II. ĐẾN SÂN KHẤU PHỤC VỤ KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP

(Thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954)

Cách mạng Tháng Tám thành công, Nghệ An và Hà Tĩnh nhanh chóng cùng cả nước thiết lập bộ máy chính quyền cách mạng và khẩn trương xây dựng đời sống mới. Tháng 10/1945, các Khu, sau gọi là Chiến khu, Liên khu được thành lập. Khu 4 bao gồm các tỉnh từ Nghệ An tới Thừa Thiên; từ tháng 7/1947, bao gồm cả tỉnh Thanh Hóa.

Thực hiện quan điểm của Đảng, chính quyền cách mạng đánh giá cao vai trò của các hoạt động thông tin, văn hóa nghệ thuật. Ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đều có Ty Thông tin tuyên truyền và lập tức đi vào hoạt động. Trong tuần lễ vàng (bắt đầu từ 4/9/1945), ở Nghệ An, Ty Thông tin tuyên truyền đã tổ chức xây dựng và diễn nhiều vở kịch ngắn. Đoàn kịch Anh Vũ khi lưu diễn đến Vinh, theo yêu cầu của chính quyền địa phương, Thế Lữ đã viết và dựng các vở kịch ngắn “Phan Đình Phùng tiếp sứ”, “Ông đồ Giáp – Bagin”, “Người loong toong trong sở mật thám” để cổ vũ tinh thần yêu nước, động viên đồng bào xây dựng chính quyền cách mạng, tích cực thực hiện công cuộc chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Đây là những vở diễn đầu tiên được xây dựng dưới sự chỉ đạo của chính quyền cách mạng tỉnh Nghệ An.

Đầu năm 1946, Sở Thông tin tuyên truyền Liên khu IV, đang đóng trụ sở tại Nghệ An đã thành lập Đoàn Tuyên truyền kháng chiến, còn gọi là Đoàn Kịch tuyên truyền kháng chiến vì chủ yếu dàn dựng các tiết mục kịch để tuyên truyền. Được một thời gian ngắn thì Khu IV giải thể Đoàn Tuyên truyền kháng chiến để sau đó thành lập Liên đoàn Ca Kịch kháng chiến do Đào Mộng Long là Trưởng đoàn. Sở dĩ thành lập liên đoàn này vì ngoài mục đích phục vụ kháng chiến còn để tập hợp lực lượng nghệ sỹ của nhiều đoàn kịch, cải lương từ Hà Nội và các nơi về Khu 4, nhất là Thanh Hóa lúc này là vùng tự do.

Tháng 12/1947, cơ quan lãnh đạo Chiến khu IV, lúc này do Tướng Nguyễn Sơn làm Khu trưởng kiêm Chính ủy, đang đóng ở Nghệ An, đã quyết định thành lập Đoàn Văn công Bộ Tư lệnh Chiến khu IV (gọi tắt là Văn công Tư lệnh 4), do họa sỹ Phạm Văn Đôn làm Trưởng đoàn. Lực lượng của đoàn khá hùng hậu, bao gồm các nghệ sỹ từ Khu III vào, từ Huế ra hội quân cùng các nghệ sỹ của Thanh Nghệ Tĩnh, trong đó có nhiều văn nghệ sỹ nổi tiếng như Thanh Tịnh, Đào Mộng Long, Xuân Bình, Vĩnh Tường, Đình Quang, Minh Trâm, Phùng Quán, Nguyễn Thị Kim, Trúc Quỳnh, Đặng Văn Khoáng, Cao Xuân Hạo, Hoàng Uẩn, Bửu Tiến, Chu Ngọc, Phạm Văn Chừng… Các bộ môn nghệ thuật gồm có: ca, múa, nhạc, tuồng, chèo, kịch nói.

Ngay sau khi thành lập, đoàn đã nhanh chóng sáng tác, tập luyện và tổ chức biểu diễn phục vụ chiến sỹ và đồng bào. Tháng 3/1948, Đại hội Văn nghệ toàn liên khu được tổ chức.

Năm 1948, Đoàn Kịch Giải phóng và một số văn nghệ sĩ ở Việt Bắc vào Liên khu IV, tiếp tục bổ sung lực lượng cho Liên khu, trong đó có Phạm Đình Viêm, Phạm Đình Chương (Hoài Trung, Hoài Bắc), Thái Hằng.

Tháng 3-1949, theo lệnh của Thiếu tướng Nguyễn Sơn, một lớp văn nghệ quân đội được triệu tập ở Thanh Hóa gồm trên 70 chiến sĩ làm công tác văn nghệ của ba trung đoàn: 77 (Thanh Hóa), 9 (Nghệ An) và 18 (Hà Tĩnh) cùng các thành viên Đoàn Kịch Giải phóng mới ở Việt Bắc vào… Hiệu trưởng là nhà văn Nguyễn Đình Lạp; giáo viên kịch có Chu Ngọc, Trọng Miên, Trúc Quỳnh, Hoàng Uẩn; giáo viên nhạc: Lê Yên, Phạm Văn Chừng, Phạm Duy; giáo viên họa: Sỹ Ngọc, Phạm Văn Đôn; giáo viên văn: Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Đức Quỳnh…

Cũng trong tháng 3/1948, Đại hội Văn nghệ toàn Liên khu được tổ chức đã thành lập Đoàn Văn nghệ kháng chiến Liên khu IV do nhà văn Nguyễn Xuân Sanh làm Chủ tịch.

Chi hội Văn nghệ Liên khu VI thành lập năm 1948, Chi hội trưởng Lưu Trọng Lư, trong BanTthường vụ có Hải Triều, Hoàng Trung Thông, sau bổ sung Chế Lan Viên, Bùi Hiển. Chi hội ra tờ báo Thép mới, thành lập Đoàn Văn công Liên khu IV (dân sự), mở nhiều lớp học, trại sáng tác, xuất bản nhiều sách, tranh ảnh…

Trước khi lập chi hội, tại đây đã có Đoàn Văn hóa kháng chiến Liên khu IV do Đặng Thai Mai đứng đầu, trụ sở ở làng Quần Tín, Thanh Hóa, thu hút nhiều văn nghệ sĩ, nhà hoạt động văn hóa. Đoàn đã mở 3 khóa Văn nghệ kháng chiến, mỗi khóa 4 tháng (khóa 1 khai giảng 2/10/1947; khóa 2 – tháng 6/1948; khóa 3 – tháng 2/1949) do Đặng Thai Mai là Hiệu trưởng; giảng viên là Đặng Thai Mai, Tố Hữu, Tôn Quang Phiệt, Hải Triều, Nguyễn Văn Tỵ, Sỹ Ngọc, Nguyễn Lương Ngọc, Đào Duy Anh, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Tuân, Lưu Quý Kỳ, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Xuân Sanh, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Thị Kim, Lê Yên, Vũ Ngọc Phan.

Sau khi thành lập (7/1948), Hội Văn nghệ Việt Nam đã thành lập Đoàn Sân khấu Việt Nam. Đoàn Sân khấu lập Đoàn Kịch Chiến thắng, dựng diễn một số vở kịch của Bùi Huy Phồn, Thế Lữ, Thanh Tịnh, Lưu Quang Thuận, biểu diễn nhiều nơi trong chiến khu Việt Bắc và các tỉnh ở Liên khu III, Liên khu IV, trong đó có ở Nghệ An và Hà Tĩnh.

Tại Đại hội liên hoan Văn công toàn quốc tại Hà Nội (15 – 20/1/1955), Đoàn Văn công Liên khu IV đã được Chính phủ tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.

Sự có mặt của các tổ chức văn nghệ Liên khu IV, trong đó có Đoàn Văn công Liên khu đã không chỉ phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần của chiến sỹ, đồng bào mà đã góp phần rất quan trọng làm cơ sở nền tảng để từng bước hình thành nền nghệ thuật chuyên nghiệp, trong đó có sân khấu của các địa phương, trong đó có Nghệ An và Hà Tĩnh. Nhiều diễn viên, nghệ sỹ của đoàn về sau đã gia nhập các các đoàn nghệ thuật của Nghệ An và Hà Tĩnh như Hoàng Thọ (Phạm Phúc Thọ), Lê Tiến Dũng, Hồ Thị Thanh Nghệ (văn công Trung đoàn 74)

Cũng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, mặc dù chưa có các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp do chính quyền các tỉnh thành lập nhưng ở Nghệ An và Hà Tĩnh đã có các đội tuyên truyền xung kích của ngành văn hóa thông tin kết hợp giữa tuyên truyền và văn nghệ, trong đó ngoài các tiết mục ca nhạc là các tiểu phẩm sân khấu, các vở kịch ngắn. Hình thức này đã tiếp tục phát huy trong thời kỳ thực hiện cải cách ruộng đất (1954 – 1955).

(Còn nữa)

Thảo Nguyên