24/2 là ngày thứ 55 trong lịch Gregorius (hay còn gọi lịch Gregory, Tây lịch, Dương lịch). Đối với người Việt, 24/2 là ngày không gắn với sự kiện kỷ niệm nào đặc biệt nên có thể không nhiều người chú ý đến. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu những chuyển động quốc tế và trong nước theo chiều dài lịch sử, ta sẽ thấy 24/2 gắn với nhiều sự kiện thú vị và ý nghĩa.

   Có thể kể đến một số sự kiện tiêu biểu đã diễn ra vào ngày 24/2 như: năm 1582, Giáo hoàng Gregory XIII cải cách lịch Julius thành lịch Gregory (hay lịch Gregorius) mà chúng ta sử dụng phổ biến ngày nay; năm 1826, Hiệp ước Yandabo giữa Anh và Miến Điện được ký kết, sau cuộc chiến Anh – Miến Điện lần thứ nhất và theo đó Miến Điện phải nhượng một phần đất đai rộng lớn cho Anh, bồi thường chiến phí cho Anh, không can thiệp vào các xứ ở vùng biên giới phía đông bắc Ấn Độ thuộc Anh; năm 1848, Vua Louis Philippe I (1773 -1850) của Pháp thoái vị; năm 1920, Đảng Công nhân Đức đổi tên thành Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa (Đảng Quốc xã); năm 2008, ông Raul Castro được bầu làm Chủ tịch nước Cuba. Và đặc biệt, thế giới sẽ khó có thể quên thời khắc trước 5h sáng ngày 24/2/2022 (theo giờ địa phương), Tổng thống Nga V. Putin bất ngờ có bài phát biểu trên truyền hình tuyên bố triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Ngay sau đó, tên lửa và các cuộc không kích đã không ngừng dội xuống Ukraine. Đến nay, cuộc xung đột vẫn chưa thể chấm dứt và sau đúng 1 năm nhìn lại, nó đã gây thiệt hại to lớn về người và của, nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho các bên trực tiếp tham gia cũng như cho kinh tế, chính trị quốc tế; làm thay đổi số phận của hàng triệu con người.

Bức ảnh Natali Sevriukova bên căn nhà đổ nát do bị tên lửa Nga tấn công tại thành phố Kyiv là một trong những hình ảnh minh chứng cho tổn thất mà cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine gây ra trong 1 năm qua. Nguồn ảnh: AP

   Ngày 24/2 còn là ngày sinh của nhiều nhân vật nổi tiếng như: Thiên hoàng Toba (1103 -1156), vị Thiên hoàng thứ 74 của Nhật Bản; Vua Rama II (1767-1824), vị vua thứ 2 của Vương triều Chakri, Xiêm La; Steve Jobs (1955-2011), một doanh nhân, nhà sáng chế, người đồng sáng lập và từng là Chủ tịch, Tổng giám đốc điều hành hãng Apple. Đối với những người yêu văn học nghệ thuật Việt Nam, chúng ta đều không quên 24/2 là ngày sinh của họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ (1917 -1992).

   Họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ sinh tại Hà Nội, tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ông là Tổng thư ký đầu tiên của Hội Mỹ thuật Việt Nam, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Ủy viên BCH Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam (1957 – 1958), Ủy viên Ban chuyên ngành Hội hoạ, Phó Chủ tịch Hội đồng chuyên ngành Hội hoạ, Ủy viên Ban chuyên ngành Lý luận phê bình khóa II (1983 – 1989); Uỷ viên Hội đồng nghệ thuật Hội khóa III (1989 – 1994)… Trong suốt quá trình hoạt động của mình, ông không chỉ là một họa sỹ tài năng, để lại nhiều tác phẩm xuất sắc mà còn có nhiều đóng góp trong công tác giảng dạy, đào tạo; quản lý; lý luận phê bình. Họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ còn tham gia soạn giáo trình phục vụ giảng dạy, tiêu biểu có thể kể đến cuốn sách “Bước đầu học vẽ” là một giáo trình có giá trị và cần thiết cho bất cứ ai có niềm đam mê, muốn tiếp cận với hội họa. Ông từng được nhận nhiều danh hiệu, giải thưởng cao quý như: Huy chương Vàng triển lãm SEDEAI, Huy chương Bạc triển lãm quốc tế đồ hoạ Leipzig 1965, Huy chương Đồng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1995, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng I, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam, Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (2001).

Tác phẩm Ladies in a garden (Thiếu nữ trong vườn), sáng tác năm 1942 của họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ . Nguồn ảnh: Pinterest

   Các tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến như: Hai Cô Mường, khắc gỗ in trên lụa (1940); Nhà tranh gốc mít, sơn mài (1958); Du kích Bắc Sơn, sơn mài (1958); Thiếu nữ và biển, sơn mài (1960); Buồm Cửa Hàn, lưới Cửa Hội, sơn mài (1960); Nam Bắc một nhà, sơn mài (1961); Chợ Bờ, sơn mài (1984),… Đặc biệt, kiệt tác sơn mài 6 tấm mang tên Ladies in a garden (Thiếu nữ trong vườn) của ông đã bán đấu giá thành công với giá 175.203 USD (khoảng 3,97 tỉ đồng) tại sàn đấu Sotheby’s Hongkong vào năm 2018. Bức tranh này là một minh chứng cho vai trò tiên phong của Nguyễn Văn Tỵ trong việc thay đổi nghệ thuật sơn mài với những kỹ thuật và màu sắc mới được sử dụng một cách thành công, độc đáo. Đây cũng được xem là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho thời kỳ đỉnh cao của nghệ thuật sơn mài tại Việt Nam.

Trang Đoan (tổng hợp)