Nhà thơ Chính Hữu quê gốc Can Lộc, Hà Tĩnh nhưng có nhiều năm sống, học tập ở Vinh. Ông vào bộ đội Trung đoàn Thủ Đô lừng danh từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp (1946). Ông ham làm thơ từ khi còn học ở Vinh, vào bộ đội có điều kiện trang bị thêm kiến thức, vốn sống, mở rộng tầm nhìn; thăng hoa tâm hồn, cảm xúc để có những vần thơ tâm cảm, sâu sắc, ấn tượng. Ông vinh dự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.

Đúng như nhà phê bình văn học Nguyên An (từng là học sinh trường Huỳnh Thúc Kháng, Vinh) viết trong cuốn “Phiên bản văn nhân”: “Sáng tác của Chính Hữu lấy cảm hứng từ cuộc chiến đấu, lao động dựng xây cuộc sống mới của anh bộ đội và người dân bình thường trong tư thế của một chiến sĩ quả cảm, kiên cường chấp nhận gian nguy và vui cười lạc quan ngay cả khi ở thời điểm gian khó, hiểm nghèo (…). Chính Hữu đã có nhiều câu thơ như chạm khắc, tạc tượng anh bộ đội. Này là anh vệ quốc quân thời chống Pháp: “Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá/ Anh với tôi đôi người xa lạ/ Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau/ Súng bên súng đầu sát bên đầu /…/ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo…” Còn đây là lớp thanh niên náo nức cùng cả nước lên đường đánh Mỹ: “Xóm dưới làng trên con trai con gái/ Xôi nắm cơm đùm ríu rít theo nhau/ Súng nhỏ súng to chiến trường chật chội/ Tiếng cười hăm hở đầy sông, đầy cầu…”

Trong không khí hào hùng của hai cuộc kháng chiến chống Pháp chống Mỹ, thơ ông bật sáng phẩm chất cao đẹp của người lính Cụ Hồ. Hình ảnh “Ngọn đèn đứng gác” trong bài thơ cùng tên được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc lung linh tinh thần quật khởi lạc quan cách mạng của một đất nước không chịu cúi đầu sống nhục sống hèn, sống tối tăm trong đêm trường nô lệ. Nó được hình tượng hóa thành người chiến binh can trường mà hiếu tình hiếu nghĩa, có mặt khắp từ Nam lên Bắc thức suốt đêm thâu giữ đất giữ trời:

Trên đường ta đi đánh giặc
Dù về Nam hay ta lên Bắc
Ở đâu
Cũng gặp
Những ngọn đèn dầu
Chong mắt đêm thâu…

Ngọn đèn ấy mang ý nghĩa tượng trưng tỏa sáng phẩm chất, vẻ đẹp tinh thần của người lính cụ Hồ soi sáng đường ra trận, thắp sáng lời kêu gọi đánh giặc cứu nước:

Đi ta đi đánh trận trường kỳ
Đèn ta thắp niềm vui theo dõi
Đèn ta thắp những lời kêu gọi…

Đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, cả nước có chiến tranh, lực lượng vũ trang vừa chiến đấu bảo vệ miền Bắc vừa tiếp tục chi viện cho chiến trường miền Nam; mặt trận mở khắp thành thị, nông thôn, khắp từ rừng xuống biển. Khí thế lập công đánh giặc cứu nước bừng trỗi, lấp lánh trong câu thơ “Đi nhanh đi nhanh chiến trường đã giục/ Đầy núi, đầy sông đèn ta đã mọc”. Ngọn đèn ấy chính là điểm tựa, là động lực giúp người chiến sỹ vượt mọi khó khăn gian khổ giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và hiên ngang tiến lên phía trước:

Trong gió trong mưa ngọn đèn đứng gác
Cho thắng lợi nối theo nhau
Đang hành quân đi lên phía trước…

Thực tế cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sục sôi khắp cả nước, Khu Bốn trở thành tuyến lửa, thành Vinh – Bến Thủy là một trong những điểm lửa nóng bỏng ác liệt nhất. Chính nơi đây các chiến sĩ bộ đội phòng không sát cánh cùng lực lượng dân quân tự vệ đan lưới lửa dày bắn tan xác chiếc máy bay Mỹ đầu tiên xâm phạm bầu trời miền Bắc góp công làm nên chiến thắng trận đầu 5-8 lịch sử. Các chiến sỹ công binh “chong mắt đêm thâu” rà phá bom mìn giữ vững “mạch máu giao thông” cho những chuyến phà chở cả đoàn xe, đoàn quân vượt sông an toàn. Nơi đây trong phạm vi cây số có đến 4 tập thể và 6 cá nhân được phong tặng anh hùng. Chính nơi đây năm 1965, chiến tranh bước vào giai đọan ác liệt, nhà thơ cùng đoàn nhà văn quân đội thâm nhập thực tế, cho ra đời bài thơ cùng ca khúc lừng danh tỏa sáng vẻ đẹp tinh thần, phẩm chất người lính Cụ Hồ.

Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất; cả nước hân hoan chào đón hòa bình độc lập tự do, chung tay góp sức xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Những ngọn đèn vẫn không “nhắm mắt”, vẫn đứng gác, vẫn tỏa sáng khắp miền xuôi lên miền ngược từ biên cương đến hải đảo. Các chiến sĩ hải quân “chong mắt đêm thâu” canh giữ biển đảo Tổ quốc, các chiến sĩ biên phòng suốt đêm băng rừng lội suối, dựng chốt ngăn chặn dịch covid, tội phạm buôn lậu, ma túy; xuống bản giúp dân sản xuất, chữa bệnh, tổ chức lớp học bổ túc văn hóa… Ngay trên đất Trung Đô, Bến Thủy anh hùng, trong trận lụt lịch sử năm 2020 vừa qua, những ngọn đèn đã thức suốt đêm cùng các chiến sỹ bộ đội Quân khu Bốn, Ban Chỉ huy quân sự thành phố Vinh phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ giải cứu, giúp các gia đình bị ngập sâu sơ tán trẻ em, người già ốm đau đến nơi an toàn. Nước rút lại giúp dân tẩy bùn rác, dọn vệ sinh trường học, các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà ở của dân. Một chiến sĩ bộ đội Ban Chỉ huy quân sự Thành phố Vinh chia sẻ: “Có những nhà nước lên cao, người dân hoàn toàn bị động, chúng tôi liên tiếp nhận được những cuộc gọi cứu viện. Chúng tôi đã cố gắng bất chấp trời mưa, đêm tối giúp dân sơ tán người, di chuyển đồ đạc đến nơi an toàn…”

Và những ngọn đèn pin, đèn sạc ắc quy (thay đèn dầu thời đánh Mỹ) vẫn canh gác túc trực thường xuyên ở phòng trực ban, soi sáng các ngõ phố, treo đầu mũi xuồng tiếp cận nhà dân. Những ngọn đèn tỏa sáng phẩm chất người lính Cụ Hồ, mang lại sự bình yên hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà.

Đinh Thanh Quang