Từ trung tâm xã Nậm Giải vào bản Piêng Lâng mất khoảng 9 km, đường đi có nhiều con dốc, nhỏ hẹp nhưng với bà con một bản khó khăn ở miền Tây xứ Nghệ thế đã là điều mơ ước rồi. Chúng tôi xuống xe rồi đi bộ vào bản, chỉ có xe máy mới vào sâu trong bản được bởi thi thoảng phải lội qua những quãng suối với những tảng đá chắn ngang đường. Cùng chúng tôi đi thăm một vòng bản Piêng Lâng còn có ông Nguyễn Minh Hoạt – Phó ban Dân vận Huyện ủy Quế Phong, anh Sầm Văn Thành – Bí thư Đảng ủy xã Nậm Giải. Piêng Lâng đang từng ngày hồi sinh, từ những hủ tục đang dần được loại bỏ khỏi đời sống văn hóa tinh thần đến sự thay da đổi thịt trong đời sống kinh tế của người dân.
Bản mới đang vươn mình
Sầm Văn Thành tâm sự, đây là khóa đầu tiên anh làm Bí thư Đảng bộ xã nhưng trước đó anh đã hoàn thành một nhiệm kỳ Chủ tịch xã. Là một người Thái bản địa, anh am hiểu vùng đất này tường tận. Qua ánh mắt Thành, tôi thấy người cán bộ trẻ này luôn ấp ủ khát vọng xây dựng vùng quê được xếp vào diện đặc biệt khó khăn của Quế Phong này no ấm, tiến tới giàu đẹp, đặc biệt là Piêng Lâng, một bản có lịch sử đặc biệt của Nậm Giải.
Dừng chân bên cây đa cổ thụ, ông Nguyễn Minh Hoạt tự hào kể về cây thiêng. Cây đa này đã hàng trăm năm tuổi, nó quấn quanh thân một cây gỗ âm. Năm xưa, có người đến chặt một khúc gỗ âm về làm nhà thì bị ốm nặng. Chạy chữa mãi không khỏi, sau đó ông phải cùng người nhà ra gốc đa làm lễ xin tạ tội thì mấy hôm sau bỗng nhiên không trị mà khỏi bệnh. Từ đó, không còn ai dám chặt gỗ ở gốc đa đem về nữa. Ông Hoạt chỉ vào những thân gỗ âm to lớn còn lại bảo: Đấy! Vẫn còn những thân gỗ nhưng có ai dám chặt đâu. Loại gỗ này quý lắm, cho dù có bị vùi lấp dưới suối, dưới bùn đất đi chăng nữa thì cả trăm năm cũng chưa hỏng.
Trong lúc nghỉ chân, được khơi gợi câu chuyện về bản Piêng Lâng, Bí thư Sầm Văn Thành kể bằng một giọng thâm trầm.
Năm 2007, sau một cơn lũ quét định mệnh, bản Pục và bản Méo chỉ còn lại những ngôi nhà đổ nát, những cánh đồng bị vùi dập bởi nước lũ và bùn đất, đã có 13 người thiệt mạng trong trận lũ. Người dân đã gần như trắng tay sau trận thiên tai kinh hoàng năm ấy, một số người đã cùng nhau vào sinh sống tại khu tái định cư mà lập nên bản Piêng Lâng ngày nay. Không thể kể hết bao nhiêu gian khổ của những ngày đầu lập bản. Bí thư Đảng ủy Thành không giấu nổi cảm xúc khi vừa nói chuyện vừa lắc đầu ngao ngán. Thấy vậy chúng tôi cũng không muốn hỏi gì thêm.
Giờ đây, cuộc sống của người dân đã bớt đi những đau thương khổ cực. Đường đi đã được sửa sang khá thuận lợi, người dân có điện, có nhà để ở, nhiều ngôi nhà to đẹp, kinh tế phát triển… Tôi hỏi Sầm Văn Thành, “Piêng Lâng” tiếng Thái nghĩa là gì, anh cho biết nó có nghĩa là “vùng đất bằng phẳng”. Anh cười rồi nói tiếp, mà nó cũng không phẳng lắm đâu, nhưng chắc chắn là bằng phẳng hơn bản cũ.
Qua câu chuyện với Phó ban Dân vận Huyện ủy và Bí thư Đảng bộ xã, chúng tôi biết được mấy năm gần đây bà con Piêng Lâng đã bắt đâu thay đổi tư duy tự cung tự cấp. Một phần do không có nhiều sản phẩm để bán, bà con cũng chưa quen với việc trao đổi hàng hóa, một phần do ở xa trung tâm xã và thị xã, đường sá đi lại trước đây rất khó khăn, muốn vào Piêng Lâng chỉ có thể đi bộ chứ xe ô tô to nhỏ gì cũng không thể vào được. Hiện nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đường vào Piêng Lâng đã thuận lợi hơn nhiều. Cùng với sự phát triển của công nghệ, một số người trẻ đã có thể rao bán các sản phẩm trên mạng xã hội facebook. Đến nay Nậm Giải vẫn chưa có chợ nên việc mua bán trao đổi hàng hóa khá khó khăn, chưa thể diễn ra thuận lợi hàng ngày được. Khi cần những mặt hàng thiết yếu thì người dân chỉ có thể mua ở một vài cửa hàng tạp hóa nhỏ.
Chúng tôi tiếp tục đi bộ vào bản, vừa đi vừa trò chuyện, ông Hoạt vui vẻ kể: hiện nay một số hủ tục của bà con đã dần dần được cải tiến rồi, đám ma không còn mổ trâu bò, lợn gà ăn uống cả tuần nữa, tuy vẫn còn ăn uống vài ba ngày. Người dân vẫn còn giữ quan niệm ma chay, cưới hỏi phải mổ con có sừng mới được. Tục thách cưới cũng giảm bớt gánh nặng cho các bạn trẻ sau cưới. Dăm bảy năm trước đây thôi, rất ít gia đình có nhà vệ sinh, bà con thường giải quyết vấn đề vệ sinh cá nhân bằng cách ra rừng, ra suối… Hiện nay nhiều hộ gia đình đã xây nhà vệ sinh, một số gia đình làm nhà vệ sinh đến năm, bảy chục triệu đồng. Nhà nào làm được nhà vệ sinh thì Ban Dân vận thưởng 1 triệu đồng.
Một trong những nét đẹp của con người Nậm Giải nói chung, Piêng Lâng nói riêng là ý thức cộng đồng rất cao. Cùng với 4 bản của Nậm Giải, Piêng Lâng cũng là bản luôn đảm bảo an ninh trật tự rất tốt, không có hiện tượng trộm cướp trên địa bàn của bản. Những hộ nuôi gia súc, gia cầm dù ở xa nhà cũng không bao giờ bị mất trộm. Bà con đi làm nương rẫy để xe bên đường, che lá lại cho mát rồi đến cuối buổi thì lấy xe đi về. Là bản biên giới giáp Lào, hàng năm Piêng Lâng cũng không có ai vi phạm an ninh biên giới (vượt biên trái phép), cùng với Nậm Giải, Piêng Lâng cũng là địa bàn sạch về ma túy.
Những mô hình nhiều triển vọng
Chúng tôi đến thăm cánh đồng lúa rộng lớn của bản. Lúa tươi tốt, những bông lúa nếp căng tròn trĩu xuống đung đưa trong gió. Lúa bắt đầu chín, màu xanh đang dần chuyển sang vàng. Bí thư Đảng ủy Sầm Văn Thành tự hào cho biết, đây là loại lúa nếp bản địa gọi là “khau cày nọi” – nghĩa là “lúa gà con” bởi khi chín, lúa vàng hươm như màu lông gà con mới nở. Đây là loại lúa nếp, hạt to tròn, hương vị thơm ngon đặc biệt, dù ở xa cách mấy con rẫy cũng nghe thấy mùi thơm của lúa nếp. Loại nếp này đem hông xôi thì dẻo thơm cả ngày, phù hợp với điều kiện của bà con đi rẫy, nấu một lần ăn cả ngày. Quan trọng nhất là khau cày nọi rất hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương nên chống chọi được sâu bệnh. Bí thư Sầm Văn Thành cho biết, trước đây bà con trồng lúa nếp chưa nhiều, làm đến đâu ăn đến đó, nhưng nay bà con đã đem bán lấy tiền để mua sắm các mặt hàng thiết yếu. Hiện toàn bản có khoảng 10 ha lúa nếp khau cày nọi. Chỗ nào lúa cũng tốt tươi do phù sa màu mỡ và gần những dòng suối mát.
Trên cánh đồng khau cạy nọi, mọi người tranh thủ check in bởi không ai cưỡng lại được vẻ đẹp sơn thủy hữu tình và bình yên đến lạ. Những thảm lúa bắt đầu nhuốm màu vàng tươi trông như những tấm thảm trải dài dưới chân đồi, bên bờ suối. Xa xa là màu xanh của những rừng cây, quế, bạch đàn và những ngọn núi mờ ảo làm nền cho những bông lúa thêm duyên. Thiên nhiên nơi đây trong lành, mát mẻ, mùi lúa nếp thơm hương dìu dịu đang lan tỏa trong không gian khiến tâm hồn con người trở nên thư thái, bâng khuâng.
Rời cánh đồng lúa, Bí thư Sầm Văn Thành hào hứng đưa chúng tôi đến thăm một số mô hình kinh doanh tiêu biểu của bản Piêng Lâng. Anh cho biết, đây không những là mô hình kinh doanh lớn của bản mà điều đáng quý là những cơ sở này kinh doanh những sản phẩm thuần chủng của địa phương. Hiện nay, chính quyền đã tuyên truyền để bà con con giữ gìn và phát triển những dòng gen quý của các loại cây, con bản địa. Ngoài lúa nếp còn có gà, cá sạch của bản địa. Sầm Văn Thành chia sẻ, để giữ gìn được những giống cá địa phương là rất khó bởi hằng ngày bà con vẫn thường đánh bắt phục vụ cuộc sống. Nếu không có giải pháp thì cá sẽ dần cạn kiệt và mất giống nên các bản đã đề ra quy ước về đánh bắt. Cùng với việc nuôi nhiều giống cá địa phương để kinh doanh với số lượng lớn thì việc quy định đánh bắt không tận diệt cũng là giải pháp rất quan trọng để bảo tồn giống cá địa phương.
Chúng tôi đến thăm HTX (Hợp tác xã) Dịch vụ và Nông nghiệp Thành Tâm của gia đình anh Quang Văn Trung thì quả đúng như vậy. Anh Trung cho biết, sau khi nuôi các giống gà đưa từ miền xuôi lên không thành công, anh đã chuyển sang nuôi gà bản địa, loại gà có sức đề kháng cao, ít dịch bệnh do phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết địa phương. Để có nguồn con giống đủ lớn, anh Trung đã đến từng nhà trong các bản mua gà bản địa về nuôi nhân giống. Gà bản địa có trọng lượng nhỏ, số lượng trứng của gà mái sinh sản hàng năm ít, chỉ khoảng 90 đến 100 quả/năm (gà miền xuôi thường đẻ 250 đến 300 quả/ năm). Loại gà bản địa này, nuôi sau 5 – 6 tháng trọng lượng trung bình chỉ đạt từ 1,2 – 1,3kg/con. Khi mô hình kinh doanh gà bản địa phát triển, anh Trung đã đứng ra thành lập HTX. Năm 2022, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Thành Tâm ra đời, đến nay có 17 thành viên. HTX luôn duy trì số lượng gà mái đẻ trên 500 con, mỗi năm cho xuất chuồng gần 20.000 con giống ra thị trường. Thức ăn cho gà là các sản phẩm nông nghiệp do bà con làm ra như ngô, lúa, sắn… nên thịt gà rất thơm ngon. Vì vậy giá gà luôn cao hơn các loại gà khác nhưng vẫn được thị trường ưa chuộng. Khách hàng của HTX chủ yếu đến từ thị trấn Kim Sơn, họ sẵn sàng thu mua gà với giá 150 ngàn đồng/kg.
Một mô hình phát triển kinh tế bền vững khá triển vọng của bà con Piêng Lâng là trồng cây. Bên cạnh khoai sọ, bon bo đã được khẳng định hiệu quả thì các loại cây như quế, cây dược liệu cũng đem lại nguồn thu ổn định cho bà con. Hiện nay, ở Piêng Lâng, bà con đã tiếp thu mô hình trồng quế của các xã đã cho hiệu quả kinh tế cao và bền vững như Thông Thụ, Đồng Văn, Tiền Phong, Hạnh Dịch, Châu Kim… về ứng dụng vào đời sống sản xuất kinh doanh. Tuy đi sau nhưng hiện nay gần như nhà nào ở Piêng Lâng cũng ít nhiều trồng quế, nhà ít thì vài trăm cây, nhiều cũng mấy ngàn cây. Mất khoảng 6 đến 7 năm là cây quế cho thu hoạch bằng cách tỉa cành bán cho những nhà máy sản xuất tinh dầu, từ 10 năm trở lên thì có thể khai thác thân, vỏ, lúc này quế mới cho giá trị kinh tế cao. Quế là cây nguyên liệu quý trong công nghiệp dược phẩm và thực phẩm, gỗ quế còn được dùng làm đồ mộc gia dụng. Ngoài ra, do có tán lá dày, rậm và xanh quanh năm nên rừng quế còn có tác dụng phòng hộ khá hiệu quả. Việc phát triển mô hình trồng quế là mô hình trọng điểm, lâu dài của địa phương, Bí thư Thành cho biết.
Vẫn còn nhiều mô hình sản xuất kinh doanh tiêu biểu, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nhưng chúng tôi chưa có thời gian tìm hiểu. Có thể kể đến mô hình nuôi gà đen, lợn đen, nuôi trâu bò, hươu sao, trồng bạch đàn… Chỉ biết rằng, bà con Piêng Lâng đã sớm biết chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chăn nuôi sao cho phù hợp với điều kiện địa phương, lại gìn giữ được những sản vật được xem là đặc sản của Piêng Lâng là điều rất đáng quý. Chính quyền địa phương và bà con hiểu rằng, chỉ có thể phát triển những sản phẩm độc đáo không nơi nào có được mới dễ dàng giải quyết được đầu ra cho hàng hóa và đem lại giá trị kinh tế cao.
Hướng đi của Piêng Lâng là phát huy những giá trị tự thân trên cơ sở tiếp thu những mô hình mới, tiên tiến, hiệu quả. Nhờ vậy mà từ một bản trẻ, có tuổi đời chỉ 15 năm, Piêng Lâng đã có những bước chuyển mình nhanh đến vậy.
Rời Piêng Lâng, hương thơm lúa nếp khau cày nọi vẫn vấn vít bên chúng tôi. Phải chăng, cái mùi thơm dìu dịu, quyến rũ ấy đã tạo nên những giá trị rất riêng của đất và người nơi đây. Mong rằng hương lúa nếp khau cày nọi mãi thơm trên mọi “cánh đồng” sản xuất, chăn nuôi làm giàu, làm đẹp quê hương của những người con Piêng Lâng chăm chỉ, biết trân trọng những giá trị văn hóa bền vững.
Hữu Vinh