Thời gian phơi lên màu nhớ

Nhà thơ Hoa Mai sinh ra ở một làng quê giàu truyền thống văn hóa, nơi có con sông Lam đã trở thành biểu tượng của người dân xứ Nghệ. “Trên đôi cánh thời gian” là tập tản văn của nhà thơ Hoa Mai mới được ra mắt năm 2024, do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Dấu ấn để lại nhiều cảm xúc nhất trong tập tản văn “Trên đôi cánh thời gian” chính là hồn cốt quê hương và tình người. Trân trọng cái đẹp, gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử, đời sống của làng quê Việt Nam.

Đọc tập tản văn “Trên đôi cánh thời gian” của nhà thơ Hoa Mai, nhận ra lối viết của chị theo lối tự sự, trữ tình đầy ngẫu hứng bằng một trái tim nhân hậu, vị tha. Một trong những điểm sáng trong các bài viết của chị là sự hứng khởi, mộc mạc, nguyên sơ. Chị viết bằng cảm xúc cháy bỏng, viết như một nhu cầu giải tỏa, một sự đòi hỏi tự thân, một cuộc chơi đúng nghĩa không màng đến danh vọng. Diễn ngôn của chị hoàn toàn tự do bằng góc nhìn của đời sống. Không màu mè, sắp đặt. Chị viết bằng tâm thế của một người con xứ Nghệ xa quê rất đỗi tự nhiên. Tản văn của chị xuất phát từ những cảm nhận hết sức sinh động, thuần khiết mà hàng ngày chị vẫn đi qua, vẫn gặp đâu đó từ thiên nhiên, hoa cỏ, sông núi, con người và những khoảnh khắc đầy bí ẩn, thú vị. Lối viết trần thuật, hiện thực khiến người đọc có cảm giác mình đã từng đến, từng đi, từng sống và tạo độ tin cậy cao vào tác phẩm.

Nhà thơ Hoa Mai đến với văn chương khá muộn nhưng chị có một sức mạnh tiềm ẩn, niềm đam mê mãnh liệt mà hiếm người có được. Điều đáng trân trọng trong hành trình sống và viết của chị đó là sự dung dị, chân thật. Là người phụ nữ đã từng đi qua những thăng trầm dâu bể, đắng ngọt, đổ vỡ, mất mát, chị hiểu được lẽ đời. Đến với văn chương là chị tìm đến một điểm tựa, khao khát được trở về ký ức bằng sự bung vỡ nội tâm, để hồi sinh mình trong từng con chữ.

Vài năm trở lại đây, chị liên tục cho ra đời những tác phẩm tâm huyết nhất của mình. Hiện tại chị đã có chín đầu sách cho các thể loại từ tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, bút ký và thơ thiếu nhi song ngữ Việt – Anh, được các Nhà xuất bản uy tín như NXB Văn học, NXB Hội Nhà văn ấn hành. Riêng với thể loại tản văn thì đây là tập sách đầu tiên của chị.

Đọc tản văn“Trên đôi cánh thời gian”, ta nhận ra những chiêm nghiệm từ đời sống. Thời gian là món quà quý giá nhất mà cuộc sống ban tặng, cứ sống, cứ làm những gì có ý nghĩa thay vì để thời gian trôi đi một cách vô nghĩa. Thay việc oán thán bằng một tâm thế bình lặng, tĩnh tại, thời gian qua đi không bao giờ lấy lại được nhưng chúng ta có thể thay đổi nó bằng điểm nhìn tích cực. Cũng như con người, sống là mong đợi, thương nhớ, là sự day dứt trong tâm hồn khi nhớ về cha mẹ ở phần đời nào đó rất xa. Nhưng tất cả chỉ còn là ký ức, chúng ta chỉ cụ thể hóa tình thương, lòng trắc ẩn bằng những việc làm có ý nghĩa. Con người cũng như thiên nhiên. Mùa đến, mùa đi là quy luật tất yếu của thời gian, không có bất cứ sự can thiệp nào có thể giữ thời gian ở lại được, thời gian có một sức mạnh vô hình trong sinh mệnh của cả con người và cây cỏ. Cũng như chị viết Mỗi người được sinh ra đều có sứ mệnh của số phận mình, dẫu ai khổ nạn hay vinh quang đều xứng đáng được trân trọng. Tôi cũng chỉ là một bách tính tầm thường, trải qua kiếp số, chấp nhận lưu vong, giờ chỉ mong sống những ngày nhàn nhã tĩnh lặng. Được viết, được yêu thương bình thường cũng đã coi là cảnh giới, coi văn chương như hạt muối cuộc đời, thấy một cái dây leo bò trên tường đổ cũng rung động như thấy lại hoa đào trong vườn nhà mẹ cha”. Rõ ràng, còn rung động trước những vẻ đẹp của cuộc đời, đôi khi chỉ là cái dây leo trên bờ tường đổ là còn được thấy mình “Bay trên đôi cánh thời gian”. Cuộc đời chỉ ý nghĩa và trọn vẹn khi chúng ta còn biết giữ gìn, nuôi dưỡng ước mơ được trở về, được sống một cách có ý nghĩa và trao đi tình yêu thương có thể.

Tập sách dày dặn với 27 tản văn mang đậm dấu ấn làng quê xứ Nghệ, nơi cát trắng, gió Lào, nơi sông Lam thơm nồng mùi mẹ. Viết đến đây tôi lại nhớ đến những câu thơ chị viết về quê mình khi trở về: “Lạc quê biền biệt/ gió Lào thổi cong giấc mơ / mẹ ơi! chiều nay về ôm mẹ/ nấm cỏ xanh thơm đến sững sờ” hoặc “giấu sông Lam trong ngực/ đi muôn nơi khô khát trăm bề/ mỗi khi muốn gục ngã/ lại uống thầm một giọt sông quê”. Quê hương và nỗi nhớ da diết đầy hoài niệm về mẹ, về sông, về văn hóa cội nguồn là chủ chủ đề chính trong tập tản văn này. Chị nhớ núi Đụn, nhớ Nam Đàn, nhớ sông Cả, sông Đào, nhớ tuổi thơ bên cha mẹ (trong “Một thoáng quê nhà”). Với chị, cha mẹ dù có hóa thành mây trắng thì quê hương vẫn là nơi chị tôn thờ, là chốn đi về những khi thấy lòng mỏi mệt. Thời gian, có ai giữ được bao giờ, sự sống và cái chết cũng thật mong manh, chỉ có quê hương là trường tồn mãi mãi.

Đọc tập tản văn “Trên đôi cánh thời gian”, chúng ta dễ dàng bắt gặp những nét đặc trưng nơi quê nhà mà ta đã từng sống như “Mật mía hồn cốt món quê”; “Cơm hến”; “Dấm mùng” vv… Quả thật, ai sinh ra và lớn lên cũng có một quê hương để thương, để nhớ. Dòng sông, bến nước, con đò và những món ăn dân dã mang đậm vị quê nhà. Dù có đi xa đến chân trời góc bể, dù có thưởng thức trăm ngàn món ăn sang trọng thì hồn quê, bóng mẹ, cơm hến, dấm mùng cũng thật khó để lãng quên. Chị viết Hến sông Lam con nhỏ, nhưng nước ngọt và thơm. Lúc nhỏ ở nhà, mùa này lên chợ Sa Nam quê tôi, ngay đầu bãi chợ, người ta trải tấm bạt nilon ra đất. Hến đổ đống như đống thóc mùa gặt. Hến bán đong bằng rá…” Đọc đến đây tôi lại nhớ cảnh chợ quê nơi bến sông quê mình mà rưng rưng thương nhớ.

Chị cũng cảm nhận sâu sắc hơn về một làng quê đã dần mai một, những suy tư, trăn trở về những giá trị văn hóa đang có xu hướng bị lãng quên khiến cho tâm hồn con người già nua, cằn cỗi. Sự vô cảm đang dần hình thành một lối sống thực dụng làm mất đi vẻ đẹp của làng quê. “Tình làng trong ký ức”, chính là sự đánh thức những phần còn mất mát, hao khuyết để làng mãi mãi là cội nguồn, là chốn bình yên nhất mỗi khi lòng bất trắc, hư hao ta có thể tìm về.

Trong đời sống văn học thời gian gần đây, tản văn đang là đề tài hot trên khắp các mặt báo từ Nam tới Bắc. Đã có rất nhiều những tờ báo xây dựng và giữ chuyên mục tản văn vào các số cuối tuần, cuối tháng. Kể cả những tờ báo chuyên sâu về Văn học nghệ thuật lẫn báo Đảng. Nếu nói “Văn học là tiếng nói đa thanh, là lời đồng vọng từ cuộc sống” phản ánh tiếng nói đa phương, đa chiều như tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, dịch thuật… thì tản văn hiện nay được nhiều Nhà văn, người viết và độc giả chú ý, tìm kiếm. Tản văn hiện nay mở ra nhiều chiều kích khác nhau, nhiều người viết, nhiều lứa tuổi. Có người viết theo lối tự sự, kể lại những câu chuyện có thật trong đời sống, ghi chép lại những suy nghĩ và thể hiện quan điểm của chính mình, có người viết theo lối cảm tính, bay bổng, hào hoa và ít chú ý đến những thông điệp mà nó mang lại, có người viết theo lối trữ tình, luôn tạo ra những rung chấn, cảm xúc bất ngờ khi được đến một nơi nào đó như đi picnic, du lịch cùng gia đình, bạn bè. Họ viết bằng tâm huyết và sự trải nghiệm không gian, thời gian, sự việc một cách sâu sắc, gần gũi nhất có thể. Đề tài của tản văn rộng lớn, thường thì những nhà văn họ viết về lịch sử, xã hội, tôn giáo, triết học… Nhiều người viết đã thành danh và để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc.

Nhà thơ Hoa Mai sinh ra ở một làng quê giàu truyền thống văn hóa, nơi có con sông Lam đã trở thành biểu tượng của người dân xứ Nghệ. Từ bao đời nay sông luôn chở che, nuôi dưỡng biết bao thế hệ. Những trầm tích văn hóa, chiêm nghiệm cuộc đời đã đi vào lời ca tiếng hát mà ai cũng biết “Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục / mới biết cuộc đời răng là nhục là vinh”. Chị cứ lần theo câu ca ấy mà đi suốt những năm tháng tuổi trẻ. Ai đã từng quen biết cũng thấy chị chân thành, luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác. Điều đáng quý nhất ở chị là sự chân thật, thẳng thắn và nhiệt tình. Luôn sẵn lòng giúp đỡ những mảnh đời còn cơ cực, bất hạnh. Là người làm từ thiện rất tích cực, cả về vật chất lẫn tinh thần. Chị đã trao hàng ngàn cuốn sách cho các thư viện, nhà trường, bệnh viện. Sự đồng cảm, sẻ chia với những thân phận sau này đã sáng bừng trên những trang viết của chị như “Nơi đây không có tết”; “Chỉ là Sài Gòn thôi”; “Hẻm xưa” .v.v…

Dấu ấn để lại nhiều cảm xúc nhất trong tập tản văn “Trên đôi cánh thời gian” chính là hồn cốt quê hương và tình người. Trân trọng cái đẹp, gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử, đời sống của làng quê Việt Nam.

Thời gian là vô hình, là khoảng trống ta không nhìn thấy. Ai đó đã nói rằng “Thời gian cứ trôi xuôi nhưng ngược dòng là cuộc sống”. Muốn cuộc sống này có ý nghĩa, chúng ta chỉ có một cách là thay đổi chính mình, làm mới chính mình. Ngược đường về ký ức cũng là một cách trân trọng quá khứ. Gấp sách lại, tôi thấy thời gian đang phơi lên màu nhớ qua những tản văn của chị.

Đinh Tiến Hải