Nhà nghiên cứu Quyên Gavoye tiết lộ về “100 năm lật lại hồ sơ Nguyễn Ái Quốc ở Paris”

Nhà nghiên cứu QUYÊN GAVOYE.

Quyên Gavoye (tên thật là Phạm Thị Thanh Quyên), sinh năm 1980, chuyên gia di sản, hiện đang sinh sống và làm việc tại thành phố Besançon, Cộng hòa Pháp nhưng giữ mối liên hệ thường xuyên với Việt Nam khi tích cực viết sách, cộng tác với nhiều tờ báo trong nước và mới đây loạt bài “100 năm lật lại hồ sơ Nguyễn Ái Quốc ở Paris” của chị đã vinh dự nhận giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VIII. Loạt bài đó chỉ như phần nổi của tảng băng, bởi Bộ hồ sơ “Nguyễn Ái Quốc bí danh Hồ Chí Minh (từ 1911 đến 1955)” dày 9000 trang mà Quyên Gavoye dày công nghiên cứu có rất nhiều tư liệu chưa từng được biết. Trước thềm năm mới 2023, Quyên Gavoye đã chia sẻ về công việc này.

Tập hồ sơ có nhiều chi tiết chưa được công bố về cuộc đời Bác Hồ

Vì sao chị có duyên tiếp cận hồ sơ “Nguyễn Tất Thành bí danh Nguyễn Ái Quốc, bí danh Hồ Chí Minh (từ 1911 đến 1955)” rất đồ sộ và nhiều mảng tư liệu? Thật khó chọn “cây” giữa “rừng” tư liệu ấy, nhưng cảm giác của chị khi tiếp cận bộ hồ sơ này là gì và chị muốn tìm hiểu sâu vào mảng tư liệu nào nhất?

Là một người làm trong ngành văn hóa với vai trò là chuyên viên bảo tồn di sản và văn hóa thư viện, tôi có điều kiện tiếp xúc với rất nhiều tài liệu thuộc lĩnh vực này. Vì đặc thù của công việc và xuất xứ của bản thân nên tôi thường xuyên quan tâm đến các tài liệu liên quan Việt Nam.

Bộ hồ sơ “Nguyễn Ái Quốc bí danh Hồ Chí Minh (từ 1911 đến 1955)” là một trong những tài liệu di sản có tính chất lịch sử đang được lưu trữ tại Cục Lưu trữ quốc gia hải ngoại của Cộng hòa Pháp là một trong những tài liệu mà tôi tiếp cận khá sớm ngay sau khi vào nghề. Ngay từ đầu tôi đã rất ấn tượng với mức độ đồ sộ, tính chi tiết và sự vẹn toàn của tập tài liệu, và vì thế nên tôi luôn ao ước được khai thác tập hồ sơ một cách hiệu quả nhất. Đó là điều tôi đang làm và sẽ tiếp tục làm.

Là một người làm di sản thì mọi tài liệu đối với tôi đều quan trọng dù những chi tiết trong đó rất nhỏ nhưng nó có thể trở thành một mắt xích trong chuỗi những sự kiện, vì thế khi tiếp cận tập hồ sơ, tôi quyết tâm tìm hiểu tất cả mà không chọn lọc hay bỏ qua một phần nào trong đó. Do đây là ghi chép của mật thám nên chúng chứa đựng rất nhiều yếu tố riêng tư vì đằng sau mỗi mật thám là một con người như chúng ta với những cảm xúc rất cá nhân. Đó chính là yếu tố hấp dẫn của tập hồ sơ. Chúng cho ta thấy được hình ảnh thật sự của Nguyễn Ái Quốc thông qua con mắt của những con người đứng bên kia chiến tuyến.

Mặt khác khi nghiên cứu di sản thì một chi tiết nhỏ cũng đủ để người làm di sản quan tâm vì chúng giải tỏa được rất nhiều bí ẩn trước đó. Tôi lấy một ví dụ nhỏ, trong một báo cáo của mật thám De Villier, người được phân theo dõi Nguyễn Ái Quốc năm 1923, trong một số trang, những người nghiên cứu đầu tiên đã có những nhận định về chi tiết và ghi nó vào bên lề bằng chữ viết tay và chỉ gói gọn trong một vài từ. Bây giờ những nhận định đến lượt nó trở thành một phần của tập hồ sơ, giúp chúng ta sáng tỏ một số chi tiết mà nếu không đọc chúng thì khó có thể hiểu được tại sao. Với lý do đó, những người làm di sản hiểu được tại sao chúng tôi không thể chọn mà luôn tìm mọi cách để có thể làm hoàn chỉnh một công việc.

Rất nhiều người Việt Nam đã biết về sự tồn tại và nội dung của tập hồ sơ này nên khi tiếp cận hồ sơ, ngoài sự háo hức còn có sự thận trọng bởi đây là một nhân vật huyền thoại nên mọi chi tiết đều phải được trả lại đúng giá trị để làm sáng tỏ những điều mọi người còn chưa rõ. Vì thế khi tiếp cận hồ sơ, linh cảm duy nhất của tôi: đây sẽ là một việc nan giải nhưng vô cùng thú vị. Sau nhiều năm nghiên cứu tập hồ sơ, thì đây là công việc đòi hỏi nhiều sự đầu tư về thời gian để tìm hiểu nhất mà tôi đang làm. Cảm giác như đang đứng trước một mỏ quặng nhiều vỉa cần khai thác từng chút một để tránh không bỏ sót những viên đá quý.

Thực ra không chỉ có tập hồ sơ này mà mọi tài liệu khác cũng thế. Một người làm di sản sẽ hiểu, không có chi tiết thừa chỉ có chi tiết chưa được đánh thức đúng giá trị. Khi mới bắt đầu tập hồ sơ, có nhiều đêm tôi làm quên ngủ, chồng tôi, một người gốc Pháp, hỏi tại sao lại có thể say mê đến thế, tôi đã trả lời rằng, bất cứ người Việt nào có cơ hội như em cũng sẽ say mê như em.

Sự đồ sộ của bộ hồ sơ làm chị nghĩ gì về cuộc đời Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh – một cuộc đời tưởng như đã được “bạch hóa” nhưng thực ra vẫn còn những góc khuất cho những nhà nghiên cứu như chị tìm hiểu, khám phá?

Như đã nói ở trên, tập hồ sơ là cả một kho báu với nhiều chi tiết mà cho đến nay vẫn chưa được công bố về cuộc đời của Bác. Vậy nên càng đi sâu vào tìm hiểu thì càng có nhiều điều để kể hơn. Những điều đó sẽ giúp trả lời những thắc mắc vẫn còn đọng lại về những năm tháng hoạt động tại hải ngoại của Người. Thực ra tôi không bất ngờ khi phát hiện ra những chi tiết mới mẻ về cuộc đời của Nguyễn Ái Quốc ở Paris vì đó chính là bản chất của người làm công tác di sản văn hóa, đào bới và tìm ra những điều chưa được biết tới. Mặt khác tôi luôn tâm niệm rằng không ai có thể biết hết được những bí mật của cuộc đời của một con người, nhất là một người đã trở thành huyền thoại. Cũng có thể với tâm lý đó nên tập hồ sơ luôn cho tôi cảm hứng nghiên cứu, bởi càng tìm hiểu thì càng có thêm những chi tiết mới. Đêm qua tôi đã mất ngủ vì đọc được một trang báo cáo của mật thám Désiré khá thú vị.

Có những giai đoạn Nguyễn Ái Quốc bị theo dõi 24/24h

Chị có thể chia sẻ về những điều thú vị khiến chị mất ngủ?

Đó là một bản báo cáo vào tháng 10 năm 1923, khi đó Nguyễn Ái Quốc đã rời Pháp sang Nga được vài tháng. Nhưng mật thám vẫn đeo bám các đồng chí của Nguyễn Ái Quốc, trong đó có luật sư Phan Văn Trường. Trong rất nhiều báo cáo về Sở Mật thám và Bộ Thuộc địa, Désiré yêu cầu Sở Mật thám cần hành động gấp. Trong đó có việc từ chối cấp hộ chiếu để Phan Văn Trường không thể xuất ngoại. Trong báo cáo thứ nhất, họ không thể không cấp cho luật sư Phan Văn Trường vì ông chưa từng làm điều gì phạm luật. Trong báo cáo thứ hai, họ thừa nhận ngay cả khi không có hộ chiếu như Nguyễn Ái Quốc thì việc đi qua biên giới vẫn dễ như không. Trong báo cáo thứ ba: chúng tôi không thu thập được những bằng chứng có lợi chống lại Nguyễn Ái Quốc. Chứng tỏ Nguyễn Ái Quốc và Phan Văn Trường luôn hoạt động hợp pháp. Lý thuyết này rất có ý nghĩa khi dùng hoạt động hợp pháp để đấu tranh chống lại nhà nước.

Tập hồ sơ này ngoài việc liên quan trực tiếp đến quá trình hoạt động và trưởng thành của một Hồ Chí Minh tương lai, nó còn là minh chứng cho một giai đoạn lịch sử đấu tranh của rất nhiều người Việt Nam yêu nước khác ở bên ngoài lãnh thổ, trong đó có Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Ái. Họ cùng là đồng chí trong Liên hiệp các thuộc địa và Ban Biên tập tờ báo “Những người cùng khổ”.

Khi giải mã hồ sơ, có những chi tiết tưởng như nhỏ, chưa ai biết đến nhưng nói lên nhiều điều. Đó là tình hình sức khỏe của Nguyễn Ái Quốc trong những ngày ở Paris. Bác đã từng bị phẫu thuật cánh tay do hoại thương. Và một bà mẹ đỡ đầu người Pháp viết thư động viên trong những ngày Nguyễn Ái Quốc nằm viện. Điều đó chứng tỏ đó là một người vô cùng quảng giao, bởi người Pháp không cởi mở nhiều với người gốc Á. Việc Nguyễn Ái Quốc có người quan tâm và tự xưng là mẹ nuôi chứng tỏ Bác rất được yêu mến.

Chính nhờ sự đồ sộ nên tập hồ sơ khá chi tiết. Hồ sơ cho thấy có những giai đoạn hoạt động của Nguyễn Ái Quốc bị theo dõi 24/24h. Tôi đã bật cười một mình vì có lần đọc xong bỗng liên tưởng hình ảnh của một mật thám thập thò theo chân Bác.

Giúp thế hệ tương lai tiếp cận với “một phần ký ức” của dân tộc

Văn hào Gabriel Garcia Marque từng viết: “Cuộc sống không chỉ là quãng thời gian ta đã sống, đã tồn tại, mà còn là những gì ta sẽ để lại dấu ấn của mình trong cuộc đời này. Trên chặng đường đó, ta được ước mơ, được trải nghiệm, được vượt qua thử thách, được thể hiện và sống thật với chính mình, cùng những nỗi buồn, hạnh phúc, sai lầm và nỗi đau. Để cuối cuộc đời chúng ta có quyền nhớ lại, hồi tưởng và kể lại những ký ức không quên đó… và chúng ta phải đấu tranh để bảo vệ những ký ức tuyệt vời đó”. Một người làm nghiên cứu di sản, chị có cho rằng mình có sứ mệnh “bảo vệ những ký ức tuyệt vời” về Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh thông qua nghiên cứu và kể câu chuyện của Bác Hồ cũng là một phần lịch sử dân tộc qua bộ hồ sơ đó?

Thư viết tay của Bác.

Không chỉ riêng có tập hồ sơ về Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh mới có giá trị lịch sử mà tất cả các tài liệu lưu trữ khác đều mang trong mình những giá trị thời đại. Tuy nhiên, điều khác biệt của tập hồ sơ này chính là thân thế của một con người đã trở thành huyền thoại không chỉ với dân tộc Việt Nam mà còn cả với Nhân dân thế giới bởi đó chính là một trong những tia sáng đầu tiên trong công cuộc đấu tranh lật đổ chủ nghĩa đế quốc. Cũng chính vì sự quan trọng đó mà đôi khi tôi cảm thấy bị áp lực bởi không dễ dàng cho bất cứ ai tìm hiểu và làm sáng tỏ những chi tiết về một con người tưởng chừng như đã trở thành thân thuộc với tất cả mọi người. Nhưng cũng chính những khó khăn tạo thêm động lực cho tôi tìm hiểu sâu sát hơn và cẩn trọng hơn. Mặt khác tôi làm việc này với tinh thần của một người con của đất nước sống ngoài biên giới chứ không phải làm với trách nhiệm phải hoàn thành công việc nên những khó khăn đó chỉ giúp tôi thêm tự hào và hứng khởi.

Hiện tại tôi đang hoàn thành bộ truyện tư liệu dành cho thiếu niên về cuộc đời của Nguyễn Ái Quốc ở Paris giúp những thế hệ tương lai tiếp cận được với “một phần ký ức” của dân tộc thông qua những câu chuyện với nhiều tình tiết hấp dẫn. Hi vọng rằng đây sẽ là phần đóng góp của tôi với quê hương với tư cách là một tác giả và một người làm công tác văn hóa di sản.

Bức thư Nguyễn Ái Quốc gửi Outrey.

Làm công tác nghiên cứu di sản, chị đánh giá thế nào về ý nghĩa của việc hồi hương những di sản văn hóa Việt Nam như ấn vàng Hoàng đế chi bảo từ Pháp về nước cũng như vai trò của di sản đối với việc xây dựng văn hóa hôm nay?

Di sản chính là tài sản của quốc gia, một tài sản vô giá có giá trị mạnh về tinh thần cũng như vật chất. Vì nhiều lý do mà tài sản quốc gia đôi khi bị “thất lạc” ở một nơi nào đó ở bên ngoài biên giới của đất nước nên cần được hồi hương để bảo toàn tài sản của đất nước. Hẳn những người quan tâm đến di sản còn nhớ câu chuyện hồi hương di sản mới diễn ra hồi năm 2019 từ vương quốc Anh về nước Ethiopia. Câu chuyện bắt đầu từ 150 năm trước, 13.000 lính Anh đã bao vây pháo đài Maqdala ở Ethiopia trong trận chiến năm 1868. Chiến lợi phẩm của họ thu được chính là sợi tóc của Hoàng đế Tewodros II vừa tự sát. 150 năm sau, sau khi Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch Ethiopia đã gửi yêu cầu chính thức về việc hoàn trả những lọn tóc của hoàng đế, bây giờ được xếp vào di sản, về cho đất nước, Bảo tàng Quân đội Quốc gia của vương quốc Anh tuyên bố trả lại những lọn tóc cho Ethiopia.

Nhưng đó chỉ là một trong những câu chuyện hi hữu bởi chuyện hồi hương di sản từ trước tới nay chưa bao giờ là dễ dàng vì nó không chỉ liên quan tới di sản mà còn liên đới tới ngoại giao giữa các dân tộc. Không một nước nào muốn trao lại tài sản mà mình đang có trong tay về một đất nước khác mà không có những điều kiện kinh tế kèm theo thậm chí nhiều quốc gia, nhiều tổ chức hay cá nhân còn thẳng thừng từ chối việc trao trả di sản.

Nhưng không vì khó khăn mà bỏ rơi tài sản của đất nước, rất nhiều tổ chức cũng như những người làm công tác văn hóa di sản đã tiến hành nhiều cách khác nhau để giúp người dân của quốc gia có tài sản thất lạc tiếp cận được với di sản của đất nước. Đó là ví dụ của một công dân người Niger Adaobi Tricia Nwaubani, thay vì đột nhập lấy lại tài sản, anh ta đã chọn cách hồi hương di sản bằng kỹ thuật số. Trong vòng vài tháng, Adaobi Tricia Nwaubani đã hoàn thành một bảo tàng kỹ thuật số giúp người dân Niger có thể chiêm ngưỡng những di sản của họ đang “thất lạc” tại nước ngoài. Có thể nói đó là một câu chuyện hết sức tuyệt vời trong bối cảnh tồn tài quá nhiều hạn chế để người dân tiếp xúc trực tiếp được với di sản thì di sản kỹ thuật số chính là giải pháp tối ưu. Bởi di sản chính là phần lịch sử được thể hiện qua vật chất, chúng giúp lan tỏa niềm tự hào dân tộc, gắn kết sự đoàn kết và nhất là chúng cho phép những người trẻ hiểu rõ hơn về nguồn gốc cũng như văn hóa của quốc gia nơi họ sinh ra. Một quốc gia không có văn hóa thì đất nước cũng sớm bị lụi tàn bởi văn hóa chính là hồn cốt của quốc gia đó.

Xin trân trọng cảm ơn chị!

Phùng Nguyên (thực hiện)