Từ thị trấn Thạch Giám, theo quốc lộ 7A đi ngược lên hướng Kỳ Sơn khoảng 10 km rồi rẽ trái, hành trình thêm gần 10 cây số là đến Lưu Kiền – vùng đất rẻo cao huyện miền núi Tương Dương – một điểm đến đầy thú vị…

Điều thú vị đầu tiên dễ nhận thấy là cả một vùng đất bao la rợp một màu tim tím của loài hoa lốp bốp (mà người dân vẫn gọi bằng cái tên dân dã là hoa bớp bớp). Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây hễ khi nào hoa lốp bốp ra hoa lần thứ hai là báo hiệu cái Tết đã cận kề. Gió lành lạnh từ dưới thung lũng thổi vào Lưu Kiền, trước khi đến với đây, nó phải hòa quyện với khí núi đá, tạo nên cái mát dịu thường xuyên cho cả vùng. Thế nên, có người bảo, thiên nhiên chính là mẹ đẻ ra màu xanh, sinh ra những làn da mịn màng của các cô gái Thái và làm nên tính tình hiền dịu của con người nơi đây.

Lang thang ở Lưu Kiền, nhớ lại cách đây gần mười năm, ngày ấy, đường từ QL7A vào xã phải vượt qua mấy con dốc, nếu trời có nắng thì vào được, mưa thì đành chịu. Cả xã chỉ lác đác dăm ngôi nhà mái ngói. Cuộc sống của đồng bào nơi đây rất khó khăn chủ yếu dựa vào mấy chục mẫu ruộng quanh năm thiếu nước. Đất lâm nghiệp thì nhiều, nhưng chưa được tận dụng, khai thác… Vậy mà trở lại lần này, thấy nhiều ngôi nhà vững chãi được xây dựng. Khu vực đầu xã ngày nào là bãi sim và cỏ dại, nay là những thửa ruộng, vườn rau xanh mướt. Con đường từ trung tâm xã vào các bản đang được đổ bê tông, điện lưới cũng đã đến từng nhà. Anh Vang Kiên Cường – Chủ tịch UBND xã phấn khởi khoe: “Thế là lại đến với Lưu Kiền rồi nhé, nhà báo đi xem đời sống của bà con thế nào, khác trước nhiều lắm. Bây giờ bà con ở đây dẫu vẫn còn nhiều khó khăn nhưng cuộc sống đã khác xa nhiều so với trước đây. Hầu như nhà nào cũng có ti vi, xe máy, con cái nhà ai cũng được đi học…”. Thời gian trôi nhanh thật, thoắt cái đã gần chục năm trời. So với năm 2014, lần đầu đến đây thì cảnh sắc, con người đã đổi thay nhiều lắm. Lưu Kiền vẫn là nơi cư trú của 3 dân tộc cùng sinh sống (Thái chiếm 91,7%, Mông chiếm 7%, Kinh chiếm 1,3%) song dân số toàn xã bây giờ đã tăng lên 4.096 khẩu với 957 hộ. Lưu Kiền vẫn giữ được những ngôi nhà sàn gỗ, mang đậm nét kiến trúc đặc trưng không thể lẫn vào đâu của đồng bào vùng cao. Cùng với các công trình trường học, trạm xá, trụ sở, điện, nước được Nhà nước đầu tư xây dựng… tất cả tạo nên những điểm nhấn trong không gian xanh hùng vĩ của núi rừng.

Suối Nậm Khiên, Văng Phột. Ảnh: Nhật Thanh

Chủ tịch UBND xã Vang Kiên Cường đưa tôi thăm thú, thưởng ngoạn cái mênh mông bát ngát núi rừng, ngắm vẻ đẹp hoang sơ của khe Kiền – một con suối chảy miên man qua bao thế hệ với bao câu chuyện kỳ bí, hấp dẫn về một không gian văn hóa bản làng. Khe Kiền nằm trên địa bàn bản Xoóng Con chính là con suối Nậm Khiên bắt nguồn từ biên giới Việt – Lào, uốn lượn chảy quanh co trong một khu rừng rộng, mát dịu bởi được bao bọc màu xanh của một hệ thực vật đa dạng. Khe Kiền là điểm cuối của suối Nậm Khiên trước khi hòa mình vào con sông Nậm Mộ. Càng đi về phía thượng nguồn, mỗi bước chân lại hiện ra muôn điều kỳ vĩ, có thể dễ dàng bắt gặp những tảng đá chen chúc nhau bên dòng nước mát lạnh, uốn lượn. Những phiến đá theo thời gian đã được dòng nước gọt giũa thành một tác phẩm nghệ thuật với đủ hình hài… Giờ đây khe Kiền cùng với Văng Phột, Xoóng Con, Con Mương đã chuyển mình trở thành một địa điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn của huyện Tương Dương, và cũng là sinh kế cho nhiều hộ dân trong xã.

Men theo sườn núi Tẳn Xà, thuộc bản Pủng đã phủ một màu xanh bạt ngàn chuối rừng đang độ vào vụ thu hoạch. Đây là một loài cây mọc tự nhiên men con khe suối, cheo leo bên những mỏm đồi. Những năm gần đây loài cây này được nhiều thương lái tìm đến tận nơi để thu mua, được chính quyền hỗ trợ, bà con đã khai khẩn trồng thêm được 34 ha.

Dưới các cọn ngay đầu dốc, từng đống các bao tải được sắp sẵn chờ đóng gói. Bà Lô Thị Mai, hộ trồng nhiều nhất với 2 ha chuối phấn khởi chia sẻ: “Trước đây ở những khu vực đồi này là cây dại xen chuối rừng mọc với nhau. Nhưng khi bản Lưu Thông đưa vào trồng và bảo vệ bán được ra thị trường thì các hộ gia đình chúng tôi được tham gia họp bàn với cấp ủy, ban quản lý bản, lấy ý kiến và thống nhất học tập bản Lưu Thông vừa trồng vừa chia khoảnh để khoanh bảo vệ. Ban đầu một số hộ không đồng thuận và cho rằng là cây tự nhiên, bán không được giá, đồng thời đem so sánh với cây sắn, cây ngô trồng có giá trị hơn. Tuy nhiên, sau đó được cán bộ giải thích thế là họ cùng làm, cùng kiểm tra từng giai đoạn triển khai chủ trương chăm sóc chuối rừng. Giờ thì không đủ cung cấp cho thương lái, cứ vài ba ngày họ lại đến mua, với giá 4.000-5.000 đồng/kg, trung bình thu 500-600 nghìn đồng/ngày, chúng tôi có thêm thu nhập chính trang trải cuộc sống”.

Điều mà mà Chủ tịch Vang Kiên Cường trải lòng nhất đó là sự tiến bộ của Lưu Kiền đã sớm chuyển dần từ kinh tế tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa. Ngoài thóc, ngô, sắn, chuối rừng là mặt hàng nông sản hấp dẫn người mua, địa phương cũng tận dụng đất rộng người thưa để đẩy mạnh chăn nuôi gia súc và gia cầm. Nhiều mô hình làm ăn kinh tế đang mang lại hiệu quả như: mô hình nuôi bò nhốt tại bản Khe Kiền; mô hình trồng lá dong tại bản Lưu Phong; mô hình nhân rộng trồng chuối lấy lá tại bản Khe Kiền và bản Pủng; mô hình trồng ổi lê Đài Loan tại bản Xoóng Con; mô hình nuôi vịt bầu tại bản Lưu Phong; mô hình bảo vệ, nhân rộng phát triển nguồn lợi thủy sản (cá mát) trên địa bàn. Chủ tịch UBND xã Vang Kiên Cường chia sẻ: “Lưu Kiền có tổng diện tích tự nhiên khá lớn (13.950,19 ha) nhưng đất nông nghiệp chỉ có vài trăm ha, còn lại là đất lâm nghiệp và đất khác. Dù vẫn là xã đặc biệt khó khăn (hơn 35% hộ nghèo), nhưng với quyết tâm của Đảng bộ xã và sự hỗ trợ của huyện đã xã tập trung bảo đảm cho kinh tế phát triển đúng định hướng, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, sự ổn định trên địa bàn”.

Đến với bản Lưu Thông là bản người Mông duy nhất của xã. Dân bản vốn gốc ở các xã Nậm Càn, Tây Sơn, Na Ngoi (Kỳ Sơn) về xã Lưu Kiền đã hơn 30 năm, ban đầu bản ở đầu nguồn khe Tẳn Xà, sau đó chính quyền vận động dân xuống chỗ hiện tại bằng phẳng, thuận lợi hơn. Ở đây, chúng tôi đã được nghe về câu chuyện lời thề 5 không: không nghiện hút, không phá rừng,  không trộm cắp, không thả rông gia súc và trẻ em không bỏ học. Hương ước 5 không của bản được lập cách đây 20 năm. Hôm ký hương ước, cả bản như một ngày hội, ai cũng đồng lòng, phấn khởi. “Người Mông mình đã nói là làm. Ký hương ước coi như là lời thề, mà đã thề thì phải thực hiện thôi”, ông Vừ Giồng Nanh khẳng định. Quả đúng như vậy, mặc dù Lưu Thông có địa bàn giáp ranh với các bản thuộc 2 xã Nậm Càn và Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn nhưng hàng chục năm qua chưa có người dân nào trong bản vi phạm pháp luật và bị xử phạt, mang án tù. Đây đúng là một kỳ tích giữa đại ngàn.

Ở bản Lưu Thông, tôi còn được gặp và nghe câu chuyện về cô gái bản Mông – Vừ Y Dở, nữ đảng viên người Mông duy nhất của xã rồi nữ bí thư chi bộ bản người Mông đầu tiên của huyện miền núi Tương Dương.

Vừ Y Dở – nữ bí thư chi bộ bản người Mông đầu tiên của huyện miền núi Tương Dương.

Năm 17 – 18 tuổi, cô gái Vừ Y Dở ở xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn đã gặp gỡ, cảm mến rồi theo chàng trai Mông Thò Bá Tểnh về làm dâu bản Lưu Thông khi còn rất trẻ. Song với tính cách tháo vát, nhanh nhẹn, cô nhanh chóng hòa nhập với bà con nơi đây và được chồng cũng như hai bên nội, ngoại tạo điều kiện tham gia sinh hoạt trong chi hội Phụ nữ bản. Được Bí thư Chi bộ bản Vừ Tống Mùa phát hiện, bồi dưỡng cô vào hàng ngũ của Đảng rồi trở thành Bí thư Chi bộ bản, Vừ Y Dở đã đóng góp rất nhiều cho bản, từ tấm gương gia đình hạnh phúc, làm ăn kinh tế giỏi đến tham gia các phong trào thi đua làm kinh tế, động viên bà con tham gia tích cực nhiều phong trào như “5 không, 3 sạch” (không đói nghèo, không vi phạm pháp luật, không bạo lực gia đình, không vi phạm chính sách dân số và không để con em bỏ học hay bị suy dinh dưỡng; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) cũng như nâng cao nhận thức về hôn nhân – gia đình, xây dựng bản làng không ma túy, không di dân tự do, bảo tồn nét văn hóa của dân tộc Mông, các quy định về bảo đảm an ninh biên giới….

Ông Thò Bá Chò – Trưởng bản Lưu Thông cho biết: “Trong phong tục của người Mông từ trước đến nay mọi công việc của bản làng đều do đàn ông con trai đảm nhận, phụ nữ không được phép tham gia. Vì vậy, việc Vừ Y Dở được bầu làm lãnh đạo của bản là điều chưa có tiền lệ, thể hiện sự đổi mới tư duy trong suy nghĩ người Mông nơi đây.”

Ghé thăm trường PTDT bán trú THCS Lưu Kiền, tôi ngạc nhiên trước cảnh quan khang trang, sạch đẹp, không còn cảnh học tạm bợ, dột nát như những năm trước. Một không khí yên ắng, trang nghiêm khi các em đang say sưa làm bài kiểm tra học kỳ I. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhung nhiệt tình, cởi mở: “Trường có 10 lớp, 251 học sinh nhưng có tới 175 em bán trú. Tuy còn nhiều vất vả, gian nan nhưng tất cả thầy cô đều cố gắng bám trường, bám lớp. Bởi vậy, chất lượng giảng dạy ngày càng được nâng cao, số học sinh bỏ học không còn như những năm trước”.

Bà con các dân tộc Lưu Kiền vui ngày hội

Đêm bản Khe Kiền lung linh huyền ảo trong tiếng sạp tiếng cồng vang lên rộn ràng từ ngôi nhà văn hóa bản. Những con đường nhỏ đã vang tiếng cười nói, tiếng thanh lảnh điệu suối, khắp, lăm của các bà các mế. Trên các con dốc từng tốp chàng trai, cô gái Thái tung tăng về nhà văn hóa. Bà con tập trung say sưa múa hát vào những tối thứ bảy hằng tuần. Nhấp chút rượu cần, tôi miên man trong suy tư. Nếu không có những năm tháng về với đồng bào, về với cuộc sống ở vùng sâu vùng xa nơi miền Tây xứ Nghệ này, thì tôi đâu có được trải nghiệm và có được hiểu biết đôi chút như hôm nay. Những tên đất, những con người bình dị đã trở nên gần gũi thân thuộc. Nếu thiếu đi điều đó chắc cuộc đời tôi sẽ nghèo đi nhiều lắm…

Hoàng Nguyên