Anh Trần Huy Quang đã ra đi!
Người đi vội.
Độc giả chưa kịp xem hết Nỗi nhớ xa xăm của anh, thì bây giờ, một nỗi nhớ quá gần, bàng hoàng, xót xa thương tiếc đưa tiễn “Một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam giai đoạn đất nước bước vào Đổi mới”, đưa tiễn “Một con người sống trọn vẹn một cuộc đời cương cường nhân nghĩa của kẻ sĩ chân chính, một nhân sĩ xứ Nghệ đặc thù, một nhân cách lớn”. (Điếu văn của Hội Nhà Văn Việt Nam)
Tiếng vang về anh tôi đã biết từ lâu, kể cả tiếng vang bất đắc dĩ. Năm 2019, anh và chị rời Hà Nội về sống ở quê nhà Quỳnh Minh, cùng năm đó tôi từ Vinh về quê nhà Quỳnh Đôi. Năm 2021 anh gặp tôi, tặng sách. Từ đó chỉ quen biết trực tiếp hai năm, đến khi anh mất. Hai năm này được trò chuyện với anh dăm bảy lần, thật khó quên tình bạn bè tử tế. Anh nói hồi anh Hồ Sĩ Giàng còn sống, qua anh Giàng anh được đọc bài tản văn Phác họa 2, (tôi viết hưởng ứng bài Phác họa của anh Nguyễn Trọng Tạo), anh muốn đăng báo Văn Nghệ, nhưng chưa biết ý tác giả. Nay anh vẫn muốn bài ấy lên báo. Một tuần sau, trong một bữa cơm cá rùng ở bãi tắm Quỳnh Nghĩa với các bạn văn Quỳnh Lưu, anh nói với tôi: “Trước mắt, các anh ngoài ấy (báo Văn Nghệ) muốn đăng thơ của anh, vậy anh chọn ba bốn bài gửi ra để các anh sẽ chọn in hai bài”. Tôi đưa anh sáu bài để ngoài đó dễ chọn (Lão Tử, Đesđêmôna, Hồ Xuân Hương, Ngoài kia, Tứ tuyệt hoàng hôn và Người thuyết minh động Phong Nha). Rồi Chi hội Văn học Nghệ thuật Quỳnh Lưu có cuộc họp, tôi gặp anh khi vừa nhận được số báo Văn Nghệ đăng cả sáu bài thơ đó hết nửa trang khổ lớn. Tôi mừng thì đã đành. Nhưng tôi rất ngạc nhiên là anh lại mừng hơn tôi và bảo tôi kí tặng anh số báo ấy… Trong cuộc họp này, mọi người còn bỡ ngỡ chào đón giá trị một văn bản mới của anh Lê Văn Tùng phát kiến: “Văn phái Quỳnh Lưu”. Văn phái này từ trung đại (Hồ Xuân Hương) đến hiện đại (Nguyễn Minh Châu)…
Rồi lại vẫn ở Quỳnh Lưu, một cuộc hội thảo lý luận phê bình của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An tổ chức nhân dịp Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương được vinh danh Danh nhân văn hóa tiêu biểu. Đích thân anh Lê Văn Tùng trình bày nội dung nghiên cứu của anh về “Văn phái Quỳnh Lưu”. Mọi người đều thấy anh Tùng đã bình luận xác đáng về tác phẩm của Trần Huy Quang: “Đó là những đổi mới dũng cảm, có văn hóa cao, hướng tới giải phóng năng lực và khát vọng sản xuất sáng tạo làm giàu cho cá nhân và cho cả cộng đồng, chống lại đói nghèo do những tai biến từ cơ chế bao cấp… ”. Cả hội trường lắng nghe. Thật vui: anh Quang có dự cuộc hội thảo này cùng nhà thơ, Anh hùng Nguyễn Đăng Chế và đông đảo văn nghệ sĩ tỉnh nhà.
Tôi có xem một số báo chí của Trung ương và các thành phố lớn khi đưa tin buồn anh mất. Nhiều bài viết tiễn đưa anh đầy tình cảm về tài năng, đức độ và cá tính của anh. Tôi dừng lại lâu ở bài của một đồng nghiệp thân thiết với anh – nhà văn Hoàng Minh Tường viết như sau về một chuyến đi cơ sở cùng anh đến Thổ Tang.
“Thổ Tang là một địa danh nổi tiếng: quê hương ông Phủ Vĩnh Tường, ông Tổng Cóc là hai đời chồng của bà Hồ Xuân Hương. Và bây giờ Thổ Tang là nơi nổi lên mô hình nông – công – thương hấp dẫn của một vùng, của cả nước. Anh Quang thức khuya dậy sớm, uống cà phê, hút thuốc lá, không nề hà đêm hôm mưa nắng, bắt mạch đúng cách làm ăn táo bạo, bài bản và đổi mới của Thổ Tang để viết. Có lẽ anh là người đầu tiên nêu rõ Thổ Tang có sáu loại chợ họp từ ba giờ sáng đến mãi tận khuya: chợ người thuê mướn lao động, chợ phân cỏ rác, chợ nông sản, chợ chính, chợ chiều, chợ tối, dân Thổ Tang hầu như không ngủ… Bạn anh phải nể trọng, gọi anh là một lực điền phóng sự. Ngày cuối cùng rời Thổ Tang, Trần Huy Quang bỗng nói: “Đến Thổ Tang mà không thăm nhà người anh hùng Nguyễn Thái Học và nhân vật huyền bí Vũ Hồng Khanh thì chúng mình chỉ là anh bổ củi… ”. Và anh nói thêm: “Thổ Tang có hai người con vĩ đại nhưng hầu như chính người thân yêu, người xóm giềng của họ cũng không hề biết. Buồn thay cái môn lịch sử mà mình đã theo học… ”.
Anh viết chiến tranh không nặng về khói lửa và đạn bom khốc liệt, mà chủ yếu là nhấn đậm dấu vết và tâm hồn con người, nỗi đau, thân phận,… lặn sâu vào trang giấy. Có ý kiến cho rằng anh có góc khuất, khoảng lặng, hoặc trầm tư u uất nhưng không bao giờ bi lụy. Tôi vương vấn với một thành ngữ nước ngoài đã được Việt hóa và thấy anh, một con người trầm tĩnh chân thành, còn có cả cái chất anh hùng hảo hán!
Nỗi nhớ xa xăm của anh về quê hương rồi sẽ là nỗi nhớ xa xăm của quê hương về anh…
Sóng Bãi Ngang vẫn vỗ bờ.
Sông Mơ vẫn chảy…
Hồ Phi Phục