Tôi đọc Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư năm 2005 – thời điểm tác phẩm được đăng trên báo Văn nghệ. Đây là tác phẩm đầu tiên của Nguyễn Ngọc Tư tôi đọc và yêu thích. Rồi tập truyện Cánh đồng bất tận của nhà văn được xuất bản[1] và tôi hồ hởi mua đọc, nhưng cảm giác yêu thích thì không giống như lần đầu đọc truyện ngắn cùng tên này. Bẵng đi, tôi không đọc Nguyễn Ngọc Tư nhiều nữa. Nay xem phim Tro tàn rực rỡ, cảm giác yêu mến, trân trọng tài năng nhà văn lại xui tôi tìm đọc.

Cảnh cắt từ phim “Tro tàn rực rỡ”.

Phim Tro tàn rực rỡ được chuyển thể dựa trên hai văn bản truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư là Tro tàn rực rỡCủi mục trôi về… Tro tàn rực rỡ là số phận nhiều đau khổ của một cặp vợ chồng trẻ (Tam – Nhàn) ở xóm Thơm Rơm vùng sông nước Nam Bộ. Tam và Nhàn như phần lớn người lao động khác, sống cuộc đời nghèo khó, lam lũ, bấp bênh với nỗi lo thường trực “thất mùa rớt giá”, con cái đau ốm, mưu sinh cực nhọc. Điều khác là họ sớm phải chịu đựng nhiều mất mát: Nhàn sinh đứa thứ hai không thành, đứa trẻ chết lưu, rồi con Hoa – đứa con gái nhỏ là tất cả tình yêu thương của họ bị chết đuối dưới mé kênh. Nỗi đau như dao cứa đứt ruột, đến mức Tam không thể khóc được nữa (Phải khóc được thì tôi đâu có đốt nhà). Từ đó, Tam có thể “tủi thân chỉ vì cọng cỏ, ngọn gió chướng, tiếng chim kêu nước…”. Hiểu được điều đó, Nhàn như quên nỗi đau của mình để tìm mọi cách xoa dịu vết thương tinh thần cho chồng. Hiểu thương đến mức ngay cả má Tam cũng xui Nhàn bỏ Tam đi “lấy chồng khác má cũng cúng heo ăn mừng”, bà con xóm giềng thì nản không muốn chữa những đám cháy nhà của Tam những lần sau nữa: “thôi kệ cha cái tụi mắc đằng dưới, nghèo mạt rệp không lo, đốt nhà coi chơi là sao là sao là sao?”, nhưng Nhàn không những không bỏ, mà còn lặng lẽ gom nhặt những gì có thể để dựng lại mái nhà, tất nhiên lần sau nhỏ hơn, tồi tàn hơn lần trước, để cho Tam đốt. Bởi vì, chỉ khi Tam đốt nhà, Nhàn mới nhìn thấy anh cười. Dường như đó là những giây phút Tam tạm quên đi nỗi đau khổ trong lòng, cũng là lúc Nhàn thấy lòng thanh thản: chị “đắm đuối nhìn chồng” trong khi Tam “say đắm, tê mê” ngắm lửa. Cuộc sống buồn thương cứ thế nhọc nhằn trôi, Tam đốt nhà đến năm lần. Điều kỳ lạ là ngôi nhà ngày càng nhỏ, càng tạm bợ, nhưng đám cháy thì ngày càng dai dẳng, và lần cuối thì không còn để lại chút gì, người ta cũng không nhìn thấy Nhàn chạy ra khỏi đống lửa. Tình yêu thương, sự hy sinh, kiên nhẫn cũng theo Nhàn tan trong đống tro, để sau lần cháy cuối cùng, Tam sẽ không còn nhà để đốt và người ta thấy Tam “thường lang thang ngoài đường lúc nửa đêm, lè nhè chửi rủa chiếc xuồng vuột trôi mất, chửi đom đóm, chửi rạ rơm vướng chân”. Có thể tạm hình dung cốt truyện như vậy vì nhà văn không chọn cách kể trực tiếp từ sự quan sát của người kể ở ngôi thứ ba, mà để nhân vật, sự kiện hiện ra trong suy nghĩ lộn xộn và những lời kể ngắt quãng của “em” – người thiếu phụ gần gũi với Nhàn, có chồng đi biển và hai người lấy nhau không vì tình yêu. Những câu chuyện về Nhàn luôn là cái cớ để người vợ có thể gần gũi chồng hơn, để “nối xứ Thơm Rơm vào chồng”, để chồng có thể trở về mỗi khi hết con nước. Bởi vậy, cô thường kể bằng tất cả sự say sưa, thấu hiểu, tường tận, nhưng thiếu trật tự.

Các vai nam và nữ chính: Tam, do diễn viên Quang Tuấn thủ vai, Nhàn, do diễn viên Phương Anh thủ vai. Ảnh cắt từ phim.

Củi mục trôi về… là một sự bổ sung, làm đầy đặn hơn bức tranh về đời sống con người ở vùng sông nước. Truyện chỉ có ba nhân vật: “gã”, “thầy” (tu) và “cô”. Nghĩa là, nhà văn dùng điểm nhìn của người ngoài cuộc, nhưng những tiếng nói nghệ thuật thì liên tục thay đổi chủ thể. Chuyện đơn giản như là không có chuyện: bắt đầu là một cuộc cưỡng hiếp của đứa con trai mười bảy tuổi với đứa bé gái ở mé ao trong xóm Thổ Sầu. Rồi đứa con trai bị đi tù, gia đình vì không chịu nổi nỗi ô nhục nên bỏ xứ đi. Ra tù, gã “vật vờ hết đất này đến đất khác, làm lụng mưu sinh, vắt mình kiệt như tìm chút nước trong chày”, cuối cùng không chịu nổi một cảm giác “những đốt xương mình khô đi, rơi ra từng long, từng long một”, gã trở lại Thổ Sầu. Nơi gã tìm đến trú ngụ là ngôi chùa nghèo, “nghèo đến mức người xa về không biết gọi là nhà hay chùa”, “đến nỗi xưng hô với người kinh kệ trong chùa thế nào cũng ngại”. Những kỳ thị xưa kia vẫn chưa thôi đeo bám gã. Vậy nên, ban đầu gã chui lủi, trốn tránh, sau thầy buộc gã phải lộ diện với những công việc của người nhà chùa và bộ dạng mới của gã khiến nhiều người không thể nhớ ra. Cả cô bé ngày xưa cũng giống người trong xóm “không đủ nhớ để nhảy xổ vào cào cấu, băm vằm gã đàn ông ấy cho hả giận”. Thậm chí, dần dà, gã trở thành sức hút để cô đến chùa và một lần thì đề nghị “Anh cưới tui đi, không là tui chết đó”. Ám ảnh vì tội lỗi quá khứ, không thể chấp nhận lời đề nghị của cô, gã bỏ đi khỏi Thổ Sầu.

Điểm gần gũi của hai truyện này là bối cảnh/không gian nghệ thuật và thân phận con người. Những số phận trớ trêu, đầy cay đắng được hình thành trong một môi trường sống hết sức thiếu thốn, nghèo nàn cả tinh thần và vật chất. Hầu như không có ai thấy cuộc đời là hạnh phúc, đủ đầy, viên mãn… Nhiều người không chỉ vật lộn trong cuộc mưu sinh, mà còn vật lộn với những đau khổ, ám ảnh, bấn loạn tinh thần. Đó là những thực thể bị chấn thương và không thể tự chữa lành được vết thương của mình, khiến chúng di căn thành những trạng thái khác lạ. Và họ trở thành “kẻ khác” trong chính thân xác của mình. Nỗi đau vì mất con khiến cho Tam (Tro tàn rực rỡ) không thể sống bình thường được nữa, anh ta chỉ tìm thấy chút niềm vui khi gây ra đau khổ cho người khác và cho chính mình. Hành động đốt nhà rất nhiều lần của Tam cho thấy một trạng thái tinh thần bị kích động mãnh liệt, không thể làm chủ được nữa. Đứa bé gái gầy gò, tóc dài, mắt chong chong ngơ ngác (Củi mục trôi về…) sau mất mát quá khủng khiếp đầu đời trở nên “vật vờ, chao chát, khác thường”, khi buồn lại cười, khi vui lại khóc và buồn vui đều thái quá, khác thường, chỉ có niềm mơ ước về một đám cưới là âm ỉ mãi không thôi. Điều lạ là không chỉ người bị hại, bị tấn công phải chịu thương tổn, ngay cả kẻ gây nên đau khổ cho người khác cũng không thoát khỏi một trạng thái khổ sở di căn. Đứa con trai mười bảy tuổi từng gây nên nỗi đau cho bé gái bởi cuộc sống tăm tối trong “những ly rượu đầu đời, những bộ phim tục tĩu đầu đời”, về sau ám ảnh tội lỗi đến mức “ngó vào lòng, thấy dục vọng trống không”, đành gửi thân vào chốn chùa chiền, sống kiếp tu hành, khổ hạnh. Cả “gã” và “cô” trong Củi mục trôi về… đều trở thành “một – người – đã – chết”. Các nhân vật này và Tam (Tro tàn rực rỡ) đều gợi dẫn về thân phận của Điền (Cánh đồng bất tận) – một điển hình của tình trạng con người chấn thương.

Nghĩa là, Nguyễn Ngọc Tư không chỉ quan tâm đến đời sống vật chất, đến những điều kiện sống tối thiểu để con người được là/trở thành CON NGƯỜI. Miếng cơm, manh áo, nhà cửa, đường sá, y tế, giáo dục, chùa chiền… là những yếu tố rất cần thiết, rất đáng quan tâm trong cuộc sống của con người. Đáp ứng những điều kiện này, tức tạo dựng một sinh thái xã hội lành mạnh cùng với sinh thái tự nhiên, không chỉ giúp con người được sống đúng nghĩa con người; mà còn có khả năng giảm thiểu những vết thương tinh thần. Nhưng dù thế, con người vẫn là những thực thể hết sức phức tạp. Ngay trong những câu chuyện về thân phận con người ở vùng sông nước, những phân tích tâm lý của nhà văn cho thấy con người không chỉ là một thực thể xã hội với ý thức và những ứng xử theo chuẩn mực, mà còn là thực thể tự nhiên, bản năng. Nhà văn nhìn thấy cả một người đi trên con đường đạo đến gần bốn mươi năm vẫn chưa đủ hạnh, cũng giận, cũng buồn, hứng chí vẫn uống chút rượu, vẫn phân vân trước một lời than thở “Thầy ơi, tui ế chồng thiệt rồi, thầy tính sao đi chớ!”… Nguyễn Ngọc Tư cũng không ngừng trăn trở về thái độ của những người đàn ông “ở cái xó quê này, họ thường không còn nhìn thấy vợ mình chỉ sau đám cưới vài ba tháng” dù cho họ vốn rất hiền lành và dù những người vợ luôn tìm mọi cách để được hiện hữu trong mắt chồng. Vậy nên, trong tình thương sâu sắc đối với con người, Nguyễn Ngọc Tư vẫn thể hiện một sự thấu cảm sâu xa với nỗi đau và những thiệt thòi của người phụ nữ.

Văn của Nguyễn Ngọc Tư không phải là thứ văn giải trí, tiêu khiển. Đó là văn chương về thân phận con người, là những tiếng kêu thương tha thiết dành cho con người. Nói vậy, hẳn nhiên là không có mới mẻ gì đáng kể. Nhưng điều khác biệt còn là ở cách thể hiện: nhẹ nhàng mà sâu sắc, kể chuyện mà chỉ như lời tâm sự, sẻ chia, đồng cảm trong một văn phong dồi dào khả năng biểu đạt, kể cả những điều nhỏ nhất, một thứ văn phong có nhiều sắc thái vùng miền nhưng không hề gây cảm giác khó đọc, ngược lại, chúng khơi gợi niềm ham thích mở rộng hiểu biết về những trường từ vựng mới.

Dù vậy vẫn phải nói lại, nếu không vì phim Tro tàn rực rỡ chắc tôi chưa tìm đọc tiếp các sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư. Bùi Thạc Chuyên quả là một đạo diễn có con mắt hết sức tinh tường. Ông không chỉ nhận ra những tư tưởng sâu, mà còn nhìn thấy chất điện ảnh rất đậm đặc trong đó. Bằng tài năng và đam mê nghệ thuật, Bùi Thạc Chuyên tiếp tục chắp cánh cho những tư tưởng của nhà văn tỏa sáng và gây ấn tượng mạnh mẽ trong phim Tro tàn rực rỡ. Thành công của bộ phim không phải chỉ ở “vẻ đẹp nên thơ của thế giới vừa lung linh vừa mê hoặc được phim khắc họa cũng như hình ảnh đáng yêu của ba nhân vật nữ chính”[2]; mà theo tôi là cả ở việc tạo dựng nhiều cảnh phim hết sức độc đáo, đậm bản sắc, lột tả chân thực tới mức hiếm có về đời sống hiện thực, ở những chi tiết rất tinh để diễn tả nội tâm con người.

Xem phim Tro tàn rực rỡ để thấy giữa phim truyện nhựa và phim truyền hình dài tập là một khoảng cách, khoảng cách của công phu nghệ thuật, khoảng cách giữa khát vọng nghệ thuật lên đỉnh cao và việc thỏa mãn nhu cầu giải trí của số đông. Xem phim Tro tàn rực rỡ để mỗi người được đánh thức mạnh mẽ phần lương tri, nhất là những người đang dư thừa vật chất, đang sung sướng trong sự hưởng thụ giàu sang, hãy yêu thương và quan tâm hơn nữa đến con người.

Lê Tú Anh

  1. Nguyễn Ngọc Tư (2005), Cánh đồng bất tận, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
  2. “Phim Tro tàn rực rỡ của Bùi Thạc Chuyên đoạt giải Vàng tại Liên hoan phim Nantes của Pháp”, nguồn: https://vtv.vn/van-hoa-giai-tri/phim-tro-tan-ruc-ro-cua-bui-thac-chuyen-doat-giai-vang-tai-lien-hoan-phim-nantes-cua-phap