LTS: Tác giả Hồ Ngọc Thắng là người Ðức gốc Việt. Ông từng là cựu chiến binh chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị từ 1972 đến 1974. Tốt nghiệp Đại học Luật ở Đức, làm chuyên viên gần 3 thập kỷ trong cơ quan thuộc Bộ Nội vụ Liên bang Đức phụ trách di cư và tị nạn, ông cũng là cộng tác viên của Báo Nhân Dân và các tờ báo khác đã nhiều năm.
Dù xa Tổ quốc, nhưng tấm lòng của ông luôn đau đáu nhớ về đất nước, quê hương. Sau khi biết tới Tạp chí Sông Lam trên mạng interrnet, ông đã mừng vui, góp ý, chia sẻ và gửi bài cộng tác với Tạp chí. Ông cũng nói rằng, đó là một phần tình cảm của người con xa xứ với quê hương của Bác Hồ kính yêu.
Ban biên tập trân trọng giới thiệu bài viết này của ông.

*****

  Châu Âu nói chung, ở Đức nói riêng, rất đông những người con xứ Nghệ sinh sống. Các thế hệ con cháu của họ cũng được sinh ra và lớn lên ở xứ người. Nhiều người trong số họ rất thành đạt trong hoạt động kinh doanh. Ở nhiều trường đại học, con cháu người xứ Nghệ là những sinh viên xuất sắc, đã phát huy được truyền thống hiếu học có từ bao đời nay của ông cha. Dù ra đi trong hoàn cảnh và lý do nào, mọi người hướng về đất nước với lòng tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương Xô viết Nghệ – Tĩnh. Nhiều gia đình có con em ở độ tuổi đi học và dịp tết không trùng với các kỳ nghỉ của nhà trường, nên đành đón tết Nguyên đán ở nơi đang cư trú. Và một điều khó lý giải, dù là thành viên của một tôn giáo hay người vô thần, thì tết Nguyên đán vẫn kỳ diệu với những con người mang dòng máu Lạc Hồng trong huyết quản.

Ông Hồ Ngọc Thắng trong một lần dâng hương tri ân các liệt sỹ. Ảnh: Tác giả cung cấp

Cá nhân tôi, tuy sinh ra và lớn lên ở Tĩnh Gia, nơi vẫn thường được gọi là vùng nam Thanh bắc Nghệ, nhưng vẫn có nhiều kỷ niệm sâu sắc với xứ Nghệ. Từ ngày cắp sách đến trường phổ thông, tôi đã cảm nhận tình cảm tốt đẹp trong trái tim mình dành cho tỉnh Nghệ. Cô giáo kể về xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An là nơi Bác Hồ ra đời đã trải qua những năm tháng tuổi thơ. Lần đầu đi thăm Nghệ An là kỷ niệm tôi không bao giờ quên. Đó là năm 1964, lúc 10 tuổi, ba đưa tôi bằng xe đạp vượt chặng đường 50 km từ chợ Kho vào Cầu Giát, nơi 2 người anh trai của ba sinh sống. Hồi đó, quốc lộ 1A rất chật hẹp và khó đi vì đường rải đá dăm với vô số “ổ gà”, vượt qua khe Nước Lạnh, nơi được xác định ranh giới giữa hai tỉnh là tới đất Nghệ. Hồi đó, địa hình ở đây hiểm trở, nhiều người kể những chuyện câu chuyện huyền bí về nơi đồi núi heo hút, ban đêm không ai đi qua đây vì có cọp và kẻ cướp. Đến Cầu Giát, tôi như đã quên đi sự mệt nhọc của hành trình lần đầu tiên trong đời được tận mắt thấy một thị trấn sầm uất với cảnh buôn bán nhộn nhịp. Bác Thành, anh trai của ba tôi hồi đó là chủ hiệu chụp ảnh nổi tiếng ở Cầu Giát. Thật thú vị khi chứng kiến cảnh khách hàng đến chụp ảnh đông đúc. Họ tìm đến vì ông là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng và có uy tín, nhất là sau khi ông đoạt giải thưởng quốc tế trong một lần tham gia triển lãm ảnh tại Cộng hòa Liên bang Đức.

Trong 2 cuộc chiến tranh phá hoại của không quân và hải quân Mỹ, ngoài thành phố Vinh, thị trấn Cầu Giát và nhà ga Cầu Giát là địa điểm thường xuyên bị đánh phá bởi máy bay và pháo kích của hạm đội 7 bắn vào từ Biển Đông. Sau chiến tranh, nơi đây bị tàn phá tan hoang phải xây dựng lại toàn bộ. Trong thời gian chiến tranh, gia đình người bác phải sơ tán lên khu vực phía tây được gọi là vùng nông trang. Một lần lên thăm bác, tôi bị hút hồn bởi phong cảnh tuyệt đẹp của vùng sơn cước phía tây huyện Quỳnh Lưu. Trong vườn nhà, tôi thấy những hàng cây cà phê xanh tốt, ngút ngàn, bên cạnh những cây cam trĩu quả nom mát mắt dịu lòng.

Thị trấn Cầu Giát hôm nay. Ảnh: Sách Nguyễn

Một hành trình nữa, dài ngày xuyên suốt toàn tỉnh Nghệ An đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong tâm trí tôi cho đến tận ngày hôm nay là cuộc hành quân ra trận khi tôi tròn 18 tuổi. Để tham gia chiến dịch Xuân – Hè Trị – Thiên năm 1972, từ địa điểm tập kết ở ngã ba Chuối (nay là thị trấn Nông Cống, Thanh Hóa), tôi và đồng đội di chuyển bằng xe quân sự theo đường 15 vào ban đêm. Vì mưa to gió lớn, chúng tôi rất vất vả để vượt qua dốc “Bò Lăn” chạm đất Nghĩa Đàn, miền Tây Nghệ An khi mặt trời lên cao. Nguy cơ bị máy bay Mỹ phát hiện và oanh tạc, buộc chúng tôi vào rừng trú ẩn. Đó là cơ hội để tôi ngắm phong cảnh hùng vĩ của núi rừng miền tây tỉnh Nghệ. Sau một ngày ở binh trạm Nghĩa Đàn, đêm đến chúng tôi đi xe đến binh trạm Nam Đàn. Từ đó hành quân bộ vào ban đêm theo đường đê sông Lam vào binh trạm Đức Thọ ở Hà Tĩnh. Dưới ánh trăng sáng tỏ, từ triền đê tôi nhìn thấy những ngôi làng quê xinh đẹp, với những bến đò nối liền những miền quê yên tĩnh, thơ mộng làm tôi nhớ tới câu ca dao: “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh. Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”. Và tôi mơ ước, khi hòa bình, nước nhà thống nhất tôi sẽ về thăm lại vùng đất của sông Lam, sông La và núi Hồng Lĩnh.

Và ước mơ đã trở thành hiện thực. Mùa hè 1975, trở về từ chiến trường miền Nam, tôi thăm lại thị trấn Cầu Giát và thấy một cuộc sống mới đầy hứa hẹn đã bắt đầu, mặc dù vết thương chiến tranh vẫn còn dày đặc. Sau này, mỗi khi từ Đức về Việt Nam tôi đều ghé thăm xứ Nghệ. Gia đình người anh họ sống ở TP Vinh, gần Quảng trường Hồ Chí Minh. Ở đó, khi dạo bước trên những đường phố rộng thênh thang với rất nhiều cửa hàng sang trọng, tôi có cảm giác như đang đi ở những thành phố lớn ở châu Âu. Sau những lần về nghỉ mát ở Cửa Lò, tôi không muốn đi nghỉ mát những nơi khác. Bởi vì cơ sơ hạ tầng ở Cửa Lò được nâng cao rõ rệt và dịch vụ du lịch không thua kém nước ngoài, và đặc biệt là giá cả hợp lý, đối với khách du lịch phương Tây quá tuyệt vời.

Sương mai thành Vinh. Ảnh: Cảnh Hùng

Một đồng đội của tôi, hồi ở Mặt trận Quảng Trị, anh là Trung đội trưởng Trung đội thông tin của Tiểu đoàn 1 Bộ binh, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, sau khi về hưu, hiện đang sống ở Đô Lương. Nhiều lần tôi đến thăm anh và được chứng kiến sự thay da đổi thịt của vùng nông thôn Nghệ An. Cảnh đói nghèo của năm xưa đã vĩnh viễn đi vào quá khứ, thay vào đó là những con đường rải nhựa, những cây cầu mới, và những ngôi nhà khang trang tạo nên một bức tranh sinh động của một miền quê trù phú. Trên đường từ Tĩnh Gia đến Đô Lương, hai bên đường không chỉ là những ngôi nhà mới hiện đại, trường học, bệnh xá mà thi thoảng có nhà thờ Công giáo khang trang với tháp chuông cao vút giữa nền trời. Cảnh quan đó giúp nhận biết mật độ nhà thờ Công giáo ở thành thị và nông thôn Việt Nam như thế nào. Hình ảnh đó hoàn toàn trái ngược với những gì mà các thế lực thù địch và thành phần bất mãn lâu nay cứ rêu rao, ở Việt Nam không có tự do tôn giáo, nhân quyền bị xâm phạm.

   Và không thể thiếu được, là con cháu họ Hồ phải một lần đến thắp hương đền thờ Nguyên tổ họ Hồ (Hồ Hưng Dật – Đền Vua Hồ) một di tích lịch sử Quốc gia tại xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu. Là người suốt đời yêu kính Bác, trong một lần về thăm quê, tôi hạnh phúc khi được thăm Khu di tích tưởng niệm Người tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn và Khu mộ bà Hoàng Thị Loan. Ngôi nhà đơn sơ, đồ vật giản dị vẫn còn đó,  với tôi có giá trị như những bài học quý giá. Được tận mắt chứng kiến sự thay đổi to lớn ở Việt Nam nói chung và ở xứ Nghệ nói riêng, tôi cảm thấy tự hào mình là một người con của một dân tộc không chịu khuất phục trước vũ lực của kẻ thù, bất chấp mọi khó khăn gian khổ để xây dựng một đất nước hòa bình, độc lập và giàu mạnh.

Hồ Ngọc Thắng

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 2/Bộ mới/2020)