Xưa Huồi Thơi có tên gọi là Huồi Xan, con suối chảy vòng quanh chân núi, ôm ấp bản Tùng Hương, xã Tam Quang, huyện Tương Dương, Nghệ An.
Có năm lũ lên, nước Huồi Thơi ngập cả cánh đồng ít ỏi mà dân bản dành để cấy lúa. Mặc dầu vậy, nhưng Huồi Thơi vẫn luôn là cảm hứng của những điệu lăm, nhuôn, xuối, của người Thái và người Tày Pọng nơi đây. Huồi Thơi cũng là nguồn cảm xúc để những người con đi xa bản luôn nhớ và muốn về.

  Cô gái trẻ đang xúc cá bên bờ suối. Em có dáng người dong dỏng cao, gương mặt thanh thoát, tóc ngắn chớm vai, màu tóc ánh vàng, da trắng, cứ nghĩ em không phải người bản này. Em cho biết, tên Ngà sinh năm 1997. Ở cái bản này mà gặp được một người trẻ là chuyện hiếm hoi. Em bảo, mới trở về từ thành phố. Ngày đó, cưới chồng xong, Ngà được chị họ chồng đưa về thành phố xin làm việc tại một công ty tư vấn tài chính. Nghề không mấy vất vả, chỉ cần quen mấy thao tác cơ bản trên máy tính, rồi hàng ngày giao dịch cho vay đối với sinh viên thì lương tháng cũng được dăm triệu. Ngà bảo, còn hơn ở nhà, không biết làm gì kiếm ra đồng tiền, lên rừng hái củi hái măng cũng chẳng biết bán cho ai, vì ra trung tâm xã cũng hết nửa buổi đi xe máy. Mấy năm đầu công việc còn suôn sẻ, nhưng khi chính quyền quản lý chặt nạn cho vay lãi cao của một số công ty tài chính tư nhân thì Ngà gần như thất nghiệp. Đúng lúc ấy, anh rể chồng chuyển Ngà vào đảm nhiệm công việc tại một cơ sở chân rết ở Huế. Hôm ấy anh trai của anh rể chồng, là quản lý cơ sở, nhiệt tình ra đón Ngà tận bến xe, sau đó đưa Ngà đi ăn đêm, rồi còn lái xe lòng vòng quanh bờ sông Hương thơ mộng, ngắm cảnh cố đô về đêm… Ngà nghĩ chắc mình ở hiền gặp lành, được chăm sóc tận tình nên cảm giác cô đơn xa nhà, xa chồng nhanh chóng dịu vơi. Em được thư giãn, bù đắp cho  tuổi thơ lam lũ nơi bản vắng. Đêm ấy, đang thiu ngủ, bỗng một thân hình đàn ông với mùi mồ hôi lạ ấp lên ngực, làm Ngà sực tỉnh, cô đạp mạnh hắn ra khỏi giường, rồi vụt chạy vào nấp trong nhà kho, run rẩy. Gã đàn ông lúc chiều dịu ngọt, “anh chỉ trêu em thôi mà, đừng sợ”. Nhưng Ngà khóc, ngồi thụp trong góc nhà. Hắn lại gần dỗ dành, Ngà nghĩ chắc hắn xấu hổ với cử chỉ thô bạo nên cô trở lại phòng ngủ. Lúc này, Ngà cẩn thận hơn, bấm chốt cửa rồi mới ngủ tiếp. Nhưng gần sáng, gã đàn ông ấy có chìa khóa riêng, hắn lại mò vào với Ngà. Hai cánh tay lực lưỡng và thân hình nặng của hắn làm Ngà gần như ngạt thở. Sau cái đêm hôm ấy, đêm nào Ngà cũng khóc một mình. Cảm giác tủi hổ ê chề, nhưng nếu về bản thì lấy đâu thu nhập để nuôi con, nuôi mẹ già.
Đó chỉ là một trong những câu chuyện mà tôi nghe được ở ngôi bản nơi vùng cao biên giới. Đó là chưa kể những chàng trai cô gái đi theo những đường dây cò mồi, rủ rê vượt biên sang tận Trung Quốc, Lào, Thái Lan, mỗi người một số phận. Người gặp may mắn ít hơn người rủi ro. Vài năm lại nay còn rộ lên tại xã Hữu Kiệm và xã Chiêu Lưu của huyện Kỳ Sơn, có hàng chục phụ nữ kéo nhau sang Trung Quốc bán bào thai, có chị đã bỏ mạng mà không thể đưa xác về. Ông Nguyễn Hữu Lượng, Chủ tịch xã Hữu Kiệm cho biết, trong 3 năm, xã ông có 22 phụ nữ vượt biên sang Trung Quốc bán bào thai. Công an Nghệ An tổng hợp, vài năm nay, tình hình tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em trên địa bàn Nghệ An, nhất là tại các huyện miền núi tiếp tục diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Toàn tỉnh Nghệ An hiện còn 263 phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương, nghi là nạn nhân của tội phạm mua bán người. Riêng huyện biên giới Kỳ Sơn có 25 trường hợp phụ nữ dân tộc thiểu số mang thai sang Trung Quốc đẻ; trong số đó lực lượng Công an đã xác minh làm rõ 6 trường hợp sau khi sinh con đã bán lại bên Trung Quốc, mỗi trường hợp từ 80 đến 140 triệu đồng; các trường hợp còn lại do thường xuyên vắng mặt tại địa phương nên chưa thể xác minh, làm rõ được. Tôi còn ghi được những câu chuyện, nhiều cô gái trẻ bị bán cho chủ chứa, rồi chủ giữ luôn hộ chiếu không cho nạn nhân ra ngoài, sau đó chúng báo cảnh sát bắt giam nạn nhân với lí do nhập cảnh trái phép. Rồi chủ chứa với chiêu bài rủ lòng thương, đi chuộc nạn nhân, nhưng cam kết phải tuân thủ, ngoan ngoãn nghe lời thì mới chuộc ra khỏi nhà tù xứ người…
Tôi nhìn qua cánh đồng, bên kia là Đồn biên phòng Tam Quang,  khuôn viên đồn rực sáng, điểm tô thêm bức tranh của núi rừng biên giới. Bên này là ngôi nhà ông Lô Quốc Tuấn, già bản Tủng Hương, ông đã ở cái tuổi xưa nay hiếm. Từng là Bí thư Chi bộ của bản, nên ông nắm rất rõ lai lịch của bản. Ông Tuấn có dáng người rắn chắc. Khuôn mặt ông sạm nắng, khắc khổ, trông ông giống như một cựu chiến binh về bản. Ở cái tuổi ông, đáng ra phải được nghỉ ngơi, thụ hưởng, nhưng từ ngày cả 4 người con đi làm ăn xa thì mọi việc nhà, việc bản đều đến tay ông. Bản Tủng Hương, nhà nào cũng dựng cột gỗ kê, mái ngói, hoặc mái tôn vững chãi. Ông Tuấn cho biết, bản đã được công nhận là “làng văn hóa” đầu tiên ở huyện Tương Dương. Thế nhưng, những ngả đường trong  bản sáng trắng ấy có cảm giác lạnh vắng, vì rặt không một bóng thanh niên.

Già bản Lô Quốc Tuấn chuẩn bị nếp nhà cho cô con gái út. Ảnh: PV

Ông Lô Quốc Tuấn dẫn tôi vòng quanh bản. Ông chỉ xuống suối, nói: Những năm trước, người Tủng Hương không phải đi đâu xa, chỉ cần vác chài xuống suối đã đem về mê man nào cá mát, cá tịt mũi, cá còm. Cũng những năm ấy, người bản chỉ cần vào bìa rừng là đã đầy ắp gùi: măng nứa, nấm đùi gà, rau dún. Nhưng từ khi người Tùng Hương đông thêm, bản chia ra thành hai bản Tủng Hương và Liên Hương, thì cây trên rừng cũng thưa dần bởi rãy lúa, nương ngô, nhưng cũng không đủ ăn. Ông Tuấn giải thích, Tủng Hương có 171 hộ với hơn 700 khẩu, mỗi khẩu chỉ được chia bình quân 59 m2 đất sản xuất, nên thường xuyên thiếu lương thực. Chính vì thế, thanh niên trai, gái bản đã phải đi xa tìm công ăn việc làm, rồi mỗi năm họ gửi tiền về cho người thân làm nhà, sửa bản, nên anh nhìn đó, bản khang trang như thế này nhưng vắng người. Ông Lô Quốc Tuấn lý giải tiếp, cả 4 người con của ông cũng không ai ở nhà. Hiện cô con gái út, chưa chồng, “đang làm việc cho một công ty may tận trong thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm nó gửi về cho một ít, nên tôi tích cóp mua gỗ để đó, khi nó lấy chồng thì dựng cho nó cái nhà sàn”. Còn 2 cô con gái lớn thì vào làm thuê trong Đăk Lắc, rồi lấy chồng và ở hẳn trong ấy, chúng ít về lắm, vì bận việc nhà. Người con trai duy nhất của ông cũng đi tìm việc làm rồi lấy vợ ở xa, nên vợ chồng già vò võ trong ngôi nhà trống, rộng thênh. Cũng may, trời cho sức khỏe, chứ đau ốm là không ai chăm sóc.
“Người già như chúng ta là không đi làm ăn xa được nên phải ở nhà thôi. Ai còn trẻ, còn sức thì họ đi. Anh coi, bản không còn thanh niên khỏe ở nhà nữa. Nếu mà trong bản có việc khiêng ma thì người già như chúng ta vẫn phải đi khiêng. Việc chi trong bản ni, người già như chúng ta phải làm hết, kể cả làm đường trong bản hay dựng cột nhà, may còn có bộ đội biên phòng, chúng nó như con cháu, họ hàng, có việc chi nặng thì kêu chúng nó giúp”. Ông Tuấn giãi bày, mắt ông nhìn lên núi như tránh ánh nhìn của tôi.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang, Thiếu tá Hồ Xuân Tuyến cho biết, bản Tủng Hương được huyện rất quan tâm như giúp bà con vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi trâu bò, lợn gà, nhưng về lợn thì nay đã bán hết và chưa nuôi lại được bởi dịch tả lợn Châu Phi. Đặc biệt bộ đội biên phòng Đồn Tam Quang còn kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ các hộ nghèo. Hay như chuyện làm đường bê tông trong bản chẳng hạn, Nhà nước hỗ trợ vật tư, dân và bộ đội biên phòng góp công sức. Vấn đề này, Thượng tá Phan Thanh Hồng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tam Quang, trong một đoạn băng mà tôi phỏng vấn ghi âm, cũng xác nhận, đầu năm 2020, Đồn đã đứng ra vận động quyên góp xây dựng được 3 ngôi nhà tình nghĩa, kết nối các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm chung tay chăm lo các hộ nghèo, gia đình chính sách.Triển khai chương trình “Nâng bước em tới trường”, xây dựng công trình nước sạch, hỗ trợ  “Tết vì người nghèo”, đồng hành cùng địa phương bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, đảm bảo an ninh trật tự và an ninh nông thôn, hạn chế tối đa các vụ án…  Để bảo tồn nét văn hóa người Thái, người Tày Pọng, bà con vừa lập một tổ dệt gồm 6 khung cửi, tập hợp được 28 chị em tham gia để vừa giữ gìn nét văn hóa bản sắc vừa kiếm thêm thu nhập.

Bản đã vắng thanh niên. Ảnh: PV

Trong chuyến đi thực tế của Ban Văn xuôi, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An, cuối tháng 11 năm ngoái, làm việc với ông Lữ Văn May, Phó Bí thư Huyện ủy Tương Dương, ông cho biết, địa phương này vẫn đang thuộc diện 30a, tức là huyện nghèo, Nhà nước còn phải hỗ trợ mọi phương diện đời sống người dân. Do mưu cầu cuộc sống, nên thanh niên các bản vùng cao tự đi tìm công ăn việc làm, nhưng nếu họ không chủ động ra đi thì cũng khó giải quyết nhu cầu cuộc sống cho họ. Huyện đã có hơn 8.000 lao động đi làm ăn xa, kể cả tại thị trường Trung Quốc. Bên cạnh những bất cập, thậm chí cả những rủi ro, thì phải ghi nhận rằng, thu nhập từ lao động gửi về địa phương là trên 500 tỷ đồng mỗi năm; gương mặt nông thôn miền núi khởi sắc hơn trước cũng nhờ một phần từ nguồn này. Trong khi đó tổng thu ngân sách của toàn huyện giai đoạn 2016- 2020 chỉ ước đạt 120 tỷ đồng. Tuy nhiên, huyện đang cố gắng thống kê danh sách số lao động đi làm ăn xa, nắm tình hình di biến động của họ để kịp thời có biện pháp bảo hộ, hỗ trợ họ những khi cần thiết. Bên cạnh đó có chính sách đào tạo nghề để khi họ ra đi thì dễ tiếp cận, hòa nhập với môi trường lao động mới.
  Tôi lẩn thẩn từ đầu bản đến cuối bản Tủng Hương, những ngôi nhà sàn rực mái ngói khang trang, vững chãi, bên sườn núi. Bản đẹp như tranh, nhưng rặt không bóng dáng những chàng trai, cô gái.

Lang Quốc Khánh
(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam, Số 6/Bộ mới/2020)