* Phóng viên TTXVN tại Anh đưa tin, ngày 11/5, áo dài Việt Nam xuất hiện ấn tượng tại sự kiện trình diễn trang phục dân tộc ở London. Tổ chức “Những nhà ngoại giao trẻ ở London” (The Young Diplomats in London – YDL) đã tiến hành sự kiện trình diễn trang phục dân tộc nhằm gây quỹ từ thiện mang tên “Thời trang quốc tế dệt may 2024” lần đầu tiên với sự tham dự của hơn 20 đại sứ quán các nước tại London.
Đại sứ quán Việt Nam tham dự chương trình này với bộ sưu tập “Hành trình phồn thịnh” của nhà thiết kế Lan Hương, ra mắt nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Anh vào năm 2023. Bộ sưu tập bao gồm 8 bộ áo dài, được may bằng chất liệu tự nhiên là sợi gai xanh và tơ tằm chay, loại tơ tằm được sản xuất bằng phương pháp không gây tổn hại tới con tằm. Vải có các tông màu đa dạng được nhuộm hoàn toàn từ các nguyên liệu tự nhiên và các họa tiết thêu tay công phu nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa Việt Nam.
* Ban Văn hoá Trung ương (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) vừa chính thức tổ chức buổi lễ phát động cuộc thi sáng tác âm nhạc “Sáng đạo trong đời”. Cuộc thi có chủ đề “Nhận thức văn hóa Phật giáo qua các loại hình nghệ thuật hướng đến đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2025 với nội dung: đoàn kết, thống nhất, hợp tác – Phật giáo vì hòa bình thế giới”. Tác phẩm dự thi thuộc thể loại âm nhạc, sáng tác nhạc Phật giáo, phổ nhạc thơ Phật giáo, tác phẩm âm nhạc mang tư tưởng Phật giáo.
Ban tổ chức khuyến khích các tác giả trẻ tham gia sáng tác. Mỗi tác giả tham gia dự thi tối đa 3 ca khúc. Ban tổ chức sẽ trao giải thưởng về sưu tầm hoặc sáng tác mới cho các tác phẩm xuất sắc nhất. Giải thưởng bao gồm, tiền mặt và bằng khen, giải Nhất trị giá 100 triệu VNĐ, giải nhì trị giá 50 triệu VNĐ, giải ba trị giá 30 triệu VNĐ, các tiết mục vào chung kết giải 10 triệu VNĐ. Hội đồng thẩm định là những nghệ sĩ và chuyên gia uy tín trong lĩnh vực nghệ thuật.
Thời gian nhận tác phẩm dự thi từ ngày 11/7/2024 đến 15/10/2024. Các tác phẩm xuất sắc và phù hợp nhất sẽ được biểu diễn trong chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng Đại lễ Phật đản 2025 tại TP Hồ Chí Minh (dự kiến tổ chức vào quý II năm 2025).
*Tối 12/7, tại Không gian Văn hóa sáng tạo Tây Hồ (ngõ 612, Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội), Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với UBND quận Tây Hồ và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Nội khai mạc “Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hoá các tỉnh miền núi phía Bắc” năm 2024.
Lễ hội là hoạt động do TP Hà Nội chỉ đạo UBND quận Tây Hồ phối hợp với các sở, ngành, đơn vị thực hiện nhằm quảng bá thương hiệu sen Hà Nội, đồng thời tôn vinh những nét đẹp, giá trị văn hóa của Thăng Long Hà Nội nói chung, của vùng đất Tây Hồ nói riêng. Đây cũng là hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và những ngày lễ lớn của đất nước.
Lễ hội sen Hà Nội năm 2024 lần đầu được tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi, kéo dài 5 ngày, từ 12 đến 16/7/2024. Đến với lễ hội, khán giả sẽ được thưởng thức những chương trình hấp dẫn như: chương trình nghệ thuật bán thực cảnh “Chuyện của Sen”, trao giải cuộc thi ảnh “Người đẹp áo dài và Sen”, hội thảo “Bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam”; lễ khánh thành Trung tâm giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP quận Tây Hồ, đêm nhạc “Trịnh Công Sơn và những người bạn”…
Tại lễ khai mạc, người dân và du khách được thưởng thức chương trình nghệ thuật bán thực cảnh “Chuyện của Sen” tại sân khấu nổi trên mặt nước và chứng kiến tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao 2 chứng nhận Kỷ lục là “Số lượng người đạp xe tham gia hành trình xanh sắc sen Tây Hồ đông nhất Việt Nam với 7.000 người” và “Số lượng người mặc áo dài truyền thống có họa tiết hoa sen đông nhất Việt Nam là 1.000 người”.
Cùng với đó, sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc với trên 100 gian hàng của 33 tỉnh, thành trong cả nước trưng bày quảng bá hơn 1.000 sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền hội tụ về đây; chương trình khảo sát – hội nghị “Nâng cấp chất lượng dịch vụ và kết nối điểm đến du lịch của quận Tây Hồ với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024”.
Đặc biệt là không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm về sen với điểm nhấn là bức tranh kính chân dung Bác Hồ được ghép từ gần 2.000 bức ảnh về sen của các vùng miền và Bức tranh “Thăng Long Huyền Diệu Hoa” được tạo tác từ trên 2 vạn bông hoa sen. Hai bức tranh này lần đầu tiên được ra mắt người dân Thủ đô và du khách trong nước, quốc tế.
* Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Dương Bích Liên, sáng 13/7, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra chương trình Art talk “Họa sĩ Dương Bích Liên – Ánh chớp thầm lặng” với sự góp mặt của hai diễn giả là họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam và họa sĩ Đặng Thị Khuê, nguyên Ủy viên ban thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam. Tới dự chương trình có người thân của cố họa sĩ, các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên các trường đại học cùng đông đảo công chúng yêu nghệ thuật, và các cơ quan thông tấn báo chí quan tâm tới chương trình.
Tại buổi trò chuyện, họa sĩ Lương Xuân Đoàn đã chia sẻ những câu chuyện xúc động về cuộc sống giản dị, âm thầm và lặng lẽ của danh họa Dương Bích Liên. Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ những cảm nhận của thế hệ họa sĩ sau này về nghệ thuật trong các tác phẩm của ông. Họa sĩ Đặng Thị Khuê, người có 11 năm được gần gũi tiếp xúc với “Tứ kiệt: Nghiêm, Liên, Sáng, Phái” cho biết, phong cách hội họa của Dương Bích Liên kiên định với cái nhìn duy mỹ, hoài cảm với ký ức. Tranh của ông là một phong vị điển hình cho sắc thái tâm hồn con người Việt Nam đầu thế kỷ. Art talk đã đưa công chúng tới với những ký ức về hoạ sĩ Dương Bích Liên thông qua những tác phẩm của cố họa sĩ, qua những câu chuyện kể đầy xúc động của các vị khách mời và gia đình của hoạ sĩ.
Họa sĩ Dương Bích Liên sinh ngày 17/7/1924 tại Khoái Châu, Hưng Yên. Ông sống tại phố Bà Triệu, Hà Nội và theo học khóa cuối cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông là một trong “tứ trụ” của giới mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX gồm: họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm (1918-2016), họa sĩ Dương Bích Liên (1924-1988), họa sĩ Nguyễn Sáng (1923-1988), họa sĩ Bùi Xuân Phái (1920-1988). Những tác phẩm: “Bác Hồ qua suối”, “Hào”, “Ngày mùa”, “Đi học đêm”, “Hành quân đêm”, “Thiếu nữ áo trắng”, “Chiều vàng”… là những sáng tác nổi bật của họa sĩ Dương Bích Liên trên chất liệu tranh sơn dầu và sơn mài. Năm 2000 ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật.
* Vào lúc 20 giờ ngày 13/7/2024, nghệ sĩ Bích Trà biểu diễn đêm hòa nhạc Beethoven và Rachmaninov tại Nhà hát Giao hưởng – Nhạc, Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình mang đến những tuyệt tác bất hủ của hai nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven và Rachmainov với giá trị nghệ thuật mang đậm tính hàn lâm, được dàn dựng và chỉ huy bởi nhạc trưởng, Nghệ sĩ Ưu tú Trần Vương Thạch, nghệ sĩ quốc tế Nguyễn Bích Trà trở về từ Anh trình diễn piano.
Nghệ sĩ Bích Trà sinh ra tại Hà Nội và đã biểu diễn lần đầu tiên trước công chúng tại Nhà hát Lớn Hà Nội khi mới lên mười. Năm 14 tuổi, cô được học bổng du học tại Nga ở trung cấp âm nhạc Gnessin và tiếp tục học với nghệ sĩ Lev Naumov tại Nhạc viện Moscow. Năm 1997, Bích Trà nhận học bổng du học với nghệ sĩ Christopher Elton tại Royal Academy of Music, London, Anh và đã tốt nghiệp với số điểm cao nhất của khoa năm 1999. Cô là nghệ sĩ đầu tiên của Việt Nam có được hợp đồng ghi âm độc tấu với Naxos, một trong những hãng thu âm hàng đầu thế giới. Năm 2002, nghệ sĩ Bích Trà đã được bình chọn là một trong 10 gương mặt tiêu biểu của thanh niên Việt Nam, cô cũng là người Việt Nam đầu tiên được trao tặng danh hiệu ARAM (Associate of the Royal Academy of Music), thành viên của Viện Âm nhạc Hoàng gia Anh.
PV tổng hợp