Hội thảo Tạp chí văn nghệ Bắc miền Trung đã diễn ra tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An sáng 15/7/2022. Hội thảo do Tạp chí Sông Lam đăng cai tổ chức với chủ đề “Tạp chí văn nghệ Bắc miền Trung – đổi mới để phát triển”, đã được các cơ quan tạp chí văn nghệ các tỉnh Bắc miền Trung đánh giá cao, nhất là trong thời kỳ các tạp chí văn nghệ địa phương đang còn nhiều bất cập và chưa theo kịp xu thế phát triển của đời sống báo chí nước nhà và thế giới.

Tổng Biên tập các tạp chí văn nghệ Bắc miền Trung chủ trì hội thảo.

Trong xu thế hội nhập sâu rộng của đời sống văn hóa xã hội, sự vận động mạnh mẽ của các xu hướng báo chí hiện đại trong nước và quốc tế, các tạp chí văn nghệ địa phương nói chung, tạp chí văn nghệ các tỉnh Bắc miền Trung nói riêng đang đứng trước những thách thức mới. Nhiều vấn đề cấp thiết được đặt ra nhằm tìm ra những hướng đi mới cho báo chí văn nghệ.

Ông Trần Quốc Khánh – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, phát biểu.

Tại Hội thảo, ông Trần Quốc Khánh – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An, đã chỉ ra những cơ hội và thách thức của báo chí nói chung, báo chí văn nghệ nói riêng: “Báo chí nước ta hiện nay đang phải cạnh tranh với mạng xã hội phát triển rất nhanh. Một sự kiện, một sự việc vừa diễn ra đã ngay lập tức có hàng trăm, hàng ngàn “nhà báo nhân dân” tung lên mạng, tạo nên những luồng dư luận trái chiều và nhiều khi gây những tác động không tốt cho dư luận xã hội.

Khoa học công nghệ đã hỗ trợ vô cùng lớn cho báo chí nói riêng, các hoạt động của xã hội nói chung. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra nhiều áp lực cho báo chí mà nhất là các tạp chí văn nghệ.

Thời đại đã có những thay đổi lớn, sự đòi hỏi của bạn đọc ngày càng cao, đòi hỏi báo chí, trong đó có các cơ quan tạp chí văn nghệ địa phương, phải thực sự làm cuộc “cách mạng” để không bị tụt hậu, để đủ sức gánh vác trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó”.

Ông Trần Quốc Khánh gửi gắm nhiều kỳ vọng: “Chủ đề của cuộc hội thảo hôm nay “Tạp chí văn nghệ Bắc miền Trung – đổi mới để phát triển” đã nói lên rằng, các đồng chí lãnh đạo, các anh chị trong BBT các tạp chí văn nghệ Bắc miền Trung đã nhận thấy rõ những yêu cầu của đời sống, của thời cuộc đối với chính cơ quan tạp chí của mình. Và đây là bài toán không chỉ đặt ra cho mỗi cơ quan tạp chí mà cũng đặt ra cho tất cả chúng ta để phối hợp tìm ra lời giải”.

Nhà báo Phạm Thùy Vinh – Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam, phát biểu đề dẫn.

Là đơn vị đăng cai tổ chức, Tạp chí Sông Lam đã có nhiều trăn trở nhằm vươn lên, trước hết là vươn lên chính mình, nỗ lực bứt phá để đổi mới, tiếp cận với xu hướng của báo chí hiện đại. Trong bài phát biểu đề dẫn, nhà báo Phạm Thùy Vinh – Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam, đặt vấn đề: “Không phải ngẫu nhiên, Tạp chí Sông Lam – Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An – đơn vị đăng cai tổ chức hội thảo Tạp chí văn nghệ Bắc miền Trung năm nay lại chọn chủ đề “đổi mới để phát triển”. Có thể thấy, chưa bao giờ những người làm báo chí văn nghệ đứng trước cơ hội và cũng là thách thức lớn như bây giờ”.

Nhà báo Phạm Thùy Vinh nhấn mạnh những thách thức của các cơ quan tạp chí văn nghệ thời nay: “Tất cả những cơ hội của chúng ta – những người làm tạp chí văn nghệ, cũng chính là những thách thức lớn. Chúng ta buộc phải nhìn lại, buộc phải thay đổi, buộc phải thích nghi, buộc phải vươn lên… nếu không muốn bị giậm chân, bị tụt hậu, thậm chí mất vai trò của mình trong đời sống tinh thần công chúng. Phải thẳng thắn để nhận thấy rằng, cả một thời gian dài, chúng ta đã có nhiều những khó khăn đến từ khách quan và chủ quan: bên cạnh việc chưa được quan tâm đúng mức, chưa được đầu tư xứng đáng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực thì chính chúng ta, những người làm báo chí văn nghệ đã tự thu hẹp mình trong một địa hạt nhỏ bé riêng biệt, tư duy làm việc ngại thay đổi, xa rời đời sống thực tại, chậm chạp trong tìm nguồn tin lẫn cách thức đưa thông tin. Đơn cử, đến sức mạnh của báo chí điện tử trong đời sống hiện nay mà nhiều cơ quan tạp chí văn nghệ địa phương vẫn thờ ơ, chưa biết nắm lấy, khai thác. Ngay cả việc cạnh tranh hay song hành, biết vận dụng để khai thác những trang văn chương mạng, các cây viết nổi lên từ “cõi mạng” nhiều người quản lý báo chí lẫn các biên tập viên cũng không để ý, không coi trọng…”

Nhà thơ, nhà báo Bùi Sỹ Hoa – nguyên Tổng Biên tập báo Vietnamnet, trong tham luận “Tạp chí điện tử và chuyện nhà văn làm báo”

Hội thảo đã nhận được 9 tham luận, thể hiện nhận thức của cán bộ, phóng viên, biên tập viên và lãnh đạo các tạp chí văn nghệ các tỉnh Bắc miền Trung trong việc cần thiết “sửa mình”, nỗ lực bứt phá và khát vọng vươn lên.

Những hạn chế của các tạp chí văn nghệ địa phương cần khắc phục

Các tham luận đã tập trung chỉ ra những hạn chế, bất cập trong cơ chế vận hành và điều kiện tác nghiệp của các cơ quan tạp chí văn nghệ địa phương. Trước hết là về nhân lực, đội ngũ cán bộ phóng viên, biên tập viên còn hạn chế về khả năng làm chủ công nghệ – điều mấu chốt của báo chí hiện đại, tình trạng vừa thừa vừa thiếu: thừa phóng viên, biên tập viên, thiếu về cán bộ kĩ thuật, vi tính, đồ họa…

Nhà báo Nguyễn Thị Nguyệt, Tạp chí Hồng Lĩnh, với tham luận “Thử thách của những người làm tạp chí VHNT địa phương”

Nhà báo Nguyễn Thị Nguyệt, Tạp chí Hồng Lĩnh, với tham luận “Thử thách của những người làm tạp chí VHNT địa phương” chỉ ra rằng: “Công việc cấp thiết của Tạp chí văn nghệ địa phương là phải kiện toàn tổ chức; nâng cao chất lượng đội ngũ làm báo chí văn nghệ; nâng cao hiệu quả hoạt động, hình thức thể hiện và chất lượng nội dung thông tin để đáp ứng tính nghệ thuật, tính thời sự, tính định hướng, tính hấp dẫn, tính thuyết phục. Dù thế nào thì chất lượng tư tưởng – nghệ thuật vẫn là yếu tố tiên quyết xác lập chỗ đứng của sản phẩm báo chí trong bạn đọc, giúp tờ báo tìm được chỗ đứng trong lòng bạn đọc”.

Trong tham luận “Sắp xếp nhân lực ‘cũ’ để đổi mới tạp chí văn nghệ” , nhà báo Đào Thúy Hoa  –  Phó Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam, đề cập về nhân tố con người: Cái khó nhất của các cơ quan tạp chí văn nghệ địa phương, đó là chúng ta chỉ có thể “làm mới” đội ngũ, phóng viên, biên tập hiện có chứ không thể tuyển thêm người, bởi hầu như quỹ biên chế không được bổ sung. Trong khi đó, một hạn chế đã trở thành đặc điểm nổi bật và mang tính lịch sử ở các tạp chí văn nghệ là đội ngũ này đang làm tạp chí với tư duy rất cũ của hàng chục năm trước”.

Nhà báo Trần Hữu Vinh – Tạp chí Sông Lam, nhận thấy nhiều lực cản của sự phát triển như: nặng về lối làm việc hành chính; trình độ công nghệ thông tin của cán bộ phóng viên còn hạn chế; chưa phát huy được khả năng làm kinh tế báo chí; trang thiết bị thiếu thốn, lạc hậu; thu nhập của cán bộ phóng viên còn thấp…

Những giải pháp thiết yếu

Các tham luận đưa ra 6 nhóm giải pháp như: đẩy mạnh hoạt động báo chí điện tử, thúc đẩy công nghệ số; nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực công nghệ thông tin của đội ngũ phóng viên, biên tập viên; thay đổi cơ chế vận hành cũ kỹ; tạo nguồn thu và nâng cao nguồn thu; đầu tư cơ sở vật chất – kỹ thuật; xây dựng đội ngũ cộng tác viên chất lượng, bền vững.

Nhà thơ, nhà báo Lê Vĩnh Thái – Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương trình bày tham luận “Tạp chí Sông Hương không ngừng vươn lên gắn bó với đời sống văn học nghệ thuật của đất nước”.

Nhà thơ, nhà báo Lê Vĩnh Thái – Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương trình bày tham luận “Tạp chí Sông Hương không ngừng vươn lên gắn bó với đời sống văn học nghệ thuật của đất nước” nêu kinh nghiệm của Tạp chí Sông Hương, muốn đổi mới trước hết là đổi mới về nội dung và hình thức tạp chí, nhà báo Lê Vĩnh Thái Chia sẻ: Tạp chí Sông Hương luôn đổi mới về nội dung và hình thức, đã mở thêm nhiều chuyên mục, nhiều chuyên đề văn học, văn hóa với nhiều bài viết hay, nóng bỏng, gần với đời sống. Tháng 6 năm 2022, Tạp chí Sông Hương đã thay đổi nội dung và hình thức trình bày, mở thêm nhiều chuyên mục mới, lấy lại các chuyên mục hay, ấn tượng của các thế hệ tiền nhiệm đã thực hiện… để phù hợp với thời đại và đáp ứng yêu cầu cao của bạn đọc.

Nhà văn Lưu Nga, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh, trình bày tham luận.

Cũng về vấn đề đội ngũ, nhà văn, nhà báo Bùi Sỹ Hoa – nguyên Tổng Biên tập báo Vietnamnet, trong tham luận “Tạp chí điện tử và chuyện nhà văn làm báo”  đề xuất: Để hướng tới một tờ tạp chí văn nghệ điện tử đứng được và ngày càng mạnh, bên cạnh việc đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng, đội ngũ kỹ thuật – công nghệ đảm bảo cho hoạt động của tạp chí, cần thiết phải bồi dưỡng nghiệp vụ làm báo điện tử cho lãnh đạo, đội ngũ phóng viên, biên tập viên theo yêu cầu. Người lãnh đạo một cơ quan báo chí điện tử bên cạnh việc thích ứng tốt với yêu cầu cập nhật thông tin, còn phải làm quen với việc phân cấp trong quản lý xuất bản. Thường xuyên đảm bảo cho hệ thống hoạt động trôi chảy, đảm bảo yêu cầu về nội dung và chất lượng thông tin, điều phối tốt các trang báo theo “nhịp cầu bạn đọc” để nhanh nhưng không đoảng, không quản mà còn tốt hơn quản, phát huy được sức mạnh của từng người cũng như cả tập thể mọi lúc, mọi nơi”.

Nhà phê bình lý luận Hoàng Thụy Anh – Tạp chí Nhật Lệ, trình bày thạm luận “Từ tạp chí điện tử đến chiến lược chuyển đổi số”,

Trong thạm luận, “Từ tạp chí điện tử đến chiến lược chuyển đổi số”, nhà phê bình lý luận Hoàng Thụy Anh – Tạp chí Nhật Lệ, cho rằng: chuyển đổi số mang đến quy trình vận hành mới bắt buộc cả tòa soạn đều phải thay đổi. Các biên tập viên, ngoài giỏi về chuyên môn, họ đồng thời phải giỏi về công nghệ thông tin, nắm vững kiến thức chuyển đổi số mới theo kịp xu hướng phát triển của thời đại. Như vậy, công nghệ số là điểm mấu chốt cấp bách để chuẩn hóa mô hình tòa soạn và đổi mới hình thức kinh doanh ở cả ba mặt: công nghệ, vốn đầu tư và con người.

Vấn đề tạo nguồn thu cũng được nhà văn Hoàng Thụy Anh đặt ra: Bản thân các tạp chí điện tử phải kiếm tìm cách thức tăng thêm nguồn thu, không chỉ chờ doanh thu từ quảng cáo. Ví dụ, hình thức đọc tạp chí trả tiền, tức là lấy thêm nguồn thu từ phía độc giả, thay đổi thói quen đọc miễn phí.

Nhà văn Lưu Nga, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh, nhà văn Ngụy Nguyên – Tạp chí Sông Hương, có cùng quan điểm về xây dựng và phát triển bền vững đội ngũ cộng tác viên “tinh nhuệ”, đông đảo. Nhà văn Lưu Nga khẳng định: “Ngay từ đầu thành lập, Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh luôn xác định cộng tác viên là nguồn cung cấp thông tin, chất liệu, nội dung quan trọng. Không có cộng tác viên, không có tạp chí hay, càng không có tạp chí vững mạnh như ngày hôm nay. Bộ máy tòa soạn được xây dựng chủ yếu để chỉ thực hiện các công việc: tổ chức quản lý hoạt động tòa soạn, biên tập bài, thiết kế trình bày và làm công tác trị sự, phát hành. Lực lượng cộng tác viên càng đông đảo, nguồn bài vở càng dồi dào, tạp chí càng có cơ hội lựa chọn được những tác phẩm chất lượng cao để đăng tải. Có thể nói cộng tác viên vừa như là nguồn sống, lại cũng là nguồn động lực cho mọi sự cố gắng của ban biên tập”.

Nhà báo Phan Trang Đoan – Tạp chí Sông Lam, nêu quan điểm cần nhận thức đúng chức năng, nhiệm vụ của một tạp chí văn nghệ rồi mới phát triển bền vững và đúng hướng: Tạp chí văn nghệ không phải chỉ đăng những bài viết thuộc thể loại văn học – nghệ thuật là đủ, nó phải mở ra những vấn đề về văn học nghệ thuật, đặc biệt là văn học nghệ thuật địa phương để thảo luận, trao đổi, nghiên cứu hay phát hiện ra những vấn đề mới.

Nhà báo Phan Trang Đoan – Tạp chí Sông Lam, trình bày tham luận.

Như một hướng khai mở về đổi mới, hội thảo đã được kỹ sư Nguyễn Tiến Long – Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông – Truyền hình Media Tex đã có bài diễn thuyết về chuyển đổi số 4.0 trong công tác báo chí hiện đại, bước đầu tạo cảm hứng cho các tạp chí văn nghệ địa phương. Công ty hứa sẽ đồng hành cũng các tạp chí văn nghệ địa phương Bắc miền Trung trong quá trình đổi mới và phát triển.

Hội thảo khép lại trong niềm tin tưởng, niềm kỳ vọng của những người làm báo chí văn nghệ. Con đường từ nhận thức đến thực tiễn không xa nếu các cơ quan tạp chí văn nghệ Bắc miền Trung nhanh chóng bắt tay vào cuộc cách mạng cho chính mình, của chính mình. Từ khát vọng đến thành quả ắt phải đi qua con đường hành động, trên còn đường ấy dẫu vẫn còn gập ghềnh, khúc khuỷu, thậm chí là chông gai nhưng ánh bình minh đang ở phía trước.

Bài: Trần Hữu Vinh. Ảnh: Phan Tất Lành, Sách Nguyễn