Những ngày gần đây, báo chí và mạng xã hội lại xôn xao hình ảnh 5 chòi gác được xây dựng theo hình cánh tay trên bờ biển Hải Tiến (Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Công trình chưa hoàn thành nhưng đã gặp phải không ít ý kiến trái chiều cho rằng thiếu tính thẩm mỹ và phá vỡ cảnh quan chung của bờ biển.

Đơn vị thi công khẳng định sau khi hoàn thiện, hình ảnh của những cánh tay này sẽ đẹp hơn. Tuy nhiên, thiết nghĩ, chuyện đẹp hay xấu không đơn giản chỉ nằm ở việc thiết kế và xây dựng cánh tay ấy có thành công không mà nó còn phải phù hợp với cảnh quan chung. Không chỉ ở bờ biển Hải Tiến, rất nhiều điểm du lịch khác trên cả nước hiện nay đều không chú tâm mấy đến điều này.

Cánh tay bê tông đang được xây dựng trên bờ biển Hải Tiến ở Thanh Hóa. Ảnh: Quách Du. Nguồn ảnh: Báo Lao Động

Việc chạy theo trào lưu; bắt chước, lượm lặt hình ảnh từ khắp nơi và chiều theo sở thích check-in, sống ảo của một bộ phận giới trẻ hiện đang khiến không gian nhiều điểm du lịch trên cả nước bị băm nát bởi đủ kiểu kiến trúc, công trình. Tiêu biểu có thể kể đến như Đà Lạt, Sapa,.. Những nơi này đang dần trở thành một “nồi lẩu thập cẩm” về cảnh quan. Gần đây, sau khi hình ảnh bàn tay khổng lồ ở cầu Vàng (Đà Nẵng) thu hút sự chú ý trong và ngoài nước thì nhiều bàn tay khác đã nhanh chóng “mọc” lên khắp cả nước như bàn tay ở đèo Ô Quy Hồ (Lai Châu), bàn tay vàng ở Sapa, bàn tay khổng lồ ở chùa Cao (Thanh Hóa),… Đặc biệt, mỗi năm, khi dịp Tết đến, khắp nơi lại rộn ràng câu chuyện mô hình các con vật biểu trưng của năm với đủ hình thù kỳ dị. Điều đáng nói, chúng ta không thể cứ mỗi lần xuất hiện một công trình “lạ” lại tập trung bàn tán, mỉa mai để “giải trí” mà cần nghiêm túc nhìn nhận lại câu chuyện về mỹ thuật công cộng ở Việt Nam hiện nay bởi điều này phản ánh trình độ phát triển, văn minh, văn hóa nghệ thuật của một quốc gia.

Giới trẻ thích thú với các điểm có thể check-in, sống ảo ở những điểm du lịch. Ảnh: Trang Đoan

Các công trình này đáng lẽ phải là điểm nhấn tạo nên vẻ đẹp, bản sắc cho địa phương. Nó không chỉ đòi hỏi tính thẩm mỹ, sự hài hòa với cảnh quan mà còn cần sự kết nối với con người, văn hóa bản địa; phải có tính biểu tượng hay ý nghĩa, thông điệp nào đó. Các công trình không thể cứ tùy ý mọc lên theo cảm hứng, bắt chước chỗ này chỗ nọ và ghép vào một cách thiếu thẩm mỹ như những gì đang diễn ra lâu nay. Dù là tranh vẽ, tượng, nghệ thuật sắp đặt, trang trí,… hay gì đi nữa thì nó cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, đặt trong tổng thể hài hòa và được tư vấn kỹ càng bởi những người có chuyên môn. Hiện nay, các địa phương không có chính sách đồng bộ, các điểm du lịch lại chỉ chạy theo trào lưu mà không quan tâm nhiều đến những vấn đề khác dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm, manh mún và thiếu chuyên nghiệp.

Đã đến lúc cần có sự quan tâm nghiêm túc đến mỹ thuật công cộng tại Việt Nam để ít nhất, nếu không tạo ra được những không gian ngày càng đẹp, nghệ thuật, tạo điểm nhấn cho các điểm đến thì ít nhất cũng không làm phá vỡ đi cảnh quan, mất đi nét đẹp vốn có của các địa phương như hiện nay.

Trang Đoan