Anh Vương Đình Trâm tuổi Ất Hợi, sinh ngày 02/5/1935. Như anh đã viết trong một bài thơ: “Tôi sinh ra một ngày cùng cây lúa/Ngày mẹ tôi nhổ mạ vụ mùa”.

Anh mồ côi cha từ năm 12 tuổi. Cha anh, cụ Đồ Viêm là một hàn Nho, sống thanh đạm và rất giỏi thơ phú. Người làng bảo: suốt một đời, dường như cụ chỉ quan tâm đến chữ nghĩa văn chương. Đến tận lúc lâm chung, cụ còn gọi các con lại và đọc cho nghe bài thơ Vĩnh quyết, kết thúc bằng câu: “Từ trần biệt đáo nhất thân vinh” (Từ giã cõi đời duy chỉ có người ra đi là sung sướng nhất).

Câu thơ ấy đúng một cách chua xót. Vì cụ mất, để lại cho cụ bà ốm yếu một đàn con còn nhỏ dại, mà anh Trịnh út ít lúc đó mới lên hai. Sau này anh Vương Trọng có viết trong bài thơ Chị dâu, với lời đề tặng Chị Liên, vợ anh Trâm, những câu thơ rất chân thực và da diết về cảnh nhà lúc ấy:
“Nhớ ngày giáp hạt chị ơi
Cả nhà trừ bữa một nồi canh rau.
Nghĩ mà thương lắm chị dâu
Chiều mưa, gạo hết, mẹ đau cuối giường.
Em ngồi đôi mắt nhòa sương
Áo tơi cắp rá ngang vườn chị đi…”.

Đó là lúc nhà đã có chị Liên, đã có đỡ hơn rồi mà vẫn đói. Chứ trước đó, khi cụ Đồ Viêm vừa mất, anh Trâm còn mặc quần đùi rách đi moi củ đẹt dọc bờ lũy thì tình cảnh còn khốn khó đến nhường nào. Bây giờ các cháu con anh đã lớn lên, nhà đã có tầng trên tầng dưới, tường hoa tủ lạnh… chắc sẽ khó hình dung ra căn phòng hạnh phúc của anh chị ngày ấy. Nó chỉ được ngăn bằng chiếc chiếu rách treo lên. Còn ngôi nhà của cả gia đình ở thì tồi tàn hư hỏng đến nỗi, như anh vẫn kể, ngày cháu Lan còn bé lót ngủ trên giường, một cái xà nhà mọt gãy rơi xuống giường mà cháu không hề hấn gì. Không phải bởi có cái mùng tốt che cho, mà vì thanh xà nhà bị mọt đục ruỗng ra nhẹ như cái mo cau, không đủ bứt đứt sợi dây buộc mùng bằng chạc chuối!

Anh Trâm được trời phú cho một sức khỏe tốt hay là bởi cái hoàn cảnh cơ cực kia, như một thứ vacxin “một trăm trong một”, đã sớm luyện cho anh sức lao động phi thường. Anh vẫn thường tự hào về việc đã từng đào 4 sào đất Đồng Côi (2000m2) để trồng khoai bằng cuốc! Và đến những năm đã về hưu làm ruộng ở quê vẫn thích trục lúa bằng trục đá người kéo hơn là bắt trâu kéo, và bảo: làm thế nhanh hơn! Cho nên, hơn 60 tuổi, anh vẫn vào Bà Rịa cuốc đất vỡ hoang “đến vẹt ngày thượng thọ” như anh Vương Trọng nói, thì cũng không có gì là lạ!

Nhưng điều đáng nói ở anh là chỗ này. Người ta hẳn không ai muốn nghèo. Nhưng ghét cái nghèo đến mức căm thù nó, cương quyết không chịu sống nghèo và tìm mọi cách làm cho mọi người cũng cương quyết như mình thì chỉ ở anh Trâm mới có. Nhiều người rất cảm phục anh ở cái ý chí ấy và cũng hiểu vì sao anh lại cương quyết đến thế. Đó là vì lòng tự trọng của một con người cương quyết không để người khác coi khinh mình.

Anh Vương Đình Trâm là người có trí tuệ tuyệt vời minh mẫn, có cách ứng xử tuyệt vời mau lẹ mà sắc sảo. Nhớ một sự việc nhỏ: hôm ấy anh đang xắn quần, gánh mạ lội phăng phăng qua những bờ ruộng lầy thì gặp Ch, một người có thói xấu hay ăn trộm vặt ở làng, đi qua. Người này buột mồm:
– Ông Trâm chân cẳng chi loem hết rồi kìa! Anh Trâm độp ngay:
– Không can chi, loem chân nhưng không loem mồm là được!
Cả ruộng cấy lúc ấy cười vang!

Cách đối đáp của anh thường là thế. Là một người luôn ý thức không để kẻ khác coi khinh mình, lừa mình, cộng với một trí tuệ sắc sảo, anh phản ứng một cách kịp thời, nhanh nhạy trước mọi sự châm chỉa của người khác, dù mới manh nha. Có anh Vương Đình Trâm ở đâu thì ở đó sôi nổi hẳn lên bởi cách nói mạnh mẽ, hóm hỉnh, với tiếng cười áp đảo của kẻ mạnh về trí tuệ. Có lần anh tự định nghĩa mình: tôi là một kẻ bị nhiều người căm ghét! Đó cũng lại là cách nói cực đoan của anh. Nhưng cũng có nguồn gốc. Quả thật, nói chuyện với anh Vương Đình Trâm, người ta vừa thích vừa sợ! Những người hiểu anh thì thích, rất thích, vì anh luôn cho người nghe nhiều hiểu biết mới mẻ, thú vị. Người vô thưởng vô phạt nghe anh thì cũng khoái, vì cách nói thẳng thừng, pha chút trào lộng hóm hỉnh. Còn những ai tâm địa không được trong sáng lắm thì cũng phải cười vì lối nói chuyện cởi mở, chữ dùng sắc sảo của anh, nhưng nói chung là họ sợ anh, sợ những lời nói cứ huỵch toẹt ra cả, vạch mặt chỉ trán không thương tiếc.

Con người anh Vương Đình Trâm là như vậy. Ghét nói ghét, yêu nói yêu. Anh đã yêu mến ai thì hết lòng, chân tình, thẳng thắn, chu đáo đến nơi đến chốn, bằng sự vun vén lo toan chi chút chứ không chỉ bằng lời nói. Anh em trong họ tộc và người làng đều kính nể anh vì điều đó.

Anh Vương Đình Trâm làm thơ từ rất sớm. Anh đã cho in trên trăm bài thơ, tập hợp lại trong 4 tập, mà tên 4 tập thơ ấy có thể ghép lại thành một “bài thơ” ngắn tôi tặng anh năm vào tuổi 80:
“Thơ đã thành Nơi gặp gỡ
Trái tim cháy đỏ Ráng chiều
Ôm tình Cố hương bạc tóc
Nỗi nhớ cánh rừng còn theo”.

Thời gian của anh thiên về lao động chân tay hơn, chỉ làm thơ bằng cách “viết nhẩm” trong lúc làm việc. Lúc rảnh rỗi mới ghi ra giấy. Có lúc quên ghi, nên anh cũng chẳng nhớ mình bắt đầu làm thơ từ lúc nào và đâu là bài thơ đầu tiên. Đối với anh, thơ như một cái gì tự có trong mình mà ra, chứ anh có được học qua một trường lớp nào đâu, kể cả một bài giảng văn trong nhà trường. Không hiểu anh đã tiếp thu được văn chương từ đâu, mà sau này, nghe anh đọc thuộc vanh vách những đoạn văn xuôi của Hồ Dzếnh, Thanh Tịnh, Thạch Lam… và đặc biệt là thơ Đường. Nhiều lần chúng tôi đã được nghe anh bình thơ Đường ở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An. Nhà thơ Quang Huy bảo: ở Nghệ An này, người hiểu về thơ Đường nhất là anh Vương Trâm. Không biết có phải vậy không, chứ riêng tôi, học qua các thầy từ cấp 2 đến đại học, quả thật chưa thấy ai giảng về thơ Đường xúc động và sâu sắc như anh. Nhiều bài thơ Đường chúng tôi biết được là từ anh chứ không phải từ nhà trường, những nhà trường “chính quy” mà anh chưa bao giờ được đặt chân tới.

Những bài thơ anh viết lúc xa quê chan chứa tình yêu thương cái làng quê Đông Bích nhỏ bé, heo hút nghèo khổ của mình. Anh viết về Bãi dâu quê em, về Bàu Bưởi, về cuộc sống một vùng quê đã in đậm trong anh bao thương mến xót xa:
“Ôi làng quê, muôn thuở làng quê
Nơi cha ta vai trần gánh vác
Nơi mẹ ta một đời chân đất
Cấy lúa xuống đồng năm đợi mười lo”
Phải là người đã từng buồn vui với bao no đói chiêm mùa, đã từng dầm chân trong bùn đất mới tả được cái cảnh: “Hạt thóc gieo tái xám mặt bùn/Gió bấc kéo về, cơn rét đè lên/Mầm mạ nát nhừ trên luống mạ”.
Không chỉ mầm mạ, ở đó có cái đau đớn xót xa của người làm ruộng. Nhiều người làm thơ ở ta cũng đã tả cảnh ruộng đồng lúa khoai mùa vụ, nhưng phải là người như anh Trâm, đã từng khao khát ngồi nhìn từng ngọn mướp hôm nay cao thêm được vài lá, đã từng vuốt ve từng củ khoai giáp hạt thì mới viết được về mùa dỡ khoai với bao háo hức, bao yêu mến chắt chiu như thế này:
“Củ khoai nằm trong đất ngủ say
Bỗng bừng dậy hồng hào sắc vỏ
Gặp mặt trời, gặp mặt người hớn hở
Gặp tay người mở đón nâng niu…”.

Tình cảm với quê hương làng xóm của anh là sâu nặng lắm. Anh tuyên bố: anh nào đi xa về đến thị trấn Đô Lương còn ngồi ăn phở là không biết yêu làng, không có chút gì tình yêu quê đâu! Vẫn là cách nói hơi cực đoan của anh nhưng quả thật, đạp xe một mạch sáu, bảy mươi cây số từ Con Cuông về là đã thấy anh dạo khắp làng, khắp Đồng Côi, Đồng Cựa.
Nhưng cái mảng lớn nhất trong thơ anh Trâm là mảng thơ anh viết về rừng. Anh đã giành 4 giải cao thi thơ toàn quốc về đề tài lâm nghiệp. “Hai mươi năm xa quê, tôi với rừng là bạn…”. Anh đã sống trọn thời trai với rừng thì cũng có gì lạ đâu, khi anh dành cho rừng, cho đất Con Cuông nhiều bài thơ với tình cảm thiết tha đến thế.

Tôi nhớ anh rất thích bài thơ Độ Càn Long của Giả Đảo. Đại ý bài thơ của Giả Đảo là tâm trạng của một người bao năm sống ở Tinh Châu vẫn muốn được về nhà, dằng dặc nỗi nhớ Hàm Luông đất quê. Đột ngột phải phải chuyển sang đất Càn Long ngoảnh lại thì Tinh Châu đã lại thành quê, lại thêm một quê nữa để mà dằng dặc nhớ!

Tôi đọc thấy “cái tình quê Giả Đảo” ấy trong thơ anh; cái tình rừng nối thêm dằng dặc tình quê, dằng dặc tấm lòng một con người tha thiết thủy chung với mọi nơi mình hằng sống.
Khi đi lâm nghiệp, với anh chắc cũng chỉ là một kế sinh nhai chứ đâu phải vì yêu vì thích. Nhưng bởi có trái tim đa cảm, khát khao rộng mở với trời với đất, nên đến với rừng anh bỗng trở nên thiết tha gắn bó với rừng. Đến nỗi có lần phải xa rừng, anh tưởng mình như cái cây bị nhổ gốc ném ra khỏi đất:
“Tôi ngồi lặng giữa mông lung
Gốc cây nước cuốn xa rừng bơ vơ.
Sao Hôm đã tắt bao giờ
Để cho nét núi đẫm mờ chân mây
Để cho nỗi nhớ thêm dày”.
Mà lạ chưa: Rừng ơi mới trọn một ngày xa nhau…

Hai mươi năm ở rừng với anh chắc chắn là cũng khổ nhiều hơn sướng. Vì thời ấy có mấy ai được sướng. Càng vì lao động lâm nghiệp như anh kể: “ầm ầm đi trong gió bấc, ầm ầm đi trong mưa giông” thì có gì đâu mà mơ mộng. Có được những vần thơ xúc động về rừng là bởi cái tình của anh, bởi trái tim dạt dào cảm xúc của anh. Có gì lạ đâu cái hoa chuối rừng người ta vẫn thường chặt về làm nhút! Thế mà với anh nó rung cảm làm sao: Vẫn có những buổi chiều/Dừng trước hoa chuối đỏ/Xòe tay như hơ lửa/Kỳ diệu lắm rừng ơi…”.

Với làng quê Đông Bích, đi xa, anh tưởng “như cái mùi bùn bàu Bưởi còn bám theo ta hoài…”. Với rừng, có lúc còn hơn thế nữa, cái dấu bùn gột đi còn chưa mất, vẫn còn mùi nhựa cây để cho anh bâng khuâng nỗi nhớ: “Ống quần bùn đã gột xong/Nhựa cây còn vướng thơm nồng mùi cây/Để bây giờ mở bàn tay/Mùi hương hoa lại khỏa khuây nỗi lòng…”.

Gắn bó với rừng, anh gắn bó nhiều hơn cả với cây. Anh đã có những bài thơ như Gió ở vườn ươm, hay Qua một khu rừng cháy là sự giao cảm khăng khít giữa người với cây. Anh như nghe được từng hơi thở của lá “đứng mơ màng nghe tiếng gió đi qua”. Anh đau đớn xót xa khi đứng giữa khu rừng cháy: “Thân cháy dựng hàng hàng cọc đứng/Lời cây trăng trối với đất đai…”.

Viết về rừng, anh còn viết nhiều về những con người bao năm gắn bó với anh ở rừng, về những Cô gái lâm trường, những người thợ khai thác, người quản tượng, cô giữ trẻ… mà anh từng cảm mến. Những bài thơ ấy các sách báo đã in đi in lại nhiều lần…

Chỉ muốn nói thêm điều này: đọc thơ anh, ta nhặt được rất nhiều những câu thơ lấp lánh sáng. Có những bài được giải, nhiều bài thành công trọn vẹn, nhiều bài khá độc đáo như Đã một lần tôi được cưỡi voi hay Xuống núi… có những bài tứ thơ không lạ vẫn có những câu hay của một hồn thơ thực sự. Anh có bài thơ Em ở bên kia viết về cô gái Việt sinh ở đất Lào thời loạn lạc, có câu: “Tháng 5 quê người mưa rơi rách lá”. Câu thơ ngắn mà nói được nhiều. Vừa tả được cơn mưa dữ dội rừng Lào, vừa là cái cõi lòng rách nát của kẻ tha hương.
Anh cũng có bài thơ về cái nắng hè độc địa ở quê, có những chi tiết thơ rất tinh tế. Tả cái nắng đến khô cong chiếu trong nhà không trải phẳng ra được đã là chính xác, lại còn viết: “Nắng héo cả bóng râm” thì người đọc mới cảm nhận hết được cái nắng nồng đến rũ ra.

Cuối năm 2014, theo gợi ý của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An, anh Vương Đình Trâm đã tập hợp những bài thơ mới viết những năm gần đây sau tập Ráng chiều của mình thành một tập mới đặt tên là Cố hương. Tập thơ chưa xuất bản vì anh còn định bổ sung thêm mươi lăm bài nữa cho dày dặn hơn. Tập thơ của tuổi tám mươi!

Trước hết, nhìn chung Cố hương vẫn là cái mạch thơ gân guốc khỏe mạnh tuôn chảy tiếp nối từ ba tập thơ trước nhưng vẫn có cái khác là những bài thơ loại “kể” và “tả” ít hẳn đi. Nhiều hơn là những bài thơ trữ tình chính luận, ngắn, dưới 10 câu, 12 câu. Bên cạnh cái bề bộn của cuộc sống thì cái “chất luận bàn thế sự”, chữ dùng của nhà thơ Võ Văn Trực trong “Lời giới thiệu” tập thơ Ráng chiều của anh đã nói “cái giọng ông đồ Nho thầm thì luận bàn thế sự mới vọng ra đâu đó trong nẻo khuất của thơ anh” khi trò chuyện Với mây trắng, Với con trâu già hay Bên tượng đài Hồ Xuân Hương thì ở tập Cố hương này, chất luận bàn thế sự đã trở thành cái mạch chủ đạo trong thơ anh.

Cái chất luận bàn thế sự ấy lại được thể hiện ra ở hầu hết những bài thơ được cấu tứ dựa trên những nghịch cảnh tai nghe mắt thấy diễn ra trong cuộc sống thường ngày. Có thể là do hiện thực cuộc sống hôm nay đang đầy rẫy những nghịch cảnh, những chuyện ngang trái mà một con người vốn bản tính cương trực thẳng thắn như anh luôn cảm thấy chướng tai gai mắt không nói ra không được. Có điều anh đã nói ra bằng thơ, một cách nói đầy cảm xúc, bằng những ý thơ, chi tiết hình ảnh thơ đối lập nhau, đã làm nẩy ra những phát hiện mới mẻ, lúc đầu là thú vị nhưng lắng lại là nhói đau xa xót.

Ví dụ như bài thơ Trước lăng Tự Đức. Bao nhiêu người đã viếng lăng Tự Đức. Những khiêm cung, khiêm môn, khiêm tạ, khiêm điện… đã nức nở khen tài khen đẹp. Nhưng với anh, anh thấy sao mà đầy nghịch lý: “Một lâu đài tráng lệ/Lại gọi là khiêm cung”. Rồi “Vợ có vài trăm ả/Một chết lại khóc vờ/Gượng xếp tàn y lại/Để tìm lấy hơi xưa”. Và anh khẳng định như đinh đóng cột: “Bao nhiêu là lọc lừa/Trong những lời đường mật/Làm sao mà dân nước/Lại có người khen hay?” Nghịch cảnh rành rành ra đó, tiếc rằng người khen hay vẫn nhiều và không chỉ với lăng Tự Đức!

Bài thơ Bên mộ người ăn mày cũng là một nghịch cảnh: “Sống ngửa tay ăn xin/Mấy ai cho một miếng/Chết vùi thây bên đường/Thiên hạ đua nhau viếng”. Nghịch cảnh ấy người nào cũng đã gặp. Anh cấu tứ thành một bài tứ tuyệt ngắn gọn. Hai ý đối lập nhau nói được bao điều, không chỉ là thói vô cảm, đạo đức giả đang bày ra nhan nhản, không chỉ bên mộ ăn mày.

Cũng bằng cách cấu tứ đối lập ấy anh đã có một bài thơ Dại khôn được nhiều người đồng cảm. Chỉ bằng 6 câu thơ, mỗi câu 5 chữ, anh đã rất khéo chọn những chi tiết thơ tiêu biểu. Từng cặp câu đặt cạnh nhau là 2 cách ứng xử trái ngược nhau tuyệt đối như nước với lửa đã làm nổi bật thái độ sống, nhân cách sống của hai hạng người mà anh gọi là Khôn và Dại: “Kẻ dại nói huyên thuyên/Người khôn ngồi chau mặt/Kẻ dại đội lên đầu/Người khôn dí xuống đất/Kẻ dại khúc khích cười/Người khôn rơi nước mắt”. Bực mình, căm ghét mà cũng chua xót biết bao. Gặp cảnh huống ấy, người có chút gọi là hiểu biết cũng chỉ còn biết “chau mặt ” và “rơi nước mắt ”chứ còn biết làm gì nữa!

Bài thơ Lời ru của anh là một bài thơ hay đã được nhiều người biết đến, đã in trong chùm thơ của anh ở Báo Văn nghệ, trong một số tuyển tập thơ và tạp chí khác. “Ngọt ngon ru cháu ngủ rồi/Là khi cay đắng ông ngồi ru ông”. Đây là lời ông tự ru ông thôi, ông ru để nhớ:
“Biết bao câu chuyện não lòng
Dậy từ ký ức một vùng xóm thôn.
Cái thời người ốm thèm cơm
Một nhà rán mỡ khen thơm một làng”

Toàn là những chuyện có thật xẩy ra ở một thời không bình thường đến thảm hại, bây giờ nhắc lại lại sợ cháu mình “Giật thót cơn mê/Cánh cò chẳng dám bay về nữa đâu” . Bài thơ đọc rồi mà dư vị cay đắng xót xa của một thời còn “nghĩ lại mà ghê”. Anh đã chọn được những chi tiết thơ thật tiêu biểu để diễn tả sự khốn nạn của cuộc sống một thời. Cái gì cũng thiếu: dầu để thắp sáng hết, nhựa trám để thay thế cũng hết. Cái thứ đáng vứt đi như bã khô dầu lại được dùng làm quà tặng nhau; rồi “vỏ bao phân đạm rọc ra làm quần”…

Tập thơ Cố hương chỉ ba bốn chục bài thôi vẫn chứa đựng một nội dung khá phong phú. Không chỉ có phần thơ thế sự phơi đầy nghịch cảnh, Cố hương còn mảng thơ viết về những ký ức êm đẹp của làng quê, của một mạch sống nồng ấm vẫn âm thầm tuôn chảy.

Bài thơ Thăm nơi sơ tán cũ là những cảm xúc tươi rói khi anh trở về một thời sôi nổi, không bị dàn trải như những bài thơ dạng này trước đây anh hay viết mà có sự chọn lọc những chi tiết thơ gây được ấn tượng: “Đá cũng nhớ em rơi dòng thạch nhũ/Cái cối giã vừng ngơ ngác nhìn anh”… Và một cái kết thúc hay: “Chiếc lá vào hang chiếc lá thôi xanh/Ngọn gió vào hang mất tiêu gió/Anh bước vào hang anh thành tượng đá”.

Bài thơ Anh lên ăn tết lâm trường là một bài thơ lục bát nhuần nhuyễn, câu từ cũng như cảm xúc. Vui tươi, chân thật, giản dị, đời thường mà ấm nồng tình nghĩa: “Gặp nhau mừng biết bao nhiêu/Tiếng cười bè bạn trẻ chiều cuối năm/Ríu ran kẻ hỏi người thăm/Một niềm hạnh phúc chia trăm tiếng cười/Má em đỏ giữa niềm vui/Thương chưa, rót chén nước mời run tay”. Và: “Em ngồi bóc bánh chưng xanh/Mở ra vị tết yên lành trăm quê”. Nét đẹp giản dị yên lành ấy dường như giờ chỉ còn trong ký ức, nhưng nó cũng làm dịu đi phần nào cái dữ dội của tập thơ.

Tập thơ của người đã vào tuổi 80, dù sống mạnh mẽ và lạc quan như anh cũng có lúc xao xác nỗi buồn. Bởi đã cảm thấy “Hoàng hôn sắp sửa lấn sang chiều/Khi cánh hạc cuối chân trời vẫy gọi”. Buồn vì tuổi già, vì bệnh tật. Buồn vì nhân tình thế thái. Nhưng ít thôi. Có nỗi buồn khi như linh cảm thấy “Thơ thôi về gõ cửa”. Không sợ già. Chỉ sợ tâm hồn bỗng trơ ra già cỗi.

Tập thơ Cố hương mới biên tập xong chưa kịp xuất bản thì anh đã vội ra đi để lại cho người thân và bạn bè bao tiếc nuối. Anh mất ở nhà con trai tại Vũng Tàu ngày 02/9/2019. Trước đó hơn tháng tôi có đến thăm anh. Lúc này anh đã yếu, giữa câu chuyện thổn thức đứt quãng lại nghe anh nhắc đến làng. Trong căn phòng nhỏ giản dị nhưng đầy đủ tiện nghi, ấn tượng nhất vẫn là bức ảnh vợ chồng anh chụp giữa thập niên 80 được phóng to treo trên tường, trông còm cõi đến xót xa. Dưới bức ảnh là câu thơ trích từ bài Lời ru của anh: “Cái thời người ốm thèm cơm/Một nhà rán mỡ nghe thơm một làng”.
Tình quê với những day dứt khôn nguôi còn đeo đẳng người thơ ấy đến tận ngày giã biệt.

Vương Đình Long