1. Vừa trò chuyện với tôi, Thượng uý Nguyễn Thị Phương (Phòng CS QLHC về TTXH – Công an Nghệ An) vừa thoăn thoắt cầm từng ngón tay một công dân và lăn nhẹ lên bàn cảm ứng. Trên màn hình máy tính dần dần hiện ra từng nét vân tay của ngón cái, ngón trỏ, ngón đeo nhẫn… Trong vài phút, những đường vân đã được số hoá, trở thành dữ liệu định danh cho một người.

– Chị được cầm tay nhiều người chị nhỉ? – Tôi bắt đầu câu chuyện

– Ừ, nhiều lắm. Cầm đến mức mà tay chị sắp mòn đây này (cười)

– Vậy có khác với cầm tay người yêu không chị?

– Khác chứ, tay người yêu thì có thể buông ra lúc nào cũng được. Còn tay mọi người là cứ phải cầm lúc nào xong mới thôi… Thú thật với nhà báo chứ thời gian đầu mới làm quen với máy quét, tay ai cũng cứng, cứ lóng ngóng, được ngón này mất ngón kia. Nhưng mà rồi cũng nhanh quen, mỗi ngày làm 400-500 người! Giờ thì cứ “thuộc làu làu”ấy nhà báo ạ!

Thượng uý Nguyễn Thị Phương quét vân tay công dân làm căn cước

Chị cười, nụ cười dí dỏm và tự tin. Chị và đồng đội đã cầm tay không biết bao nhiêu người. Già có, trẻ có; phụ nữ không ít, đàn ông cũng nhiều; rồi cũng từng cầm tay nhiều  lãnh đạo cấp cao của tỉnh…. Nhiều đến mức mà bây giờ chỉ thoáng qua là các anh các chị có thể biết vết vân tay rõ hay mờ; rằng máy có thể quét nhanh hay chậm. Vậy nên, bên cạnh bàn làm căn cước công dân với rất nhiều máy móc hiện đại, là một chậu nước để công dân ngâm tay cho mềm, nét vân vì thế dễ nhận hơn…

 Tôi nhẩm tính, trung bình mỗi công dân mất 3 phút lăn tay thì đến thời điểm này, các anh chị đã có hơn 4,5 triệu phút cầm tay đồng bào. (Bởi, đến nay (ngày 07/5/2021), Công an Nghệ An đã thu nhận hơn 1,5 triệu hồ sơ cấp CCCD (trên gần 2,1 triệu công dân có mặt tại địa phương), đạt trên 72%. Nghệ An là một trong 2 đơn vị trọng điểm vượt tiến độ hàng ngày mà Bộ Công an giao về thu nhận hồ sơ CCCD). Vậy để thấy, tốc độ của khoảng 2.000 CBCS Công an Nghệ An làm CCCD ròng rã hơn 2 tháng qua là vô cùng “thần tốc”.

Hàng triệu phút cầm tay để kết nối hàng chục triệu đồng bào

2. Đã hơn 60 ngày, Thượng uý Nguyễn Công Vương Linh thuộc Phòng Công tác đảng và Công tác chính trị, Công an tỉnh Nghệ An được tăng cường xuống cơ sở để làm CCCD. Dù ở lĩnh vực mới nhưng bằng sức trẻ và quyết tâm cao, chỉ trong thời gian ngắn, anh đã nhanh chóng thạo việc. Mỗi ngày chỉ ngủ vài tiếng, luôn phải căng mắt rà soát từng con số trên màn hình laptop, đôi mắt anh trũng sâu hơn nhưng giọng nói vẫn tràn đầy nghị lực và quyết tâm: “- Phải làm cho xong anh ạ. Chậm ngày nào, thiệt hại ngày đó!”.

Cùng với Thượng úy Nguyễn Công Vương Linh, hàng ngàn CBCS Công an trên cả nước  đã được tăng cường đến các xã xa xôi, các huyện biên giới để làm CCCD. Những nơi này đất rộng, người thưa nên xuống cơ sở nghĩa là cùng thức, cùng ở, cùng làm với nhân dân. Mọi người luôn phải nỗ lực gấp nhiều lần để thực hiện quyết liệt mục tiêu kép: Vừa phòng dịch hiệu quả, vừa kịp tiến độ. Vì vậy, nhiều giải pháp làm việc sáng tạo đã được vận dụng: thực hiện 5K, gọi tên theo nhóm, hẹn làm theo giờ… Lãnh đạo Công an các tỉnh, thành phố thường xuyên trực tiếp kiểm tra và hướng dẫn tại nhiều địa điểm làm CCCD. Các tổ công tác lưu động liên tục cập nhât thông tin dịch tễ ở địa bàn để lãnh đạo chỉ huy chỉ đạo kịp thời. Tất nhiên, dịch bệnh luôn nguy hiểm và diễn biến phức tạp và sẽ còn kéo dài. Nhưng không vì thế mà chúng ta chùn bước, phải thiết lập trạng thái bình thường mới để vừa phòng chống dịch vừa thực hiện tốt nhiệm vụ mà đảng và nhân dân giao phó.

Cán bộ công an Nghệ An cõng người già và hỗ trợ người tàn tật làm CCCD

Cũng có vài người băn khoăn rằng, tại sao phải làm ngày làm đêm, quyết tâm hoàn thành xong trước 01/7/2021? Bởi lẽ, CCCD là nền tảng quan trọng nhất để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư – là phần lõi để triển khai chính phủ điện tử. Mỗi người sẽ có một mã số công dân kết nối với hầu hết dịch vụ như: ngân hàng, bảo hiểm, bệnh viện, ga tàu, sân bay… Từ đó, các thủ tục hành chính được tối giản, thời gian được tiết kiệm tối đa. Tính tương đối, mỗi năm hệ thống sẽ làm lợi cho ngân sách nhà nước từ 5.000 đến 7.000 tỉ đồng. Đó chính là lợi ích cho quốc gia, cho dân tộc, cho mỗi công dân Việt Nam. Đó cũng là lí do vì sao mà hơn 3 vạn CBCS Công an nhân dân trên cả nước đang căng sức, nai lưng “biến đêm thành ngày” để hoàn thành 50 triệu CCCD trước 1/7/2021.

Hỗ trợ một công dân làm CCCD để kịp vào bệnh viện điều trị

May mắn thay, trong nhiệm vụ vô cùng nặng nề mà rất đỗi tự hào này, lực lượng công an luôn nhận được sự đồng tình ủng hộ của quần chúng nhân dân, chính quyền các cấp. Nhiều người dân sẵn sàng thức khuya cùng CBCS để quét cho kịp những đường vân cuối cùng. Nhiều bà con khối xóm cùng nhau gom góp để nấu vài nồi cháo gà bồi bổ cho tổ cấp CCCD lưu động. Có người lại động viên lực lượng công an bằng những vần thơ mộc mạc:

Nam Đàn xứ Nghệ quê tôi

Công an sớm tối sẵn sàng giúp dân

Làm thẻ căn cước toàn dân

Thông minh tháo vát muôn phần tươi vui

Việt Nam đất nước quê tôi

Ngày càng phát triển sáng ngời lòng dân

Đi theo Đảng Bác muôn phần

Dân giàu nước mạnh muôn nhà vinh hoa

(Hà Văn Tâm – xã Khánh Sơn – huyện Nam Đàn – Nghệ An)

Hệ thống CCCD gắn chip khi đi vào hoạt động sẽ tiết kiệm cho Nhà nước mỗi năm khoảng 5.000 – 7.000 tỉ đồng

…Hơn cả cái nắm tay thông thường, những cán bộ Công an vẫn đang nỗ lực, tận tâm chạy đua với thời gian, vượt qua vất vả, áp lực để kịp tiến độ, đảm bảo tối đa quyền lợi cho người dân…. Những phút cầm tay ấy, không đơn thuần là công việc, trách nhiệm, ở đó, có mồ hôi, nước mắt, có cả những hy sinh thầm lặng, những chắt chiu vì mục tiêu lớn lao. Những hy sinh đó không đong đếm bằng con số thống kê cụ thể, chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim, trao nhau sự kết nối. Những cán bộ Công an đang nỗ lực không ngừng nghỉ để hàng chục triệu công dân Việt Nam có thể kết nối với tốc độ của thời đại 4.0; để mỗi người trên dải đất hình chữ S thân yêu này không ai bị bỏ lại và lãng quên, với quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường và giàu mạnh. Trong hành trình ấy rất cần sự đồng hành, cảm thông và yêu thương…

 Tuệ Trang