Rabindranath Tagore sinh năm 1861 tại Ấn Độ. Ông là nhà thơ, cây bút viết văn xuôi, triết gia vĩ đại, và là người châu Á đầu tiên được trao giải Nobel. Nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam biết đến văn hào Tagore qua những bài thơ trữ tình nổi tiếng, nhưng dường như nhiều người vẫn chưa có cơ hội tiếp xúc với những tác phẩm văn xuôi, đặc biệt là những truyện ngắn xuất sắc của ông. Các truyện ngắn đề cập đến nhiều khía cạnh của đời sống xã hội ở Ấn Độ thời ông sống nhưng đồng thời chứa đựng những triết lý sâu sắc về cuộc đời và không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Mặc dù ông sinh trưởng trong môi trường quý tộc của một xã hội trọng nam khinh nữ, nhiều truyện ngắn của ông bày tỏ quan điểm nam nữ bình quyền, sự cảm thông sâu sắc đối với thân phận của người phụ nữ. Đó chính là lý do tôi chọn dịch và giới thiệu truyện ngắn này với Tạp chí Sông Lam.
(Dịch giả Nguyễn Thị Bích Lan)
                *****

Chân dung Rabindranath Tagore (Sưu tầm)

 I
   Giribala, vợ của Gopinath Shil sống ở tầng trên cùng của ngôi nhà 3 tầng thuộc sở hữu của Ramanath Shil. Có một chậu hoa chuông và một chậu hoa hồng ở bên ngoài cửa phòng ngủ phía nam của nàng. Tầng đó có lan can bao quanh và có một khoảng sân thượng để người ta có thể ngắm nhìn quang cảnh xung quanh. Phòng ngủ được trang trí bằng những bức tranh khắc họa chân dung của những quý bà ngoại quốc có mặc trang phục và chẳng mặc gì; nhưng hình ảnh phản chiếu của nàng Giribala 16 tuổi ở trong tấm gương lớn đối diện với cửa ra vào không thua kém bất cứ người đẹp nào trong các bức tranh treo tường.
Vẻ đẹp của Giribala tựa như tia nắng mặt trời bất ngờ bừng lên, gây ngạc nhiên, gây thức tỉnh và sửng sốt. Đó là vẻ đẹp choáng ngợp. Ai lần đầu nhìn thấy nàng cũng thốt lên: “Tôi không ngờ lại có người đẹp đến thế! Nàng hoàn toàn khác với những gì tôi thấy ở xung quanh từ trước đến giờ.” Bản thân Giribala cũng phấn khởi bởi vẻ đẹp của mình. Cơ thể của nàng dường như tràn đầy sự trẻ trung giống như chai rượu vang trào bọt khi được mở nút  tràn đầy xuân sắc trong lớp váy áo và đồ trang sức, trong những động tác uyển chuyển, những cử chỉ, trong điệu bộ nghiêng nghiêng cổ, trong những bước đi nhún nhảy, trong tiếng leng keng của những chiếc vòng chân, vòng tay, trong tiếng cười, trong những lời đối đáp sắc sảo, những cái liếc nhìn toát lên sự thông minh.
Nàng say sưa với vẻ đẹp của mình. Trong những bộ váy áo lộng lẫy, nàng thường đi đi lại lại không biết chán trên sân thượng: cứ như thể nàng ước được nhảy múa với giai điệu được hiểu ngầm trong đầu mình. Nàng thích làm cho cơ thể mình chuyển động; dường như nàng cảm nhận được từ những góc độ khác nhau của vẻ đẹp mà nàng sở hữu sự rung động kỳ lạ và sự rộn ràng ở trong máu. Nàng thường bứt một chiếc lá cây, giơ nó lên cao rồi thả nó trong gió, cánh tay duyên dáng của nàng hướng về phía những đám mây tựa như một con chim vô hình được phóng sinh khỏi một chiếc lồng, trong khi những chiếc vòng đeo tay của nàng kêu leng keng và một phần tấm sari tuột khỏi vai nàng. Nếu không làm thế nàng lại nhặt một cục đất từ một chậu hoa và tung nó lên không trung, hoặc kiễng chân nhìn thế giới qua những ô thoáng trên bức tường, hay xoay xoay tấm sari đang mặc để những chiếc chìa khóa được cài trên đó phát ra những tiếng leng keng. Có thể nàng sẽ đi đến trước gương, xõa tóc ra rồi tết tóc lại theo một kiểu trông khá lạ mắt: buộc đuôi bím tóc bằng một sợi dây, giữ đầu dây bằng những chiếc răng trắng bóng như màu hoa nhài và đưa hai tay ra phía sau đầu để quấn những bím tóc lên cao thật gọn ghẽ và chặt chẽ. Không có gì để làm tiếp theo, nàng nằm dài trên chiếc giường êm ái tựa như ánh trăng chiếu qua kẽ lá.
Nàng chưa có con, trong gia đình giàu có này nàng chẳng phải làm bất cứ việc gì. Ngày nào nàng cũng ở nhà một mình như vậy, không thể kiềm chế bản thân. Nàng có chồng, nhưng anh ta luôn nằm ngoài tầm kiểm soát của nàng. Anh ta không thể nhận ra rằng nàng hoàn toàn không còn là trẻ con nữa.

Minh họa: Sưu tầm

Khi còn là một đứa trẻ nàng đã từng được chồng yêu mến. Anh ta trốn học, trốn cả tá vệ sĩ để đến ve vãn cô dâu nhỏ tuổi của mình. Thậm chí khi họ đã về sống cùng một nhà, anh ta vẫn dùng những tờ giấy đẹp đẽ viết thư cho nàng và đem khoe với các bạn học một cách đầy hãnh diện. Anh ta si tình đủ để mất bình tĩnh trước các cuộc cãi vã với vợ vì những chuyện vặt vãnh hoặc những chuyện không có thật.
Từ khi cha qua đời, anh ta trở thành chủ gia đình. Những tấm ván còn tươi mau chóng bị mối mọt tấn công. Gopinath mau chóng giành được sự độc lập, nhiều kẻ vô công rồi nghề bám lấy anh ta. Càng ngày anh ta càng hay lang thang ở bên ngoài, hiếm khi có mặt ở nhà.
Làm thủ lĩnh quả là thú vị, sự giao du có thể là một thứ thuốc gây nghiện đầy công hiệu. Niềm khao khát mà Napoleon mang trong mình để mở rộng ảnh hưởng của ông ta đối với con người và lịch sử có thể đã bắt đầu được nhen nhóm từ trong phòng ăn. Thật thú vị khi tạo được sự gắn kết với một đám bạn chí cốt bằng sự hóm hỉnh, cầm đầu cái nhóm đó và giành được sự tán thưởng của họ. Nhiều người sẵn sàng chấp nhận nợ nần, bê bối và sự hủy hoại để đạt được điều đó.
Gopinath nhận thấy làm một thủ lĩnh quả là tuyệt. Mỗi ngày những trò vui mới lại mang đến cho anh ta thêm chút vinh quang. Trong mắt những kẻ vây quanh Gopinath, tài ứng đối của anh ta quả là vô song. Lóa mắt bởi sự phù phiếm và phấn khích anh ta hoàn toàn chìm đắm trong vòng xoáy của sự giao du.
Trong khi đó Giribala, đẹp một cách khó ai sánh nổi, trị vì một vương quốc không có thần dân từ cái ngai vàng cô quạnh của phòng ngủ. Nàng biết rằng Thượng Đế đã ban cho nàng vương trượng; nàng biết rằng chỉ bằng một cái liếc mắt nàng cũng có thể chinh phục thế giới rộng lớn mà nàng nhìn thấy qua những ô thoáng của lan can, tuy nhiên không một ai trên thế giới này thực sự thuộc về nàng.
Nàng có một người hầu xấc xược và hóm hỉnh tên là Sudhamukhi, gọi tắt là Sudho, có thể hát hò, nhảy múa, làm thơ để ca ngợi vẻ đẹp của Giribala và để kêu ca rằng vẻ đẹp đó bị uổng phí bởi một người chồng quá đỗi cục mịch. Giribala dựa hoàn toàn vào người hầu này. Nàng đắm mình trong những lời ngợi ca dành cho khuôn mặt, vóc dáng, làn da của nàng mà Sudho thốt ra, đôi khi nàng phản đối, thích khiển trách bà vì đã tâng bốc nàng, nhưng khi Sudho thề rằng những lời khen của bà là hoàn toàn đúng. Giribala lại dễ dàng tin ngay. Khi Sudho hát: “Tôi đã nguyện làm nô lệ dưới chân nàng”. Giribala tin đó là khúc hát ca tụng dành cho đôi bàn chân hoàn hảo của mình, và tưởng tượng ra cảnh một người tình cúi mình trước đôi chân ấy. Nhưng than ôi, mặc cho những chiếc vòng chân của nàng reo lên những tiếng leng keng đắc thắng khi nàng đi đi lại lại trên sân thượng vắng tanh, không một người tình nào đến để nguyện làm nô lệ dưới nàng.
Ấy thế mà Gopinath lại nguyện làm nô lệ cho Labanga, một nữ diễn viên ở nhà hát. Người phụ nữ đó thật tuyệt vời khi diễn cảnh ngất xỉu trên sân khấu, và bất cứ khi nào cô tuôn ra những giọt nước mắt giả tạo, và cất lên những tiếng nức nở: “Ôi Chúa tể của đời em, Chúa tể của tâm hồn em,” những khán giả mang tất dài mặc áo chẽn, đóng khố dhoti lại rống lên: “Tuyệt quá, tuyệt quá!”
Giribala thường nghe chồng mình mô tả tài năng phi thường của Labanga (anh ta vẫn thỉnh thoảng về với nàng). Nàng không hiểu được sự cuồng si của anh ta, nhưng lần nào nghe kể về cô diễn viên kia nàng cũng cảm thấy ghen. Nàng không thể chịu đựng nổi khi nghĩ rằng một người đàn bà nào đó trên đời này lại có được sự hấp dẫn và tài năng mà nàng thiếu. Với sự tò mò đầy ghen tị, nàng thường đòi chồng đưa nàng đi xem kịch, nhưng chồng nàng từ chối.
Cuối cùng, một hôm nàng dúi cho Sudho một ít tiền và sai bà đến nhà hát. Khi người hầu ấy quay về, bà chau mày, chun mũi, nói về những nữ diễn viên bằng giọng khinh ghét: “Nhân danh Thượng Đế, họ đáng bị đánh bằng cán chổi, còn những người đàn ông mê đắm thân hình xấu xí và những động tác giả dối của họ cũng đáng phải chịu hình phạt tương tự!” Bà nói như vậy và những lời nói đó khiến Giribala yên tâm phần nào. Nhưng thấy chồng cứ đi miết hầu như chẳng đoái hoài đến mình, mối nghi ngờ trong nàng lại quay trở lại. Nàng bày tỏ sự hoài nghi với Sudho và bà già đó lấy mạng sống của mình ra mà thề rằng Labanga xấu xí như một thanh gỗ cháy dở quấn giẻ rách. Không thể nhìn thấy những gì mà chồng nàng nhìn thấy ở cô diễn viên đó, Giribala cảm thấy lòng kiêu hãnh của mình bị tổn thương.
Cuối cùng vào một buổi tối nàng bí mật cùng Sudho đi xem kịch. Trò đời vẫn vậy, cái gì càng bị cấm đoán thì càng trở nên thú vị! Sự phấn khích trong nàng khiến cho sân khấu đông đúc, sáng lóa trong ánh đèn tràn ngập âm nhạc và được vây quanh bởi các khán giả trở nên kỳ diệu hơn. Khác với căn phòng buồn tẻ, trống vắng của nàng, đây là một thế giới tràn đầy không khí vui tươi, lộng lẫy, đẹp đẽ. Những gì nàng tận mắt thấy tựa như một giấc mơ.
Tối hôm đó đoàn kịch của nhà hát diễn vở nhạc kịch “Rửa hận”. Tiếng chuông vang lên và dàn nhạc ngừng chơi, những khán giả đầy háo hức trở nên im lặng trong chốc lát, đèn chiếu được bật sáng, màn sân khấu được kéo lên, một nhóm gồm những cô gái ăn mặc đẹp đóng vai những cô gái vắt sữa ở Vraj nhảy múa theo điệu nhạc. Nhà hát rộ lên tiếng vỗ tay và tiếng reo hò từ phía khán giả, và máu tuổi trẻ trong người Giribala dâng trào. Giai điệu của âm nhạc, ánh sáng, những bộ trang phục lộng lẫy và những tràng pháo tay khiến nàng trong chốc lát quên đi thế giới riêng của mình. Nàng đã tìm thấy một nơi tràn ngập sự tự do dễ chịu.
Trong giờ nghỉ giải lao Sudho chen đến gần nàng, thì thầm vào tai nàng bằng giọng lo lắng: “Thưa bà, đã đến lúc phải về nhà rồi. Nếu ông chủ phát hiện ra, chúng ta sẽ lãnh đủ đấy!” Giribala không đếm xỉa đến lời bà nói. Giờ đây không gì có thể làm nàng sợ.
Vở kịch sắp sửa đến đoạn cao trào. Radha đang nổi cơn tam bành, Krishna đang giãy giụa trong vô vọng, những tiếng kêu than và cầu xin của chàng chẳng có tác dụng gì. Giribala giận sôi máu, cảm thấy hả hê như chính Radha đang hả hê trước sự thất bại của Krishna. Nàng là người vợ bị bỏ mặc, bị đối xử bằng sự thờ ơ. Nhưng thật thú vị biết bao khi hiểu ra rằng nàng cũng có thể khiến cho một người tình phải khóc than! Nàng đã từng nghe nói rằng sắc đẹp có thể rất tàn nhẫn, bây giờ nàng đã đoán ra được nó có thể tàn nhẫn đến mức nào? Bây giờ, trong ánh sáng và âm nhạc của sân khấu, nàng nhìn thấy sức mạnh của sắc đẹp phát huy tác dụng. Nhận thức đó khiến não của nàng như có lửa thiêu đốt.
Cuối cùng màn sân khấu được hạ xuống, những ngọn đèn mờ dần, khán giả bắt đầu đứng dậy ra về. Giribala ngồi ngây ra như bị thôi miên. Nàng không nghĩ đến việc rời khỏi nhà hát để về nhà. Nàng nghĩ vở kịch chắc hẳn sẽ kéo dài mãi mãi! Màn sân khấu sẽ lại được kéo lên, Krishna sẽ bị Radha nghiền nát, không gì khác tồn tại trong nhận thức của nàng. “Bà chủ,” Sudho nói, “Bà đang làm gì thế? Đi nào! Họ sắp tắt hết đèn bây giờ đấy!”
Đêm khuya hôm đó Giribala trở về phòng của nàng. Một ngọn đèn leo lét sáng ở góc phòng, không có một bóng người, cũng chẳng có một âm thanh nào, chỉ có một đàn muỗi chuyển động trong gió phía trên chiếc giường trống không. Cuộc sống dường như tầm thường và vô giá trị một cách khủng khiếp. Đâu là vương quốc âm nhạc lung linh trong ánh sáng, đâu là nơi nàng có thể ngự trị giữa trung tâm của thế giới, thể hiện sự quan trọng của mình, đâu là nơi nàng không còn là một người phụ nữ bình thường, không quan trọng, không được yêu thương, vô danh.
Từ đó trở đi tuần nào nàng cũng đi xem kịch. Cảm xúc say mê và choáng ngợp của lần đầu ấy dần nhạt đi, giờ đây nàng có thể khám phá ra sự hóa trang của những khuôn mặt nam diễn viên và nữ diễn viên, sự thiếu vắng vẻ đẹp thực sự, sự giả tạo trong diễn xuất, nhưng nàng vẫn mê xem kịch. Giống như một chiến binh hồi hộp trước tiếng kèn xung trận, trái tim của nàng đập rộn mỗi lần màn sân khấu được kéo lên. Đối với nữ hoàng của sắc đẹp, ngai vàng nào có sức lôi cuốn hơn cái sân khấu cao xa, làm mê đắm lòng người, tách biệt với thế giới, có khác những chữ bằng vàng, được tô điểm bằng những bức tranh nền, được trang trí bằng tấm mạng của âm nhạc và thơ ca tựa như chốn thiên đàng, được vây quanh bởi những khán giả say mê, ẩn chứa đầy những bí mật hậu trường, hiển hiện trước mắt mọi người dưới ánh sáng của những ngọn đèn chùm lung linh, rực rỡ?
Vào cái đêm đầu tiên nàng nhìn thấy chồng mình ở nhà hát, tán dương lộ liễu một cô diễn viên, nàng cảm thấy khinh miệt anh ta biết bao! Nàng quyết định một cách cay đắng rằng nếu một ngày nào đó chồng nàng bị quyến rũ bởi vẻ đẹp của nàng, sẵn sàng phủ phục dưới chân nàng như một con côn trùng bị cháy xém, và nàng có thể bước đi một cách đàng hoàng để mỗi cái móng chân của nàng ánh lên sự khinh miệt, thì sắc đẹp và tuổi trẻ bị uổng phí của nàng sẽ được rửa hận! Nhưng làm thế nào để ngày đó có thể đến? Giờ đây nàng hầu như không gặp chồng. Nàng không biết anh ta làm gì, đi đâu cùng với đám môn đồ của anh ta, lái họ như những hạt bụi trong cơn giông.
Vào một đêm trăng tròn ở Caitra, Giribala, trong bộ váy màu cam nhạt của mùa xuân, với vạt sari bay bay trong gió nhẹ, ngồi một mình trên sân thượng. Mặc dù chồng nàng không đến với nàng, Giribala vẫn thường xuyên thay đổi trang phục và đồ trang sức. Những món đồ trang sức trở nên vô cùng lộng lẫy khi nàng đeo chúng, những tiếng leng keng, những tia sáng óng ánh tỏa ra quanh nàng. Hôm nay nàng đeo vòng tay, đeo dây chuyền bằng hồng ngọc và trân châu, một chiếc nhẫn bằng saphia lấp lánh trên ngón nhẫn của bàn tay trái. Sudho ngồi bên nàng, thỉnh thoảng đưa tay vuốt ve đôi bàn chân hồng hào mềm, mịn đến hoàn hảo của nàng và nói bằng sự phấn khích chân thật: “Ôi, bà chủ, nếu tôi mà là đàn ông thì tôi sẽ ôm ghì đôi chân này vào ngực mà chết!” Giribala bật ra tiếng cười kiêu căng và nói: “Bà sẽ chết trước khi thực hiện được điều đó bởi vì tôi sẽ đá bà ra xa! Đừng có ba hoa nữa. Hãy hát bài hát đó cho tôi nghe đi.” Trên cái sân thượng im ắng tràn ngập ánh trăng ấy Sudho cất tiếng hát:
Tôi đã nguyện làm nô lệ dưới chân nàng.
Hãy để cả Vrindavan này chứng kiến điều đó!
Lúc đó là 10 giờ đêm. Tất cả mọi người đều đã ăn tối và đi ngủ. Bỗng nhiên Gopinath xuất hiện, tóc bóng sáp, chiếc khăn lụa trên cổ anh ta mềm rủ. Sudho hết sức bối rối, vội kéo mạng che mặt xuống và rút lui.
“Ngày đó đã tới,” Giribala nghĩ thầm. Nàng không ngước mắt lên nhìn chồng. Nàng ngồi lặng thinh như Radha, kiêu hãnh và trang nghiêm. Nhưng màn sân khấu không được kéo lên, Krishna không phủ phục xuống chân nàng, không ai bật ra tiếng hát. “Tại sao lại giấu khuôn mặt làm lu mờ cả vầng trăng của nàng đi, hỡi nàng?” Chỉ có Gopinath nói bằng giọng cộc cằn, vô cảm: “Đưa chìa khóa đây?”
Trong một đêm trăng xuân như đêm ấy, sau sự xa cách lâu ngày, chồng nàng đã thốt ra những lời lạnh lùng như thế đó! Tất cả những gì được viết trong thơ, kịch và tiểu thuyết đều là hoàn toàn giả dối chăng? Trên sân khấu, người đàn ông đang yêu đến quỳ dưới chân người đàn bà mình yêu cất lên tiếng hát ngọt ngào và chồng nàng ngồi giữa đám khán giả dường như tan chảy trước cảnh đó. Thế nhưng ở đây anh ta đứng trên sân thượng trong đêm trăng mùa xuân này, nói với người vợ trẻ đẹp vô song của anh ta, “Đưa chìa khóa đây.” Không có âm nhạc, không có tình yêu, không có sự lôi cuốn, chẳng có sự ngọt ngào. Thật là hết sức vô vị!
Gió thở dài não nuột, dường như những gì chồng nàng thể hiện là một nỗi sỉ nhục đối với  toàn bộ thế giới của thi ca. Hương hoa thơm từ những chậu hoa chuông vô tư lan tỏa khắp sân thượng. Những bím tóc buông dài của Giribala xõa xuống mặt và mắt nàng, tấm sari mang màu sắc của mùa xuân thoang thoảng mùi thơm khẽ rung một cách khó chịu. Nàng nuốt vào trong niềm kiêu hãnh và đứng dậy. Cầm tay chồng, nàng nói: “Hãy vào phòng nào, em sẽ đưa chìa khóa cho anh.” Hôm nay lời thở than của nàng sẽ làm anh ta bật khóc, những điều nàng tưởng tượng ra trong cô đơn sẽ được thỏa mãn, những vũ khí mầu nhiệm của nàng sẽ được sử dụng và nàng sẽ giành chiến thắng! Nàng chắc chắn như vậy.
– Tôi không đợi được đâu? – Gopinath nói – Đưa chìa khóa cho tôi.
– Em sẽ đưa chìa khóa cho anh và đưa tất cả những gì anh cần – Giribala nói. – Nhưng đêm nay em sẽ không để anh đi.
– Không được- Gopinath nói- Tôi phải đi.
– Vậy thì em sẽ không đưa chìa khóa cho anh đâu – Giribala nói.
– Cô sẽ đưa chìa khóa cho tôi nếu không…- Gopinath nói – Cô cố tình không đưa chìa khóa cho tôi.
Sau đó anh ta nhận thấy không có chiếc chìa khóa nào được buộc ở cuối tấm sari của nàng. Anh ta đi vào phòng ngủ, mở ngăn kéo bàn ra, không có chìa khóa trong đó. Anh ta mở hộp trang điểm của nàng, thấy son phấn, dây buộc tóc, và những thứ khác, nhưng không thấy chìa khóa. Anh ta lật tung chăn đệm, lục lọi khắp phòng.
Giribala đứng lặng thinh, bám lấy mép cửa nhìn ra ngoài sân thượng. Sôi máu vì tức giận và thất vọng Gopinath gầm lên:
– Tôi bảo cô đưa chìa khóa cho tôi, nếu không sẽ có chuyện đấy.
Nàng không đáp. Anh ta túm lấy nàng, vặn cánh tay nàng, giật vòng tay, vòng cổ của nàng, đấm đá nàng rồi bỏ đi.
Không một ai trong nhà thức dậy, không một ai ở gần để biết chuyện gì đã xảy ra, đêm trăng vẫn tĩnh lặng như trước, sự thanh bình dường như bao trùm không gian và không thể bị phá vỡ. Nhưng nếu ai đó có thể nghe thấy tiếng nhịp đập của trái tim Giribala thì người đó sẽ nhận thấy sự thanh bình và đêm sáng trăng ở Caitra đã bị tiếng gào thét dữ dội lặng câm đầy đau đớn phá vỡ. Ôi, sự im lặng tuyệt đối ấy, nỗi buồn xé lòng khủng khiếp ấy!
Đêm nào rồi cũng qua, thậm chí cả cái đêm đau đớn đó. Giribala không thể tâm sự với ai về nỗi nhục nhã và sự thất bại của nàng, ngay cả với Sudho cũng không. Nàng đã nghĩ đến việc tự vẫn, nghĩ đến việc hủy hoại sắc đẹp vô song của mình, để trả thù cho tình trạng không được yêu. Nhưng rồi nàng hiểu ra rằng làm thế chẳng ích gì, dù nàng có làm thế, điều đó cũng chẳng ảnh hưởng gì đến thế giới, sẽ chẳng một ai cảm thấy mất mát. Chẳng có niềm vui trong sự sống, nhưng chẳng có sự an ủi nào trong cái chết cả.
“Mình sẽ quay về sống với cha mẹ đẻ,” Girabala nói. Nhà cha mẹ nàng cách xa Calcutta. Mọi người khuyên nàng đừng đi, nhưng nàng không nghe lời khuyên của ai hết và cũng chẳng cho ai theo cùng. Trong khi đó Gopinath mải mê với chuyến du thuyền cùng đám bạn chí cốt, chẳng ai biết anh ta đi đâu.
II
Gopinath hầu như không bỏ sót một vở kịch nào của nhà hát Gandharva. Labanga đóng vai chính trong vở Manorama. Gopinath và đám bạn của anh ta ngồi ở hàng ghế đầu, cổ vũ và ném những túi tiền nhỏ lên sân khấu. Sự ồn ào mà họ tạo ra đôi khi gây khó chịu cho những khán giả khác. Nhưng những người quản lý nhà hát chẳng bao giờ có đủ can đảm để ngăn cản họ.
Một hôm, sau khi đã uống say, Gopinath vào phòng thay đồ của diễn viên gây náo loạn ở trong đó. Không hiểu sao anh ta nghĩ anh ta bị một diễn viên coi thường và thế là anh ta vào trong đó tấn công cô diễn viên ấy. Cả nhà hát bị khuấy động bởi những tiếng kêu thét của cô diễn viên và những tiếng chửi rủa của Gopinath. Những người quản lý nhà hát không thể chịu đựng hơn được nữa. Cảnh sát được gọi tới để tống cổ anh ta đi.
Gopinath quyết tâm trả thù cho sự xúc phạm đó. Một tháng trước ngày lễ puja, những người quản lý nhà hát thông báo với toàn thể công chúng rằng sẽ lại có một đợt công diễn vở Manorama. Khắp Calcutta đâu đâu cũng có những tấm áp phích quảng cáo cho các xuất diễn, cứ như thể vị nữ thần của thành phố đang quàng tấm khăn namabali có in tên tác giả của vở kịch. Nhưng trong khi đó Labanga, diễn viên chính của vở kịch, lại mất hút trong chuyến rong chơi bằng thuyền cùng với Gopinath.
Ban quản lý nhà hát vô cùng bối rối. Họ đợi vài ngày, nhưng cuối cùng buộc phải để một nữ diễn viên mới thử đóng vai Monorama, và buộc phải lùi ngày công diễn mở màn. Điều đó chẳng gây thiệt hại gì. Nhà hát vẫn đầy ắp khán giả. Hàng trăm người không mua được vé xem kịch. Các nhà phê bình tỏ ra thích thú tin này bay đến tai Gopinath mặc dù anh ta đang ở xa. Anh ta không thể rong chơi được nữa. Bồn chồn vì tò mò, anh ta quay trở lại Calcutta để xem vở kịch.

Minh họa: Sưu tầm

Trong nửa đầu của vở kịch, màn sân khấu được kéo lên cho thấy cảnh Manorama ở nhà chồng, vận trang phục giống như một người hầu, làm việc nhà với vẻ nhút nhát, e sợ, lặng lẽ và luôn giấu khuôn mặt của nàng đi. Trong nửa sau của vở kịch, người chồng tham lam đuổi nàng về nhà cha mẹ đẻ để anh ta có thể cưới con gái của một triệu phú. Sau đám cưới anh ta ngắm nghía cô dâu mới và phát hiện ra rằng đó chính là Manorama, lần này nàng không mặc như một người hầu mà như một nàng công chúa, vẻ đẹp không gì sánh nổi của nàng, vẻ đẹp được tô điểm bằng những đồ trang sức và váy áo lộng lẫy, tỏa sáng. Hóa ra ngày bé nàng đã bị bắt cóc và bị đẩy vào cảnh nghèo khó. Nhiều năm sau, cha mẹ nàng tìm được nàng và chuộc nàng về. Giờ đây nàng kết hôn với chồng nàng lần thứ hai. Cảnh báo thù sau đám cưới bắt đầu.
Các khán giả có mặt trong nhà hát được một phen hoảng hồn. Trong khi khuôn mặt của Manorama được giấu sau tấm mạng bẩn thỉu của người hầu, Gopinath ngồi im lặng. Nhưng khi nàng đứng dậy trong phòng tân hôn với vẻ đẹp mê hồn, vén mạng lên, lộng lẫy trong sắc lụa đỏ, rạng rỡ với những đồ trang sức, nghiêng đầu với vẻ kiêu hãnh khôn tả, đưa mắt nhìn các khán giả, đặt biệt là Gopinath, bằng cái nhìn khinh bỉ, sắc như tia chớp, khiến mọi trái tim trong nhà hát đập thon thót và cả nhà hát rung lên bởi những tràng pháo tay. Đó là lúc Gopinath nhảy dựng lên và thét lớn: “Giribala, Giribala!” Anh ta chạy khỏi chỗ ngồi, cố nhảy lên sân khấu, nhưng các nhạc công đã chặn anh ta lại.
Tức giận vì kịch đang hay lại bị gián đoạn, khán giả la ó bằng tiếng Anh và tiếng Bengali: “Tống cổ anh ta ra ngoài đi, tống cổ anh ta ra ngay đi.”
Thở hắt ra như một gã điên, Gopinath gào lên: “Tôi sẽ giết cô ta, tôi sẽ giết cô ta.”
Cảnh sát tới, lôi anh ta ra khỏi nhà hát. Cả thành phố Calcutta tiếp tục say sưa thưởng thức vở kịch của Giribala, chỉ riêng Gopinath là không.

Rabindranath Tagore
Nguyễn Bích Lan (Dịch)
(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam, Số 1/2020)