Trời dần mưa nặng hạt. Mọi người bắt đầu chen chân vào các hàng quán dọc đường và trong chợ để trú mưa. Một số người vì hàng hóa nên đành dùng ô hoặc áo mưa che thân mà không di chuyển được. Nhưng, có một người đàn ông lạ kỳ: trong khi những người khác cố gắng che cho người không bị ướt, thì anh ta dùng ô che cho hai chú gà để trước mặt. Hình ảnh đó khiến tôi tò mò. Ngay khi vừa tạnh mưa, tôi đến chỗ anh ta bắt chuyện. Đó cũng là lần gặp gỡ đầu tiên giữa tôi với anh Thào tại chợ phiên Bắc Hà, cao nguyên nổi tiếng của miền núi Lào Cai. Và đó cũng là khởi nguồn cho chuyến đi Bản Phố của tôi gần chục ngày sau đó…

Mùa Hè năm 2008, rời ghế trường đại học, điểm đến đầu tiên của tôi trên chặng đường tìm hiểu về dân tộc học là Lào Cai, nơi mà trước đó một thời gian tôi đã từng đến. Tôi đến gặp TS. Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai, cũng là một nhà dân tộc học. Do được thầy giáo hướng dẫn tốt nghiệp giới thiệu trước nên tôi được bố trí ở lại trong một phòng công vụ tại trụ sở. Những phòng này, ngày thường một số lái xe hay cán bộ Sở nhà ở xa thường ở lại mỗi khi phải đi công tác sớm. Tôi được chú Sơn bố trí lên thư viện đọc sách vở liên quan đến Lào Cai và chờ việc để làm. Sau vài ngày, tôi cũng quen biết được một số anh chị trong Sở, trong đó có anh Mười, là cán bộ quay và dựng phim. Tôi hay về nhà anh Mười uống rượu vào cuối ngày. Qua anh, tôi được gặp gỡ nhiều người khác.

Vào tối thứ Bảy, trung tuần tháng 8, đang uống rượu thì anh Mười rủ hôm sau đi Bắc Hà chơi. Mấy anh trong bữa rượu còn bảo, đi Bắc Hà chơi chợ phiên cuối tuần và uống rượu thú vị lắm. Tôi làm sao mà từ chối những chuyến đi như thế được, nhất là về Bắc Hà, nơi được mệnh danh là cao nguyên trắng, đẹp tương đương với Sa Pa.

Xuất phát từ khá sớm, tôi không quen đường nên anh Mười chở. Hai anh em một xe máy vừa đi vừa nói chuyện. Khoảng 9h sáng thì chúng tôi vào đến chợ phiên Bắc Hà. Đây là phiên chợ lớn nhất nhì vùng Lào Cai, thường họp vào ngày cuối tuần. Từ ngoài đường, người ta bày la liệt hàng hóa ra hai bên để bán. Càng vào sâu trong chợ càng đông người. Hàng hóa chủ yếu là các nông lâm sản, hàng thủ công được người dân trong vùng mang đến bán, đổi. Cũng có một số người Kinh ở thị trấn hay một số nơi khác đến buôn bán tại đây. Chiếm số lượng đông nhất là người Mông. Họ là nhóm tộc người có tỷ lệ dân cư đông nhất ở Bắc Hà. Đang giữa Hè nên khách du lịch về Bắc Hà khá đông. Một số từ miền xuôi lên Sa Pa từ tối thứ Sáu, dạo chơi ở đó ngày thứ Bảy và sáng Chủ nhật thì sang Bắc Hà chơi chợ phiên.

Mọi thứ đang nhộn nhịp, yên lành, bỗng một trận mưa trút xuống. Ban đầu mưa nhỏ, sau đó nặng hạt dần. Trận mưa làm cho mọi người nhốn nhào tìm nơi ẩn nấp. Các quán hàng còn lưa thưa khách vì chưa đến giờ ăn uống, bỗng trở nên chật chội. Một số vào chọn bàn ghế gọi đồ ăn và uống rượu được chủ quán đón tiếp nồng hậu. Cũng có nhiều người chỉ ghé vào đứng tránh mưa nên không dám ngồi vào bàn ghế vì phải nhường cho khách của quán. Khá nhiều người Mông từ các bản làng ra bán hàng vì phải trông hàng hóa mà không di chuyển. Họ quen với những trận mưa như thế này nên đã chuẩn bị ô hoặc áo mưa, hay các tấm nilon để che mưa. Hôm đó, Thào đứng gần cửa đi ra phía sau của chợ, là nơi người ta buôn bán trâu bò. Thực ra, tên anh không phải là Thào, đó là họ của anh. Nhưng tôi quen gọi anh như vậy cho dễ nhớ. Hầu như những người bán hàng nông, lâm sản chủ yếu là phụ nữ, thì Thào lại trở nên đặc biệt. Anh không có nhiều hàng: một can rượu, hai quả bí đỏ, mấy quả dưa chuột, một mớ măng rừng và hai con gà. Tôi ngồi trong quán với mấy anh em thưởng thức rượu ngô Bắc Hà, một đặc sản được nhiều người biết đến. Ở Lào Cai, có nhiều loại rượu thú vị. Trong đó, rượu thóc San Lùng của người Dao và rượu ngô Bắc Hà của người Mông là nổi tiếng nhất. Vừa uống rượu vừa trò chuyện với bạn bè nhưng mắt tôi không quên để ý đến người đàn ông tên Thào đang che ô cho gà kia. Tạnh mưa, tôi lại bắt chuyện. Ban đầu tôi hỏi mua rượu, sau đó hỏi các chuyện khác. Khi tôi đề nghị được mua 5 lít rượu của anh thì anh tỏ vẻ vui mừng và cởi mở hơn. Lúc này, tôi mới hỏi, vì sao anh chịu ướt dành ô che mưa cho gà. Áo quần bị ướt hết, và bắt đầu ngấm lạnh, tôi thấy người anh thỉnh thoảng run bần bật. Nhưng, câu trả lời của anh lại rất “Mông”: “Tao ướt mưa quen rồi nên không sao. Gà mà ướt mưa, ốm chết thì không bán được, nên phải che cho nó chứ”. Rồi tôi hỏi về rượu. Thào khoe, bản anh là nơi đầu nguồn suối ở Bản Phố, là quê hương của rượu Bắc Hà… Sau cơn mưa, trời trở lại nắng nóng. Tôi rủ anh vào uống rượu cùng anh em, nhưng anh từ chối bảo phải đi mua một số thứ cần thiết, rồi còn gặp bạn bè để uống rượu. Và Thào hẹn tôi vào Bản Phố chơi, đến nhà Thào sẽ mời rượu nhiệt tình…

Cậu bé đi chợ phiên Bắc Hà, ảnh: Văn Song

Giữ lời hứa với Thào, mấy ngày sau tôi bắt xe vào bản Phố. Nhiệm vụ của tôi là tìm hiểu về nghề nấu rượu ngô của người Mông nơi đây. Xã Bản Phố cách thị trấn Bắc Hà khoảng 3 km, là nơi tập trung nhiều người Mông đen (Hmong du). Từ xã Bản Phố về đến thôn Bản Phố 1 còn khoảng 5 km nữa, nhưng đường dốc quanh co, càng đi càng lên cao. Hôm trước, Thào bảo nhà anh ở ngay đầu Bản Phố 1 nên đến là tìm được ngay. Một mình mang ba lô cứ theo đường người ta chỉ mà rảo bước. Ban đầu là đi men những mảnh ruộng bậc thang. Rồi đến những nương ngô. Càng lên cao, ngô càng nhiều. Nhìn lên phía núi, từ dưới thấp lên đỉnh núi cao đều là ngô. Càng đến gần thì càng nhìn rõ hơn. Tôi chưa từng hình dung được người ta có thể trồng ngô lên đến đỉnh núi cao như vậy. Nó giống như một kỳ quan hùng vĩ không thua các kỳ quan thiên nhiên khác. Xen giữa nương ngô, người ta trồng bí, su su và dưa chuột. Dưa chuột của người Mông ở đây quả rất to, có quả đến vài cân, khi chín màu vàng đỏ, ăn hơi chua chua nhưng rất mát lành.

    Mặt trời xuôi dần phía núi, mây bắt đầu dày dần. Trời về chiều càng mờ mịt, âm u hơn. Khi đến Bản Phố 1 cũng đã gần tối. Như Thào hướng dẫn, đến ngay đầu bản thấy ngôi nhà nhỏ bên phải thì vào đó hỏi. Nhưng có vài ngôi nhà gần nhau nên tôi cũng không tự tin xác định. Ghé ngay nhà đầu tiên hỏi thì không có người ở nhà. Đi tiếp mấy chục mét vào nhà thứ hai. Sau vài lần gọi, một cô gái tầm 15-16 tuổi ra cửa. Thấy tôi, cô gái đứng nhìn, không hỏi han cũng không lại gần hay đi vào. Tôi cứ nghĩ tại mình nói nhanh quá mà cô không hiểu nên cố gắng nói chậm lại. Cô gái thì khép nép mở cửa rồi quay vào trong nhà. Nhưng vài phút sau cô mang một cái ghế để gần chỗ tôi rồi chạy đi ra ngoài. Gần nửa tiếng sau thì Thào về. Thào dắt một con trâu, và cô gái lúc nãy đi về cùng, dắt theo một cậu bé tầm 4-5 tuổi. Buộc trâu lại, Thào vào nhìn tôi như không nhận ra. Rồi hỏi: “Anh hỏi nhà tôi có việc gì không?”. Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng mà trời lúc này đã mờ tối, nhìn không rõ mặt nhau thật. Nên tôi cười: “Anh không nhận ra em à. Mấy hôm trước ở chợ phiên, anh mời em vào nhà anh uống rượu mà?” Bỗng Thào ồ lên: “Nhớ rồi. Tao không nghĩ mày vào nhanh thế…”Anh ở trong một ngôi nhà nhỏ, tường bằng đất, chia thành hai gian. Phía lưng quay ra đường chính vào bản, còn phía trước nhà hướng ra sườn núi, nhìn ra xa hơn là ủy ban xã và xa nữa là thị trấn. Trước nhà trồng ngô, bí, su su và dưa chuột. Nhà của Thào giống như một cái tổ tò vò thì đúng hơn. Tường đắp đất đã nứt toác, mái tranh tùm hụp, chỉ có một cửa ra vào là có khuôn gỗ, cũng đã ọp ẹp. Hai bên cửa treo hai cái cùi bắp lủng lẳng. Anh bảo để ngăn ma tà bên ngoài vào nhà hại người. Cả cái nhà thế mà chỉ có mỗi cây cột gỗ đỡ vì kèo giữa, ở hai đầu nhà, đòn tay gác vào tường đất. Trên thân cây cột thấy có dán giấy hồng điều và lá vàng ở giữa. Thì ra cây cột này là nơi thờ ma nhà. Ngôi nhà nhỏ như túp lều, đồ đạc trong nhà vứt lủng củng. Nhà có hai gian: một gian bếp để chứa đồ đạc, lúa ngô giống và chỗ ăn cơm, giữa gian này để một cái lò nấu rượu với một chảo lớn đặt trên đó.  Ở Bản Phố nhà nào cũng có lò nấu rượu. Người ta dùng đất đắp thành cồn, nện thật chặt rồi bắt đầu khoét thành lò đơn hoặc lò đôi tùy theo nhu cầu nấu rượu của gia đình. Sau đó thì đốt củi lên nung cho lò thật chắc, rồi gắn chảo lên. Nồi rượu đầu tiên là để mừng lò mới, họ nấu để mời anh em bạn bè đến uống. Lò rượu của nhà Thào làm khá lâu rồi, nhưng mấy năm nay gần như không dùng đến nên chảo dùng để đựng ngô và một số nông sản khác. Một gian còn lại có tấm ri đô vải ngăn ngang, tối như hũ nút, hai góc kê hai chiếc giường để ngủ. Kéo ri đô giường lớn hơn thấy quần áo, chăn màn bừa bộn một đống. Phía đầu giường có một tấm ảnh lớn, như là ảnh cưới của Thào. Trong ảnh chắc là vợ Thào, một cô gái Mông trắng trẻo, xinh xắn và đầy đặn. Tôi hỏi vọng ra: “Ảnh cưới đẹp quá. Vợ anh đây à?”. Thào đang làm thịt gà, chỉ vọng vào một tiếng ừ. Thế chị đi đâu? Tôi hỏi tiếp. Nhưng Thào không nói gì cả. Một lúc thấy Thào đi vào, chắc đã làm thịt gà xong, vào giường lấy gì đó, vừa đi ra vừa bảo tôi: “Nhà chỉ có hai bố con với em gái nên hơi bề bộn, thông cảm nhé. Ra ngoài ngồi uống nước chờ tao chút rồi ta uống rượu”.

Tối hôm đó, Thào gọi thêm vài người bạn nữa đến uống rượu, trò chuyện với tôi. Gần khuya, các bạn về, còn hai anh em vẫn ngồi uống tiếp. Nhưng từ đầu buổi rượu, tôi thấy Thào ít nói hơn. Có lẽ từ lúc tôi hỏi về vợ anh cho đến giờ anh ít nói hẳn. E ngại về câu chuyện này, tôi chuyển qua hỏi thăm bố mẹ của anh. Anh cởi mở hơn. Rót hai chén rượu đầy, loại chén sứ to mà ở xuôi hay để uống trà. Rượu ngô Bắc Hà đúng chuẩn 52 độ. Uống một chén đầy là cháy họng chứ chẳng chơi. Nhưng thấy anh bảo “Mày uống hết chén này rồi tao kể cho nghe”.

Trong đêm tĩnh lặng, giọng Thào u buồn. Thào không xưng tao nữa mà chuyển qua xưng mình: Bố mình bỏ đi lâu rồi, có lẽ khi em gái mình bằng tuổi con trai mình giờ đó. Hai anh em mình ở với mẹ. Mấy năm trước, mình cưới vợ là người bản bên. Hai vợ chồng sinh được đứa con trai. Cuộc sống vất vả, nhưng cũng vui vẻ. Ba năm trước, một hôm mình dắt trâu qua bản cách nhà khá xa để bán lấy tiền cho em gái đi học. Mẹ và vợ đi lên nương lấy ngô. Đến tối, mình về nhà không thấy mẹ, cũng không thấy vợ đâu. Chỉ có cô em gái đang bế cháu ngồi trước cửa. Hai ba ngày cũng không thấy ai về. Đi hỏi người trong bản, không ai biết gì. Sau đó mấy ngày mới hay tin mẹ mình bị công an bắt vì buôn bán người qua Trung Quốc. Đau đớn là, mẹ lại mang vợ mình đi bán. Mẹ bị tòa xử 7 năm tù. Còn vợ mình mãi cũng chẳng có thông tin gì. Thế là trong nhà, chỉ còn ba người thôi. Mồ côi cả!

Anh nói xong ba từ cuối cùng như rưng rưng nước mắt. Tôi rót rượu, đưa cho anh và uống. Cũng chẳng biết nói gì hơn. Như sợ tôi thấy anh đang khóc, Thào đi vào giường. Lát sau đi ra, bảo “Thằng bé ngủ hay đạp tung chăn ra nên mình vào đắp lại cho nó. Đêm ở đây vẫn lành lạnh đấy”. Rồi, anh lại ngồi xuống uống rượu và nói chuyện tiếp, giọng xa xăm. Người Mông bảo, con gì cũng vậy, mồ côi là khổ lắm. Nhất là lúc còn nhỏ. Con mình hơi nhỏ bé vì không được mẹ chăm sóc. Trước nó hay đòi mẹ, giờ cũng biết hơn và quên dần, nên không hỏi nữa. Lâu lâu nó lại ngồi nhìn tấm ảnh cưới của bố mẹ thôi. Năm nay cũng đến tuổi đi học rồi, mà mình chưa biết tính sao đây!

Sao anh không lấy vợ nữa đi, cho có người chăm thằng bé và cùng anh lo cho gia đình? Thào chỉ cười nhẹ và bảo: Mình phải nuôi con nhỏ, lại còn nuôi một đứa em gái nữa, ai mà lấy về cho khổ chứ?

Như để giải thoát khỏi các câu chuyện buồn bã, nặng nề, tôi cố ý đổi chủ đề. Ừ nhỉ. Cô em gái anh cũng xinh xắn, đến tuổi lấy chồng được rồi. Thế có đám nào chưa? Cứ nghĩ, Thào sẽ trò chuyện khác vui hơn. Nhưng không. Mà trái lại, anh như ngậm ngùi hơn: Từ ngày chị dâu bị mẹ bán đi Trung Quốc, rồi mẹ bị bắt, em gái bị sốc nặng. Nó sợ gặp người ngoài, sợ ra ngoài lắm. Không dám nói chuyện với người lạ. Năm nay gần 18 tuổi rồi đấy, mà cứ ở trong nhà chơi với cháu, hoặc đi lại trong bản thôi. Cũng có một vài đám đến hỏi mình, nhưng nó sợ, mình thì thương nó nên cũng chẳng biết làm sao…

Trời càng về khuya thì bắt đầu lành lạnh. Anh em cũng bắt đầu chóng chếnh rượu nên dừng cuộc nhậu để nghỉ ngơi. Nhà người Mông thường chật hẹp, không có sẵn giường cho khách. Mỗi khi có khách quý đến ở lại thì họ mới chuẩn bị. Nhà Thào lại càng chật hẹp nên càng khó hơn. Ở một góc nhà của gian ngoài, Thào đã đặt sẵn hai que củi giao với tường nhà tạo thành một cái giường trệt. Bỏ một ít là chuối khô và rơm rạ lót xuống, rồi trải một tấm chiếu lên trên, thế là có nơi nghỉ ngơi cho khách. Vùng này nuôi nhiều chó, nhà đất và nhiều đồ đạc, nên là nơi thuận lợi cho bọ chó sinh sôi. Chẳng có gì lạ khi mà sau vài ngày thì người nổi toàn những mẩn đỏ vì bị bọ chó cắn. Tôi khật khà lắm mới đi đến được chỗ ngủ. Một lát sau thấy Thào ra nằm cạnh. Cái chiếu chật hẹp, lại có thêm người lại càng chật hơn. Nhưng Thào bảo, nhà có khách quý ở lại thì chủ nhà phải ngủ cùng khách, chứ không người già biết sẽ bảo là không quý khách. Tôi cố gắng thuyết phục mãi anh mới chịu lên ngủ với con cho một mình được rộng rãi hơn. Nhưng nằm mãi tôi vẫn không chợp mắt được. Câu chuyện của Thào cứ ám ảnh tôi. Trong cuộc sống, có những chuyện thật khó hình dung, nhiều khi đến khó tin. Một người phụ nữ chỉ vì 6 triệu đồng đã đem bán con dâu của mình qua Trung Quốc và rồi nhận cái kết là 7 năm trong tù. Có điều, hành vi đó lại biến chính con và cháu của họ thành những người mồ côi. Anh em Thào mô côi mẹ, trước đó là cha, Thào mồ côi vợ và con Thào cũng mồ côi mẹ. Thật khó mà tưởng tượng được những gì mà người đàn ông này đang chịu đựng.

       Sáng ra, Thào dậy sớm nấu cơm và gọi tôi dậy ăn. Cơm với su su luộc chấm muối. Câu chuyện tối qua vẫn còn trong tâm trí, nên tôi hỏi tiếp: “Lâu anh có đi thăm mẹ anh trong tù không?”. “Có chứ! Mình là con mà. Lúc đầu cũng giận lắm, nhưng dần rồi nguôi ngoai. Hồi đầu năm có đi thăm mẹ, nhưng bà bảo, từ giờ không được đi thăm nữa mà chăm làm để nuôi em, nuôi con thôi”.

Thấy Thào cười nói vui trở lại, tôi biết những chuyện hôm qua anh kể đã theo hơi rượu bốc đi rồi. Nỗi đau có lẽ ở mãi trong lòng, chứ cuộc sống người ta cần lạc quan để vượt qua. Sau đó, Thào đưa tôi đi đến nhà trưởng bản để liên hệ công việc. Mấy ngày sau, chúng tôi gặp nhau đều hơn và nói nhiều chuyện. Nhưng câu chuyện buồn của Thào thì không hỏi đến nữa.

Bản Phố là đất nấu rượu ngô. Cả bản trồng ngô, tính ra nhà ít nhất mỗi năm cũng trồng vài ba tấn ngô. Và nhà nào cũng nấu rượu. Rượu ngô Bản Phố ngon vì họ nấu bằng men làm từ cây hồng my – một loại cây giống cây kê, được người dân trồng ở nương, sau đó thu hoạch về để làm thành men cùng với gạo nếp và các loại lá cây khác. Rượu men hồng my uống êm, thơm và say cũng không bị đau đầu. Nhưng càng ngày, người dân càng sử dụng nhiều men bột mua từ chợ để nấu rượu do thuận tiện hơn cho dù rượu không ngon và gây đau đầu. Trong bản có 38 hộ thì có 37 hộ nấu rượu để bán vào chợ phiên, gia đình duy nhất không nấu rượu lúc đó chính là nhà Thào. Mẹ bị bắt, vợ bị bán nên trong nhà không có phụ nữ, làm cho Thào phải đi mua rượu để uống. Phiên chợ Thào cũng mang đi một can rượu vừa để bán, vừa để uống, nhưng là rượu do bác nhà Thào nấu. Ngày rời Bản Phố, Thào chuẩn bị cho tôi một can rượu, hai quả dưa chuột thật to và tặng thêm một con dao làm kỷ niệm… Thào tiễn tôi đến đầu bản rồi quay về. Đi một đoạn khá xa tôi mới ngoảnh lại. Bóng Thào đã khuất, chỉ còn rừng núi mịt mù. Những nương ngô từ thấp lên đến đỉnh cao như vô tận. Có lẽ người Mông nơi đây khai phá những đỉnh núi cao kia thành nương ngô bằng sự nỗ lực của nhiều thế hệ. Họ nỗ lực không ngừng để vươn lên mạnh mẽ với ý chí kiên cường. Mà Thào, một người bạn Mông của tôi là một ví dụ…

Thoáng cái mà đã 13 năm trôi qua. Rồi đúng ngày hè này, đang ngồi trong nhà chống dịch theo Chỉ thị 16 của Chính phủ thì có một cuộc gọi lạ. Vừa bắt máy chưa kịp hỏi thì đầu dây kia đã reo lên: “Chú khỏe không? Lâu không lên Bản Phố uống rượu à?”. Thì ra có một anh cán bộ Sở Văn hóa lên Bản Phố làm việc có gặp Thào. Qua hỏi thăm, anh này đã liên hệ với vài người quen dưới Sở xin số điện thoại giúp để Thào gọi cho tôi. Thào khoe: “Mẹ tao đã về nhà. Tao làm được nhà mới rồi, sắp tới con trai cũng sẽ lấy vợ, mong rằng em có thể lên Bản Phố uống rượu”. Đó là một tin thật vui, vui vẻ nhất trong mùa dịch. Trên vùng núi cao, nơi những cây ngô lên đến đỉnh núi heo hút sương mờ, thế là ba người mồ côi mà tôi đã có duyên quen, nay đã không còn mồ côi nữa.

TRANG TUỆ

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 17, 9/2021)