Tối ngày 29/12/2023, Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An đã tổ chức giao lưu nghệ thuật “Suối nguồn chảy mãi” để tôn vinh và tri ân hai nhạc sĩ có nhiều đóng góp cho quê hương, vinh dự được đón nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022 là nhạc sĩ Lê Hàm và nhạc sĩ Dương Hồng Từ.
Tham dự chương trình có ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy; bà Nguyễn Thị Thu Hường – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; cùng đại diện lãnh đạo Đài Phát thanh, Truyền hình tỉnh, Hội Liên hiệp VHNT, các ban ngành, các đồng nghiệp, học trò và đông đảo quần chúng nhân dân yêu thích âm nhạc, nghệ thuật.
Nhạc sĩ Lê Hàm, sinh năm 1934 tại xã Diễn Hồng, Diễn Châu, Nghệ An, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, hội viên Hội Tâm lý Giáo dục, nguyên Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam khu vực Thanh Nghệ Tĩnh. Từ nhỏ ông đã có năng khiếu về âm nhạc và có niềm say mê âm nhạc mãnh liệt. Năm 1948, ông là học sinh trường Thiếu sinh quân Liên khu IV. Năm 1951, ông vào Văn công Quân đội Liên khu IV. Năm 1954, chuyển về Phòng Văn hóa Liên khu IV. Năm 1956, ông đi học Khoa Sáng tác trường Âm nhạc Việt Nam, sau đó về phụ trách âm nhạc Đặc khu Giới tuyến Vĩnh Linh. Nhạc sĩ Lê Hàm từng giữ các chức vụ: Trưởng đoàn Chỉ đạo Nghệ thuật Đoàn Văn công Nghệ Tĩnh, Giám đốc Nhà Văn hóa Lao động, Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An. Ông đã viết hơn 200 ca khúc, tiêu biểu là: Tiếng hát bất khuất, Gái sông La, Người mẹ làng Sen, “Vinh – thành phố bình minh”… Năm 2022, nhạc sĩ Lê Hàm vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước với chùm 3 tác phẩm âm nhạc: Người mẹ làng Sen, “Gái sông La”, “Việt Nam trong trái tim ta”.
Nhạc sĩ Dương Hồng Từ sinh ra ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Năm 1960, sau khi học xong cấp 2, ông nhập ngũ và được biên chế vào lực lượng bộ đội biên phòng, đóng quân chủ yếu ở vùng biên giới Việt – Lào ở phía tây Nghệ An. Ông tham gia vào đoàn văn công của bộ đội biên phòng, sau đó ông chuyên sang công tác ở Ty/Sở V ăn hóa Nghệ An cho đến năm 2002 thì nghỉ hưu. Ông đã từng sáng tác một số ca khúc khi đang công tác trong lực lượng vũ trang. Nhưng đóng góp lớn nhất của ông cho nền âm nhạc, cho văn hóa quê hương là ông đã dày công sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số. Ông đã có tới 4 cuốn sách viết về văn hóa dân gian, đặc biệt là âm nhạc dân gian của đồng bào Mông, Thổ, Thái. Đó là cuốn: Âm nhạc dân gian dân tộc Thái, Âm nhạc dân gian dân tộc Mông, Văn hóa dân gian người Mông ở Nghệ An, Văn hóa cổ truyền dân tộc Thổ ở Nghệ An. Năm 2022, nhạc sĩ Dương Hồng Từ vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước với cụm tác phẩm: Âm nhạc dân gian dân tộc Thái ở Nghệ An (thể loại nghiên cứu lý luận) và Âm nhạc dân gian dân tộc Mông ở Nghệ An (thể loại sưu tầm và tư liệu).
Nhạc sĩ Lê Hàm và nhạc sĩ Dương Hồng Từ có nhiều điểm chung. Từ nhỏ đã đam mê âm nhạc. Lớn lên trong bối cảnh chiến tranh, với tình yêu quê hương, họ đều nhập ngũ và tham gia các hoạt động văn nghệ trong quân đội. Đau đáu trong họ luôn là những làn điệu dân ca của quê hương, là tình yêu Tổ quốc, là tinh thần yêu nước vô bờ bến. Nhưng họ lại lựa chọn cho mình những hướng đi khác nhau. Nhạc sĩ Lê Hàm luôn dâng trào cảm xúc trong lời ru của mẹ, nên đau đáu với những làn điều dân ca ví, giặm của người Việt ở miền xuôi. Những sáng tác của ông gắn liền với quê hương miền xuôi, với thành phố Vinh anh hùng, dựa trên những làn điệu dân ca ví, giặm. Còn nhạc sĩ Dương Hồng Từ, với nhiều năm trong bộ đội biên phòng, sống với đồng bào các dân tộc thiểu số Nghệ An, nên lại luôn đau đáu với những làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An. Những nghiên cứu, sáng tác của ông đều gắn liền với cuộc hành trình đi tìm các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số thể hiện qua âm nhạc.
Nhưng dù đi theo hai hướng khác nhau, thành quả của hai nhạc sĩ này lại gắn liền với đời sống âm nhạc, với tình yêu quê hương đất nước, và được nhiều người dân Nghệ Tĩnh yêu mến, trân trọng. Họ là những nhạc sĩ, những người con trưởng thành từ suối nguồn văn hóa xứ Nghệ. Và giờ đây, họ vẫn tiếp tục tạo sáng tạo, đặc biệt là truyền cảm hứng sáng tạo cho các thế hệ sau. Những danh hiệu, giải thưởng mà hai nhạc sĩ đã nhận được là sự ghi nhận xứng đáng của Nhà nước đối với những đóng góp to lớn của họ. Và hơn hết, “tình yêu mến của người dân đối với các nhạc sĩ, với các ca khúc của họ là những phần thưởng lớn nhất mà chúng tôi nhận được” như nhạc sĩ Lê Hàm chia sẻ.
Tại đêm giao lưu nghệ thuật “suối nguồn chảy mãi”, khán giả không chỉ được nghe những ca khúc nổi tiếng nhất, đặc sắc nhất của nhạc sĩ Lê Hàm, nhạc sĩ Dương Hồng Từ như Người mẹ làng Sen, Gái sông La, Tổ săn máy bay Lệch Lò, Vinh – thành phố bình minh, Việt Nam trong trái tim ta… Quan trọng hơn, còn được nghe những lời chia sẻ, những câu chuyện đời cảm động đến từ hai nhạc sĩ tài ba này. Đó là những kỷ niệm về những chuyến đi thực tế để sáng tác hay nghiên cứu, sưu tầm, hay cả những lời tâm sự, gửi gắm của hai bậc tiền bối trong nền âm nhạc Nghệ An hiện nay với những người trẻ tuổi… Qua những câu chuyện đó cũng cho chúng ta hiểu hơn về công việc sáng tạo nghệ thuật của những con người cụ thể trong những bối cảnh cụ thể để thấy được rằng một thành công dù lớn hay nhỏ thì cũng phải bằng sự tâm huyết cả một đời người.
Đêm giao lưu nghệ thuật “suối nguồn chảy mãi” là một sự tôn vinh và tri ân đối với nhạc sĩ Lê Hàm và nhạc sĩ Dương Hồng Từ với những đóng góp to lớn của họ cho quê hương, đất nước, đồng thời thể hiện sự quan tâm của tỉnh nhà đối với những người lao động sáng tạo trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Đây cũng là dịp để khán giả được thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc chào đón năm mới 2024.
Tin: Trang Tuệ
Ảnh: Võ Khánh