làm ăn sinh sống ở đó. Ông là người không dễ gì xa quê được. Ông hướng dẫn và nhanh chóng “nhường ngôi” cho các con, vội trở về quê. Mỗi năm ông ở 6 tháng mỗi “quê”. Sau ông phải rút xuống vài tháng. Ông từng nói với tôi, con đường đất quanh làng, đồng Côi, đồng Cửa…con gà chích, con vịt con vừa nở như những quả bông, mắt tròn xoe ngơ ngác giữa sân làm sao mà xa được. Đã về làng là ông đến thăm những cánh đồng, đến thăm từng nhà, uống nước chè chát với dân làng và trò chuyện say mê. Người làng Đông Bích ai cũng thấy trong ông có một ý chí và nghị lực phi thường. Ý chí đó, nghị lực đó thể hiện sự quyết sống không nghèo. Những năm đầu thập kỷ 50, nhiều người nông dân ở làng thiếu sức kéo, có người bỏ ruộng hoang. Ông đã dùng cuốc đào bốn sào đất Đồng Côi (2000 m2), hạn khô, cứng như đá, trồng khoai khi chưa đến tuổi 20!

  1.  Nhiều cơ quan, trường học người ta không mời ông về nói chuyện làm ăn mà mới ông nói chuyện thơ. Giọng nói sang sảng và giọng đọc thơ đầy hồn vía đã thu hết tâm trí của người nghe. Trong đời thường, giọng nói ấy luôn thể hiện sự mạnh mẽ, hóm hỉnh cùng nụ cười lấn át, thể hiện sức mạnh của người giàu trí tuệ.

Ông là một từ điển sống về thơ. Vốn bản chất thi nhân trời cho, ông chỉ nghe cha, anh đọc thơ là thuộc. Ông nhắm mắt đọc Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều, Lục Vân Tiên và nhiều tác phẩm cổ điển khác. Ông đọc thơ Đường hay Tống và cả thơ xa xưa từ thời Ban Cố cũng hiểu đến ngọn ngành. Thật khó lòng biết ông làm thế nào mà biết đến nhiều thế. Khi ông nói chuyện thơ hay đọc thơ không ai nghĩ rằng ông là người nông dân hàng ngày gánh phân bón ruộng, gánh từng gánh lúa mà ngay cả nhiều người nông dân khó cất nổi. Khi ông đọc thơ, ai biết được ông đã từng cưỡi voi kéo gỗ trong rừng Con Cuông.

Nhà thơ Vương Long viết về ông: “Đối với anh (Vương Đình Trâm), thơ như một cái gì tự có trong mình mà ra, chứ anh có được học qua một trường lớp nào đâu, kể cả một bài giảng văn trong nhà trường. Không hiểu anh đã tiếp thu được văn chương từ đâu, mà sau này, nghe anh đọc thuộc vanh vách những đoạn văn xuôi của Hồ Dzếnh, Thanh Tịnh, Thạch Lam .. và đặc biệt là thơ Đường. Nhiều lần chúng tôi đã được nghe anh bình thơ Đường ở Hội Văn nghệ Nghệ An. Nhà thơ Quang Huy bảo: Ở Nghệ An này, người hiểu về thơ Đường nhất là anh Vương Trâm. Không biết có phải vậy không, chứ riêng tôi, học qua các thầy từ cấp 2 đến đại học, quả thật chưa thấy ai giảng về thơ Đường xúc động và sâu sắc như anh. Nhiều bài thơ Đường chúng tôi biết được là từ anh chứ không phải từ nhà trường, những nhà trường mà anh chưa bao giờ được đặt chân tới”.

Tâm hồn thi nhân đã cộng hưởng với tinh thần lao động quyết không nghèo, đức hi sinh vì một ngày mai tươi sáng. Thơ ông là tiếng hát yêu đời trên đường hướng tới. Thơ đắm say trong chữ, trong câu mà lạc quan yêu đời bất chấp hoàn cảnh. Thơ ông chính là ông. Ông đã để lại cho gia đình, dòng họ và cuộc đời nhiều tác phẩm:: “Nơi gặp gỡ” (thơ in chung 1976); “Nỗi nhớ cánh rừng” (thơ, 1987); “Ráng chiều” (thơ, 2002) và “Cố hương” (chưa in). Thơ ông có vùng bạn đọc riêng và ông đã được nhận nhiều giải thưởng văn học: Giải thưởng Văn học Nguyễn Du, 1985; Giải thưởng Hồ Xuân Hương, 2005; Ba lần nhận giải thưởng cuộc thi thơ do Bộ Lâm nghiệp tổ chức. Tôi tin ông vẫn có mặt cùng con cháu, anh em, bạn bè trong mọi buồn vui.

Nhà thơ Vương Đình Trâm. Ảnh tư liệu

Thơ ông giàu cảm xúc, giàu hình ảnh, giàu nhạc điệu. Ông hướng tới sự nhạy cảm và độc đáo. Buồn vui trong thơ ông đều cho thấy sự gắn kết với công việc và con người thật tinh tế: Ngày đồng quê biệt tăm câu hát/… Chim cu đất bay về xứ khác/… Bói cá bay lóa mắt bờ đê…(Viết giữa những ngày giáp hạt). Qua mùa giáp hạt, nỗi buồn cũng đi qua, niềm vui “Mùa dỡ khoai” lại đến, vẫn những câu thơ tinh tế và gắn kết, nghe cả những âm thanh rộn ràng: Tiếng chèo bẻo bay bừng giấc ngủ/ Tiếng xe bi náo nức quay vòng/…Gặp mặt trời, mặt trời hớn hở/ Gặp bàn tay mở đón nâng niu…Suốt đời ông gắn liền với con trâu, ông trò chuyện với nó làm chúng ta rơi nước mắt: Những chiều đông gió thổi/ Những ngày hạ oi nồng/Tao với mày trên đồng/ Nhập nhòa hai cái bóng

Vẫn là con người say mê lao động, nhờ đó ông thấy cái lớn lao trong những vật nhỏ bình thường. Đó là lần ông “Đi qua khu rừng cháy”. Phải là người yêu rừng lắm, ông mới thấy đau đớn và chuyển cái đau đớn đó đến với mọi người như một lời cảnh tỉnh. Ông nhìn những cây gỗ như những con người bị cháy đang quằn quại đau đớn, ông đã thấy rất nhiều và rất sâu qua những câu thơ ám ảnh: Phơi lưng núi như lưng người chịu bỏng/ Bấu víu vào khoảng không vô vọng/ Lời cây trăng trối với đất đai…

Trên “Đường lâm nghiệp”, ông nhìn thấy “Hoa chuối đỏ”; ông gặp “Con gái lâm trường”, trong “Một ngày bình thường”, ông lặng ngắm “Voi ta” và gặp ngay “Cây chò chỉ”, gió đã tạo nên “Tiếng rừng”. Trong hồn ông luôn có sum suê những cây rừng và trĩu nặng những con vật của rừng. Đặc biệt có một lần ông được cưỡi voi, điều khiển voi đi kéo gỗ trên con đường tuyến cắt rừng, có thể do ông thiết kế và thi công …Ta nghe như có tiếng ông reo lên, hét lên như những đứa trẻ: “Có một lần tôi được cưỡi voi”. Thế rồi ông cứ kể say sưa qua những câu thơ ấn tượng, “Lên đã khó, tìm nơi ngồi càng khó”. Ông loay hoay leo lên lưng voi và tìm chỗ ngồi, chi tiết như tạc vừa cảm thấy buồn cười vừa rất thực. Trong lời kể bằng thơ trẻ trung đó ông lại nhớ về thời nông dân, “Lưng voi đầy không giống lưng trâu”. Voi kéo gỗ có khi phải lao dốc, có khi trượt chân, đường đi vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Đàn trâu kéo gỗ đã khó mà voi còn khó hơn. Đường voi đi là những đổi thay thể hiện trên gương mặt và thái độ của người. Khi vừa sợ “loạn nhịp tim”, khi “nín hơi lấy sức”, khi thấy “lưng voi giãn ra như cung bật”, khi nghe “voi thét vang”, nghe “xích rướn mình răng rắc”…Tất cả đã diễn tả cuộc lao động cật lực, kết hợp giữa người và voi. Đây là bài thơ lạ về nội dung, duy nhất phản ánh tinh thần lao động của công nhân lâm trường mà nhà thơ từng trải. Bài thơ này cũng nói lên như một nguyên lý, muốn thơ hay nhà thơ cần là người trong cuộc.

Ông còn tập thơ chưa kịp xuất bản “Cố hương”. Đó là những bài thơ viết sau khi in tập Ráng chiều. Vẫn là mạch thơ gân guốc, khỏe mạnh, yêu đời, đầy sức sống như những tập thơ đã in. Những bài thơ kể và tả ít hẳn đi. Những bài thơ trữ tình có tính chính luận nhiều hơn. Ông sử dụng cấu tứ đối lập để diễn đạt những đối lập trong đời. Qua đó muốn nhắn nhủ người đọc điều gì như hướng về cái đẹp, cái chân chính…

  1. Đời ông là vậy, quyết liệt sống, đời thơ ông cũng vậy, mỏng mày thơ…

 

Vương Cường

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam, Số 1/Bộ mới/2019)