Được biết, dòng họ Trần nơi đây chính là tộc giáo phường tài hoa làm rạng rỡ danh tiếng Kẻ Lứ từ thời Lê Trung Hưng. Từ đây, ca trù không chỉ phát triển nơi lầu son, gác tía mà còn đi vào trong đời sống của nhân dân, trở thành tục lệ được quy định trong hương ước, tộc ước, khoán hội…

Một tiết mục hát ca trù tại Lễ hội Đền Cuông. Ảnh: Cao Đông

Một “đặc sản” của Lễ hội Đền Cuông hàng năm, đó chính là hát ca trù cửa đền của các đào – kép đến từ nhiều câu lạc bộ ca trù ở các địa phương. Những tiếng tom chát, ứ hự vang lên đầy quyến luyến, mê hoặc trong tiết xuân nồng nàn, khiến cho ánh mắt người nhìn nhau dường như cũng tình tứ hơn. Và những sênh, những phách…không phải chỉ vang lên hòa quyện cùng giọng hát đầy tinh tế của ca nương, mà còn đưa con người sống lại với một không gian xưa, tưởng đã lấp chìm trong muôn vàn nhộn nhịp.

Thật dễ hiểu khi mà Lễ hội đền Cuông còn giữ được nếp sinh hoạt văn hóa độc đáo này, bởi vùng đất Diễn Châu xưa đã nức danh là một trong những cái nôi của ca trù xứ Nghệ.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Nghĩa Nguyên (Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An – ông đã mất) từng có những tìm hiểu, nghiên cứu rất kỹ về ca trù xứ Nghệ. Theo đó, xứ Nghệ có 4 giáo phường ca trù đại hàng là Cổ Đạm ( Nghi Xuân), Kẻ Lứ ( Diễn Châu), Kẻ Gám ( Yên Thành), và Cát Ngạn (Thanh Chương) cùng hàng trăm giáo phường ca trù tiểu hàng là những gánh hát khắp các làng xã chịu ảnh hưởng của 4 giáo phường đại hàng nói trên. Trong các giáo phường kể trên thì nổi tiếng nhất, lâu đời nhất, có thời vàng son rực rỡ nhất là giáo phường Kẻ Lứ ( nay thuộc xã Diễn Yên, Diễn Châu).

Chẳng thế mà người ta còn truyền tụng câu ca: “Đồn rằng trong Lứ có trò/ Rủ nhau ôm áo gửi bò vô coi”. Và một trong những “chứng tích” còn lại với thời gian, ấy chính là đình Cháy. Ngôi đình này được xây dựng từ năm 1836 – là nơi mà phường nhà tơ Đại Hàng – Kẻ Lứ với gia phả 7 đời quản giáp ca công trong phủ chúa lấy làm địa điểm hát ca trù của giáo phường. Cũng tại mảnh đất này (làng Ngoại, Diễn Yên), còn lưu giữ các sắc phong của giáo phường nhà tơ Đại Hàng  – Kẻ Lứ tại bàn thờ họ Trần.

Được biết, dòng họ Trần nơi đây chính là tộc giáo phường tài hoa làm rạng rỡ danh tiếng Kẻ Lứ từ thời Lê Trung Hưng. Từ đây, ca trù không chỉ phát triển nơi lầu son, gác tía mà còn đi vào trong đời sống của nhân dân, trở thành tục lệ được quy định trong hương ước, tộc ước, khoán hội… Ngày trước, những Lễ hội Đền Cờn, Đền Cuông và nhiều lễ hội lớn khác đều tổ chức hát ca trù do giáo phường Kẻ Lứ đảm nhiệm.

Nghệ nhân Cao Xuân Thưởng của CLB ca trù tại Diễn Châu. Ảnh: Cao Đông

Ngay trong bản phả của giáo phường nhà tơ Kẻ Lứ cũng có ghi lại: Trong 3 thế hệ họ Trần thuộc tộc phường Kẻ Lứ có 11 bà vợ là ca nương; trong 15 người con gái, 8 người con trai thì 16 trong số họ là ca nương, 13 quản giáp xuất sắc… trong đó nổi danh nhất là bà Trần Thị Khoan, một ca nương tài sắc được chúa Trịnh lấy làm vợ.

Rồi cùng với năm tháng, bao nhiêu thay đổi thăng trầm thời cuộc, tưởng chừng như danh tiếng ca trù Kẻ Lứ cũng như một miền sênh phách xưa trên đất Hoan Châu đầy mê hoặc sẽ chỉ còn trong nỗi nhớ của những người già. Nhưng , một ngày kia, nó được sống lại bởi những con người tâm huyết, xem ca trù đã là máu thịt của mình. Nó được sống lại bởi trong phần hồn của những con người nơi đây, vẫn thổn thức nhịp sênh, nhịp phách.

Có thể kể đến công lao của “ông lão” Nguyễn Nghĩa Nguyên, một nhà nghiên cứu, một nhà giáo, cũng là một người dân bình dị sống giữa thôn mạc này, khi ấy đã trên tuổi 80 vẫn lóc cóc đạp xe đến từng nhà nghệ nhân ca trù còn sót lại của đất Diễn Châu để thuyết phục họ quay lại truyền dạy cho lớp trẻ, hay như cách nói của ông là “cứu lấy ca trù”. Ông đã đến dưới từng mái nhà, ngồi lắng nghe những tiếng hát thoát ra trong những lồng ngực già nua, để đọc được ở đó những khát khao được cất lên tiếng hát, cũng là để khẳng định với lòng mình: ca trù quê hương không thể chết! Cũng chính ông đã lên kế hoạch bảo tồn ca trù, mà một trong những hành động quyết liệt nhất chính là thành lập ra CLB ca trù Diễn Châu.

Một nghệ nhân không thể không nhắc đến đã có công bảo tồn ca trù đất Diễn Châu chính là nghệ nhân dân gian Trần Hải. Cả cuộc đời cụ đã dành cho đam mê tiếng phách, tiếng đàn, yêu ca trù đến tận những giờ phút cuối của cuộc đời mình để rồi khi rời xa dương thế (năm 2012), bên bàn thờ của cụ, cháu con vẫn còn đặt cạnh cây đàn đáy có tuổi thọ hàng trăm năm. Cụ đã dùng chính căn nhà nhỏ của mình làm nơi truyền dạy tiếng hát, tiếng đàn, làm nơi sinh hoạt của CLB ca trù xã Diễn Liên.

Và bên cạnh những hạt nhân quan trọng ấy, thật may mắn là ca trù Kẻ Lứ nói riêng, Diễn Châu nói chung đang dần được khôi phục bằng công sức không mệt mỏi của những người có trách nhiệm, của các nhà khoa học, các nghệ nhân và đông đảo những người yêu ca trù.

Hoạt động rất có hiệu quả của Câu lạc bộ ca trù Diễn Châu, rồi các câu lạc bộ ca trù ở nhiều địa phương như Diễn Yên, Diễn Liên, Diễn Hoa, Diễn Mỹ, Diễn Xuân, Diễn An…, những cuộc thi hát ca trù giữa các câu lạc bộ, “sân khấu hóa” ca trù tại lễ hội Đền Cuông, tham gia các cuộc thi ca trù lớn nhỏ toàn quốc…đã và đang cho thấy một hình bóng Kẻ Lứ vàng son đâu đây trở về .

Có rất nhiều những nghệ nhân ca trù, nhiều giọng ca trù triển vọng đã hình thành và trở thành “ngôi sao” như những ca nương Cao Bích Lâm, Nguyễn Thị Mai (ca nương Nguyễn Thị Mai từng đoạt giải nhì cuộc thi hát ca trù toàn quốc), Nguyễn Mai Hạnh (ca nương này cũng đã từng đoạt giải Nhất cuộc thi ca trù toàn quốc) và một số kép đờn như Nguyễn Công Suý, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Đình Phúc…

Có những gia đình mà cả nhà cùng đi hát như gia đình ông Nguyễn Tài Khoản và bà Chu Thị Phùng, gia đình ông Nguyễn Văn Thành và bà Nguyễn Mai Hạnh (chồng là kép đàn, vợ là ca nương) hay gia đình ông Nguyễn Công Súy (cha là kép đờn, con Nguyễn Thị Mai là ca nương)…

P.V 

Nguồn tham khảo: Báo Nghệ An