Quế Thương và những khát khao vươn ra “biển lớn”

“Hãy đến đây thật nhiều, thật nhiều người nữa. Hãy ở lại, ráng chờ thêm tí nữa, mình sẽ hát cho mọi người nghe “Hồn sông”. Ca khúc rất đáng yêu!”. Tôi thấu cảm được những khát khao ấy của Quế Thương, cô ca sỹ xứ Nghệ mà tôi biết và luôn dõi theo từng bước trưởng thành, từ khi mới chỉ là cô thôn nữ bước vào ngôi trường Trung cấp Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An. Mỗi bài hát cô thể hiện lúc mới vào nghề cho đến hôm nay, khi đã là một ca sỹ thành danh, không chỉ ở Nghệ An mà trên sân khấu toàn quốc, luôn đong đầy trong ấy một tình yêu nghề vô bờ.

Quế Thương và những khát khao vươn ra “biển lớn”
Ca sỹ Quế Thương

Không ngừng nỗ lực để vươn ra “biển” lớn

Năm 2021 và 2022, có thể nói là năm cô gặt hái nhiều thành công xuất sắc, đó cũng là thành quả của sự nỗ lực không ngưng nghỉ. Cô đã giành được hai huy chương tại các cuộc thi toàn quốc với hai ca khúc của nhạc sỹ Xuân Thủy: Huy chương Vàng với ca khúc “Hồn sông” (Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2021), Huy chương Bạc với ca khúc “Hát đợi anh về” (Liên hoan Âm nhạc ASEAN 2022, liên hoan này không có HCV dành cho ca khúc). Năm 2022, cũng là lần thứ hai cô được đón nhận danh hiệu Nghệ sỹ tiêu biểu trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn của năm (lần đầu là năm 2018).

Với Quế Thương, được hát cho khán giả nghe là một vinh hạnh của người nghệ sỹ. Trong những cuộc trò chuyện với tôi, không màu mè, đánh bóng, cô bộc bạch một cách chân tình về tình yêu, trách nhiệm của người nghệ sỹ. Suốt một đời ca hát, cô đã phấn đấu học tập không mệt mỏi, luyện thanh, bồi dưỡng cảm xúc, rèn mình để trọn vẹn với niềm vinh hạnh ấy.

Nếu là một nghệ sỹ thiếu khát vọng, thiếu sự vươn lên thì chắc hẳn khi đã có được những ghi nhận là ca sỹ có tên tuổi ở Nghệ An và là ca sỹ trụ cột của Đoàn Ca Múa Nhạc Nghệ An, Quế Thương đã dừng lại và hài lòng với những gì đã có. Thế nhưng, vì vẫn khao khát vươn lên, vẫn muốn tự khám phá bản thân và được thử sức nhiều hơn trên những sân khấu lớn ở mọi miền đất nước, cô đã quyết định ra thủ đô học lên đại học khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Lúc đó, cô phải vượt qua muôn vàn khó khăn: hai con còn nhỏ, chồng làm ở doanh nghiệp đi từ sáng đến tối muộn mới về, vừa đi học xa nhà, vừa phải thực hiện các chương trình của Đoàn Ca Múa Nhạc Nghệ An, rồi phải tranh thủ “đi show” để có chi phí trang trải cho cuộc sống, học hành. Kết quả, năm 2017, cô đã “ẵm” được tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi. Những thành quả nổi bật liên tiếp sau đó đã chứng minh, quyết định học lên của cô là đúng đắn và cần thiết. Nó là hành trang vô giá chắp cánh cho mơ ước của cô bay lên, bay xa. Chính kiến thức của 4 năm học tập bài bản đã giúp cô vượt lên, tự tin vươn ra biển lớn và tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới trong nghiệp ca hát. Để bắt kịp xu thế thời đại, năm 2018-2020, Quế Thương học tiếp văn bằng hai Ngôn ngữ Anh để có nhiều hơn cơ hội giao lưu, học hỏi bạn bè quốc tế.

Dường như càng bơi ra biển lớn, Quế Thương càng tìm thấy sự kích thích và tự tin khẳng định mình. Dù biểu diễn ở sân khấu nào, hát cho bà con miền núi nghe hay hát trên các sân khấu lớn của mọi miền đất nước, cô đều nhập tâm vào từng lời ca. Từ trên đỉnh núi Hồng cô như thả hồn vào sông nước dòng Lam để thấu “Hồn sông” ngay trên sân khấu Hội diễn Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2021 tại Đắk LắkCô như thấy kia, những con người xứ Nghệ, thấy bố mẹ, thấy tuổi thơ gian khó của mình trong từng lời hát. Hồn sông, ấy là người, là đất xứ Nghệ trập trùng gian khổ, nhưng cũng thật can trường, dũng mạnh để vươn tới hạnh phúc… Cô hát như ma mị, như rút ruột người nghe. Phần I, lời ca dìu dặt, ngọt lắng âm hưởng ca trù không làm khó Quế Thương. Phần II, đấy là phần mà vẻ đẹp lấp lánh trong giọng hát của cô có cơ hội phô bày đầy đủ nhất. Trong những ca khúc dân gian đương đại nhạc sỹ Xuân Thủy sáng tác mà các ca sỹ chuyên nghiệp thường chọn để tham gia biểu diễn trên sân khấu lớn, bao giờ ông cũng kết hợp âm nhạc dân gian và âm nhạc thính phòng, trong đó đòi hỏi những kỹ thuật phức tạp. “Hồn sông” là một trong những ca khúc rất khó, ít ca sỹ hát tốt nếu không có đủ bề dày về cảm xúc, về kinh nghiệm sống – hát và cả về kỹ thuật thanh nhạc. Khi viết ca khúc này, ông đã nghĩ tới Quế Thương. Và cô đã không phụ lòng tin tưởng của người nhạc sĩ gạo cội thể hiện xuất sắc ca khúc này. Đang từ cảm xúc sâu lắng, dìu dặt, cô như bừng tỉnh, bung nở mãnh liệt khi chuyển vào những nốt nhạc thính phòng cao vút, ngân rền, ngỡ như dòng Lam giang đột ngột va vào tảng đá, bật tung lên để con nước vượt thác ghềnh về lại với dòng trôi êm dịu. Lại từ những cung bậc cao vút cô nhẹ nhàng bắt sang cung trầm nhẹ như một tiếng thở. Người nghe như tan chảy, đắm đuối cùng cô trong từng câu hát, từng giai điệu. Sự may mắn hay sự nhập tâm thái quá đã giúp cô có một bản lĩnh sân khấu tuyệt vời để vượt qua khá nhiều sự cố bất ngờ khi biểu diễn. Đêm Liên hoan âm nhạc chuyên nghiệp toàn quốc tại Đắk Lắk lần đó, cô đã gặp phải một sự cố có thể phá hỏng tiết mục. Đang thả mình “trôi” trong “Hồn sông”, bỗng một tiếng nổ lớn như tiếng sét, cả hội trường thảng thốt không hiểu máy móc bị gì. Quế Thương vẫn như không nghe thấy, cứ thả mình trôi theo bài hát để đi tới tận cùng dòng sông mà “ôm” về Huy chương Vàng danh giá. Nghệ sỹ Nhân dân Thu Hiền – thành viên Ban giám khảo đã cho cô điểm tuyệt đối, chỉ vì, đã lâu lắm rồi mới có một người hát làm Thu Hiền khóc “nó hát như rút ruột rút gan như thế làm sao không cho điểm 10 được”. Và NSND Phạm Tiến Dũng – là thủ trưởng cũ của cô thì gật gù: em “say” quá, thực sự bản lĩnh!

Quế Thương và những khát khao vươn ra “biển lớn”
Quế Thương luôn nhập tâm vào từng lời ca, giai điệu của ca khúc dù ở bất kỳ sân khấu nào (Ca sĩ Quế Thương trên sân khấu biểu diễn ở CHLB Đức)

Giữ gìn hình ảnh người nghệ sỹ

Quế Thương là mẫu người rất trách nhiệm, chu toàn trong mọi công việc. Mỗi một việc dù nhỏ hay lớn, là việc của gia đình hay việc của đoàn, công việc chuyên môn của cá nhân, v.v…, Thương đều làm hết mình. Mỗi lần nghe cô hát, xem cô biểu diễn tôi cảm được một sự lao động nghiêm túc của cô, đó là sự lao động bằng cả tình yêu, sự đam mê và bằng cả “cái đầu”. Cô không dễ dãi với chính mình, càng không dễ dãi với mỗi ca khúc mình thể hiện. Bởi ở đó không chỉ mình cô mà là sự lao động của rất, rất nhiều người.

Đón nhận một tiết mục, điều đầu tiên bao giờ Quế Thương cũng nghiên cứu thật kỹ bài hát. Bài hát nói tới cái gì, cần chuyển đi thông điệp gì, người ca sĩ phải thật thấu rõ mới cùng nhạc sỹ chuyển tải hiệu quả nhất tới công chúng. Một ca khúc phổ nhạc từ bài thơ của Hồ Xuân Hương “Thương ôi phận gái” chỉ 8 câu thôi nhưng là cái nhìn chua chát, là tiếng kêu đau của bà chúa thơ Nôm về thân phận tủi hèn của người đàn bà trong xã hội phong kiến. Chỉ đọc bài hát chưa đủ, để cảm nhận hết nỗi niềm của Hồ Xuân Hương, của nhạc sỹ Trọng Đài, Quế Thương phải tìm đọc những bài viết về nữ sỹ Hồ Xuân Hương, những bài bình về bài thơ “Thương ôi phận gái”. Sự tìm tòi để hiểu sâu, kiểu kỹ bài hát cùng với giọng ca trời phú vừa ngọt lắng chất dân ca vừa vang, cao chất thính phòng, kết hợp một nguồn cảm xúc dồi dào và đặc biệt một khả năng xử lý kỹ thuật thanh nhạc rất tốt đã giúp cô tự tin lựa chọn ca khúc này để đứng trên sân khấu liên hoan ca nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2018. Cô đã đĩnh đạc ẵm về Huy chương Vàng thứ 2 trong cuộc đời ca hát trong sự ngỡ ngàng của nhạc sỹ Trọng Đài (HCV đầu tiên là năm 2015 với ca khúc “Lời ru nguồn cội” của nhạc sỹ Xuân Thủy tại Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2015). Khi Quế Thương xin phép ông được thể hiện ca khúc này, ông rất lo lắng. Cô ca sỹ tỉnh lẻ Quế Thương liệu có vượt qua được rào cản này? Tuy vậy, ông vẫn cho phép Quế Thương được “tự do” ở phần hai – phần thiên về nhạc thính phòng là mảnh đất cho sự sáng tạo của mỗi ca sỹ. Chính đoạn này đã giúp Quế Thương “bứt phá” ghi điểm. Một nguồn cảm xúc và sự biểu cảm mãnh liệt, cộng hưởng cùng nguồn lực nội sinh mạnh mẽ của chất giọng thính phòng, Quế Thương chuyển tải hầu như đủ đầy tiếng kêu thương, sự phản kháng của người đàn bà dưới tầng tầng phận tủi. Cô đã nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng của người xem, lời ngợi khen hài lòng từ tác giả và cả những lời trầm trồ thán phục của các đồng nghiệp có mặt trong hội diễn. Trước đó, cũng chính nhờ sự sáng tạo khá thông minh và lợi thế của chất giọng, kỹ thuật thanh nhạc rất tốt đã giúp Quế Thương vượt qua các ca sỹ đàn chị từng đạt Huy chương Bạc để giành lấy Huy chương Vàng từ ca khúc “Lời ru nguồn cội” (nhạc sỹ Xuân Thủy) trong Hội diễn Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015.

Khi đã có độ dày về vốn sống, kinh nghiệm ca hát, cô lại đặt mình vào những thử thách mới để tiếp tục khám phá và rèn mình: đó là thử sức trên lĩnh vực sáng tác. Những năm gần đây, một số ca khúc về quê hương, về tuổi thơ, phòng chống dịch covid-19 như: Về với quê em, Chiều Cửa Lò, Mùa xuân gọi bạn,… hé mở một khả năng mới ở cô. Đặc biệt, ca khúc dành cho tuổi thiếu nhi “Bài học đèn giao thông” của cô đã giành được giải Nhì cuộc thi sáng tác về An toàn giao thông. Ngoài ra, cô cũng là MC của đoàn trong các chương trình biểu diễn, trong các cuộc thi.

Quế Thương và những khát khao vươn ra “biển lớn”
Quế Thương cũng đã bước đầu thành công trên lĩnh vực sáng tác

Sự nỗ lực để hoàn thiện mình, để vun đắp sự nghiệp ca hát, với Quế Thương đến thời điểm này, có thể nói đã giúp cô đạt đến “độ chín”. Nhạc sỹ Xuân Thủy đã cho rằng “Một tỉnh lẻ như Nghệ An, thiếu rất nhiều điệu kiện để các giọng ca phát triển, nhưng Quế Thương đã luôn luôn học hỏi để có một sự học bài bản, có ý chí, nghị lực và khao khát vượt lên. Cô ấy đã làm được và trở thành một giọng ca hiếm có của tỉnh nhà. Điều đó thật quý. Giờ đây, Quế Thương đã hội đủ những yếu tố của một ca sỹ thành danh: thanh, sắc, cảm xúc, kinh nghiệm, đặc biệt là kỹ thuật thanh nhạc. Cô ấy đang ở độ chín. Tỉnh nhà cần quan tâm để những ca sỹ như Quế Thương tiếp tục phát triển và có nhiều đóng góp xuất sắc hơn cho nền âm nhạc Nghệ An”. Với cô, giờ đây các bản nhạc khó của các nhạc sỹ tên tuổi không còn là thách thức quá lớn, nhưng sự làm việc nghiêm túc và cầu thị luôn đòi hỏi cô không thôi tìm tòi, nghiên cứu để cùng tác giả tiếp tục sáng tạo, cho mỗi tác phẩm khi đến công chúng đều được hoàn thiện và mới mẻ nhất. Đây cũng là điểm mà các nhạc sỹ khá hài lòng khi cô xin sử dụng ca khúc của họ.

Giữa những xô bồ của cuộc sống, tôi thấy mến trọng Quế Thương, bởi từ khi bước vào nghề cho đến nay, cô là một trong những ca sỹ thành danh của Nghệ An rất lưu tâm gìn giữ hình ảnh người nghệ sỹ chân chính. Ở cô có sự vẹn tròn của một người phụ nữ trong gia đình, và một người nghệ sỹ của công chúng. Để có được tình yêu bền chặt của người chồng và hai đứa con ngoan, là phụ nữ tôi hiểu cô đã phải cố gắng nhiều mới có được sự chỉn chu cho những bữa ăn ngon cô có thể nấu cùng cả nhà thưởng thức, hay lo đủ thực phẩm cho bố con trước mỗi chuyến đi biểu diễn xa; don dẹp chỉnh trang cho mỗi căn phòng của vợ chồng, con cái được đẹp đẽ, đồ đạc được thơm tho. Để thêm thu nhập bằng chính sức lao động nghệ thuật chân chính của mình, cô tận dụng mọi thời gian nhưng cũng lựa chọn các show diễn ngoài sao cho phù hợp. Dường như, gìn giữ hình ảnh người nghệ sỹ đã là một nhiệm vụ mà cô và các đồng nghiệp đã tự nhận lấy và chỉn chu, nghiêm túc thực hiện, để không xảy ra điều tiếng gì. Có lần tôi đùa, chắc vì là đảng viên nên phải cố gắng. Không phân bua, nhưng những câu chuyện cho tôi cảm nhận rất rõ sự ý thức của cô về trách nhiệm. Đó là trách nhiệm của người đảng viên, của người nghệ sỹ. Những trách nhiệm này dường như không tách bạch. Khi mình làm tốt vai trò này thì cũng đồng thời làm cho vai trò kia được nổi bật. Bởi vậy, cô không câu nệ hay sang chảnh. Công chúng yêu cầu là hát, dù hát “vo”. Có lần tôi đã gặp cô hát trong bệnh viện khi chăm mẹ ốm, chỉ vì mọi người trong khoa muốn nghe ca sỹ Quế Thương hát. Có thể giúp ai được việc gì là cô sẵn sàng. Gặp một người bị tai nạn giao thông rất nặng, bằng ảnh hưởng cá nhân cô đã kêu gọi bạn bè đóng góp giúp đỡ; chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp với các đồng nghiệp khi họ có nhu cầu… Khi đang là Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An, thủ trưởng của cô, NSND Hồng Lưu rất hài lòng về nhân viên của mình: “Bạn ấy là một trong những ca sỹ trụ cột của Đội ca, của Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An; là người có bản lĩnh, có nhận thức sâu sắc về vai trò của người nghệ sỹ; luôn luôn ý thức và hành động vì việc xây dựng hình ảnh đẹp về người nghệ sỹ chân chính. Điều đó rất đáng quý trong bối cảnh hiện nay.”

Quế Thương và những khát khao vươn ra “biển lớn”
Quế Thương được vinh danh Nghệ sỹ tiêu biểu của năm 2022 trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật

40 tuổi đời, Quế Thương đã có 4 HCV, 1 HCB trong các cuộc thi lớn cấp quốc gia, khu vực, 2 lần được vinh danh “Nghệ sỹ tiêu biểu của năm trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật”. Đó là những kết quả lớn đo đếm được. Nhưng tình yêu mà khán giả dành cho cô, người nghệ sỹ mới thật lớn vô cùng. Những chuyến đi cùng đoàn đến với bà con huyện miền núi tỉnh nhà, nơi có những người mẹ mới đầu hôm đã lo cầm ghế đến khu vực trung tâm háo hức chờ đón xem nghệ sỹ biểu diễn, những lời bà con đề nghị buổi diễn kéo dài thêm đến 5-6 bài, đó mới thật là niềm hạnh phúc lớn nhất của cô và đồng nghiệp. Cô vẫn đang và sẽ mãi “say sưa” hát cùng bà con để làm đầy thêm tình yêu nghề, yêu ca hát mà cô mơ ước thuở ấu thơ và đeo đuổi một đời!

Đào Thúy Hoa