Tôi theo chân đoàn văn nghệ sĩ và cán bộ, nhân viên cơ quan Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật (VHNT) Nghệ An về thăm rừng Lim xã Lăng Thành, huyện Yên Thành trong một ngày đầu tháng 6/2022. Đây là lần đầu tiên tôi được về rừng Lim, nơi cách đây 55 năm, trong những ngày hè oi bức, dưới bầu trời luôn chứa đựng hiểm nguy từ máy bay Mỹ, đã diễn ra Đại hội thành lập Chi hội VHNT Nghệ An, tiền thân của Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An ngày nay.

Đoàn cán bộ viên chức Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An và các văn nghệ sĩ thăm rừng Lim, xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, nơi diễn ra đại hội thành lập Chi hội VHNT Nghệ An năm 1967.

Nhà thơ Hồ Mậu Thanh – Chủ tịch Hội, nguyên là một lãnh đạo ngành văn hóa nên ông rất hiểu giá trị tinh thần của mảnh đất thiêng này, ông đã dặn dò anh em văn phòng Hội rất cụ thể, chi tiết từ lịch trình công tác đến chuẩn bị hương hoa… Mới sáng sớm, mọi người đã tề tựu đông đủ để chuẩn bị cho chuyến hành hương đầy ý nghĩa. Xe khởi hành từ thành phố Vinh lúc 7g sáng ngày 06/6.

Điều làm tôi khá bất ngờ là tình cảm nồng hậu, sự trân trọng di tích của lãnh đạo địa phương với nơi diễn ra sự kiện thành lập Hội VHNT tỉnh. Ông Nguyễn Văn Hải – Bí thư Đảng ủy xã Lăng Thành, ông Nguyễn Hồ Sơn – Chủ tịch UBND xã, đã cùng đoàn đi vào rừng Lim thăm lại chứng nhân lịch sử của Hội. Ông Hải tự hào cho biết, Lăng Thành là địa phương vinh dự được đón hai đơn vị văn hóa lớn trong những năm chống Mỹ là Khoa Sử Trường Đại học Sư phạm Vinh và Hội VHNT tỉnh. Địa phương mong rằng tỉnh sẽ sớm xây dựng một bia dẫn tích để ghi nhớ những năm tháng không thể nào quên của xã nhà trong dòng lịch sử chung của tỉnh.

Nhà thơ Dương Huy và Huy Huyền (người thứ 2, thứ 3 từ trái sang) là hai hội viên sáng lập trò chuyện cùng các văn nghệ sĩ tại rừng Lim.

Sau chừng mươi phút chạy xe, chúng tôi đã đến nơi. Rừng Lim vẫn còn đó trong bát ngát màu xanh. Có nhiều loài cây to lớn nhưng bao phủ vẫn là những cây lim già, tán lá xum xuê che mát một vùng trời. Cây lá bỗng đung đưa như gặp lại người xưa về thăm chốn cũ, xa xa, tiếng chim rừng hòa điệu với tiếng cười nói xôn xao. Ông Nguyễn Hồ Sơn – Chủ tịch UBND xã cho biết rừng Lim hiện nay rộng khoảng 100 ha, đây vừa là khu bảo tồn thiên nhiên vừa là lá phổi xanh của xã. Rừng Lim cũng là chứng nhân lịch sử chứng kiến nhiều sự kiện của xã từ thời chiến tranh chống Mỹ. Năm xưa, đây cũng là nơi xã xây dựng trường học cho nhiều thế hệ học sinh để tránh bom Mỹ.

Nhà thơ Dương Huy và nhà thơ Huy Huyền là hai hội viên sáng lập Hội VHNT tỉnh đi sát bên nhau. Chính tại nơi này cách đây 55 năm các ông là những chàng trai trẻ trung đầy nhiệt huyết mang theo khát vọng xây dựng nền văn nghệ địa phương phát triển. Giờ đây nhà thơ Huy Huyền đã bước sang tuổi 93, Dương Huy bước sang tuổi 84, họ vẫn nhớ như in cái ngày hơn một trăm con người ở những vùng quê khác nhau không chùn bước trước bom đạn kẻ thù, không quản ngại đường xa vất vả và hiểm nguy trở về rừng Lim này dự đại hội với bao nhiêu háo hức.

Nhà thơ Huy Huyền (bên phải) trò chuyện cùng nhà thơ Lăng Hồng Quang tại rừng Lim. Ảnh: Lang Quốc Khánh.

Nhà thơ Huy Huyền chỉ cho thế hệ hậu sinh: Đây là nơi dựng lán đại hội, lán được đào âm xuống, xung quanh là hào để tránh bom Mỹ. Các đại biểu về dự đại hội đều phải đi dưới đường giao thông hào này. Ngày xưa rừng Lim rậm rạp lắm, đường vào rừng Lim từ trung tâm huyện rất xa, mưa thì trơn, đất bẩn, nắng thì bụi và gồ ghề. Đại hội năm ấy vinh dự được đón tiếp nhà thơ Xuân Quỳnh từ Hà Nội lặn lội về dự.

Nhà thơ Dương Huy nhớ lại: từ năm 1965, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy đã thành lập Ban vận động thành lập Chi hội VHNT tỉnh, nhà thơ Minh Huệ làm Trưởng ban, nhà thơ Trần Hữu Thung làm Phó ban, nhà thơ Bùi Hiển làm Ủy viên. Trong thời gian đó, tờ báo “Chiến thắng” của Ty Văn hóa cũng ra mắt nhằm đẩy mạnh hoạt động sáng tác văn nghệ.

Mãi tới năm 1967, Đại hội thành lập Chi hội VHNT Nghệ An mới diễn ra từ ngày 21 đến 24 tháng 6. Hơn một trăm người gồm các văn nghệ sĩ, lãnh đạo tỉnh, khách mời trung ương về dự. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 27 người do nhà văn Bùi Hiển làm Chi hội trưởng, hai nhà thơ Minh Huệ và Trần Hữu Thung làm Phó Chi hội trưởng. 27 văn nghệ sĩ năm ấy sau này đã được tôn vinh là hội viên sáng lập để ghi nhớ công lao xây dựng Hội.

Dưới tán lá xanh của rừng Lim, thế hệ văn nghệ sĩ hôm nay chăm chú lắng nghe những câu chuyện đời, chuyện văn chương của thế hệ cha anh. Tôi ngước nhìn bầu trời, trời quê hương vẫn xanh trong, bình yên và thăm thẳm, không còn nữa bóng dáng những cánh diều hâu đầy hiểm họa và chết chóc đe dọa. Không gì xanh bằng màu xanh của rừng lá, không gì cứng như lim, phải chăng, người nghệ sĩ bao đời nay vẫn vậy, mong manh, nhỏ bé nhưng ẩn chứa sự cứng cỏi, kiên cường.

Trần Hữu Vinh