- Vì sao phải đặt ra vấn đề về sự chân thật của thơ?
Bài viết này tôi viết từ góc độ của một độc giả, từng đọc rất nhiều. Từ nhỏ tôi đã đọc những cuốn tiểu thuyết để đời, những kiệt tác thơ của các tác gia. Tất nhiên, khi đọc các tác phẩm lớn của các tác gia thì tôi không phải bận tâm gì đến sự chân thật trong tác phẩm. Vấn đề này chỉ được quan tâm sau này, khi tôi đọc thơ, văn của bạn bè văn chương và của các tác giả thời hiện đại. Vì vốn dĩ, vấn đề phải tồn tại thì ta mới có thể quan tâm.
Vấn đề này đúng ra phải nói cho cả văn xuôi. Nhưng do khuôn khổ một bài báo, tôi chỉ đặt ra cho thơ. Và là thơ của các nhà thơ “chuyên nghiệp”, ý là các nhà thơ có tên ở Hội văn học nghệ thuật các tỉnh hay Trung ương.
Mạng xã hội phát triển. Nhiều khi gặp gỡ, đọc, bình luận trên mạng thay cho sinh hoạt hội họp với bạn văn chương. Tôi nhận thấy, mạng xã hội đã biến mọi người dùng thành những người không chỉ biết làm thơ, nhiều người trong đó còn làm thơ rất đáng nể. Khiến cho, thơ của các nhà thơ “chuyên nghiệp” lơ mơ là lẫn vào trong đó không có chút “mã vạch” nào để phân biệt. Tất nhiên, sự đáng nể này không nằm ở số like, hay số bình luận khen ngợi. Thơ đăng trên mạng xã hội, giống như hàng bày chợ, rất khó để tìm được “người mua” tinh tường, biết giá trị hàng hiệu. Nhưng nếu ta là nhà thơ chuyên nghiệp, mà thơ của ta lại là hàng chợ, thì có thể số like số coment vẫn nhiều trăm, nhưng sự thừa nhận của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình đích thực không có. Nói chuyện hàng hiệu, cũng có nhiều hạng. Có hàng hiệu dành cho những đại gia tỷ phú, cũng có hàng có hiệu chỉ dành cho bình dân thành thị có chút phong lưu. Thơ cũng vậy. Tuy nhiên việc phân loại nó còn tùy thuộc vào cảm thức của từng người.
Có những tác giả viết nhanh, viết nhiều, ngôn từ bóng bẩy, sắc sảo. Đọc thơ họ thì ta thấy cũng “vào”, cũng “thích”. Nhưng đọc xong rồi thì quên luôn. Nhà thơ Lê Quốc Hán nói: Thơ đó được viết bằng mắt, bằng tai; không được viết bằng tâm hồn.
Có lần, một người bạn, vốn giáo viên văn chương, hỏi tôi là có nên dấn thân cho thơ? Tôi nói: Bạn thì có năng khiếu (thơ) rồi. Nhưng bạn có hy sinh được cuộc sống êm đềm để lấy một cuộc sống khổ đau không? Bạn có sẵn sàng bạc tóc để có được một câu thơ mà ai cũng nhắc, cũng đọc khi gặp nhau? Bạn ấy bảo: Thôi! Tôi nói: Vậy cứ làm thơ câu like thôi. Cho những năm tháng hưu trí đỡ buồn.
Thơ là tiếng nói của tình yêu, của nỗi đau. Nên khi nào ta thực sự yêu, khi nào ta thực sự đau, thì khi đó thơ ta sẽ thật là thơ, thơ ta mới là tiếng nói chân thật của tâm hồn, và thơ ta mới thực sự lan truyền những cơn sóng, gây bão, găm lại trong lòng độc giả.
- Thế nào là sự chân thật của/trong thơ?
Có mấy thuộc tính cơ bản của sự chân thật:
- Việc viết nên những câu thơ phải xuất phát từ nhu cầu tự thân. Nỗi niềm, vấn đề phải trở thành một nguồn năng lượng chỉ chực tuôn ra đầu ngòi bút.
- Sự phản ánh bằng ngôn từ phải chuẩn xác là những gì ta muốn nói, muốn giãi bày, muốn giải tỏa.
- Có một thế giới quan và kiến thức sâu rộng để có thể tiếp cận được gần nhất với bản chất sự vật.
Bài thơ sẽ không có sự chân thật khi nó không thỏa mãn một trong ba điều trên. Tức là khi ta chưa thật sự có nhu cầu viết; chưa thật hiểu về điều ta muốn viết; viết không bởi nhu cầu tự thân (chẳng hạn bởi sự mong muốn danh tiếng là nhà thơ, bởi phân công của tổ chức, cá nhân). Vậy nên mới có tình trạng có những bài thơ, câu thơ, đọc lên rồi đố ai biết được tác giả muốn viết về điều gì. Đám trẻ hay nói: Biết được chết liền! Có sự khác nhau giữa những câu thơ mới mẻ về ý tưởng, sâu sắc về thế giới quan tạo ra sự khó hiểu cho người đọc với những câu thơ vô nghĩa không có gì để mà hiểu. Xin không lấy ví dụ.
Có những bài thơ được viết bởi một ngòi bút có kỹ năng, có cảm xúc, nhưng tác giả lại như một người đánh cá không dám ra khơi, chỉ luẩn quẩn ven bờ. Nên những câu thơ cũng chỉ là những cơn sóng dễ thương mà nông nổi, không đủ sức lan truyền thành sóng trong lòng người đọc, làm cho người ta phải rung động cả khi đã gấp trang thơ lại. Lại có cả những bài thơ tuy tác giả có cảm xúc thật đấy, nhưng không có kỹ năng ngôn từ, cũng không đủ nội lực để ra khơi, nên bài thơ trở thành mờ nhạt.
Viết đến đây, nhớ đến bài thơ Nhân dân của Nguyễn Trọng Tạo, tôi tự hỏi: có hay không, những người mà sự đau đời đã trở thành một khối than rực cháy trong tim, nhưng không dám viết? Vì thế, những tác phẩm để đời lẽ ra được sinh ra đã không được khai sinh? Chắc không! Tài năng của người cầm bút không đi liền với sự tính toán, sự nhút nhát.
- Sự chân thật sẽ đem lại điều gì cho tác phẩm thơ?
3.1. Khi ta chân thật, ngôn ngữ của ta sẽ tự khắc trở thành một nguồn năng lượng, chạm được đến tầng sâu nhất có thể của nhận thức và tình cảm của người đọc
Điều này thực sự hiện hữu. Ví dụ bài thơ Sông Lam của nhà thơ Trần Mạnh Hảo mà nhiều người đánh giá là bài thơ hay nhất về xứ Nghệ, đọc lên câu nào ta cũng cảm thấy như tác giả đã cháy hết mình khi làm người khách nồng nàn trên đất Nghệ. Như ta thấy ở mấy câu kết của bài thơ:
“…Sông Lam ăn cát mà xanh, uống trời mà mát
Trăng cháy hết lòng sâu quyết liệt cả cơ hàn
Người giàu có nên đất nghèo khô khát
Kìa gió lào thổi cong sông Lam…”
Còn đây là bài thơ của Nguyễn Trọng Tạo: Đồng dao cho người lớn:
“có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi
có con người sống mà như qua đời
có câu trả lời biến thành câu hỏi
có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới
có cha có mẹ có trẻ mồ côi
có ông trăng tròn nào phải mâm xôi
có cả đất trời mà không nhà ở
có vui nho nhỏ có buồn mênh mông
mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ
mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió
có thương có nhớ có khóc có cười
có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi”.
Bài thơ này được rất nhiều người yêu thích, một thời thường được những người yêu thơ đọc trong những cuộc vui. Mỗi người hiểu bài thơ ở một góc độ khác nhau. Có thể hiểu đúng với hàm ý của tác giả, cũng có thể ý tại ngôn ngoại. Tuy nhiên, vẻ đẹp của bài thơ là điều mà người đọc ai cũng thấy.
Vẻ đẹp đó được tạo nên bởi sự say đắm và nỗi day dứt trước nghịch lý của cuộc đời. Vì say đắm lắm nên nhìn thấy cuộc đời rất đẹp: có cánh rừng chết rồi mà vẫn còn xanh trong ký ức, có đất trời mênh mông, có con thuyền trôi lờ lững trên sông, và có bãi cỏ non xanh tận chân trời… và có người con gái để thương để nhớ cho ta. Cũng vì say đắm quá nên nhà thơ đã nhìn cuộc đời quá kỹ – kiểu như ngắm người yêu, để rồi nhìn thấy những ngịch lý, những điều làm thất vọng: có câu trả lời hóa thành câu hỏi/ có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới/ có cha có mẹ có trẻ mồ côi/ có ông trăng tròn nào phải mâm xôi/ mà vui thì nho nhỏ, buồn thì mênh mông… và “có thương có nhớ có khóc có cười/ có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi”. Ồ! Câu thơ sâu thăm thẳm, như thể nó chứa đựng cả một chiều dài ngàn năm trong nó. Vì sao thế? Vì người con gái ta gặp đã để thương để nhớ cho ta, rồi vì thế mà cũng làm ta khi cười, khi khóc. Và cái chớp mắt của nàng lần đầu gặp mặt, đã hút hồn ta, làm ta ngỡ như ta đã gặp nàng cả một ngàn năm rồi. Câu thơ này cũng ẩn chứa một triết lý vô cùng sâu sắc của triết học Phật giáo: Thời gian chỉ tồn tại trong tâm thức con người – một loài hữu tình biết tư duy, và vì thế, nó có tính tương đối. Có khi, một cái chớp mắt là cả ngàn năm. Và có khi ngàn năm cũng chỉ là cái chớp mắt. Vẻ đẹp của bài thơ cũng chính là sự chân thật của bài thơ vậy.
3.2. Một tác phẩm đạt được đến gần nhất với bản chất của sự vật mà chúng ta hay nói theo cách quen thuộc là tác phẩm có chiều sâu
Khi đó nhận thức của người đọc đối với tác phẩm sẽ có nhiều tầng nấc, phụ thuộc vào trí tuệ, căn cơ và cả cái duyên của người đọc với tác giả, tác phẩm.
Như ta thấy ở bài thơ Ông già nghễnh ngãng của Thạch Quỳ:
“Chạy đến ga cuối cùng, con tàu dừng lại
Ông già không xuống tàu
Quay về ga đầu tiên, con tàu dừng lại
Ông già không xuống tàu
Người lái tàu hỏi: Ông già về đâu?
Ông già hỏi: Con tàu về đâu?
Ga cuối, ga đầu
Ga đầu, ga cuối
Ông già nói lảm nhảm
Người bán vé tàu cứ bán…
Chạy đến ga cuối cùng, con tàu quay lại
Chạy về ga đầu tiên, quay lại con tàu
Người lái tàu không hỏi thêm gì nữa
Rằng ông già nghễnh ngãng
Đi đâu?
Và
Về đâu?”
Khi gặp bài thơ lần đầu tiên, tôi nhìn thấy, rất rõ ràng, một linh hồn già nua luân hồi từ kiếp này qua kiếp khác, kiếp sau lặp lại kiếp trước: không mục tiêu, không phương hướng, nghễnh ngãng, ngu ngơ… Ở đây người lái tàu chính là cỗ máy vận hành cuộc sống, cũng có lúc nào đó nó có lý do khi tái tạo một kiếp sống: Người lái tàu hỏi: Ông già về đâu? Nhưng phần lớn, cỗ máy này cũng chẳng cần có chủ đích gì: Người bán vé tàu cứ bán/…/Người lái tàu không hỏi thêm gì nữa. Nó cứ vận hành con tàu, trở đi, trở lại, và những chúng sinh cứ bị xô đẩy, kết thúc cuộc sống này để lại bắt đầu kiếp sống khác. Có phải vậy không? Rằng: chúng ta đã đi qua cuộc đời này, tưởng là thông tuệ nhưng thật ra rất nghễnh ngãng ngu ngơ? Tưởng có mục tiêu chí hướng, nhưng thật ra chỉ hoàn toàn thụ động, bị số phận dẫn dắt?
Bài thơ cho thấy, ngoài “sự mẫn cảm thiên phú về thơ” (đánh giá của nhà phê bình Thái Doãn Hiếu trong Thi nhân Việt Nam hiện đại), thì có một trình độ tâm linh đáng nể của nhà thơ. Nhận thức cuộc sống qua con mắt tâm linh luôn gần nhất với bản chất sự vật. Vì thế, thơ Thạch Quỳ luôn đầy sự thông tuệ và cuốn hút người đọc.
Có một dạo, tôi thấy một số nhà thơ của chúng ta ngẫu nhiên cùng yêu thích bài thơ và bình nó trên mạng Facebook. Tuy nhiên, tôi cũng thấy mỗi người nhìn bài thơ mỗi khác. Không sao! Cái chính là bài thơ đã đạt đến độ chân thực sâu sắc, để cho dù không hiểu đúng về nó, người ta cũng yêu thích nó.
Còn đây là bài thơ trong tập thơ May của nhà thơ, PGS.TS Lê Quốc Hán “Tiếng hót”:
“Có thể đến từ núi cao rừng thẳm
dang lạc bầy khản giọng hót tìm nhau
có thể đến từ đồng hoang bãi vắng
véo von ca trước sự sống nhiệm mầu
dẫu đôi lần dính mũi tên hòn đạn
vẫn trong veo tiếng hót thuở ban đầu
trong hữu hạn gắng tìm ra vô hạn
để tình người chạm đến đáy thẳm sâu
rồi một mai héo trên cành cổ thụ
gửi lời ca trong tiếng lá xạc xào
xác tan biến dạt ra ngoài vũ trụ
hồn vẫn còn thánh thót hót trên cao.”
Những bài thơ đặc sắc nhất của Lê Quốc Hán là những bài thơ được viết nên từ những cảm xúc của một người thơ trí thức và mang một thế giới quan, nhân sinh quan của triết học tôn giáo. Bài thơ Tiếng hót có giản dị hơn. Tuy vậy, nó cũng là một tuyên ngôn về tình yêu đối với cuộc đời, đối với sự sống nhiệm màu mà Đấng Sáng Thế đã sáng tạo ra.
Nói về những loài chim, mượn tiếng hót của chúng, tác giả muốn nói đến chính mình, nói đến những bài thơ, câu thơ của mình: có thể đến từ núi cao rừng thẳm/đang lạc bầy khản giọng hót tìm nhau/ có thể đến từ đồng hoang bãi vắng/ véo von ca trước sự sống nhiệm mầu.
Dẫu cuộc đời có chông gai, có khi đau thương, vẫn nguyện hót tiếng hót trong veo – tiếng hót của thiện lương. Dẫu cuộc đời có bị giới hạn bởi những cơm áo, bởi những “vụn vặt đời thường”, vẫn nỗ lực để vươn tới một tình yêu rộng lớn, nỗ lực để có thể thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia: “dẫu đôi lần dính mũi tên hòn đạn/vẫn trong veo tiếng hót thuở ban đầu/ trong hữu hạn gắng tìm ra vô hạn/ để tình người chạm đến đáy thẳm sâu”.
Bốn câu thơ này, những ai từng trải qua chiến tranh, trải qua thập niên 80 đói khổ của thế kỷ trước, đọc sẽ thấy thật cảm động với cái tâm hồn lành thiện mà sâu sắc của nhà thơ. Ở đây, thế giới quan của một nhà toán học trộn với thế giới quan của một tín đồ Cơ Đốc giáo, đã tạo ra câu thơ ấn tượng:“trong hữu hạn gắng tìm ra vô hạn/ để tình người chạm đến đáy thẳm sâu”
Và dù là với những ngôn từ giản dị thì tuyên ngôn vẫn mang một tư tưởng rộng lớn:
“rồi một mai héo trên cành cổ thụ
gửi lời ca trong tiếng lá xạc xào
xác tan biến dạt ra ngoài vũ trụ
hồn vẫn còn thánh thót hót trên cao”
Là một nhà toán học, một tín đồ Cơ Đốc giáo, và với tâm hồn một thi sĩ, thơ của Lê Quốc Hán luôn đạt đến độ chân thực để: thơ yêu làm cho người ta muốn yêu, thơ quê làm cho người ta nhớ quê, và thơ về nhân tình thế thái làm cho người ta muốn trở thành triết gia.
- Khi nào thì có được sự chân thật của thơ?
4.1. Khi tình yêu hay nỗi đau đủ độ. Tạo nên một khối năng lượng nóng chảy chỉ chực tuôn trào như nham thạch
Bài thơ Bài ca về một con thuyền của Nguyễn Thị Phước là điển hình về một tình yêu và nỗi đau như thế:
“Đã tự hứa, đã học quên, tập an nhiên, cố neo thuyền vào bến
Vẫn không thể thoát là mình
Lại muốn căng lá buồm cũ nát
Lại muốn đón sóng triều mặn chát
Làm vỡ mình bởi đá ngầm
Tự băng bó
Tự ru mình
Hoan lạc trong nỗi đau
Góp vào gió một tiếng hú gọi
Thao thiết
Man dại
Đắm say!
Biết rằng sẽ trở về với những mảnh vỡ
Vẫn khát ra khơi!”
Lấy con thuyền rạn vỡ, với một cánh buồm cũ nát, để nói con tim của người nữ nghệ sĩ này trong tình yêu, tôi cho là không có gì chuẩn xác hơn: Con tim đau thương, dũng cảm, khát vọng dâng hiến.
Ai trong chúng ta không nhiều lần thất bại trong tình yêu. Nguyễn Thị Phước cũng vậy. Nỗi đau tình yêu cứ dày vò triền miên, để bà chủ của nó phải tự chữa trị cơn bệnh mãn tính bằng cách: Tự hứa, học quên, tập an nhiên, cố neo thuyền vào bến… Mặc dù vậy, cái tâm thức đã nhiều đời nhiều kiếp sống trong tình yêu, đã không thể thoát được tình yêu: Vẫn không thể thoát là mình. Cái tâm thức ấy luôn có xu hướng đi tìm miền hứa yêu thương, dẫu cho nó xa vời vợi, dẫu biết đường đi đầy gian lao, giông bão, khổ đau: Lại muốn căng lá buồm cũ nát/Lại muốn đón sóng triều mặn chat/Làm vỡ mình bởi đá ngầm. Đánh đổi cả trái tim mình để đến với chỉ là một niềm hy vọng: Tự băng bó/ Tự ru mình/ Hoan lạc trong nỗi đau/ Góp vào gió một tiếng hú gọi… Tâm hồn của người nghệ sĩ đích thực có khả năng (mà cũng là cái “bệnh”) đẩy cảm xúc của mình lên đến đỉnh điểm: Hoan lạc trong nỗi đau/ Góp vào gió một tiếng hú gọi/ Thao thiết/ Man dại/ Đắm say.
Và đây là lý tưởng sống của người nghệ sỹ đích thực:
Biết rằng sẽ trở về với những mảnh vỡ
Vẫn khát ra khơi!
Người nghệ sĩ yêu để thỏa mãn nhu cầu tự thân là được dâng hiến. Hạnh phúc là còn có khả năng thắp lửa trái tim mình. Sự phản ánh bằng ngôn từ phải chuẩn xác là những gì ta muốn nói, muốn dãi bày, muốn giải tỏa.
Hình như quan điểm này của tôi trái ngược với một số nhà thơ, ngay cả Nguyễn Thị Phước. Chị thường nói với tôi: Thơ là phải viết cho khó hiểu một tí. Viết cái mà không ai viết được.
Thế nhưng ở bài thơ Bài ca của một con thuyền, chị đã mô tả chính xác trạng thái tinh thần của chị, chính xác như một bà giáo trình bày lời giải bài toán (Nguyễn Thị Phước vốn là giáo viên dạy toán). Chỉ có điều, mô tả chính xác đến như thế, để người đọc có thể hình dung rõ nét cái khao khát tình yêu của một phụ nữ – nhà thơ, tài năng và đầy cá tính, dữ dội mà sâu thăm thẳm đến như thế thì tôi cho là hiếm thấy.
Đôi khi, những bài thơ, câu thơ rất giản dị, nhẹ nhàng lại nhen lửa được cho cảm xúc người đọc. Như những câu thơ trong bài Quán đêm của Cao Xuân Thưởng:
“Thật may trong quán còn đèn
Trong chai còn rượu còn em bán hàng
Thế là anh hết lang thang
Cô đơn neo lại bến nàng cô đơn…”
Hay câu thơ đã trở thành ca dao của Trần Ngọc Thụ:
“Dưới đồng ông lão đi bừa
Là con ông lão ngày xưa đi cày”.
Với những câu thơ như thế này, người ta chỉ có thể dùng hai từ “thăng hoa” để giải thích cho trạng thái tinh thần của tác giả đã tạo nên những câu thơ mà tinh thần đã vượt ra khỏi ngôn ngữ, rồi bằng một cách huyền bí nào đó, nó vẫn qua câu chữ để làm dậy sóng trong lòng người đọc.
4.2. Cần có một thế giới quan sâu rộng để cái nhìn của tác giả tiệm cận gần nhất đến bản chất của sự vật
Quay trở lại với bài thơ của Thạch Quỳ: Ông già nghễnh ngãng. Bài thơ không có lấy một từ bóng bẩy. Cũng chẳng phô bày một thủ pháp nghệ thuật gì cao siêu, cả bài thơ chỉ là một phép hoán dụ. Bằng cách kể một câu chuyện tưởng chừng vu vơ, mà nói lên một quan điểm triết học tâm linh về sự tồn tại của kiếp người. Và ai đọc nó, dù không hiểu cũng cảm thấy bị thu hút bởi cái giọng kể đều đều như tiếng con tàu chạy, vô thưởng vô phạt mà đầy thông thái.
Còn trong bài thơ của nhà thơ Lê Quốc Hán mà từ thời còn trẻ, tôi đã nghe các anh sinh viên đọc “như vẹt”: Hạt bụi. Với bài thơ này, khỏi cần bàn đến tư tưởng nào đã làm nó cuốn hút người đọc: quá rõ ràng. Nhưng “đinh” nhất của bài thơ là câu: Đôi linh hồn sinh từ nơi hơi thở/ Nên đêm ngày muốn trao lửa cho nhau/ Rồi cả gan bắt chước phép nhiệm màu/ Để tái tạo bản sao mình gửi lại.
Kết thúc, tôi muốn nhắc đến bài thơ Cáo tật thị chúng của thiền sư Mãn Giác:
“Xuân ruổi, trăm hoa rụng,
Xuân tới, trăm hoa cười.
Trước mắt, việc đi mãi,
Trên đầu già đến rồi…
Đừng tưởng Xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua, sân trước, một nhành mai.”
(Bản dịch Ngô Tất Tố)
Bài thơ nổi tiếng này đã tồn tại trong nhân gian trọn ngàn năm. Và được bao nhiêu học giả, thiền sư các thời đại yêu thích, bình giải. Cho đến nay, nó vẫn được người yêu thơ, thích thiền tìm kiếm. Vì sao vậy? Vì ngoài sự thi vị, tươi mát, bài thơ đã đem đến cho người đọc cái nhìn nhận minh triết, khoáng đạt về quy luật sinh – diệt của vạn vật, của vũ trụ, quy luật tuần hoàn của sự sống. Hai câu cuối của bài thơ là điển hình của một bài thơ thiền: với người phàm phu, cành mai sân trước là một cành mai trơ trụi buổi tàn Xuân. Nhưng với riêng tác giả, vị thiền sư đắc đạo, ngài còn nhìn thấy ở đây, trong cành mai trơ trụi ấy, trong chiều sâu của sự thay đổi biến diệt ấy, dòng chảy của sự sống vẫn liên tục không ngừng, và ở nó, đã lấp ló những bông mai rực rỡ của mùa sau.
Huệ Hương Hoàng
(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 21, tháng 3/2022)