Ngày 17/11/2008, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1668/QĐ-TTg lấy ngày 19/4 hằng năm là “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”. Từ đó đến nay, trên khắp mọi miền đất nước, đồng bào các dân tộc đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” nhằm tôn vinh, gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc.

Các dân tộc huyện miền núi Nghệ An tham gia Đêm hội Sắc xuân miền Tây tổ chức ở Quỳ Hợp. ảnh: Cảnh Yên

Năm 2023, “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” sẽ được tổ chức từ ngày 14 – 19/4, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội), với sự tham gia của 17 cộng đồng dân tộc đến từ 15 tỉnh, thành phố đại diện cho các dân tộc, vùng miền. Chương trình năm nay sẽ diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc như: Diễn đàn văn hóa với chủ đề “Văn hóa các dân tộc Việt Nam – Nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”; Triển lãm giới thiệu bộ sưu tập hiện vật về văn hóa các tộc người; Tái hiện những lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc (tái hiện nghi lễ nông nghiệp truyền thống “Mang lúa về kho” của dân tộc Mạ tỉnh Lâm Đồng; tái hiện Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng; tái hiện Lễ cúng ché của dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk; tái hiện Lễ Chá mùn của dân tộc Thái tỉnh Thanh Hóa); tổ chức các hoạt động thể thao quần chúng…

Tại Nghệ An, “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm nay được tổ chức tại huyện Quỳ Hợp, huyện điểm văn hóa đầu tiên của Nghệ An. Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức dịp này, như: Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số miền núi tổ chức từ ngày 15 – 18/4 với sự tham gia của 11 huyện, thị miền núi với các nội dung thi đấu: bóng chuyền, đẩy gậy, bắn nỏ, tung còn, kéo co; Chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam gắn với các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập huyện Quỳ Hợp tổ chức vào 20h00 ngày 19/4 tại khu vực hồ Thung Mây; trưng bày gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của Quỳ Hợp và các huyện miền Tây Nghệ An;…

Việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc. Đây là dịp để đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu, cùng hòa mình vào các làn điệu dân ca, dân vũ, các nghi lễ truyền thống… để từ đó gia tăng sự hiểu biết, tinh thần đoàn kết dân tộc; có ý thức sâu sắc hơn trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để quảng bá, khơi dậy tiềm năng du lịch cho các địa phương. 

Kiều Nga (tổng hợp)