Tình yêu văn nghệ của người Thổ

Đã từng đi đến nhiều cộng đồng dân tộc ở nhiều khu vực khác nhau trong cả nước nhưng tôi chưa từng thấy cộng đồng nào có niềm say mê văn nghệ như nhóm người Thổ. Không cần mời gọi, chỉ cần nghe tiếng cồng chiêng nổi lên là người dân sẽ tập trung lại. Họ múa hát với nhau cho đến khi mệt thì nghỉ. Những đứa trẻ còn trên lưng mẹ hay những người già bảy, tám mươi tuổi đều thích du dương trong tiếng nhạc. Đây là tình yêu văn nghệ của cộng đồng người Thổ ở Thái Hòa. Nó mãnh liệt như những đôi trai gái trong thời đầu mới yêu nhau…

Làng Đóng – một cái tên quen thuộc của người Thổ ở thị xã Thái Hòa. Làng Đóng tồn tại từ lâu và trải qua nhiều thăng trầm cùng lịch sử. Trong chiến tranh phá hoại năm 1965, làng bị cháy lớn, hầu hết các hộ gia đình bị cháy hết nhà cửa. Sau trận đó, làng mở rộng không gian và có nhiệu hộ gần đấy cũng tập trung về làng. Hiện tại, trong làng có 78 hộ gia đình cùng sinh sống. Trong mấy năm gần đây, làng Đóng đã hòa mình vào dòng chảy đô thị, trở thành khối Quang Minh – một phần nhỏ của phường Quang Phong, thị xã Thái Hòa. Trong bức tranh phố thị đó, người ngoài không dễ gì nhận biết được làng Đóng, bởi nó cũng chẳng khác biệt lắm so với các khu phố khác bên cạnh. Phải đi vào gặp gỡ người dân, người ta mới bắt đầu cảm nhận được những nét đặc trưng của một làng Thổ trong cái không gian bao trùm của phố phường.

Khi cồng chiêng nổi lên, người dân làng Đóng lại tập trung nhảy múa, ca hát. Dù ngày lễ hay ngày thường thì văn nghệ vẫn là một món ăn tinh thần quan trọng đối với họ

Nét đặc trưng đó chính là con người, là văn hóa truyền thống. Những làn sóng đô thị hóa mạnh mẽ trong nhiều năm qua đã và đang mài mòn đi nhiều yếu tố văn hóa truyền thống của dân tộc Thổ. Nhưng có những thứ mà thời gian và cả đô thị hóa vẫn chưa thể làm mất đi vẻ đẹp của nó. Đó là tình yêu văn nghệ – một nét đặc trưng nổi bật của người Thổ. Hầu như các cộng đồng đều có sự yêu thích văn nghệ và luôn có cho mình một di sản về nghệ thuật biểu diễn riêng biệt. Nhưng với cộng đồng người Thổ ở Nghệ An nói chung và người Thổ ở làng Đóng nói riêng, nó không chỉ là sự thích thú, mà còn là tình yêu, là niềm đam mê mãnh liệt đối với văn nghệ.

Tìm hiểu về đời sống văn hóa của người Thổ, chúng tôi đến gặp cụ Nguyễn Hữu Thơ, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Quang Phong, cũng là một nghệ nhân, một già làng uy tín của làng Đóng. Cụ Thơ chia sẻ: “Làng Đóng ngày nay trở thành một khu phố nhỏ, nhưng cũng là làng nằm trong phố. Bề ngoài của làng đã trở nên hiện đại, nhà cửa khang trang, đường sá sạch đẹp, rải nhựa và bê tông cả. Điều đó làm cho người ta không còn nhận ra hình hài của một ngôi làng của người Thổ nữa. Nhưng với người làng Đóng, thì vẫn giữ gìn được một số căn tính của dân tộc mình qua các yếu tố văn hóa truyền thống, rõ nhất là tình yêu văn nghệ. Cuộc sống hầu như đã đổi thay, nhưng tình yêu âm nhạc của người Thổ ở đây thì vẫn không thay đổi”.

Để nhiều người nhảy múa, cần phải có một nghệ nhân hát mời chào (nghệ nhân Hồ Thị Năm đang hát mời bạn bè cùng tham gia nhảy múa)

Như để chứng minh, cụ Thơ đưa điện thoại lên gọi mấy cuộc. Một lúc có thêm một vài nghệ nhân khác đến. Họ cùng nhau thổi kèn và hát những làn điệu dân ca truyền thống cho nhau nghe. Lâu lâu lại quay qua nói vài câu giải thích với chúng tôi, xong lại tập trung biểu diễn. Chỉ một lúc đã có gần chục người kéo đến nhà cụ Thơ để tham gia. Vợ cụ Thơ – nghệ nhân Hồ Thị Năm cũng tạm rời việc nhà ra chung vui với mọi người bằng những điệu hát rất êm ả. Hai vợ chồng cụ Thơ được người dân trong làng yêu quý vì sự nhiệt tình, niềm đam mê văn nghệ và cả tinh thần, ý thức về lưu giữ những làn điệu dân ca dân vũ nói riêng và các yếu tố văn hóa truyền thống của người Thổ nói chung. Càng lúc càng có nhiều người đến tham gia, giống như một ngày hội.

Như sợ chúng tôi trở thành người ngoài cuộc, lâu lâu lại có một người quay qua hỏi thăm, nhất là bà Năm. Mỗi lần bà hỏi một người, và hỏi cho đến hết cả mấy vị khách lạ. Mỗi khi hỏi về tên tuổi, bà Năm lại tặng thêm cho một câu hát “dạ ôi” đậm chất dân ca Thổ: “Cháu là con cháu (mà) nhà ai. Ơi cháu ơi, sao lời ăn tiếng nói (mà) bà thấy khoan thai, dịu dàng”. Xong bà lại nhập vào tiếng kèn, tiếng sáo để tiếp tục ca hát. Chưa dừng lại ở đó, cụ Thơ gọi điện một lúc, rồi quay lại bảo chúng tôi là các cụ muốn mời anh em ở lại ăn bữa cơm, uống chén rượu và tham gia văn nghệ với bà con. Cứ như vậy, chỉ một lúc sau, cơm rượu được đưa ra, rồi cồng chiêng cũng được nổi lên. Khi nghe tiếng cồng chiêng, người dân càng tụ tập đông hơn. Bữa cơm chưa xong nhưng tiếng cồng chiêng, tiếng kèn sáo nổi lên cùng với những điệu múa, khiến những người đang ăn cũng dừng lại để thưởng thức văn nghệ. Một số người phụ nữ cõng con, cháu trên lưng cũng ra tham gia nhảy. Họ tự hòa mình vào dòng chảy âm nhạc một cách tự nhiên. Mệt thì ra ngoài nghỉ, rồi lại tiếp tục vào tham gia. Cứ như vậy mà một ngày bình thường lại trở thành một đêm hội văn nghệ, dù chẳng có sự kiện gì cả.

Bên cạnh cồng chiêng thì kèn là nhạc cụ quan trọng của người Thổ (nghệ nhân Nguyễn Hữu Thương giới thiệu về kèn của người Thổ và thổi một số làn điệu quen thuộc)

Lẫn trong đám đông đang hát hò nhảy múa theo điệu nhạc, có một cụ bà đã lớn tuổi, lưng đã còng nhưng vẫn rất nhiệt tình tham gia. Lúc thì cụ múa, lúc thì cụ hát, rồi có lúc cụ lại đánh cồng chiêng. Đó là cụ bà Phạm Thị Chi, sinh năm 1936. Hơn 87 tuổi nhưng tình yêu văn nghệ trong con người cụ không thua kém gì đám thanh niên. Cụ Chi cười hồn hậu: “Không cần phải có dịp, cũng không cần phải ai mời mọc. Cứ thích là rủ nhau mang cồng chiêng, mang kèn sáo ra để cùng nhau múa hát. Tiếng cồng chiêng vang lên như lời thông báo, mọi người sẽ biết và rủ nhau đến để cùng nhau vui chơi. Người Thổ là vậy, văn nghệ cũng như cơm nước hàng ngày. Nó quan trọng và ăn sâu vào tâm thức con người chúng tôi”.

Tình yêu văn nghệ của người Thổ không phân biệt tuổi tác (cụ Phạm Thị Chi, 87 tuổi đánh cồng chiêng cho mọi người nhảy múa)

Người Thổ ở làng Đóng thuộc nhóm Cuối, là một nhóm địa phương quan trọng của dân tộc Thổ. Nhóm Cuối khá phổ biến ở vùng Tân Kỳ, Thái Hòa, Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp. Họ có quan hệ gần gũi với các nhóm như Kẹo, Mọn, nhưng lại có nhiều khác biệt với một số nhóm khác cùng dân tộc như Đan Lai, Tày Poọng ở phía đường 7. Hiện nay, văn hóa truyền thống của người Thổ ở làng Đóng đã bị mai một, mất mát rất nhiều. May thay, trong sự biến đổi đó, một số yếu tố văn hóa truyền thống lại vẫn được gìn giữ dù rằng phải đối diện với nhiều thách thức, trong đó có nghệ thuật biểu diễn. Sở dĩ nó còn được như vậy là nhờ có tình yêu, niềm đam mê văn nghệ cháy bỏng của người dân nơi đây.

Lời ông Nguyễn Cảnh Kiều, Chủ tịch UBND phường Quang Phong thêm một lần khẳng định về tình yêu văn nghệ của bà con dân tộc Thổ, cho ta thấy quý hơn niềm đam mê của bà con trong bối cảnh văn hóa truyền thống đang hàng ngày đối diện với nhiều thách thức lai tạp và đồng hóa: “Thị xã Thái Hòa đang đẩy mạnh quá trình đô thị hóa, nó tạo sức ép lớn đối với văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số nơi đây. Và việc gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa các cộng đồng thật sự trở nên khó khăn. Nhưng với nhóm người Thổ, có lẽ tình yêu văn nghệ đã giúp họ tạo thành một thành trì cuối cùng để cố gắng lưu giữ lại những làn điệu dân ca, những bộ cồng chiêng và các nhạc cụ khác, và chung hơn là các yếu tố văn hóa phi vật thể. Chỉ có tình yêu, niềm đam mê trong xương tủy mới là động lực, là thành trì vững chắc cho các yếu tố văn hóa này tiếp tục tồn tại”. Và điều đó, gần như chúng ta cũng thấy trong cộng đồng người Thổ ở nhiều địa phương khác.

Bùi Hào